7/11/13

MỘT SỐ VẤN ĐỀ VỀ TỔ CHỨC CHÍNH TRỊ PHẢN ĐỘNG FULRO



Hà Xuân Nguyên


FULRO là tên viết tắt của tổ chức Front Unifié de Lutte des Races  Ompprinés - Mặt trận thống nhất tranh đấu của các dân tộc bị áp bức ra đời do âm mưu của Pháp muốn thông qua bọn tay sai ở vùng dân tộc để nắm Tây nguyên.
Để chống lại chính sách đồng hóa của Ngô Đình Diệm, ngày 1/5/1958, Uỷ ban trung ương của đại diện một số trí thức dân tộc họp tại Pleiku tuyên bố về sự ra đời của phong trào Ba Ra Ja Ka do Y Bhăm Ênuol làm Chủ tịch (Y Bhăm Ênuol bị lính Khơ Me đỏ giết chết năm 1975 cùng với 5 lãnh tụ cầm đầu khác của Fulro tại Campuchia), Phó Chủ tịch thứ 1 là Faul Ngưr, Phó Chủ tịch thứ 2 là Sui Sipp. Mục đích của phong trào là đấu tranh để duy trì bản sắc văn hóa dân tộc, bảo vệ quyền lợi cho các dân tộc thiểu số, chống cả chính quyền Sài Gòn và chính quyền Cộng sản, đòi chấm dứt sự quản lý của người Kinh ở Tây nguyên, đòi Tây nguyên tự trị. Tuyên bố do 49 người ký tên. Ngày 9/9/1958, phong trào này biểu tình, nên bị Ngô Đình Diệm đàn áp, số lãnh đạo bị bắt. Năm 1959 phong trào bị dập tắt. Đây là thời kỳ phát triển của Fulro 1.
Thời kỳ Mỹ xâm lược nước ta tiếp tục nắm lấy Fulro sử dụng bọn tay sai trong vùng dân tộc theo chân Pháp. Vào giai đoạn cuối của cuộc kháng chiến chống Mỹ, chúng ta đã phát hiện âm mưu của CIA khôi phục và sử dụng Fulro cho kế hoạch hậu chiến - gọi là Fulro 2, nhằm dùng lực lượng này chống phá cách mạng Việt Nam trước mắt và lâu dài (sự kiện thành lập quân đội "Áo xanh miền núi” do tên tình báo Mỹ New Man đội lốt Mục sư Tin lành và tên trợ lý của hắn là Jordy trực tiếp chỉ đạo lực lượng này chứng minh khá rõ âm mưu của chúng). Khi Hiệp định Paris được ký kết, Mỹ thấy rõ thất bại không tránh khỏi, chúng tiếp tục điều chỉnh “kế hoạch hậu chiến”, ra sức xây dựng lực lượng Fulro. Tướng tình báo Mỹ Jonh Panl Van núp dưới danh nghĩa cố vấn đặc biệt của tướng ngụy Vĩnh Lộc liên lạc tiếp xúc  với Y Preh (Buôn Kông), nguyên  đại tá Fulro với Y Nguê (Buôn Đáp) Mục sư Tin lành và Y Sênh Niê, trung tá quân khu 2, với Y Chon Lo (Buôn Đu), Tổng thư ký Bộ phát triển sắc tộc ngụy tiếp tục chỉ huy lực lượng Fulro, đưa Fulro trở thành lực lượng thứ 3 ở Tây nguyên khi có giải pháp chính trị cho vấn đề miền Nam. Vì vậy, vào thời điểm này - tháng 3/1964, Mỹ ép chính quyền ngụy phải thả các lãnh đạo của phong trào này và bố trí vào làm việc tại các cơ quan chính quyền. Lợi dụng tình hình này, số cầm đầu đã vận động nhân dân tiếp tục đứng lên đấu tranh. Ngày 20/9/1964, được Mỹ bật đèn xanh, nhóm chủ trương đấu tranh vũ trang của FLHPM đã tổ chức cuộc bạo loạn của sĩ quan, binh lính người Thượng ở 5 trại thuộc lực lượng đặc biệt của Mỹ: Sarpa, Buôn Briêng, Bu Prang, Đ’mega, Bản Đôn và một số đơn vị dân sự chiến đấu, địa phương quân tại Quảng Đức và Đăk Lăk. Lực lượng bạo loạn có khoảng 3.000 người đã đánh chiếm quận lỵ Đức Lập, đồn ba biên giới Đăk Lấp, đồn Sêpốc, Cầu 14, Đài Phát thanh Buôn Mê Thuột; bắt giết 35 sĩ quan người Kinh của ngụy, rải truyền đơn kêu gọi đoàn kết các sắc dân, đòi người Kinh rút khỏi Tây nguyên (để kỷ niệm chiến thắng này, Fulro đã lấy ngày này làm ngày Quốc khánh). Đến ngày 28/9/1964 phong trào bị dập tắt. Tiếp đến, ngày 25/6/1965, tại Phôngpênh, hội nghị các dân tộc Đông dương ra đời và sau đó các mặt trận sáp nhập lại với nhau (gồm: Mặt trận giải phóng Miên hạ - FLKK, Mặt trận giải phóng xứ Chàm - FLC, Mặt trận giải phóng dân tộc cao nguyên - FLHPM) lập ra tổ chức Mặt trận đấu tranh của các dân tộc bị áp bức - gọi tắc là Fulro. Tổ chức này lấy ngày 20/9  làm ngày Quốc khánh.
Tháng 4/1965, Nguyễn Cao Kỳ kêu gọi Fulro từ Campuchia trở về hợp tác với chính quyền ngụy để chống Cộng sản. Đến tháng 9/1965, Fulro kéo về. Ngày 17/12/1965, Fulro tiếp tục bạo loạn lần 2 tại Phú Thiện, Phú Bổn, tàn sát một số công chức, binh lính người Kinh. Ngụy quyền Sài Gòn tiếp tục đáp áp, vì vậy sự trở về của Fulro bị gián đoạn.
Sang năm 1966 - 1967, Mỹ vừa tiếp tục khống chế hoạt động của Fulro, vừa ép ngụy quyền Sài Gòn phải nhượng bộ giải quyết thêm một số yêu sách để thúc đẩy Fulro về hợp tác. Đến ngày 6/10/1966, có hơn 500 sĩ quan, binh lính Fulro cùng gia đình về hợp tác với ngụy. Chính quyền Nguyễn Văn Thiệu đã có những nhượng bộ đó là: Ban hành Sắc luật 033/67 về quy chế riêng biệt cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, quy định nâng đỡ người dân tộc trong các lĩnh vực hành chính, y tế, giáo dục, văn hóa, xã hội... và Sắc luật 034/67 quy định quyền sở hữu đất đai, lập khu sinh sống chính cho người dân tộc để định canh định cư, giúp đỡ phương tiện canh tác....
Năm 1968, sau cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1968, Mỹ càng thúc ép ngụy quyền giải quyết những bất đồng còn lại để toàn bộ lực lượng Fulro trở về. Ngày 1/2/1969, có 2.257 sỹ quan, binh lính cùng 3.214 người trở về. Trong giai đoạn này, lực lượng Fulro Chămpa ở Ninh Thuận do Huỳnh Ngọc Sắng chỉ huy đã nhanh chóng hình thành, phát triển, nhưng đến năm 1969 do mâu thuẫn với Fulro Thượng (FLHPM) và bị chính quyền đàn áp mạnh, Huỳnh Ngọc Sắng phải trốn. Đến đây giai đoạn Fulro 2 kết thúc.
Cuối năm 1972, Y Bhăm Ênuol đã liên lạc với Kpă Kới (khi đó là Chủ tịch Ban Chấp hành tỉnh bộ Đăk Lăk của Phong trào đoàn kết các sắc tộc thiểu số cao nguyên miền Nam Việt Nam- Kpă Kới bị lính Pôn Pốt giết chết năm 1975 tại Campuchia khi đi tìm kiếm liên lạc với người Mỹ) và ra những chỉ thị cho nhóm Kpă Kới chỉ đạo phục hồi phong trào Furo cũ ở trong nước. Giữa năm 1973, nhóm này đã móc nối với các tổ chức, cá nhân người Mỹ như: Trung tâm Hoa Kỳ tìm kiếm những người chết và mất tích (JCRC), Mục sư Swain Fohn Paul Van - cố vấn tình báo Mỹ phụ trách về công tác bình định. Mặt khác, Mỹ đạo diễn cho Fulro đi bắt mối, liên lạc với cán bộ ta ở địa phương dưới danh nghĩa bàn việc hợp tác tìm người Mỹ chết và mất tích tại Tây nguyên, thực chất là để thâm nhập, nắm bắt tình hình lực lượng cách mạng và mưu đồ hợp thức hóa vai trò của Fulro, tạo dựng Fulro thành lực lượng thứ 3 tham gia vào chính phủ liên hiệp 3 thành phần mà chúng hy vọng sẽ lập ra theo Hiệp định Pari. Tháng 9/1973, Kpă Kới cùng một số đối tượng chạy vào rừng tổ chức hoạt động bất hợp pháp. Những năm đầu năm 1974, nhóm Kpă Kới bắt đầu hoạt động mạnh ở Đăk Lăk và gây ảnh hưởng sang Tuyên Đức, Pleiku. Chính quyền ngụy một mặt cho rằng lực lượng Kpă Kới bị lợi dụng (chúng gọi là nhóm ngụy danh Fulro), nên cho người tiếp xúc gọi về, đồng thời dùng quân đội đàn áp. Ngày 20/9/1974, Y Bhăm Ênuol còn gửi thư cho Tổng thư ký Liên Hợp quốc và kêu gọi dư luận quốc tế can thiệp để chính quyền Sài Gòn thừa nhận Fulro là đại biểu duy nhất và có thẩm quyền của nhân dân miền núi Nam Đông Dương.
Sau giải phóng, nổi lên là sự kiện bọn phản động Khe Me đỏ ở Campuchia gây chiến tranh biên giới Tây nam (từ ngày 3/5/1975 chúng đã đưa quân ra đánh đảo Phú Quốc). Từ năm 1976, Pôn Pốt tác động trực tiếp vào Tây nguyên, mở đầu là việc đánh vào ngã ba Đắk Sông, vào phố huyện Đăk Min (Đăk Lăk). Trong khi đó, ở phía Bắc, từ năm 1978, Trung Quốc tiến hành chiến dịch nạn kiều đẩy mạnh việc tuyên truyền chống Việt Nam và ngày 17/2/1979 xâm lược nước ta. Trung Quốc tìm cách móc nối, giúp đỡ tổ chức Fulro hoạt động chống phá ta. Đồng thời các thế lực khác (như Thái Lan...) cũng đã tìm cách sử dụng con bài Fulro để chống Cộng sản. Nhưng trên thực tế Fulro càng ngày càng bị đánh bại và rút sang ẩn náu ở Campuchia.
Năm 1991 - 1992, những cố gắng cuối cùng của Fulro để liên lạc, móc nối phối hợp trong và ngoài bị thất bại. Số cầm đầu và thân nhân khoảng vài trăm người ẩn náu tại Mondokiri - Campuchia không được tổ chức nào hỗ trợ nên những người này lâm vào cảnh bần cùng đói khổ, nên họ đã quyết định liên lạc với Chính phủ Campuchia và lực lượng UNTAC để được đi nước thứ 3. Với sự chấp thuận của Mỹ và UNTAC, đến tháng 12/1992, toàn bộ số Fulro còn lại (gồm 407 người cả phụ nữ và trẻ em) do Đại tá Y Pênh A Yun cầm đầu đã ra hàng UNTAC, tuyên bố chấm dứt hoạt động chính trị và vũ trang, nộp vũ khí và được đưa đi định cư ở Mỹ. (Giai đoạn Fulro 3 được tính từ thời điểm năm 1972 - 1992).
Trong cuộc đấu tranh chống Fulro, theo thống kê không đầy đủ của Bộ Công an, trên địa bàn Tây nguyên từ năm 1975 đến 1987, Fulro đã gây cho ta nhiều tổn thất như: Giết ta hơn 1.050 người, có 1.339 người bị thương, cướp 631 súng và 2.012 đạn và 96 xe tải của ta.
Mặt khác, tổ chức FULRO có liên quan một số chức sắc, truyền đạo Tin lành, nên sau giải phóng, trên toàn địa bàn Tây nguyên ta đã đóng cửa 117/124 nhà thờ Tin lành và cho 25 Mục sư và 13 Truyền đạo sinh cải tạo.
          Tóm lại, Fulro là sản phẩm của chủ nghĩa đế quốc kết hợp với chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi theo hướng tự trị, ly khai, là tổ chức chính trị phản động trong dân tộc thiểu số điển hình nhất từ trước đến nay. Chúng có hệ thống tổ chức khá chặt chẽ theo cơ cấu hành chính kết hợp với quân sự, có lực lượng vũ trang qui mô tương đối lớn, phạm vi hoạt động trên một địa bàn rộng. Đặc biệt, Fulro đã lừa bịp, lôi kéo, khống chế một bộ phận quần chúng người dân tộc thiểu số và câu kết chặt chẽ với các thế lực thù địch bên ngoài chống phá cách mạng Việt Nam.
------------




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét