21/5/14

Một kiến giải sai về nguồn gôc dân tộc


Hà Văn Thùy
 Theo blog trannhuong.com
850 trang sách khổ to: Nguồn gốc người Việt - người Mường* là kết quả mười năm làm việc của ông Tạ Đức. Thật đáng nể phục về khối tư liệu đồ sộ được đưa vào sách. Khác nhiều đồng nghiệp, tác giả chấp nhận An Dương Vương là người Thục. Những trang viết đòi lại vị trí chính thống của nhà Triệu trong sử Việt thật xác đáng và thuyết phục.
Nhưng trong khi phản bác quan niệm phổ biến của giới học giả và dân chúng Việt Nam “coi người Việt và người Mường xưa là một, đều là cư dân bản địa và chỉ tách ra từ thế kỷ 9 - 10,”  tác giả khẳng định:
“Người Việt và người Mường từ xưa đến nay luôn là hai tộc người khác nhau và đều là sự tổng hòa các nhóm di dân từ phương Bắc. Người Mường vốn là người Mon, Man hay Mân Việt, là di dân đường biển, đến trước, chủ nhân của các văn hóa Phùng Nguyên, Đồng Đậu và Gò Mun. Người Việt vốn là người Lava hay Lạc Việt, đến sau, là chủ nhân chính của văn hóa Đông Sơn.”(Lời cuối sách)
Cùng với nhận định này là việc chứng minh văn hóa Phùng Nguyên cũng như Đông Sơn được đưa từ phía Bắc xuống!
Thử xem điều này có đúng ?
1. Về người Mường
Muốn biết nguồn gốc của chủng người nào ở nước ta hiện nay, việc trước tiên là phải hiểu về con người từng sống trên đất Việt mà cứ liệu quan trọng nhất là di cốt người cổ. Suốt thế kỷ trước, nhiều nhận định đã được đưa ra. Nhưng vào thập niên 1970, nhận ra phần nhiều tài liệu đó không chính xác, Giáo sư Nguyễn Đình Khoa của Đại học Tổng hợp Hà Nội đã khảo sát lại sưu tập 70 sọ cổ từ Thời Đồ Đá tới Thời Kim Khí, được phát hiện ở Việt Nam. Trong tác phẩm Nhân chủng học Đông Nam Á (1) ông viết: “Thoạt kỳ thủy, hai đại chủng Australoid và Mongoloid có mặt trên đất nước ta. Họ lai giống với nhau và con cháu họ lai giống tiếp, cho ra bốn chủng Indonesian, Melanesian, Vedoid và Negritoid, đều thuộc nhóm loại hình Australoid.”  “ Suốt Thời Đồ Đá, dân cư Việt Nam gồm duy nhất loại hình Australoid. Nhưng sang Thời đại Kim Khí, người Mongoloid xuất hiện và trở nên chủ thể của đất này. Người Australoid dần biến mất, không hiểu do nhập cư hay do đồng hóa.”
Sau 30 năm nhìn lại, trong sự đối chiếu với tư liệu di truyền học mới nhất, chúng tôi nhận thấy, đó là nhận định hoàn toàn xác đáng và là thành tựu cao nhất mà phương pháp đo sọ cổ điển có được. Chứng cứ thu được từ di cốt tổ tiên và từ ADN lấy từ dòng máu người Việt Nam hiện đại hoàn toàn khẳng định: người Phùng Nguyên là người Australoid bản địa. Như vậy, ý tưởng cho rằng người Mường là do người Mon, Man, Mân Việt từ Nam Trường Giang xuống, tạo nên vào thời Phùng Nguyên là không có cơ sở! Thực tế đã diễn ra lịch sử trái ngược: chính người Việt từ 40.000 năm trước đi lên Trung Quốc, để lại hậu duệ là người Man, Môn, Mân Việt.

13/5/14

Trần Đăng Khoa - Bi kịch là ta ở cạnh ông bạn nham hiểm, và rất xấu tính


Theo Giáo dục Viêt Nam, ngày 12-5-2014
NGUYỄN SINH PHÚC (THỰC HIỆN)
Trò chuyện với GDVN, nhà thơ Trần Đăng Khoa còn chỉ ra nhiều vấn đề đáng suy ngẫm, ông cũng là cựu binh Trường Sa...
LTS: Nhà thơ Trần Đăng Khoa – một cựu lính Trường Sa, là tác giả của nhiều tác phẩm đặc sắc viết về biển đảo đã giành cho Báo Giáo dục Việt Nam những chia sẻ của mình xung quanh vụ việc Trung Quốc đặt trái phép giàn khoan HD981 tại thềm lục địa Việt Nam, ngang ngược tấn công làm bị thương và hỏng tàu cảnh sát biển, tàu kiểm ngư của Việt Nam. Ông gọi hành động gây hấn với Việt Nam là "bẩn thỉu" của một "tên ăn cướp".
Trung Quốc đang nói dối một cách trơ trẽn
Trung Quốc đã huy động 80 tàu các loại bảo vệ giàn khoan HD981 xâm phạm thềm lục địa Việt Nam. Thậm chí tàu Trung Quốc còn chuẩn bị vũ lực đe doạ tàu cảnh sát biển và ngư dân Việt Nam. Đã từng là một người lính ở Trường Sa, khi biết sự việc tâm trạng ông thế nào ?
Nhà thơ Trần Đăng Khoa: Tôi không ngạc nhiên khi Trung Quốc đưa giàn khoan lấn sâu vào thềm lục địa Việt Nam và mang cả một đội tàu hùng hậu, trong ấy có cả tàu chiến, rồi máy bay chiến đấu yểm trợ xâm lấn biển đảo Việt Nam. Vì sao tôi không thấy bất ngờ? Các bạn có thể nhìn lại các sự kiện vào năm 1974, 1979 và 1988 thì sẽ thấy rất rõ mưu đồ của Trung Quốc là muốn gặm dần lãnh thổ Việt Nam, bao gồm cả đất liền và trên biển.
Hoàng Sa, Trường Sa luôn là những chảo lửa, không biết sẽ bùng lên lúc nào. Đây cũng là vùng lãnh hải thiêng nhất và cũng bất an nhất của nước ta. Nếu đất nước của chúng ta có những biến động thì sẽ bắt đầu từ vùng sóng gió này.

Đề xuất triết lý giáo dục Việt Nam


Mạc Văn Trang

Trong những năm gần đây, vấn đề triết lý giáo dục, triết học giáo dục rộ lên, lắng xuống, lại rộ lên… Nhiều cuộc hội thảo, rất nhiều bài viết trên báo chí nhưng hình như càng bàn càng rối. Từ trước tôi chưa bao giờ lên tiếng về vấn đề này, vì cũng xa với chuyên môn và nghĩ rằng, giáo dục là hệ thống con nằm trong hệ thống mẹ xã hội, sao quẫy ra khỏi cái hệ thống mẹ? Nhưng gần đây phải chú ý vì thấy Bộ trưởng Giáo dục Phạm Vũ Luận đã tìm ra triết lý đây rồi: “Tôi xin khẳng định triết lý trực tiếp của giáo dục chúng ta là Nghị quyết 29 của Trung ương. Các quan điểm, đường lối của Đảng về phát triển giáo dục, đào tạo thì nhiều nhưng gần đây nhất là Nghị quyết 29. Ở đây thể hiện cả truyền thống tinh hoa, kinh nghiệm của cha ông ta trong quá trình phát triển và làm giáo dục và cả những vấn đề cập nhật, hội nhập theo quan điểm của chúng ta”, Bộ trưởng Luận khẳng định (VTV News 30/4/2014).
Tuyên bố này lại là dịp để thiên hạ xôn xao bàn tán. Nhân đây tôi xin có vài ý kiến.
1. Cũng cần phân biệt triết học giáo dục và triết lý giáo dục
Theo cựu Bộ trưởng Giáo dục Phạm Minh Hạc (2011) tình hình chung có 4 loại ý kiến:
-          Giáo dục Việt Nam chưa có triết lý.
-          Giáo dục Việt Nam có triết lý nhưng sai.
-          Việt Nam có triết lý giáo dục và vận dụng tài tình mới có thành tựu như ngày nay.
-          Việt Nam có triết lý giáo dục nhưng sang thế kỷ XXI phải phát triển mới.
Phạm Minh Hạc trong cuốn “Triết lý giáo dục thế giới và Việt Nam” (2011, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam), viết “Triết lý giáo dục (tức Triết học giáo dục) đã có từ thời cổ đại, được nêu ra bởi các nhà tư tưởng lớn của nhân loại, như Khổng Tử, Socrates, Platon, Arixtoteles… ”. Như vậy theo tác giả, triết lý giáo dục bao hàm cả triết học giáo dục hoặc là tương đồng, chỉ là cách gọi khác nhau, và cả hai khái niệm này đã xuất hiện từ thời các nhà tư tưởng cổ đại.
Thái Duy Tuyên trong cuốn “Triết học giáo dục Việt Nam” (2007, NXB Đại học Sư phạm Hà Nội) lại viết “Triết học giáo dục trong đó bao hàm cả Triết lý giáo dục” và cũng cho rằng triết học giáo dục có từ thời cổ đại, nằm trong tư tưởng, triết học nói chung.

12/5/14

Gọi tên triết lý giáo dục

Tiến sĩ Giáp Văn Dương
Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn, thứ Năm,  8/5/2014
Triết lý giáo dục của hệ thống hiện thời là đào tạo con người công cụ. Đây là cái sai nghiêm trọng nhất trong những cái sai của hệ thống giáo dục này.
Có hay không triết lý giáo dục ?

Mục đích chính của việc học hiện nay là học để thi. Thi gì thì học nấy. Trong ảnh: đoạn đường trước một điểm thi đại học tại TPHCM. Ảnh: Kinh Luân
Triết lý giáo dục được hiểu là những khái quát ngắn gọn, thường chỉ trong một câu thôi, được sử dụng làm định hướng vận hành cho cả hệ thống giáo dục.
Như vậy, triết lý giáo dục khác với triết học giáo dục ở chỗ, triết học giáo dục là một phân ngành riêng của triết học, chọn giáo dục làm đối tượng nghiên cứu. Còn triết lý giáo dục lại là tinh thần chủ đạo, là hồn cốt thần sắc, của cả một hệ thống giáo dục và do đó của mọi hoạt động giáo dục liên quan.
Dựa vào triết lý giáo dục, cả hệ thống giáo dục, và theo đó là các hoạt động của nó, được thiết kế, vận hành và điều chỉnh tương ứng.
Hiện nay, triết lý giáo dục vẫn đang được xem là điểm bế tắc của hệ thống giáo dục Việt Nam. Mọi bất cập hiện có, và sự thất bại của các cuộc cải cách giáo dục trong mấy chục năm qua, đều có thể truy nguyên về việc thiếu vắng một triết lý giáo dục đúng để dẫn dắt.
Trước tình hình đó, đã có nhiều bàn thảo và nghiên cứu về triết lý giáo dục được tiến hành, bao gồm các đề tài nghiên cứu và các hội thảo lớn nhỏ, với mục đích tìm xem Việt Nam có triết lý giáo dục không, và nếu có thì đó là gì.
Nhưng đến nay vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng: Không một phát biểu tường minh nào về triết lý giáo dục được tìm ra. Tất cả vẫn chỉ quanh quẩn trong những câu chữ cũ, hoặc lảng tránh vòng vo, và cuối cùng là đều trở về các nghị quyết.
Điển hình là ngày 29-4-2014, khi trả lời báo chí trong phiên họp báo của Văn phòng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận nói: “Tôi xin khẳng định triết lý trực tiếp của giáo dục chúng ta là Nghị quyết 29 của trung ương”.
Tìm đọc Nghị quyết 29 thì thấy rằng nghị quyết này dài hơn mười trang A4, nội dung được trình bày trong hơn 7.000 từ. Vậy thì thử hỏi ai có thể nhớ được để mà vận dụng và để gọi nó là triết lý giáo dục được?

9/5/14

TRUYỆN CỰC NGẮN (Sưu tầm)


1. Lương tâm - Trần Đình Ba
Con ốm, nhập viện. Làm thủ tục, bác sĩ mặt lạnh tanh. Biết ý, tay mẹ run run dúi trăm nghìn vào túi “lương y”… Bác sĩ thân mật: “Nằm giường này cháu, đừng lo có bác !”. Biết đâu mẹ đang xỉu dần vì bán máu cho con. Lương tâm ?
2. Xứ lạ quê người - Trần Ninh Bình
Qua xứ người được vài năm thì ông anh họ của tôi bắt đầu gởi tiền về, giục các con lo học tiếng Anh và vi tính đẻ mai mốt qua đó có thể dễ dàng kiếm việc làm.
Hôm vừa rồi, anh gọi điện về thăm gia đình chúng tôi, tôi hỏi anh có địa chỉ email chưa để tiện liên lạc, giọng anh chùng hẳn xuống: ”Suốt ngày hết rửa bát lại dọn bàn trong quán, anh có thì giờ đâu mà biết đến những thứ hiện đại đó hả em ?! “.
3. Chung Riêng- Nga Miên
Chung một con ngõ hẹp, hai nhà chung một vách ngăn. Hai đứa chơi thân từ nhỏ, chung trường chung lớp, ngồi chung bàn, đi về chung lối. Chơi chung trò chơi trẻ nhỏ, cùng khóc cùng cười, chung cả số lần bị đánh đòn do hai đứa mãi chơi. Đi qua tuổi thơ với chung những kỷ niệm rồi cùng lớn lên…
Uống chung một ly rượi mừng, chụp chung tấm ảnh... cuối cùng khi anh là chú rễ còn em chỉ là khách mời. Từ nay, hai đứa mình sẽ không còn có gì chung nữa, anh giờ là riêng của người ta…
4. Bàn tay
Hai đứa cùng trọ học xa nhà, thân nhau. Lần vào quán nước, sợ tôi không đủ tiền trả em lòn tay xuống gầm bàn đưa tôi ít tiền. Vô tình đụng tay em... mềm mại.
Ra trường, hai đứa lấy nhau. Sống chung, em hay than phiền về việc xài phí của tôi. Bận nọ tiền lương vơi quá nửa đem về đưa em... chợt nhận ra tay em có nhiều vết chai.
Tự trách, mấy lâu mình quá vô tình.

Thư giãn cuối tuần - BA BỨC THƯ


Bài của TS. Tô Văn Trường
 
Thưa ông ! Tôi không biết nên vui hay nên buồn khi được đọc liền một lúc 3 bức thư của bồ nhí ông (cô Búp Bê) và vợ ông (bà Cả Diễm) và của ông với nickname rất ngộ là “Tu Ca Ca”. Vui vì bỗng nhiên được thưởng thức một vở diễn với một kịch bản hay và các diễn viên đều tỏ ra rất có tay nghề, những thứ mà chúng ta đang rất thiếu. Mấy ông bạn tôi, đọc 3 bức thư ấy cũng thấy phấn khích và cứ tủm tỉm cười vì hình như họ cảm thấy có mình trong đó cũng như tâm trạng có những phút xao lòng đã được nhà thơ Thuận Hữu mạnh dạn, nói thay cho tất cả chúng ta đó sao? “Ai cũng có một thời để yêu để nhớ. Ai cũng có những phút giây ngoài chồng ngoài vợ. Đừng trách chi những phút xao lòng”. Buồn vì thấy xã hội mà chúng ta đang ca ngợi là tốt đẹp lại có những vết rạn sâu đến như thế, có những khoảng tối lớn đến như thế ! Tôi cũng chia sẻ nỗi buồn xót xa được che dấu sau những lời lẽ khôi hài của cô Búp Bê và bà Cả Diễm. Nhưng thôi, thây kệ những nỗi vui, buồn đó, với tất cả lòng ngưỡng mộ sự thông minh, khôn ngoan và khả năng trời cho ‘dĩ bất biến ứng vạn biến” của cả ba nhân vật trong vở kịch: ”Tội nghiệp ông Tu Ca Ca”, tôi xin mạn dạn và vô phép lạm bàn về bức thư trần tình của ông. Còn với hai bức thư kia (Búp Bê và bà Cả Diễm) tôi không dám bình luận ! Bởi tác giả làm cho tôi ngưỡng mộ, thấy họ giỏi quá, khôn ngoan quá, chẳng hiểu họ có bằng cấp gì như tôi và ông không mà họ thông tuệ và sâu sắc đến thế ! Họ đã nghĩ ra kịch bản hợp lý, hấp dẫn và đóng vai chính rất chuyên nghiệp để lừa ông và che dấu tội lỗi một cách hoàn hảo. Họ đã lấy của ông quá nhiều thứ, tức là một “Davit…moi” thượng thặng, hơn hẳn ông huấn luyện viên tội nghiệp của đội bóng đá MU chưa ‘moi” đươc bao nhiêu đã bị cổ động viên MU ném bá túi bụi ! Họ là bậc siêu phàm, là sản phẩm “đột biến gien” của giống đàn bà “công dung ngôn hạnh” mà bấy lâu nay, cánh đàn ông chúng ta tôn thờ và hy vọng ! Đã ‘đột biến gien” thì có thể con gà biến thành con công đẹp đẽ, nhưng cũng có thể biến thành con bọ hung bẩn thỉu. Điều đó, phụ thuộc hoàn toàn vào cảm nhận của ông, nhưng tôi tin rằng hiện giờ họ đối với ông không còn là con công xinh đẹp nữa nhưng cũng chưa đến nỗi là con bọ hung bẩn thỉu đâu. Qua thư của ông, tôi hiểu điều đó. Tuy nhiên, ông lại cảm thấy đau buồn, xót xa, cái cảm giác của cánh đàn ông khi thấy mình bị phụ nữ lừa dối, phản bội và đánh cắp nhiều thứ. Tôi hiểu và thông cảm với ông, bởi phải nói thật rằng anh em đằng mình có ai trong đời mà không một lần bị lừa dối, phản bội và đánh cắp như thế ! Nói “đàn ông là phái mạnh” là nói dóc, là bịa đặt, là xát muối vào vết thương không thể chữa được của chúng ta. Chính đàn bà mới là phái mạnh chứ ! Người Âu có câu ngạn ngữ rất hay rằng: ”đàn bà mạnh bởi vì họ yếu” ! thật là chí lý phải không ông Tu Ca Ca ? Ở Trung Quốc ngày xưa chính “tứ đại mỹ nhân” (Chiêu Quân, Tây Thi, Dương Quý Phi và Điêu Thuyền) đã chẳng làm điên đảo bao bậc Đế Vương đó là gì. Vậy nên cao thủ như cô Búp Bê và quý bà Cả Diễm thì không chỉ ông, mà cả “Tôi và chúng ta” (như tên một vở kịch nổi tiếng của Lưu Quang Vũ) cũng chỉ là …con muỗi, họ đập đánh bét một cái là toi đời! Bởi thế, thưa ông Tu Ca Ca vô cùng thương mến!