9/11/13

MỘT NỮ GIÁO DÂN NGƯỜI DÂN TỘC THIỂU SỐ VỚI VIỆC BẢO TỒN NGHỀ DỆT TRUYỀN THỐNG



Đến phường Thắng Lợi, thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum không ai không biết đến chị Y Hanh, một nữ giáo dân Công giáo có công lớn trong việc vận động chị em người Ba na ở làng Kon Klor hình thành nên Tổ hợp tác Thắng Lợi chuyên sản xuất các mặt hàng thủ công mỹ nghệ truyền thống dân tộc được khách du lịch trong và ngoài nước đánh giá cao...

Chủ nhiệm Y Hanh bên khung dệt
 
Ra đời năm 2003, đến nay Tổ hợp tác Thắng Lợi đã có gần 10 năm hình thành, phát triển, lúc đầu trụ sở đặt tại nhà riêng chị Y Hanh, chỉ có 50 thành viên (trong đó 30 nữ, 20 nam), đội ngũ thợ chuyên nghiệp chưa nhiều, nguồn kinh phí đầu tư có hạn nên sản phẩm làm ra ít người mua, thu nhập các thành viên thấp, không ổn định…,
song dưới sự dẫn dắt của Chủ nhiệm Y Hanh và được sự quan tâm, hỗ trợ giúp đỡ tận tình của các cơ quan, đoàn thể địa phương, những vướng mắc ban đầu dần dần được được tháo gỡ. Khi mới ra đời, Ủy ban nhân dân phường Thắng Lợi đã hỗ trợ trên 05 triệu đồng giúp tổ mua chỉ dệt, sau đó tạo điều kiện cho tổ mượn hội trường của thôn để đặt các khung cửi, có thể nhiều người vào làm cùng lúc…
Sản phẩm chủ lực của Tổ hợp tác Thắng Lợi gồm các mặt hàng về đan lát như gùi, giỏ… và dệt khăn trải bàn, túi, khố, váy am, áo nữ, bóp, ví…. Các tổ viên tổ hoạt động trên nguyên tắc tự nguyện, tự quản, nhưng vẫn là làm rẫy, làm ruộng là chính.. Trường hợp có được hợp đồng lớn, thì các thành viên không kể ban ngày hay ban đêm, ai cũng có trách nhiệm phải làm, khi nào giao đủ hàng cho khách mới thôi, vì thế những lúc cao điểm trong tổ có gần 120 người….  Mặt khác, để tạo được chỗ đứng cho hàng hóa của tổ, khi dệt các chị luôn sáng tạo cách điệu nhưng không xa rời những nét hoa văn truyền thống cho ra đời các sản phẩm đẹp mắt, phù hợp với thị hiếu và gu thẩm mỹ người tiêu dùng; cải tiến cách dệt hoa văn bằng việc chọn các màu chỉ thành một cụm thay cho cách làm cũ là nhặt và đè từng sợi giúp rút ngắn thời gian, hạ giá thành sản phẩm, nhưng dù thời gian có gấp đến mấy các chị em cũng đặt chất lượng, uy tín lên hàng đầu, chứ không được làm cẩu thả, qua loa, nhờ vậy sản phẩm của tổ không ngừng được nhiều địa phương biết đến. Các thành viên trong tổ - từ những chị lành nghề cho đến những người mới tham gia học nghề... đều đồng đẳng, đồng quyền với nhau. Thu nhập từ việc bán sản phẩm làm ra được chia đều cho các chị em, với mức hiện nay từ 01 triệu đến 1,5 triệu. Mặt khác, trong những năm gần đây, ngoài dệt, những chị em có tay nghề cao trong tổ (thường gọi là nghệ nhân) phải tham gia giảng dạy các lớp (đối tượng chủ yếu là chị em) do Hội Nông dân, Trung tâm Dạy nghề, Tỉnh đoàn, Hội Liên hiệp phụ nữ, Liên minh Hợp tác xã… mở theo mục tiêu đào tạo nghề, mỗi khóa thường 3 tháng, số lượng mỗi lớp tùy thuộc vào đối tượng, ít nhất là khoảng 30 người, cao nhất là gần 100 người. Thực tế, sau khóa học một số chị em về lại địa phương đã dệt được, đã có thu nhập và cũng đã có nhiều chị quay lại để học nâng cao thêm - Vì do đặc thù công việc, để dệt tốt thì người học nghề phải phải có tính kiên nhẫn, chăm chỉ, chịu khó, có óc sáng tạo trong vắt sợi, pha sợi để tạo hoa văn, muốn vậy thời gian học nghề ít nhất phải 06 tháng…
Trao đổi với chúng tôi về những dự tính tương lai để Tổ hợp tác Thắng Lợi phát, chị Y Hanh cho biết thêm, trong điều kiện hội nhập hiện nay, việc bảo tồn, phát huy nghành nghề truyền thống dân tộc với những sản phẩm văn hóa, du lịch đang gặp nhiều khó khăn do giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, thị trường tiêu thụ chủ yếu trông chờ vào khách du lịch…. nên thu nhập từ nghề dệt chưa cao, chưa bền vững, vì thế rất mong muốn chính quyền có sự quan tâm đầu tư thỏa đáng hơn nữa... Với tư cách là Chủ nhiệm Tổ hợp tác Thắng Lợi, chị quả quyết với chúng tôi rằng: Tuy cuộc sống tổ viên còn khó khăn, chị em không đặt nặng chuyện thu nhập cao thấp, mà chính là mong muốn được chính quyền hỗ trợ, giúp đỡ để cùng góp sức khôi phục, bảo tồn, phát huy được nghề dệt thổ cẩm truyền thống của đồng bào Ba na, qua đó giới thiệu với bạn bè trong và ngoài nước nét văn hóa độc đáo của đồng bào các dân tộc Kon Tum - Tây Nguyên nói riêng, văn hóa Việt Nam nói chung.
Tôi nghĩ, những vấn đề chị Y Hanh nêu ra không mới, nhưng rất cần chính quyền các cấp, các ngành quan tâm xem xét, hỗ trợ, tạo điều kiện cho Tổ hợp tác Thắng Lợi phát triển, góp phần bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc, thu hút khách du lịch, giúp cho nhiều chị em phụ nữ có công ăn việc làm, thu nhập ổn định, góp phần xóa tỷ lệ đói nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Kon Tum.









Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét