15/11/13

CĂN TÍNH VĂN HÓA, ẢO TƯỞNG VÀ HẬU QUẢ

  Tác phẩm Mớ bòng bong tộc người (L'Imbroglio ethnique) đã tiến hành một sự phê phán triệt để đối với các hệ tư tưởng theo thuyết khác biệt, còn tạp chíTìm hiểu (Comprendre) thì đi tìm một câu trả lời hiện đại cho những yêu sách văn hóa của các nhóm thiểu số (1).
Tộc người, dân tộc, căn tính, tất cả các thuật ngữ ấy nói chung đang trở lại mạnh mẽ trong từ vựng chính trị những năm gần đây. Nhờ có các phong trào xã hội, các cuộc chiến tranh và những tác phẩm mô tả chúng, các thuật ngữ ấy làm sống lại một vấn đề vừa xã hội học, vừa chính trị và triết học mà người ta tưởng đã xa lạ với tính hiện đại: vấn đề bản chất văn hóa của ranh giới chia cắt các cộng đồng người.
Trong Mớ bòng bong tộc người, René Galissot, Mondher Kilani và Annamaria Rivera tập trung những nỗ lực của mình để khảo sát từ vựng xã hội học đương đại do những vấn đề căn tính văn hóa gợi ra. Công việc này có tính sư phạm và nhằm khám phá trường chung cho các khoa học chính trị và nhân học cổ điển: tính công dân, tính dân tộc, căn tính, văn hóa, tính tộc người, chủ nghĩa chủng tộc, những khuôn đúc, những định kiến ngôn ngữ... Dưới bề ngoài bách khoa ấy, công việc này cho thấy nó được thúc đẩy bởi một mối quan tâm đặc biệt: tháo dỡ những ảo tưởng chung gắn liền với việc sử dụng những thuật ngữ ấy, nhất là ảo tưởng cho rằng chúng có thể dùng để chỉ những đối tượng bền vững và dễ được thừa nhận. Trong các lĩnh vực này, chỉ một chút lịch sử cũng đủ soi sáng được nhiều. Nếu khái niệm văn hóa đã gặp thành công về khoa học và truyền thông như người ta biết hiện nay, thì đó trước hết là do vào đầu TK XX này, nó cho phép phá vỡ lý thuyết chủng tộc cũ của các nhà nhân học muốn dồn các dân tộc bị thực dân thống trị vào một sự thống trị lâu dài. Thời ấy thuật ngữ này là một tiến bộ. Nhưng, A.Rivera nhấn mạnh, việc sử dụng nó hiện nay thật hồ đồ: nếu nó được dùng để bảo vệ các nhóm thiểu số bị áp bức, thì nó cũng được dùng để kèo dài mãi mãi chủ nghĩa khác biệt không xa mấy với ý tưởng về chủng tộc, và có thể ủng hộ tất cả các chủ nghĩa chủng tộc, các sự bài ngoại và các chủ nghĩa lấy tộc người làm trung tâm. Do đó, A.Rivera kêu gọi chúng ta vượt qua sự rối loạn ấy của văn hóa mà James Clifford đã vạch ra cũng như vượt qua mọi lối sử dụng khái niệm này theo lối bản chất luận: các văn hóa không phải là các truyền thống, các tâm thức, mà là các biểu tượng được lịch sử xây dựng, ít lâu bền và được làm sống dậy qua các hoàn cảnh. Trong bối cảnh hiện thời, việc trông cậy vào các văn hóa và các lối hùng biện về tính đích thực là "biểu hiện các chiến lược bảo vệ giống nhau của các nhóm xã hội bị áp bức hay bị loại trừ". Như vậy, lập trường ấy rõ ràng là chống thuyết duy văn hóa và nó gợi ra rằng sẽ hoàn toàn không thích đáng, khi muốn giải thích các sự kiện xã hội bằng sự tồn tại của những truyền thống văn hóa (Arap - Hồi giáo hay Do Thái giáo - Kitô giáo).

Sự hội tụ của các quan điểm giữa các tác giả là gần như hoàn toàn, và nó cho phép họ tiến hành sự phê phán với cùng một nội dung đối với toàn bộ những đầu vào: các khái niệm về tộc người, cộng đồng, ngôn ngữ, tính dân tộc, chủng tộc, thân tộc, mà dưới con mắt của họ đó là những sự trừu tượng hóa có ích cho việc xây dựng những vũ trụ tượng trưng nhằm tái sản xuất hay tới sự bác bỏ các quan hệ xã hội, kinh tế và chính trị hiện hành. Nhà xã hội học và nhà nhân học chỉ có thể đồng ý với nhau về ý nghĩa như những hệ quả mà không phải như những nguyên nhân. Tóm lại, không nên sử dụng các khái niệm ấy.
Tuy có bổ ích cho cách tiếp cận thứ nhất, sự phê phán của các tác giả Mớ bòng bong tộc người tỏ ra bị lỗi thời về một vài mặt. Ngày nay, ngoài việc sử dụng thiếu suy nghĩ về hướng đi chung, còn có ai bảo vệ một quan niệm theo chủ nghĩa bản chất về các truyền thống, văn hóa và tộc người nữa không? Mặt khác, việc đưa các khái niệm ấy vào lĩnh vực các hệ tư tưởng đã không tính tới khả năng động viên của chúng cũng như tới tầm quan trọng của những vấn đề chính trị: ít hay nhiều, phẩm chất lớn của các ngôn ngữ chỉ là một thành kiến phi lý, và sự gắn bó của một cộng đồng dân tộc (hay một cộng đồng khác) vào ngôn ngữ của mình là một hiện tượng không thể phủ nhận mà chính các giới cầm quyền chính trị coi trọng.
Chính vì thế, để đi sâu hơn vào các cuộc tranh luận về triết học chính trị hiện nay, nên đọc số 1 tạp chí Tìm hiểu dưới sự chỉ đạo của Will Kimlicka, nhà triết học Canada chuyên về thuyết đa văn hóa, và của Sylvie Mesure, nhà xã hội học và tác giả một công trình nhan đề Những nghịch lý của căn tính dân chủ (1999) (2), trong đó đã trình bày sự suy nghĩ tuyệt vời về vấn đề các căn tính văn hóa. Đó là một cuộc tranh luận - tất cả các tác giả không nói cùng một giọng - mà vấn đề then chốt là như nhau: trong chừng mực nào thì việc thừa nhận các căn tính văn hóa có thể đi đôi với những nguyên tắc bình đẳng và tự do là những nguyên tắc của các xã hội hiện đại và dân chủ?
Cuộc tranh luận có tính nguyên tắc này, như W.Kymlicka nhắc lại, đã có một bối cảnh lý thuyết phong phú, đối lập nước Mỹ tự do và nước Mỹ cộng đồng. Một cách sơ lược, có thể nói rằng nước Mỹ thứ nhất bảo vệ quyền tự do của cá nhân, còn nước Mỹ thứ hai thì khẳng định vị trí hàng đầu của cộng đồng. Tuy nhiên, khi đụng đầu với những tiến hóa cụ thể của những yêu sách văn hóa của các nhóm thiểu số Mỹ, từ mười năm nay cuộc tranh luận đã biến đổi: trên thực tế không có nhóm thiểu số nào nhân danh tính toàn vẹn văn hóa của mình để từ bỏ những ý tưởng dân chủ và tự do cả. Vì thế, cuộc tranh luận diễn ra ở một trình độ khác: thẩm quyền văn hóa của nhà nước và mức độ thừa nhận phải có của công chúng đối với các văn hóa thiểu số, dù đó là bản địa, nhập cư hay loại người (phụ nữ, người mù...).
Như vậy, các lập trường có thể khác nhau và thậm chí đối chọi nhau nhân danh tương đối luận ít hay nhiều quan trọng về các giá trị, nhưng cách nhìn về các quyền tập thể mới không trực tiếp gây ra sự quay lại với những cộng đồng khép kín và áp bức đối với cá nhân. Như Michel Seymour giải thích, chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa tự do không những không giống nhau, mà còn có một lịch sử chung, và người ta không hiểu tại sao chủ nghĩa tự do lại không thể chấp nhận những hình thức áp đặt văn hóa mới, một điều chẳng quan trọng gì mấy so với việc quay về với những truyền thống tộc người.
Được đặt ra như vậy, chủ nghĩa đa văn hóa trở thành một vấn đề được hiểu rõ hơn nhiều ở châu Âu (so với nước Mỹ) như một bảo đảm cho các quyền tự do cá nhân, nơi chủ nghĩa riêng biệt hiện ra như một nguyên nhân chia rẽ và một nhân tố thoái hóa văn hóa.
Ba vấn đề chi phối toàn bộ những đóng góp này: sự đi đôi của một số căn tính văn hóa được tiếng là truyền thống với tính hiện đại, tính trung lập của nhà nước và bản chất của những quyền được mở ra cho sự thừa nhận những khác biệt văn hóa.
Về vấn đề thứ nhất, những sự phân tích gặp nhau (các tác giả của Mớ bòng bong tộc người cũng tán thành): từ chế độ bộ lạc châu Phi, theo Lukas Sosoé, là kết quả của việc ghép chủ nghĩa dân tộc hiện đại lên các thực thể thuộc địa, đến vai trò hiện đại hóa Hồi giáo của những ngoại ô theo Farhad Khosrokhavar, cũng như ý tưởng về một sự trỗi dậy mới có thể có của các văn hóa phi hiện đại đã bị gạt bỏ, ngoại trừ (có thể) trong trường hợp của chủ nghĩa châu Á cấp tiến do Jean Louis Margolin phân tích. Một cách đơn giản hơn, việc Philippe Jean Catinchi biện hộ cho một văn hóa được làm ra ở Corse hơn là truyền thống Corse đã mang lại một ánh sáng bổ ích về vấn đề về trạng thái cổ xưa được giả định của chế độ vùng ở Pháp.
Về điểm thứ hai, tính trung lập của nhà nước, đã có những ý kiến đối lập nhau: như M.Seymour gợi ra, có nên từ bỏ ý tưởng sai lầm này và chuẩn bị xây dựng các nhà nước đa văn hóa để bảo đảm một quyền tập thể cho sự khác biệt văn hóa, ngôn ngữ, tôn giáo (như ở Québec) không? Hoặc giả, cùng với Dominique Schnapper, chấp nhận rằng sự áp đặt một văn hóa chung là cái giá phải trả để bảo đảm cho những người sống ở một xứ sở hiện đại đạt tới chỗ bình đẳng?
Đằng sau những câu hỏi ấy, như các tác giả cảm nhận, là những hậu quả sẽ xảy ra của Liên hiệp châu Âu đang hình thành: có cần phải qua một văn hóa chung, hay phải áp dụng một chế độ đa văn hóa lên một bức tranh khảm các dân tộc có thể khác với những dân tộc đang tồn tại hiện nay? Michel Foucher, nhà địa lý, hoàn toàn không tin vào một châu Âu của những vùng chỉ có thể tạo thành những thực thể văn hóa trong một số ít trường hợp đã rõ ràng (đứng đầu là Catalogne).
Cuối cùng, có liên quan trực tiếp với vấn đề trên đây, đang đặt ra vấn đề về bản chất của những quyền văn hóa có thể được một chính sách thừa nhận. Những giới hạn về các nguồn lực, đạo đức, gia đình, biểu hiện tôn giáo, ngôn ngữ sẽ có thể là như thế nào? Liệu người ta có sẵn sàng chấp nhận rằng chế độ sở hữu, sự thừa kế, các chế độ lao động, những sự chăm sóc dành cho phụ nữ và trẻ em, các chế độ hôn nhân, các hình phạt được áp dụng sẽ khác nhau theo cộng đồng văn hóa của mỗi người.
Tuy những hoàn cảnh ấy đang tồn tại trên thế giới, tất cả các tác giả đều đồng ý gạt bỏ ý tưởng cho rằng sự phủ định các quyền căn bản của con người và của công dân có thể được biện minh bằng những khác biệt văn hóa. Điều đó có nghĩa là, trên bình diện các nguyên tắc, các quyền về văn hóa (hay gắn bó về văn hóa) không thể được trao cho cá nhân. Trong một nhà nước đa văn hóa, mỗi người có thể được quyền học ngôn ngữ của mình, nhưng không một cộng đồng nào có thể bắt buộc con em mình hay những người láng giềng của chúng phải làm như vậy, hay bắt chúng cứ phải là thành viên của cộng đồng ấy... Và cũng vậy, nếu bỏ qua một bên sự khoan dung và chăm sóc, thì điều đó dường sẽ làm giảm bớt quyền lực thích hợp của các thể chế tập thể. Vì thật dễ thấy rằng làm như thế, bất cứ nhà nước nào cũng bị đưa tới chỗ thừa nhận mình là một tập thể cao hơn những tập thể cấu thành, hoặc phải tự cấm mình áp đặt luật pháp (thật ra đó là một hình thức văn hóa). Đó là một trong nhiều khó khăn nan giải mà chủ nghĩa tương đối về các giá trị, đã bị Raymond Boudon tố cáo, có thể đưa tới: nếu sự khoan dung là một giá trị, thì nó không thể bị hệ quả của chính nó phủ nhận (điều đó sẽ là khoan dung sự khoan dung).
_______________
1. R.Gallissot, M.Kilani, A.Rivera, Mớ bòng bong tộc người, Payot, 2001; W.Kymlicka, S.Mesure, Các thực thể văn hóa, tạp chí Comprendre, No 1, Puf, 2000.
2. Với A.Reneut, Flamanrion, 2002 (tái bản).
Nguồn: Tạp chí VHNT số 340, tháng 10-2012
Tác giả: Nicolas Journet (Song Khuê dịch


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét