9/11/13

GIẢI PHÁP NÀO CHO TÂY NGUYÊN PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG



Thạc sĩ 
Hà Xuân Nguyên


Tây nguyên hiện nay gồm 05 tỉnh: Kon Tum, Gia Lai, Đăk Lăk, Lâm Đồng và Đăk Nông, tổng diện tích tự nhiên là 59.754 km2 (chiếm 16,8 % diện tích cả nước), giáp biên giới Lào và Campuchia dài 590 km, dân số hiện nay hơn 4,9 triệu người. Cơ cấu hành chính toàn vùng có 592 xã, 68 phường, 48 thị trấn thuộc 51 huyện, 04 thị xã, 04 thành phố thuộc tỉnh (trong đó có 537 xã khó khăn, 211 xã khu vực 3 với 7.086 thôn, buôn, tổ dân phố, trong đó 2.765 thôn buôn người dân tộc thiểu số, 1.668 thôn buôn đặc biệt khó khăn).
Đặc trưng cư dân nơi đây chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, sống ở các xã vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hiểu biết xã hội còn hạn chế, trình độ sản xuất kinh tế còn thấp và không đều, có truyền thống đoàn kết, gắn bó, thương yêu đùm bọc giúp đỡ lẫn nhau. Hơn nữa, đây cũng là vùng đất có nhiều tiềm năng hấp dẫn, do vậy, từ sau ngày giải phóng đến nay, Tây nguyên có tốc độ tăng dân số và biến động về cơ cấu dân cư nhanh nhất so với cả nước. Theo số liệu của Ban Chỉ đạo Tây nguyên, năm 1976, toàn vùng có 1.225.000 người, gồm 18 dân tộc, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ là 853.820 người (chiếm 69,7 %), năm 1993 tăng lên gấp đôi là 2.426.854 người, gồm 35 dân tộc, đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ chiếm 44,2 %, đến cuối năm 2008 có 4.966.699 người, gồm 46 dân tộc, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ là 1.262.167 người (chỉ còn chiếm 25,26 %), đồng bào từ nơi khác đến là 370.453 người, đồng bào Kinh là 3.224.207 người.

Về hệ thống chính trị cơ sở, trình độ cán bộ, công chức cấp xã còn yếu, chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ đề ra, địa bàn rộng, giao thông đi lại khó khăn, có xã dân số đông (vài nghìn dân), có xã dân số rất ít (khoảng một hoặc hơn nghìn dân)...
Về phương diện quân sự, Tây nguyên là một địa bàn có ưu thế cả trong tấn công và phòng thủ, giữ vị trí chiến lược quan trọng về chính trị, quốc phòng, an ninh của đất nước.
Tuy có nhiều yếu tố không thuận lợi tác động như vậy, nhưng trong thời gian qua, đảng bộ, chính quyền các cấp ở Tây nguyên luôn có những giải pháp với mục tiêu cuối cùng là giúp người dân thoát nghèo, chẳng hạn như:
Một là, tăng kinh phí đầu tư để các xã có điều kiện triển khai thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, văn hoá… ở địa phương.
Hai là, ban hành chính sách thu hút cán bộ trẻ - nhất là những sinh viên tốt nghiệp đại học với chuyên ngành lâm, nông, nghiệp, kinh tế, thuỷ lợi về công tác, đồng thời phân công các sở, ban, ngành đoàn thể tỉnh, huyện nhận đỡ đầu, giúp xã khó khăn(1).
Ba là, cho dân vay vốn ưu đãi để sản xuất, kinh doanh, chăn nuôi trâu, bò, dê....
Bốn là, từ sự quan tâm đầu tư của Đảng, Nhà nước thông qua các chương trình, dự án cụ thể, như Nghị quyết số 10-NQ/TW của Bộ Chính trị, Chương trình 132, 135, 167, 168....
Nhờ thế, cuộc sống người dân từng bước có những thay đổi. GDP tăng trưởng năm sau cao hơn năm trước (năm 2001 là 6,79 %, năm 2006 là 13,46 %, năm 2007 là 15,31 %...), dự ước tổng sản phẩm toàn vùng tăng 13,3 %. Cơ cấu kinh tế dịch chuyển theo hướng tích cực. Nhiều chỉ tiêu cơ bản hoàn thành vượt mức kế hoạch (như thu ngân sách, kim ngạch xuất khẩu, giá trị sản xuất công nghiệp, diện tích sản lượng các loại nông sản chủ lực). Đã nâng cấp 3 sân bay, 13 tuyến quốc lộ, 57 tuyến tỉnh lộ và liên huyện, hàng trăm tuyến đường liên xã. Đã giao trên 30.000 ha rừng cho 1.577 hộ và khoán bảo vệ 37.000 ha rừng cho 2.855 hộ đồng bào dân tộc thiểu số thiếu đất sản xuất... Đã giải quyết cơ bản tình trạng thiếu đói triền miên và giảm tỷ lệ hộ dân tộc thiểu số nghèo (theo tiêu chí mới) từ 63,7% năm 2005 xuống 41,9 % năm 2008... Hệ thống giao thông và mạng lưới dịch vụ nông thôn mở rộng đến vùng sâu vùng xa, vùng biên giới. Có 98,6 % số xã vùng dân tộc thiểu số có đường ô tô đến trung tâm, 97,2 % số xã có điện lưới quốc gia, 56 % số hộ được dùng điện, gần 60 % hộ dùng nước sạch, 95 % số hộ được nghe đài phát thanh, trên 90 % hộ xem truyền hình, 100 % xã có điện thoại, có trạm y tế, có mạng lưới y tế cộng đồng, có trường học, trường mẫu giáo...
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được nêu trên, kinh tế toàn khu vực nói chung, trong vùng đồng bào dân tộc nói riêng tăng trưởng chậm, phát triển chưa bền vững, khoảng cách giàu nghèo giữa các vùng còn chênh lệch lớn; số hộ đói nghèo còn chiếm tỷ lệ cao; tình trạng tái mù chữ - nhất là ở phụ nữ tái diễn; hiệu quả thực hiện các chương trình dự án còn thấp; công tác quy hoạch, bố trí sử dụng cán bộ là người dân tộc thiểu số tại chỗ còn chắp vá, chưa có chiến lược lâu dài, chưa đồng bộ giữa các vùng, giữa các dân tộc. Riêng đối với hệ thống chính trị, hiện nay ở cấp xã tuy có cán bộ các sở, ban, ngành của tỉnh và huyện tăng cường, cùng với số cán bộ 253, nhưng hiệu quả công việc không cao, nếu có là ở việc hoàn thành các văn bản, các báo cáo đúng kỳ hạn, thống kê số liệu tương đối đầy đủ, còn nhiệm vụ quan trọng nhất là giúp xã đề ra các giải pháp hữu ích, có lợi cho dân để áp dụng thì hầu như không có...
--------------------------
(1). Tiên phong trong công tác này là tỉnh Kon Tum. Trước đây Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Kon Tum ban hành Nghị quyết 04 về xây dựng các xã khó khăn, mới đây, UBND tỉnh Kon Tum ban hành Quyết định số 16/2009/QĐ-UBND ngày 13-02-2009 về triển khai thực hiện Đề án hỗ trợ cán bộ tăng cường, luân chuyển, thu hút tri thức trẻ, cán bộ khuyến nông, khuyến lâm về công tác tại 14 xã trọng điểm đặc biệt khó khăn, ngoài ra còn nhiều chính sách khác nữa….


Nguyên nhân của tồn tại trên là:
- Thứ nhất, môi trường an ninh, chính trị, xã hội… nơi đây luôn bị các thế lực thù địch lợi dụng, thâm nhập, hoạt động, chỉ đạo, gây khó khăn cho ta trong công tác quản lý địa bàn.
- Thứ hai, chúng ta chưa có được đội ngũ cán bộ thật sự vững vàng về mọi mặt để làm động lực cho sự nghiệp xây dựng và phát triển quê hương.  
Do vậy, để đưa Tây nguyên phát triển đi lên, theo tôi, trong thời gian tới chúng ta cần tập trung thực hiện một số nhiệm vụ sau:
1. Phải tạo ra được sự ổn định về an ninh, chính trị ở Tây nguyên làm cơ sở, tiền đề cho sự phát triển
Tây nguyên hiện nay còn bảo lưu nhiều tàng tích của chế độ công xã nông thôn, là bảo tàng sống, là đối tượng nghiên cứu của nhiều ngành khoa học. Những ứng xử thiếu khôn ngoan, hấp tấp, vội vàng, áp đặt tất sẽ có những tác động xấu về mặt xã hội. Muốn Tây nguyên phát triển toàn diện, trước hết cần có sự góp công của các nhà khoa học xã hội và nhân văn định hướng, đi tiên phong.
Theo đó, nhân tố quan trọng để quần chúng tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, ủng hộ chế độ không gì hơn ngoài việc chăm lo cho họ có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, được tạo điều kiện học tập, có tri thức bước vào ngưỡng cửa của thời đại mới. Do vậy, ngoài việc thực hiện các giải pháp về phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội..., chính quyền các cấp phải thực hiện tốt quy chế dân chủ, cần bàn bạc, trao đổi trước với dân những vấn đề cần làm, sẽ làm rồi mới thực hiện. Phải đi sát, đi sâu cơ sở, kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân để có những giải pháp kịp thời nhằm giữ vững và đảm bảo được sự ổn định, đoàn kết trong dân. Bất cứ giá nào, trong hoàn cảnh nào cũng không để tình trạng khiếu kiện đông người, vượt cấp kéo dài, cần giải quyết dứt điểm ngay khi mới manh nha hình thành, tránh để sơ hở, sai sót cho kẻ địch lợi dụng.
Ngoài ra, chúng ta phải làm tốt công tác dân vận ở khu vực biên giới, phối hợp chặt chẽ với lực lượng quân đội đứng chân trên địa bàn để làm tốt nhiệm vụ bảo vệ an ninh biên giới quốc gia. Phải huy động được sức dân, tạo lòng tin ở dân, xây dựng được thế trận lòng dân vững chắc. Những vùng xung yếu đặc biệt khó khăn thì các cấp ủy đảng, chính quyền chủ động phối hợp với lực lượng quân đội trực tiếp tham gia tổ chức sản xuất, gắn phát triển kinh tế với quốc phòng - an ninh, đảm bảo sự đoàn kết thống nhất ở khu dân cư.
2. Hướng dẫn nhân dân làm kinh tế thoát nghèo
Vấn đề đặt ra làm thoát nghèo bằng cách nào, phải làm gì mới có hiệu quả. Ngoài việc triển khai đồng bộ các giải pháp như đã thực hiện (như thâm canh tăng vụ, khai hoang đất hoang hóa, chăn nuôi, trồng các loại cây công nghiệp ngắn và dài ngày...), các cấp chính quyền đặc biệt chú ý vào nội dung vận động, hướng dẫn nhân dân làm kinh tế.
Với nhận thức như vậy, tôi xin đưa ra một mô hình:

Đơn vị Làng

 
 





Theo sơ đồ trên thì:
a. Về cán bộ kỹ thuật(1): Mỗi xã chỉ cần 01 người là đủ. Lúc này, chúng ta không nên xem nặng chuyện bằng cấp chuyên môn, mà cần có chính sách thu hút người làm được việc, ưu tiên tuyển chọn những người thật sự có kinh nghiệm, năng lực, nhất là những người sinh sống tại làng lâu năm, biết tiếng dân tộc, biết phong tục tập quán.... 
b. Người dân tham gia thực hiện: Trước mắt có thể chọn những hộ điển hình ở làng có thành tích lao động, sản xuất làm thí điểm, nếu thành công thì nhân ra diện rộng. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để người dân hiểu và tự giác thực hiện. Khi đã hiểu ra vấn đề thì để cho dân tự chựa chọn cán bộ kỹ thuật làm đối tác để triển khai, chính quyền không được ép buộc phải chọn lấy người này hoặc người kia.
c. Sự tư vấn, hỗ trợ của huyện: Thể hiện ở các mặt cụ thể:
- Cử cán bộ chuyên môn đến hướng dẫn, tư vấn hoặc giới thiệu các mô hình đang làm ăn có hiệu quả trên cả nước để người dân biết, tham khảo;
- Nếu dự án đang trong quá trình triển khai thí điểm thì huyện sẽ hỗ trợ tất cả chi phí.
d. Sự lựa chọn mô hình sản xuất phù hợp: Ở đây, việc chọn lựa phương án sản xuất, kinh doanh do cán bộ kỹ thuật và nhân dân trong làng tự bàn bạc, quyết định, chính quyền không nên can thiệp.
e. Về quy mô, địa bàn triển khai mô hình: Nên lấy đơn vị làng làm cơ sở thực hiện, không nên tổ chức trên phạm vi toàn xã. Bởi vì, đối với đồng bào dân tộc thì làng là thiết chế nhỏ, nhưng bền chặt, ăn sâu trong tâm thức người dân. Người cùng một làng mới đồng trách nhiệm, đồng nghĩa vụ. Giữa các làng trong xã có thể khác nhau về thành phần tộc người, huyết thống, phong tục tập quán... Do vậy, trong một xã thì nên tiến hành nhiều loại mô hình chuyên canh theo từng làng (chẳng hạn như làng này trồng rau thì làng khác trồng đậu, cà phê, chè….).
------------------------------------
(1). Về lương của cán bộ kỹ thuật thì thực hiện theo cơ chế: Trong 01 năm đầu thì ngân sách huyện chi trả 100 % (so với trình độ chuyên môn và quy định chung của công chức xã), năm thứ 2 thì huyện trả 50 % và dân trong làng góp trả 50 % tương ứng, từ năm thứ 3 trở về sau thì người cán bộ kỹ thuật và nhân dân trong làng tự thoả thuận, quyết định mức thù lao theo thành quả sản xuất. Việc để cán bộ kỹ thuật do huyện trả lương gần 02 năm đầu có dụng ý: Một là, khi tổ chức, triển khai các hoạt động sản xuất cần có thời gian nhất định, giai đoạn đầu chưa có thành quả ngay được, trong khoảng thời gian chờ đợi đó, cán bộ kỹ thuật cũng cần có tiền để trang trải cuộc sống. Hai là, việc đưa họ “thành người của xã” có tiện lợi là sẽ biết được các thông tin về phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội..., cũng như có điều kiện kiến nghị với cấp trên trong việc hỗ trợ giống, cây trồng, vật nuôi khi thực hiện thí điểm mô hình.
3. Thực hiện cho đúng, cho tốt chính sách dân tộc, tôn giáo của Đảng, Nhà nước và chính sách đất đai trong vùng dân tộc hiện nay
Trong công tác tôn giáo, cần quan tâm, tạo điều kiện giải quyết các nhu cầu sinh hoạt tôn giáo chính đáng, hợp lý, của quần chúng tín đồ, nhằm từng bước hướng dẫn chức sắc, tín đồ sinh hoạt tôn giáo đúng pháp luật. Trước mắt, các cấp chính quyền cần đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện Chỉ thị 01 của Thủ tướng Chính phủ về một số công tác đối với đạo Tin lành. Đối với những hệ phái đang được Ban Tôn giáo Chính phủ cấp chứng nhận đăng ký hoạt động thì xem xét, tạo điều kiện cho giáo hội mở các lớp đào tạo chức sắc, chức việc… làm cơ sở cho công tác công nhận tổ chức sau này. Đối với những hệ phái khác còn lại, chính quyền cơ sở tiếp tục hướng dẫn tín đồ đăng ký điểm nhóm sinh hoạt tôn giáo theo đúng quy định pháp luật. Cần có sự thống nhất cao độ trong nhận thức, hành động của cán bộ, đảng viên các cấp, các ngành về tôn giáo,  phải thấu rõ quan điểm: Giải quyết vấn đề dân tộc, tôn giáo phải xuất phát từ chính sách đại đoàn kết của Đảng.
Trong vấn đề dân tộc, không nên và cũng không thể đặt vấn đề hy sinh lợi ích của dân tộc này cho lợi ích của dân tộc kia, hy sinh dân tộc thiểu số cho dân tộc đa số, mà làm sao cho các dân tộc đều chung hưởng hạnh phúc, hoà bình. Mặt khác, nói đến vấn đề dân tộc là nói đến vấn đề văn hoá cán bộ. Do vậy, các ngành chuyên môn cần tổ chức điều tra, khảo sát, sưu tầm các vốn quý về văn hoá trong mỗi dân tộc để xem xét, chọn lọc cái gì cần giữ, cái gì cần bỏ (không phải cái gì trong truyền thống đều tốt).
Trong vấn đề đất đai cần có ý nghĩ thường trực rằng, đây là những mâu thuẫn luôn xảy ra trong đời thường, dễ bị lợi dụng kích động vì tính hẹp hòi, ích kỷ, dễ làm nảy sinh xung đột mà điều này đã từng xảy ra ở nhiều nơi trong nước ta. Đồng thời cần chú ý, trong tình hình hiện nay cần chú trọng giải quyết dứt điểm, nhanh chóng các vấn đề phát sinh từ đất có nguồn gốc tôn giáo, tránh để xảy ra điểm nóng. Có một thực tế diễn ra trong thời gian qua cần sớm khắc phục là, đối với người dân tộc thiểu số, tập quán canh tác truyền thống là luân canh, cần diện tích lớn để quay vòng, mỗi chu kỳ vài chục năm, ta không hiểu, cho đất chờ luân canh là đất vô chủ, đưa hết vào nông lâm trường. Cùng với đó là sự đầu cơ, trục lợi của một số thương nhân người kinh đến dụ dỗ, mua đất của đồng bào với giá rẻ mạt. Từ thực tế này, tôi đề nghị các cấp chính quyền cần có sự điều chỉnh về việc quy hoạch các khu vực đất; cân đối lại hoặc có chính sách ưu tiên đối với người dân tộc, tạo điều kiện cho họ có đất canh tác. Đối với những vùng đất quy hoạch trồng rừng nên giao cho người địa phương quản lý; xác định lại khu vực định canh định cư, tổ chức giao đất khoán rừng cho dân. Chúng ta chủ trương khuyến khích tạo điều kiện cho mọi người dân tìm cách làm giàu, song không phải ai có tiền mua bao nhiêu đất được.
4. Xây dựng cá nhân điển hình, tiên tiến trong cộng đồng làm ngọn cờ để tập hợp quần chúng nhân dân
Căn cứ vào thực tế mỗi vùng cụ thể, chính quyền các cấp cần có giải pháp nâng cao uy tín, vai trò già làng, trưởng bản..., làm sao cho cộng đồng thấy rằng, hiểu rằng dưới sự lãnh đạo của Đảng, chính quyền, nền văn hóa của họ không những không bị mai một mà được bảo tồn, phát huy...
Giải pháp cho vấn đề này có nhiều, song cần linh hoạt cho đạt hiệu quả. Theo tôi, trước mắt chọn một vài địa phương làm thí điểm để già làng, trưởng bản... kiêm luôn chức trưởng thôn để lãnh đạo, điều hành các hoạt động tại thôn, buôn, làng... Sau này, nếu sơ kết thấy đạt hiệu quả thì mới nhân ra diện rộng.
5. Xây dựng chính quyền cơ sở vững mạnh, hoạt động hiệu quả và vì dân
Để chính quyền cơ sở vững mạnh, chúng ta phải có chiến lược thu hút, đào tạo đội ngũ cán bộ cơ sở có tâm huyết, phẩm chất, trình độ chuyên môn. Muốn vậy, phải cần coi trọng công tác bồi dưỡng, đào tạo và phát triển đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số một cách đồng bộ, toàn diện ở các cấp và các lĩnh vực.
Để có được đội ngũ này thì hệ thống các trường phổ thông trung học nội trú tại các huyện, thị phải được nâng cấp, đầu tư đảm bảo đủ số lượng chỉ tiêu để cho các học sinh người dân tộc vào học. Ngành giáo dục các tỉnh Tây nguyên phối hợp với Sở Nội vụ, chính quyền địa phương và các cơ quan liên quan làm tốt hơn nữa công tác tham mưu cho Tỉnh uỷ, Uỷ ban nhân dân tỉnh có hướng đào tạo những học sinh đang học tại các nội trú vào những ngành nghề chuyên môn mà địa phương đang cần, đang thiếu hoặc theo cơ cấu sau: Cán bộ lãnh đạo chính trị, cán bộ quản lý, cán bộ kinh doanh và cán bộ chuyên môn để hướng các em theo học. Đi đôi với giải pháp "đầu vào" thì cần thực hiện tốt giải pháp "đầu ra", tránh trường hợp cho đi học về nhưng không sử dụng hoặc sử dụng không đúng chuyên môn. Có chính sách ưu tiên để thu hút cán bộ từ nơi khác đến vùng xâu, vùng xa, vùng biên giới công tác nhằm tạo được sức bậc làm chuyển biến bộ mặt miền núi. Ngoài ra, chính quyền cơ sở cần tổ chức triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ theo quy định, giải quyết nhanh chóng các yêu cầu người dân...
Những vấn đề trên có thể chưa đúng hoặc còn thiếu sót, mong quý vị độc giả góp thêm ý kiến./.

======


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét