31/3/14

Nghèo là một cái tội


Một bạn để ý là tôi có nhiều sách về những câu châm ngôn phát đi từ các danh nhân và triết gia trong tủ sách. Được hỏi câu nào mang nhiều ý nghĩa nhất, tôi buột miệng theo tiềm thức, “Nghèo là một cái tội.” Trước khi ném đá và giương cao ngọn cờ “đấu tranh giai cấp”, xin các bạn cho ông già này giải thích.
Tôi đã nhiều lần rỗng túi, chạy quanh đường phố để suy nghĩ mà không biết ngày mai tiền sẽ từ đâu đến để trả cho cả trăm cái bills (hóa đơn). Tôi cũng đã từng có rất nhiều tiền mà suốt ngày phải họp với các chuyên gia thuế vụ để tìm cách làm “giảm hay hoãn” thuế. Nhìn lại, dù có tiền hay không, hạnh phúc hay đau khổ của tôi trong những hoàn cảnh này đều không liên quan đến tiền. Tuy nhiên, dù khóc hay cười, tôi nghiệm ra một điều là “có tiền” thì vẫn thú vị hơn. Mặt khác, tôi cũng có thể chắc chắn một điều: dù “không tiền”, tôi vẫn chưa bao giờ “nghèo”.
“Nghèo” không đơn thuần chỉ là “không tiền”. Dưới góc nhìn chủ quan của tôi, một con người toàn diện phải hội đủ 6 thành tố: sức khỏe, trí tuệ, tinh thần, tâm linh, xã hội và tài chánh.Một người có nhiều tiền nhưng nghèo sức khỏe vẫn hoang phí tháng ngày. Nghèo kiến thức thì dù là một đại gia vẫn được xếp vào hạng ngu. Cha mẹ cho rất nhiều tiền nhưng tinh thần và tâm linh kém cỏi, yếu đuối thì trước sau gì cũng đi vào khổ lụy. Thêm nữa, dù có một gia đình bền chặt và một kết nối xã hội tốt, bạn vẫn không làm gì được cho ai nếu không có tài chánh.
Nghèo” là người không có gì để “cho”. Dĩ nhiên, ta không thể cho những gì ta không có.
Ngoài những người bất hạnh với tật nguyền bẩm sinh, sứ mệnh của con người theo nhiều tôn giáo, triết thuyết … là để đóng góp một “cái gì đó” cho tha nhân. “Nghèo” hay không có gì để đóng góp có phải là một tội lỗi?
Tôi nhận xét một điều là ở Việt Nam, người dân không thiếu cơ sở hay dữ kiện để truy cập và phát triển về những yếu tố quan trọng như trí tuệ, tinh thần, tâm linh, xã hội, gia đình hay sức khỏe. Trong khi đó, vì chuyện chính trị là một vùng nhậy cảm cho nhà cầm quyền, nên kiến thức về kinh tế tài chánh lại thiếu hụt, kém chính xác và luôn bị những định hướng chính trị bẻ cong.

25/3/14

Làm sao cứu vãn thứ giáo dục phi chuẩn mực này


Theo blog Vương Trí Nhàn ngày 24-3/2014 
Ngành giáo dục ở ta đang trong tình trạng thế nào ? Nói cho hình ảnh một chút, nó đang lê lết trong cảnh trì trệ. Về triển vọng, thì có vẻ bệnh ở dạng vô phương cứu chữa. Tức nếu không dỡ bỏ làm lại thì vùng vẫy đến mấy cũng sẽ không ra khỏi cái tình trạng suy thoái hiện có. Tôi biết nói vậy là bi quan. Nhưng nếu biết vượt lên tình cảm thông thường và có cái nhìn khách quan, cũng như sử dụng tới những thước đo hiện đại khi đánh giá tình hình bàn việc cải cách, chắc chúng ta không thể nghĩ khác. Một dạng "tiên thiên bất túc" Lùi lại nhìn ngành giáo dục của ta từ hồi kháng chiến chống Pháp, rồi qua chống Mỹ và hậu chiến gần 40 năm nay, tôi thấy nó được xây dựng ngoài những chuẩn mực chặt chẽ mà mọi nền giáo dục phải có. Như một cơ thể, nó thuộc loại tiên thiên bất túc, tức sinh ra đã không đủ các bộ phận cần thiết, sinh ra đã bất thành nhân dạng. Ta hay có lối làm lấy được, tức là chưa đủ điều kiện, nhưng thấy cần, vẫn cứ làm. Ví dụ một trường đại học trước tiên phải có đủ bộ phận giảng viên đảm nhiệm việc giảng dạy theo những quy định quốc tế. Ở các nước gọi là đang phát triển, một trường đại học chỉ được thành lập khi có một bộ phận nòng cốt là những giáo sư đã học tập ở những Sorbone, Oxford hoặc những trường tương tự… trở về. Đâu người ta cũng hướng tới những yêu cầu này để noi theo, nay chưa làm được thì mai làm. Chỉ có riêng ta thì không. Trên danh nghĩa đại học VN cũng có những người gọi là giáo sư hay tiến sĩ đấy, nhưng đó là ta phong với nhau để làm việc, chứ thực tế thấp hơn chuẩn mực rất nhiều. Rộng hơn câu chuyện giáo viên là chuyện cơ sở vật chất và không khí học thuật của một trường đại học. Rồi rộng hơn câu chuyện của riêng ngành đại học là chuyện của mọi cấp học. Tính phi chuẩn đang bao trùm trong mọi lĩnh vực, từ trường sở, sách giáo khoa, cách cho điểm, cách tổ chức thi cử…, cho tới chất lượng dạy và học. Ta hay quen miệng nói chúng ta rất có truyền thống về giáo dục. Sự thực, giáo dục VN thời trung đại còn quá non nớt không đủ hình thành một hệ thống. Tới nền giáo dục mà người Pháp mang lại thì mới tàm tạm. Nhưng rồi mấy chục năm chiến tranh, cái sự làm lấy được làm theo ý chí đã thành chuẩn mực duy nhất ở ta, nó chi phối tất cả, khiến giáo dục VN có cách tồn tại, cách vận hành riêng chẳng giống ai. Các trường mới lập ra phải theo trường cũ, sau giải phóng thì miền bắc bắt miền nam phải theo. Tạm ví như trong khi người ta đi thì mình phải bò phải lết, vậy mà vẫn tự hào rằng mình cũng đang đi chứ đâu có đứng yên. Sửa vặt chỉ là vô nghĩa Luôn luôn xảy ra tình trạng trường không đáp ứng đúng chuẩn mực cũng cố mà mở, giáo viên chưa đủ trình độ cũng cho dạy, học sinh không đủ trình độ cũng cho lên lớp, sinh viên ra trường không ai nhận cũng cứ xin thêm chỉ tiêu đào tạo.

24/3/14

Một phim hay - Thư giãn cuối tuần

Sự tích Adam - Eva (theo Blog trannhuong.com)

Suy nghĩ tản mạn về văn hóa


Mạc Văn Trang
Thứ hai ngày 24 tháng 3 năm 2014
Trong cuộc tọa đàm (22 - 01- 2014) về Văn hóa, Giáo dục và phát triển Nhân cách người Việt Nam… khi được giới thiệu bài “Mấy suy nghĩ tản mạn về giáo dục” của tôi vừa viết, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thế thao, Du lịch Hồ Anh Tuấn liền đặt viết bài này. Dẫu không chuyên, nhưng trước một gợi ý đầy cảm hứng, nên thành thật bầy tỏ mọi suy nghĩ, chỉ mong gợi ra  chút gì đó để cùng tư duy….
 1. Xét về nguồn gốc xuất hiện thì CON NGƯỜI VÀ VĂN HÓA là gốc của mọi chuyện trong xã hội. Từ khi người vượn đứng thẳng, di chuyển bằng hai chân và biết sử dụng công cụ, hai quá trình tiến hóa, phát triển cả mặt sinh họclẫn tâm lý diễn ra dài đến 4 – 5 triệu năm mới trở thành người Homo sapiens (người hiện đại – modern sapiens). Đó là những nhóm người, về mặt tiến hóa sinh học đã hoàn thiện; về mặt tâm lý đã đạt đến trình độ: biết chế tạo công cụ, làm ra lửa, tư duy, ngôn ngữ phát triển, hình thành phân công lao động, “gia đình huyết tộc” mẫu hệ … Từ người Homo sapiens đến ngày nay chừng 3 – 4 vạn năm, về mặt giải phẫu sinh lý, không có biến đổi về chất, nhưng mặt tâm lý, nhất là trí khôn đã diễn ra quá trình phát triển liên tục, nhiều đột phá, càng gần với hiện tại càng phát triển cực nhanh… (theo Nguyễn Đình Khoa, 2001). Có CON NGƯỜI (chỉ tính từ Homo sapiens) mới có VĂN HÓA… Văn hóa đầu tiên là chế tác công cụ, làm ra cái ăn, cái mặc, tạo ra chỗ ở…, hình thành nên VĂN HÓA VẬT THỂ (các công cụ đồ đá, đồ đồng, đồ sắt…; các dụng cụ săn bắn, sản xuất; hang động được cải tạo, lều, lán...). Đồng thời là phát triển ngôn ngữ, các quy định về quan hệ, tập tục, các sinh hoạt cộng đồng, hình thành nên VĂN HÓA PHI VẬT THỂ. Khi con người khách quan hóa, vật thể hóa năng lực ra bên ngoài (dưới dạng công cụ, vật phẩm, ngôn ngữ) mới ý thức rõ về bản thân, rồi tự ý thức, biết đấu tranh động cơ, tự điều chỉnh hành vi, mới hình thành nên NHÂN CÁCH. Người đi trước có nhiều kinh nghiệm về hai lĩnh vực văn hóa nói trên, đem truyền thụ kinh nghiệm đó cho những người thiếu kinh nghiệm (chủ yếu là trẻ mới lớn), tức là xuất hiện GIÁO DỤC. Thoạt đầu giáo dục diễn ra trực tiếp, dùng công cụ, ngôn ngữ, hành động, thao tác để truyền dạy kinh nghiệm. Về sau cộng đồng phát triển, nhất là xuất hiện chữ viết, việc giáo dục mới trở thành một hoạt động được tổ chức, thành “lớp học”…Sản xuất phát triển, phân phối, trao đổi, lưu thông vật phẩm dồi dào, tổ chức xã hội phát triển… mới hình thành hoạt động KINH TẾ rồi CHÍNH TRỊ theo đúng nghĩa…

20/3/14

NGƯỜI THÁI VÀ TỤC LÀM VÍA LIÊN QUAN ĐẾN NGOẠI TÌNH

                                                                          SẦM VĂN BÌNH

·                                                                 Thứ năm, 13 Tháng 3 2014
·Thực ra thì xưa nay hành vi “ngoại tình” theo những liệt kê trên đây chỉ là số ít so với hành vi “tằng tịu”, “dan díu” khá phổ biến trong xã hội nói chung và trong xã hội người Thái nhóm Tay Mương ở Nghệ An nói riêng. Trong hành vi “tằng tịu” và “dan díu” có sự khác biệt với cả một loạt hành vi được liệt kê, quy định để xử phạt trên đây; và về bản chất thì đây chỉ là một sự a dua, đồng lõa của hai bên nam nữ trong một/ hoặc những khoảng thời gian gặp nhau tương đối ngắn đủ cho một sự chung đụng của hai bên… Sau sự a dua và đồng lõa đó thì hai bên ai về nhà nấy, vẫn là vợ chồng con cái “của ai nấy chăm”, tuy nhiên khi có cơ hội thì sự a dua, đồng lõa đó lại tiếp tục diễn ra giữa hai người với nhau, hoặc ngay cả giữa người này với một người khác nữa…
Quan niệm về nhân sinh của người Thái cho rằng, sở dĩ có những người, những đàn ông và đàn bà có tính trăng hoa là bởi tính cách đó đã được định sẵn trong hồn vía của họ, định sẵn từ trên Mường Trời. Và khi được đầu thai ở mường Hạ giới, tùy theo hoàn cảnh, quan niệm và môi trường sống xung quanh mà cái sự “định tính” đó được bộc lộ ra hoặc nhiều hoặc ít. Hồn vía của những người “trăng hoa” thường hay quần tụ với nhau ở một mường rất đẹp trên trời (tiên cảnh), bản thân “hồn vía” của họ cũng đẹp như tiên (nhất là với những “vía” sau khi sinh ra sẽ bị chết trẻ hoặc chết do bi kịch tình duyên đôi lứa), khiến cho “vía” những người mẹ đi tìm “vía” cho đứa con sau này của mình dễ bị mê mẩn quyến rũ, để dễ dàng nhận lấy họ vào trong “vía” mình để đưa về làm con ở mường Hạ giới.
Trong quan niệm về “duyên nợ” của người Việt và người Thái đều cùng có sự tương đồng cho rằng “duyên” là cái cơ hội gặp gỡ (có thể là ngắn ngủi), và “nợ” là cái sự níu kéo, chi phối, gắn quyện với nhau về lâu về dài, hoặc cũng có thể phát triển theo kiểu “bỏ thì thương, vương thì tội”. Vợ chồng gắn bó với nhau theo mô hình viên mãn mà người ngoài mong muốn, thì tốt nhất là có cả hai chữ “duyên nợ” với nhau- theo đó vợ chồng có đôi ba trường hợp ông chủng bà chẳng, chửi bới nhiếc móc nhau suốt ngày suốt tháng cho đến… đầu bạc răng long vẫn không phân thắng bại.

7/3/14

Tản mạn của Alan Phan về buổi nói chuyện trực tuyến


1.          Sau 1 chuyến bay dài, áo quần còn xốc xếch, Alan tôi đến toà soạn VNExpress hơi mệt mỏi, không chỉnh tề lắm.
2.          Mạnh Dương phụ trách chương trình là bạn tốt, đã quen lâu năm. Tuy nhiên, chàng này nhút nhát quá, những câu hỏi hay trả lời nhậy cảm đều bị bạn ta không cho thư ký đánh lên. Nhà nước vẫn có cách để kiểm duyệt những mẩu chuyện trao đổi rất bình thường.
3.          Các câu hỏi của người tham dự còn quá “chung chung” và không đủ số liệu. Các câu trả lời của Alan đành phải “chung chung” theo vậy. Thực sự, Alan muốn được thử thách nhiều hơn nhưng để dịp khác vậy. Và lại, cũng chỉ đủ thời giờ cho 40 câu hỏi trong số 600 câu gởi đến.
4.          Vài thân hữu tỏ ra lo ngại về sức khoẻ của ông già vì “ốm gầy” quá. Sau khi bị mập phù vì ăn uống không điều độ ở Mỹ, bác sĩ đã bắt Alan phải sụt cân và giải độc cho cơ thể. Hiện nay, Alan đã khoẻ ra nhiều so với lúc mập. Chừng 3 tháng nữa thì cân lượng lại quay về bình thường. Chút báo cáo cho các bạn yên lòng.
5.          Đây chỉ là một sự kiện nho nhỏ để giữ liên hệ với BCA. Sau khi về lại Mỹ tuần tới, Alan hứa sẽ tự tổ chức một buổi gặp trực tuyến hào hứng hơn.
6.          Kinh tế Việt Nam vẫn còn rất nhiều tiềm năng và những cố gắng cá nhân vẫn dư sức vượt lên những rào cản, nghịch lý…để toả sáng. Tôi không tin vào bộ máy chánh quyền hay ích lợi tư bản hoặc phép lạ để thay đổi đời sống người dân; nhưng tôi rất tin vào năng lực và ý chí của những con người Việt muốn hãnh diện đi tìm định mệnh nhiều ý nghĩa cho mình và gia đình. Đừng bao giờ bỏ cuộc vì những thua thiệt tạm thời bạn nhé.  Hãy tin vào mình và các bạn cùng chí hướng.
Thân chào và bình minh nhất định sẽ đến.

Thế này mới gọi là đánh đàn ghita chứ - Thư giãn cuối tuần

LÀM THẾ NÀO ĐỂ CÔNG TÁC XÓA ĐÓI, GIẢM NGHÈO TRONG VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ Ở TÂY NGUYÊN ĐẠT HIỆU QUẢ


Hà Xuân Nguyên


Tây nguyên hiện nay gồm 05 tỉnh: Gia Lai, Kon Tum, Đăk Lăk, Lâm Đồng và Đăk Nông, diện tích tự nhiên là 59.754 km2 (chiếm 16,8 % diện tích cả nước), giáp biên giới Lào và Campuchia dài 590 km, tổng số dân hiện nay hơn 4,9 triệu người.
Theo số liệu của Ban Chỉ đạo Tây nguyên (tháng 12-2008), cơ cấu hành chính toàn vùng có 592 xã, 68 phường, 48 thị trấn thuộc 51 huyện, 04 thị xã, 04 thành phố thuộc tỉnh (trong đó có 537 xã khó khăn, 211 xã khu vực 3 với 7.086 thôn, buôn, tổ dân phố, trong đó 2.765 thôn buôn người dân tộc thiểu số, 1.668 thôn buôn đặc biệt khó khăn).
Đặc điểm chung nhất của Tây nguyên là vùng đất có nhiều tiềm năng, cư dân đa số là đồng bào dân tộc thiểu số, cư trú chủ yếu ở các xã vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hiểu biết về xã hội còn hạn chế, trình độ sản xuất kinh tế còn thấp và không đều, có truyền thống đoàn kết, gắn bó, thương yêu đùm bọc giúp đỡ lẫn nhau và đang có quan hệ về mặt dân tộc, tôn giáo với một bộ phận đồng tộc đã chuyển cư ra nước ngoài sinh sống (chủ yếu ở Lào và Campuchia).
Về chính quyền cơ sở, phổ biến chung là trình độ cán bộ, công chức cấp xã còn yếu, chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ đề ra, địa bàn rộng, giao thông đi lại khó khăn, có xã dân số đông (vài nghìn dân), có xã dân số rất ít (khoảng một hoặc hơn nghìn dân).
Hiện nay các xã, phường, thị trấn tuy là nơi trực tiếp giải quyết công việc cho người dân, thực hiện mọi chủ trương, đường lối của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước nhưng thực tế việc đầu tư, chăm lo củng cố cấp hành chính cuối cùng này còn nhiều hạn chế. Nhận thức được vấn đề này, trong thời gian qua, đảng bộ, chính quyền các cấp ở Tây nguyên luôn chú trọng đến công tác đào tạo, bồi dưỡng trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng quản lý hành chính cho cán bộ, công chức cấp xã và nhiều giải pháp khác nhằm củng cố, xây dựng chính quyền cơ sở đủ mạnh với mục tiêu cuối cùng là phục vụ dân, giúp người dân thoát nghèo. Có thể nêu ra một số biện pháp sau:
Một là, tăng kinh phí đầu tư để các xã có điều kiện triển khai thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, văn hoá… ở địa phương.
Hai là, ban hành chính sách thu hút cán bộ trẻ - nhất là những sinh viên tốt nghiệp đại học với chuyên ngành lâm, nông, nghiệp, kinh tế, thuỷ lợi về công tác, đồng thời phân công các sở, ban, ngành đoàn thể tỉnh, huyện nhận đỡ đầu, giúp xã gặp khó khăn. Tiên phong trong  công tác  này  là  tỉnh  Kon Tum (trước đây Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành Nghị quyết 04 về xây dựng các xã khó khăn, mới đây, UBND tỉnh Kon Tum ban hành Quyết định số 16/2009/QĐ-UBND ngày 13-02-2009 về triển khai thực hiện Đề án hỗ trợ cán bộ tăng cường, luân chuyển, thu hút tri thức trẻ, cán bộ khuyến nông, khuyến lâm về công tác tại 14 xã trọng điểm đặc biệt khó khăn, ngoài ra còn nhiều chính sách khác nữa…).
Ba là, cho dân vay vốn ưu đãi để sản xuất, kinh doanh hoặc chăn nuôi trâu, bò, dê....
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, tôi thấy nổi lên một số vấn đề xin được bàn thêm như sau:
- Công tác xoá đói, giảm nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số được Đảng, Nhà nước xác định là một trong những ưu tiên hàng đầu, là thường xuyên, liên tục, do vậy cần phải có một chiến lược tương ứng toàn diện trên tất cả các mặt. Thế nhưng, những chương trình, dự án, đề án do tỉnh đề ra do lấy nguồn từ ngân sách nên bao giờ cũng ấn định thời gian kết thúc (phổ biến là 05 năm). Trong khoảng thời gian đó không đủ để một kỹ sư mới ra trường có kinh nghiệm làm tốt mọi việc được. Còn yêu cầu đối với kỹ sư cao tuổi, thâm niên thì số này không nhiều, nếu có thì đã làm việc trong các cơ quan tỉnh, huyện rồi, nên ngại đến xã, nhất là xã khó khăn.

Việt Nam qua góc nhìn của Alan Phan: Giải mã hiện tượng tái di dời sản xuất

 Thực hiện: Đăng Thuỳ báo Dân Việt 25 Jan 2014
 LTS: Năm 2010, Tập đoàn Intel của Mỹ xây dựng nhà máy sản xuất chip điện tử lớn nhất của họ ở Việt Nam với trị giá 1 tỷ USD. Ba năm sau đó, nhiều công ty khác đã nối đuôi Intel, đáng kể nhất là Tập đoàn Hàn Quốc Samsung, đang xây dựng nhà máy thứ 3 ở tỉnh Thái Nguyên. Tại sao các tập đoàn này lại quay sang Việt Nam, NTNN đã đi tìm câu trả lời trong cuộc phỏng vấn tiến sĩ Alan Phan.
Thưa tiến sĩ, trong những năm gần đây, Việt Nam đã trở thành điểm đến của hiện tượng tái di dời sản xuất. Nhiều tập đoàn đa quốc gia như Intel, Nokia, Samsung đã rút vốn từ Trung Quốc để chuyển sang đầu tư tại Việt Nam. Xin tiến sĩ cho biết nguyên nhân nào đã tạo nên trào lưu này?
- Có rất nhiều nguyên nhân để tạo ra trào lưu này tùy vào phán xét của các tập đoàn đa quốc gia. Như các doanh nhân Hàn Quốc và Nhật Bản, hiện họ cũng xem xét trong mối tương quan chung giữa quan hệ chính trị, kinh tế của nước họ với Trung Quốc để quyết định có tiếp tục đầu tư ở thị trường Trung Quốc nữa hay không. Ngoài ra, giá cả sản xuất ở Trung Quốc bắt đầu lên cao, lạm phát cũng bước vào thời kỳ cao và lương ở Trung Quốc cũng bắt đầu tăng lên… là những nguyên nhân khiến Trung Quốc không còn hấp dẫn như trước.
Trước đây, những tập đoàn đa quốc gia này đã từng kỳ vọng ở các thị trường mới như Lào, Myanmar, song thủ tục đầu tư không mấy thuận lợi. Họ nhìn thấy ở Việt Nam có những triển vọng phát triển hơn nên đã đầu tư sang Việt Nam.
Nhưng nguyên nhân lớn nhất là Việt Nam đang có chính sách khuyến mại để thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), bù vào phần suy thoái kinh tế. Nhà nước mình rộng rãi về phúc lợi cho các công ty FDI, chẳng hạn như Samsung, lợi nhuận của họ có thể đạt được 6 tỷ USD theo phép tính, nhưng đóng thuế của họ chỉ mất 50 triệu USD. Phải nói rằng, Samsung khó mà tìm được nơi nào mà tiền họ thu về cao mà đóng thuế lại thấp như ở Việt Nam.
Ngoài ra, rất quan trọng là các nhà đầu tư nước ngoài họ nhìn thấy được tiềm năng ở thị trường Việt Nam.
Yếu tố Việt Nam có lao động nhân công giá rẻ và tay nghề cao không được tính vào chiến lược đầu tư của các tập đoàn đa quốc gia này hay sao, thưa ông?
- Thực tế không có chuyện đó đâu! Trong vấn đề lao động thì tiền nào của nấy. Nếu họ muốn có tay nghề cao thì phải mất thời gian huấn luyện cho nhân công Việt Nam, chứ tay nghề của lao động Việt Nam chưa phải là cao so với mặt bằng của các nước trong khu vực. Làm trong nghề tôi biết, chi phí cho nhân công không chiếm nhiều trong chi phí sản xuất của các doanh nghiệp nên nhân công giá rẻ không phải là yếu tố quan trọng. Quan trọng là vấn đề thị trường, thuế quan ưu đãi.
Một lý do nữa là địa thế của Việt Nam: Mặt hướng ra biển rất dài với nhiều hải cảng trang bị khá tốt, rất thuận lợi cho xuất khẩu. Bất cứ chiến lược đầu tư nào của các công ty đa quốc gia, thậm chí có những công ty đầu tư chỉ có vốn 80 triệu USD thôi, nhưng tài liệu phân tích thị trường của họ cũng lên đến mấy trăm trang. Nên việc các tập đoàn đa quốc gia này đã quay sang đầu tư vào Việt Nam, cũng phải hiểu rằng, họ đã phân tích thị trường Việt Nam đến mọi ngóc ngách.
Trở lại câu chuyện của Tập đoàn Sam Sung, họ đã tuyên bố tháng 3.2014, Samsung sẽ khai trương nhà máy sản xuất điện thoại di động lớn nhất trên thế giới tại tỉnh Thái Nguyên, liệu đây có phải là kế hoạch để biến Việt Nam thành một người khổng lồ trong lĩnh vực điện thoại di động như truyền thông nước ngoài dự báo hay không, thưa tiến sĩ?
- Người khổng lồ ở đây là Samsung chứ không phải Việt Nam. Bởi thực tế, chúng ta chỉ là gia công, còn công nghệ và thương hiệu sản phẩm vẫn là của Samsung. Khi sản phẩm của Samsung trở nên nổi tiếng thì sản phẩm sản xuất ở Việt Nam cũng sẽ có một hiệu ứng nhỏ, nhưng bản chất vẫn là họ thu tiền về, chứ chúng ta không thu tiền từ những sản phẩm này. Có chăng, từ việc thành công của Samsung, sẽ có các nhà suất điện thoại khác sẽ tìm đến với Việt Nam để hợp tác làm ăn.

Gạch nối giữa giáo dục và tự do


Alan Phan

Lịch sử loài người trở thành một cuộc chạy đua giữa giáo dục và thảm hoạ (Human history becomes more and more a race between education and catastrophe – H.G. Wells)
Hôm nay một cuộc khảo sát trên tờ tạp chí khoa học Health Affairs xác nhận “giáo dục” là yếu tố quan trọng trong dự đoán số tuổi của con người. Một người xong đại học có tuổi thọ khoảng 10 năm lâu hơn là một người chỉ mới học xong trung học (kiểu ra chợ mua bằng cấp ở VN không tính).
Tôi thường nghĩ là người làm việc lao động linh hoạt hơn với cơ bắp và không phải bận rộn với suy tư, áp lực từ trí tuệ chắc phải sống lâu hơn. Nhưng tôi lầm và cuộc khảo sát này cho thấy tiềm năng của giáo dục cao hơn chúng ta nghĩ. Ai cũng biết là “giáo dục” thường gia tăng lợi tức của một nhân viên ở Mỹ khoảng $6,000 cho mỗi năm học trên cấp đại học. Theo cảm nhận cá nhân, tôi nghĩ giáo dục cũng sẽ đem lại cho mình một tâm linh sâu đậm hơn, một tinh thần mạnh mẽ hơn (vì con người thường sợ hãi những điều họ không biết). Thêm vào đó, tôi nghĩ một người học thức thường cư xử văn minh hơn với đồng loại.
Tóm lại trong 6 yếu tố (sức khỏe, trí tuệ, tâm linh, tinh thần, xã hội, tài chánh) mà tôi cho rằng quan trọng trong cuộc sống hạnh phúc, trí tuệ đóng góp một phần đáng kể. Cái đòi hỏi của bao tử và hormone rất cần thiết (một người đói dài sẽ bỏ quên mọi thứ khác); nhưng muốn cuộc đời thăng hoa đúng nghĩa, chúng ta cần trí tuệ.
Cho nên khi Mao Trạch Đông gọi “trí thức là đống phân” hay khi Pol Pot diệt chủng để đưa đồng loại về thời ăn lông ở lỗ (vì giáo dục làm hư con người) hay khi chủ thuyết “tam vô” của đảng Lao Động TQ (vô tổ quốc, vô gia đình, vô tôn giáo) được hô hào khắp năm châu, tôi đã nghĩ chắc mình sống nhầm thế kỷ. Mọi người thì đã phải im lặng ngao ngán vì quá sợ hãi trước cái ngạo mạn của bạo lực.

Triết lý kinh doanh của người Hoa nhìn từ Sài Gòn – Chợ Lớn


Theo Tạp chí Công nghiệp 5/3/2014


Từ thời xa xưa, ở Sài Gòn đã phổ biến câu nói “Ăn mày Tàu”.
Là vì đi ăn xin ở đâu thì đi, nhưng không thể vào khu người Hoa ở Chợ Lớn để xin được, vì người Hoa tuyệt đối không cho tiền người đi ăn xin, mà ngược lại họ sẵn sàng đưa tay ra để giúp đỡ, tạo cơ hội công ăn việc làm cho người nghèo khổ, sa cơ lỡ vận, để tự mưu sinh và sau đó có thể làm giàu.
Với người Hoa, cái gì cần xài, không sợ tốn kém, cái gì lãng phí khó mà móc được “hầu bao” của họ. Tướng quân Quản Trọng cũng đã từng khuyên vua, “Bệ hạ nên cho dân nghèo cái cần câu, hơn là cho con cá”.
Đối với cộng đồng người Hoa sinh sống tại Việt Nam hay với quốc gia nào khác, họ đều mang theo tinh hoa của triết lý này để thi thố làm ăn nơi xứ lạ, quê người. Nhiều câu châm ngôn trong cuộc sống và kinh doanh mà người Hoa nào cũng thuộc lòng và nhắc nhở cho nhau như: “Buôn Ngô buôn Tàu, không giàu bằng buôn hà tiện”, hay “Biển rộng mặc biển, thuyền chèo có ngăn”…
Không thể phủ nhận tính cần và kiệm của người Hoa. Hai chữ “cần, kiệm” không chỉ có ý nghĩa triết lý suông, mà nó đã trở thành triết lý kinh doanh của người Hoa trong mọi thời đại. Vào các thập niên đầu và giữa thế kỷ XX, có nhiều tấm gương làm giàu nay đã trở thành giai thoại từ cộng đồng người Hoa ở Sài Gòn.
Chuyện kể rằng, Quách Đàm và chú Hỏa xuất thân từ nghèo khó, cuộc sống của họ chỉ dựa vào gánh ve chai, nhưng do cần kiệm miệt mài làm việc mà họ trở thành đại phú gia thời ấy. Hay giai thoại “công tử co thùng”, đối với các đại phú gia Hoa kiều trước khi muốn con cái gìn giữ và phát triển sản nghiệp của gia đình, họ gửi các chàng công tử này đến các cơ sở để rèn luyện tính kiên nhẫn ngay từ nhỏ.

THẦN, PHẬT LINH THIÊNG XIN PHÙ HỘ NGƯỜI VIỆT CỨU LẤY “HỒN” DÂN TỘC


 PHẠM GIANG HOÀNG
Theo Tạp chí Văn hóa Nghệ An, thứ năm, 20 tháng 2 2014

Tâm linh là nhu cầu của mỗi người và nó là chuyện cá nhân. Nhưng khi câu chuyện tâm linh cá nhân được biểu hiện ra hành vi phản cảm của số đông và gây náo loạn xã hội thì quả là chuyện đáng nói và nó đã là câu chuyện văn hóa rồi. Lễ hội Khai ấn đền Trần diễn ra cảnh cướp ấn, leo trèo, chen lấn như năm nay khiến người ta liên tưởng giống như cảnh chợ búa. Chẳng lẽ chốn linh thiêng lại thô tục và bát nháo như vậy sao!
Việt Nam có hơn 8000 lễ hội, phần lớn các lễ hội đó có liên quan đến các tôn giáo (Phật giáo, Đạo giáo…), chẳng lẽ các lễ hội ấy chỉ để con người thỏa mãn cái danh lợi nào đó dưới cái vỏ bọc tâm linh. Tâm linh đích thực chắc hẳn phải hướng tới giá trị chân, thiện, mỹ nhưng xem ra các lễ hội Việt Nam thời gian qua ít lễ hội có được điều này.
Tín ngưỡng và tôn giáo qua bao đời nay, rất coi trọng 3 yếu tố: ‘tâm’, ‘thực’, ‘tinh’. Điều đó có nghĩa là: đến với tín ngưỡng, với tôn giáo, đòi hỏi tâm phải thành, phải thực chất chứ không phải rùm beng, hoa hòe hoa sói; Một nén nhang thơm, một bó hoa tươi không có nghĩa là thấp kém hơn mâm lễ hàng chục triệu đồng, thỉnh cầu tốt đẹp phải đi với hành động cao đẹp; “tinh” là tinh hoa- nghĩa là con người cần phải nhận thức được những tinh túy, sâu sắc của lễ. Hồn dân tộc trong sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng không dung chứa và dễ dàng chấp nhận cái hoa mỹ, hời hợt, hình thức sáo rỗng, vụ lợi.
Có thể thấy đi lễ ngày càng nhiều và không tỉ lệ thuận với tình hình phát triển kinh tế và đạo đức xã hội. Kinh tế mấy năm nay rơi vào khủng hoảng nhưng số người đi lễ lại có xu hướng tăng lên. Đạo đức xã hội xuống cấp nhưng tín ngưỡng tâm linh mà thực chất là không ít mê tín, dị đoan lại lên ngôi.