15/4/14

Hư cấu và lịch sử trong truyện Tây Du Ký


Trích từ sách: Giải mã truyện Tây Du
Tác giả : Lê Anh Dũng
Ngoài tác phẩm của Ngô Thừa Ân, đời nhà Minh còn có bộ Tây du ký truyện của Dương Chí Hòa, gồm bốn mươi mốt hồi. Nhưng trước Dương Chí Hòa và Ngô Thừa Ân, câu chuyện tây du thỉnh kinh của sư Huyền Trang đời Đường đã từng được thần kỳ hóa, truyền khẩu trong dân gian, dựng thành tuồng hát…
Lỗ Tấn cho biết xưa đã có sách Đại Đường Tam tạng thủ kinh thi thoại với nhân vật Hầu Hành giả [Tề thiên]; tạp kịch đời Minh có Đường Tam tạng tây thiên thủ kinh, cũng gọi tên là Tây du ký, trong đó lại bỏ bớt nhân vật Tôn Ngộ không. Theo Lỗ Tấn, “ban đầu không có những chuyện kỳ lạ đặt bày, thế mà về sau các tiểu thuyết nói đến chuyện tinh quái khá nhiều. (…) Từ cuối Đường cho đến Tống, Nguyên cứ dần dần diễn thành chuyện thần dị…”[Lỗ Tấn 1996: 203].
Như thế, trong thực tế ở Trung Quốc từ xưa đã có nhiều dị bản về truyện Tây du, tuy nhiên nhiều người vẫn thuộc với các tình tiết trong bản Tây du ký diễn nghĩa của Ngô Thừa Ân, vì tác phẩm này được phổ biến nhất. Khi đối chiếu tiểu thuyết (bộ Tây du ký mười tập [TDK I-X 1982-1988]) với lịch sử cho thấy nhiều điểm gần trùng hợp, rất thú vị. Cuộc đời (thân thế) và sự nghiệp (cuộc thỉnh kinh) Đường tăng (Đường Tam tạng Pháp sư Huyền Trang) trong Tây du ký của Ngô Thừa Ân hoàn toàn là hư cấu.

KHUYNH HƯỚNG TỔNG THỂ CỦA HỒI GIÁO HIỆN ĐẠI


  BÙI NHẬT QUANG
1. KHÁI QUÁT VỀ HỒI GIÁO
1.1. Sự hình thành của Hồi giáo
Hồi giáo là một tôn giáo độc thần phát triển dựa trên nền tảng quan trọng nhất là Kinh Koran, một văn bản mà những người theo đức tin này cho rằng đã ghi nhận đúng từng lời răn dạy của Chúa Allah thông qua lời truyền đạt của Mohammed, người mà các tín đồ tin tưởng là Thiên sứ cuối cùng của Allah. Danh từ Hồi giáo (Islam) còn có nghĩa là “sự tuân phục đối với Chúa trời”, “hòa bình” và “con đường đi tới hòa bình”. Người tin tưởng vào Hồi giáo được gọi là Tín đồ Hồi giáo.
Hồi giáo ra đời vào đầu thế kỷ thứ VII tại khu vực Bán đảo Arab do nhà tiên tri Mohammed sáng lập. Mặc dù là tôn giáo ra đời muộn nhất ở Trung Đông với niên đại vào khoảng đầu thế kỷ VII sau Công nguyên (trong khi đó Do thái giáo được coi là tôn giáo ra đời sớm nhất tại khu vực Trung Đông với bề dầy lịch sử phát triển tính từ năm 2000 trước công nguyên, Thiên Chúa giáo có mặt ở Trung Đông từ thế kỷ thứ I sau Công nguyên) nhưng Hồi giáo đã nhanh chóng phát triển, mở rộng phạm vi ảnh hưởng và hiện nay trở thành tôn giáo có vị trí quan trọng nhất khu vực Trung Đông và đang mở rộng phạm vi ảnh hưởng trên toàn cầu. Lịch sử hình thành và phát triển của Hồi giáo gắn liền với bộ kinh Koran (Qur’an). Tương truyền rằng kinh Koran là sự nối kết những dòng tư tưởng về một tôn giáo độc thần khởi đầu từ tổ phụ Abraham, sau đó đến Maisen, qua Jesus và cuối cùng là Mohammed. Từ 2000 năm trước Công nguyên, người Arab đã biết đến Thiên Chúa của Abraham mà họ gọi là Allah. Điều đó có nghĩa là người Arab đã thờ Allah từ 27 Thế kỷ trước khi có Mohammed và đạo Hồi. Qua nhiều thế kỷ tiếp xúc với văn hoá Do Thái, người Arab rất quen thuộc với các nhân vật của Kinh thánh Cựu ước (Torah). Từ thế kỷ thứ I đến thế kỷ thứ VII, người Arab tiếp xúc với những người Thiên Chúa giáo thuộc Đế quốc Byzantine rộng lớn và từ các nước láng giềng như Syria, Ai Cập… Mặc dù có rất ít người Arab theo Thiên Chúa giáo lúc bấy giờ, nhưng họ cũng bị ảnh hưởng phần nào từ Thiên Chúa giáo. Trước khi kinh Koran ra đời, sự thiếu hụt của một nền tảng văn hóa và đức tin chung làm chỗ dựa cho quá trình phát triển xã hội khiến cho các cộng đồng người Arab tại Trung Đông đã gặp nhiều khó khăn trong tạo lập sức mạnh đoàn kết chống lại các thế lực áp bức bên ngoài cũng như chống lại sự lấn át về văn hóa của các nền văn minh khác.

TÔN GIÁO BỊ KHOA HỌC QUẬT ĐỔ


 STEVEN WEINBERG
Nguồn:khoahocnet.com

Khoa học và tôn giáo thật ra vốn không xung khắc, nhưng thật khó nói. Tiến bộ khoa học phần nào làm giảm những bí mật của vũ trụ, từ thế kỉ 18 đã gây ra sự suy tàn của đức tin. Quá trình này để lại cho nhân loại cái nhìn khá lạnh lẽo vào vũ trụ, nhưng lại thả ra sự mù quáng làm sinh ra đủ loại sùng bái. Và ngay cả không có Chúa đi nữa, thì chủ nghĩa hư vô cũng không phải là định mệnh.
Trong bài phát biểu nổi tiếng ở ĐH Harvart năm 1837 về “nhà bác học Mỹ”, triết gia Ralph Emerson đã thấy trước cái ngày mà nước Mỹ thôi không còn là “những người tập tễnh đi tìm học để biết những miền đất khác”. Tiên đoán của ông được thực hiện đầu thế kỉ 20, nhất là trong các lĩnh vực khoa học. Đây là điều may mắn. Trong danh sách các nhà bác học kiệt xuất, Emerson nêu tên Copernic, Galilée và Newton, bên cạnh Socrate, Jesus và Swendenborg[1].
Nhưng chắc chắn nhà triết học đã nghiệm thấy những tình cảm xáo trộn liên quan đến những hậu quả của tiến bộ khoa học: làm yếu đi những niềm tin tôn giáo. Theo lời của Herman Melville, ông nghĩ rằng “nếu ông sống vào thời sáng tạo thế giới, có thể ông đã đưa ra những gợi ý có giá trị”. Nhưng vị mục sư cổ, người theo thuyết-một-ngôi này nói chung có thiện ý với đấng Toàn Năng. Ông buồn tiếc về sự thụt lùi của đức tin – khái niệm trái ngược với sự sùng đạo thuần túy và sự thờ cúng – mà ông quan sát thấy ở Mỹ và cả ở Anh thời ông, nhưng tôi không nói rằng ông qui nó cho tiến bộ khoa học.
Tư tưởng về sự xung đột giữa khoa học và tôn giáo có từ thởi cổ. Theo nhà sử học Anh Edwart Gibbon, “Giáo hội Byzantine thấy trong sự nghiên cứu thiên nhiên dấu hiệu rõ nhất của tinh thần vô tín ngưỡng”. Mô tả nổi tiếng nhất về xung đột này [it ra ở Mỹ] là cuốn sách của Andrew Dickson White, xuất bản năm 1896 “Lịch sử chiến tranh giữa khoa học và thần học trong đạo Cơ đốc[2].

4/4/14

PHẬT GIÁO VÀ HƯ VÔ CHỦ NGHĨA

ROGER-POL DROIT
Thứ ba, 01 Tháng 4 2014 10:46
tăng kích thước chữ
Chúng ta tưởng là đã hiểu rõ Phật Giáo. Ðúng, ở một nghĩa nào đó. Ðã có hàng ngàn luận án và các tác phẩm uyên bác cũng như dịch phẩm được xuất bản từ cả trăm năm qua trong toàn thể các nước Tây phương. Liệu chúng ta đã có một cái nhìn chính xác và rõ ràng về thế giới đa dạng này không? Chắc chắn là không. Ðơn giản không phải chỉ vì chúng ta có thiếu sót trong những công trình nghiên cứu. Phải xét đến một lý do khác: có một phần tưởng tượng, một mộng ảo dư thừa[2]đã xen vào tri thức này. Chúng ta mơ Phật Giáo cùng lúc chúng ta nghiên cứu nó. Chúng ta gán cho nó những cái vốn là của chúng ta, chúng ta phóng rọi trên nó những thiên kiến của chúng ta: hôm qua là những nỗi sợ hãi, hôm nay là những niềm hy vọng. (Những sợ hãi và hy vọng đó)[3]nói về hoàn cảnh của chúng ta hơn là về thực tế  của nó. Vì thế, cần nhắc lại kiến thức về Phật Giáo đã được hình thành như thế nào, trước khi giải thích giấc mơ mà nó gợi lên được cấu tạo ra sao.
Ít có nhà nghiên cứu nào ở Tây Phương tự hỏi đối tượng của tri thức được gọi là Phật Giáo đã được khởi thảo như thế nào. Câu trả lời có vẻ quá hiển nhiên, quá giản dị đến nỗi tưởng như không cần phải đặt ra: Phật Giáo hiện hữu từ khi Phật thuyết pháp và Tây Phương biết Phật Giáo dần dần. Chỉ thế thôi. Chắc chắn người ta đã nhìn sơ qua các chủ thuyết tùy theo thời đại, theo nguồn thông tin, theo khả năng ngữ văn và cơ cấu tinh thần của những chứng nhân. Dù vậy, căn bản mà nói, có thể đã có một cái gì đáng gọi là “Phật Giáo” hiện diện và những người Châu Âu hiểu dần dần, như họ đã phát hiện ra những con hải sư có lông hay quần đảo Kerguelen.
Qua lăng kính các câu chuyện của du khách
Không đúng hẳn như thế. Mãi cho đến thế kỷ thứ 18, người ta chẳng cần tìm hiểu xem giáo lý của nhà Phật khác với giáo lý Bà La Môn như thế nào? Hiển nhiên là có các câu chuyện kể của những người du lịch và những nhà truyền giáo. Nhưng chẳng có nghi vấn tổng quát nào được họ đưa ra. Chẳng có ai đứng ra sưu tập những đặc tính phân tán do nhiều người quan sát khác nhau thâu lượm được khi thì được gán cho những người theo chi phái Xaca ở Nhật, khi thì quy cho các nhà sư theo đạo Fo bên Trung Hoa, lúc lại gán cho phái tu hành ở Tích Lan, cho tăng lữ ở Mông Cổ hay Tây Tạng, hoặc các nhà sư Xiêm la và sự thờ phượng thần Sommonacodom như Pierre Bayle gọi hoặc thần Sammonocodom như  Voltaire nói. Phật Giáo chưa hiện hữu như một từ loại hay là đối tượng thống nhất của một tri thức khả thể. Các tác giả như Anatole Bailly hoặc Antoine Court de Gébelin muốn mở rộng một cách mông lung một hệ thống những tương đương, theo đó, Phật Giáo “cùng một thứ” như thần Thot của Ai Cập, thần Hermès của Hy Lạp, thần Visnu của Ấn Ðộ, thần Wotan của những người vùng Scandinave. Vào thời này, người ta xác tín rằng Phật Giáo có trước Bà La Môn Giáo. Nó tượng trưng cho một hình thức thờ phượng rất cổ sơ, một loại tôn giáo cổ sơ. Nguồn gốc của nó được cho là ở Ai Cập hay ở Ethiopie hay ở Ấn Ðộ. ý tưởng này nhanh chóng tan biến khi một tập hợp những tra vấn mới hình thành.

PHẢI CHĂNG ĐÃ ĐẾN LÚC CHÚNG TA ĐÃ CÓ THỂ KHẲNG ĐỊNH ĐƯỢC NGUỒN GỐC DÂN TỘC VIỆT NAM ?


CUNG ĐÌNH THANH
Theo Văn hóa Nghệ An, thứ hai, 31 tháng 3 2014

PHẦN DẪN NHẬP
Gần đây cũng đã có nhiều nỗ lực trong việc tìm hiểu nguồn gốc dân tộc. Một trong những thành tích về vấn đề này cần được lưu ý là quyển Nguồn Gốc Dân Tộc Việt Nam của Nguyễn Khắc Ngữ do Nhóm Nghiên Cứu Sử Ðịa Việt Nam xuất bản tại Montréal (Canada) năm 1985. Nói là đáng lưu ý bởi quyển sách nhỏ này (172 trang) trình bầy những dữ kiện và áp dụng một lối lý luận rất khoa học. Theo Nguyễn Khắc Ngữ thì : “đại để có thể chia các giả thuyết (nguồn gốc dân tộc Việt Nam) thành bốn loại tiêu biểu:
- Giả thuyết con Rồng cháu Tiên
- Giả thuyết Bách Việt
- Các giả thuyết của các tác giả miền Nam
- Các giả thuyết của các tác giả miền Bắc”.
Phân chia như vậy e rằng vừa thiếu lại vừa dư. Quá thiếu vì nếu cứ ý kiến của một tác giả được kể như một “giả thuyết” thì bảng liệt kê trên còn thiếu nhiều giả thuyết chưa kể ra. Quá dư vì những giả thuyết mà Nguyễn Khắc Ngữ gọi là giả thuyết Bách Việt, giả thuyết của các tác giả miền Nam, miền Bắc … thực ra chỉ là con đẻ của một trong hai thuyết :
- Thuyết thứ nhất dựa vào văn bản (những bộ sử hay truyện của người xưa viết ra để lại) chủ trương người Việt có nguồn gốc từ phương Bắc đi xuống. Các tác giả có công xây dựng nên thuyết này đầu tiên phải kể đến những học giả người Pháp như Edouard Chavannes, Léonard Aurousseau. Nhiều học giả nổi tiếng người Việt đã phụ họa thêm vào thuyết này như Ðào Duy Anh, Trần Trọng Kim … Có điều lạ cần nhấn mạnh là những học giả người Pháp tuy có gốc thực dân, dựa vào những sách của các tác giả Trung Hoa cũng thực dân không kém như Tư Mã Thiên, Hoài Nam Tử … đã giả thuyết rằng người từ phương Bắc đây, vốn thuộc đại tộc Bách Việt, vì sự bành trướng của nòi Hoa Hán dưới thời Tần nên phải di cư xuống Bắc Việt để cùng với dân bản xứ đã có sẵn ở đó từ trước (Madrolle CL. Les populations de LIndochine, Paris 1918) lập nên nước Văn Lang.