17/7/16

Bài phỏng vấn thiền sư Thích Nhất Hạnh chấn động phương Tây: Đức Phật là người hạnh phúc




Vntinnhanh.vn - Khi thiền sư Thích Nhất Hạnh tới Canada vào năm 2011, nhà báo Andrea Miller đã có cuộc phỏng vấn riêng với ông và bài viết đã gây nhiều tiếng vang ở đất nước này, cũng như tại nhiều quốc gia phương Tây. Vntinnhanh xin được giới thiệu với độc giả về bài viết đặc sắc này. 
Và điều này là đúng với tất cả chúng ta.

Sau khi thầy Thích Nhất Hạnh trở lại Vancouver, hai sư cô đưa tôi vào căn phòng khách trong một khu ký túc xá của Đại học British Columbia. Tại đây, ngoại trừ một lọ hoa lan nằm trên bàn, mọi thứ còn lại đều có màu nâu đất.
Thầy Thích Nhất Hạnh mặc áo tu hành màu nâu, chậm rãi nhâm nhi một tách trà có màu vàng nâu, trong khi các nhà sư khác đang ngồi gần đó trên những chiếc ghế bành và thảm màu nâu giản dị.
Sư cô Chân Không giới thiệu tôi với thầy rồi mỉm cười và nói rằng tôi là một sự bất ngờ nhỏ với họ. Khi tôi đề nghị được thực hiện cuộc phỏng vấn này, tất cả đều không nghĩ rằng “Andrea Miller” là cái tên của một phụ nữ nên đều mong chờ một vị khách nam giới.
Nhưng sau cuộc phỏng vấn này, tôi mới là người bị bất ngờ, bởi những điều hay lẽ phải mà thầy Thích Nhất Hạnh giảng cho tôi, từ cuộc sống sau cái chết, cho tới niềm vui của việc ngồi thiền và về sự tồn tại hay không tồn tại.
Thầy đã mang tới những câu trả lời mà tôi không ngờ tới, rất mới mẻ và chứa đầy sự thông tuệ. Và đây là những gì ông đã trao đổi với tôi.
- Khi những người được chúng ta yêu quý gặp vấn đề lớn, như bị tâm thần, bị chấn thương tâm lý hoặc nghiện ngập thứ gì đó, cảm giác sẽ vô cùng đau đớn. Đôi khi ta có thể cảm thấy như vấn đề mà họ đang đối mặt quá lớn, tới mức không còn muốn giúp đỡ họ nữa. Thậm chí ta còn muốn chạy trốn khỏi họ cùng vấn đề họ đang đối mặt. Nhưng cũng có lúc chúng ta cố giúp và rồi bị cuốn vào vấn đề của họ. Vậy chúng ta có thể làm gì để giúp những người ở trong hoàn cảnh khó khăn mà không bị choáng ngợp bởi vấn đề của họ?
Khi cảm thấy bị ngợp với vấn đề của người khác thì có lẽ bạn đã làm quá sức. Thứ năng lượng đó không giúp đỡ người khác và hiển nhiên là không giúp ích gì cho bạn. Bạn không nên quá vội vã giúp đỡ người khác. Có hai điều ở đây mà ta cần lưu ý: Cuộc sống và hành động.

9/7/16

NHỚ BÁC TÔ HOÀI



TRẦN ĐĂNG KHOA
Nhà văn Tô Hoài đã giã biệt chúng ta để đi vào cõi không cùng. Đó là một tổn thất không gì bù đắp được. 
Tôi rất mê ông. Mê từ khi mới lẫm chẫm bước chân đến trường. Hồi đó tôi đã có thơ tặng ông, dù chưa từng được nhìn thấy ông ở trong đời thực. Đó là dịp tháng 4 - 1967, tình cờ tôi đọc được một truyện ngắn viết cho trẻ em của ông. Cái truyện có tên là Ò... ó... o... Truyện kể một cậu bé ở thành phố, về nghỉ hè ở nhà bà ngoại. Bà sống ở quê. Suốt ngày cậu chạy nhảy, vui chơi với bao trò chơi thú vị mà ở thành phố không có. Mới chập tối, mệt quá, cậu thiếp đi. Ngủ chưa được bao lâu, mắt vẫn cay sè, đã nghe gà gáy inh ỏi. Ngoài cửa nhờ nhờ. Cậu bé nhìn ra, thấy bà vẫn cặm cụi thái lá dâu cho tằm, dì vẫn kì cạch dệt lụa. Chưa có ai đi ngủ cả. Trời mới tối được một lúc. Thế sao gà đã gáy? À, đấy là mấy chú gà nhầm, thấy ánh điện nhà máy bên kia sông hắt sang, gà tưởng sáng nên thi nhau gáy. Cái truyện chỉ có thế. Nhà văn Tô Hoài ca ngợi sự đổi mới của nông thôn. Đấy là một chủ đề khá phổ biến trong văn chương Việt Nam những năm sáu mươi. Hồi ấy, tôi rất thích cái truyện ngắn này. Cái truyện gợi cho tôi viết bài thơ Ò...ó...o... với nội dung khác hẳn. Nhưng “ò...ó...o...” là chữ của Tô Hoài. Trong sách Tập đọc lớp ba của chúng tôi thời ấy, tả tiếng gà, người ta lại dùng chữ “cúc cù cu”. Một bài Học thuộc lòng thời ấy thế này: “Cúc cù cu! Cúc cù cu! Sáng rồi đây.Nông dân vác cuốc vác cày. Ra đồng cày cuốc cho đầy nồi cơm”...Những bài học thời ấy phải nói là rất nôm na, dễ dãi. “Cúc cù cu” là tiếng chim bồ câu gù chứ không phải tiếng gà. Nếu lấy tiếng chim bồ câu để báo sáng thì không phổ cập. Vì chỉ những gia đình trung nông trở lên mới nuôi chim bồ câu. Còn với những người nông dân “Vác cuốc vác cày. Ra đồng cày cuốc cho đầy nồi cơm” thì chỉ tiếng gà mới gần gũi với họ. “Ò... ó... o...” quả là một đóng góp của Tô Hoài. Tôi lấy mấy chữ ấy của ông. Và để tỏ lòng biết ơn ông, sau tên bài Ò... ó... o... tôi đã ghi một dòng rất trang trọng : “Kính tặng chú Tô Hoài”, dù lúc ấy, tôi chưa từng gặp ông, và ông cũng chẳng biết tôi là cái thằng bé cha vơ chú váo nào...
Tô Hoài là một nhà văn lớn, một ông khổng lồ với số lượng tác phẩm thật đồ sộ. Ông viết đủ các thể loại: từ tiểu thuyết, truyện vừa, bút ký, ký sự, truyện ngắn, hồi ký, tự truyện, tiểu luận phê bình, truyện viết cho thiếu nhi, cho đến cả các bài báo ngắn, các bài điểm sách chỉ bằng một... bàn tay trẻ con. Tô Hoài thực sự là nhà văn chuyên nghiệp. Nghĩa là ông hoàn toàn sống được bằng nghề văn. Ngồi đâu, ông cũng viết được văn, kể cả trong những lúc hội họp. Có người còn kể rằng, trong một hội nghị quốc tế sang trọng, Tô Hoài ngồi ghế chủ tịch đoàn điều hành cuộc họp. Người ta ngạc nhiên khi thấy ông cứ lật sổ viết nhoay nhoáy. Tưởng Tô Hoài ghi biên bản hội nghị. Hoá không phải. Ông đang viết tiểu thuyết. Không ít tác phẩm nổi tiếng của Tô Hoài đã ra đời trong những hoàn cảnh đặc biệt như thế. Ta hiểu vì sao Tô Hoài có được một lượng sách thật đồ sộ: 215 tác phẩm, nhiều hơn gấp đôi số tuổi đã sống trên trần gian của ông. Đó là một con số kỷ lục mà không phải nhà văn lớn nào trên thế giới cũng có thể đạt tới được.