10/11/13

NHO GIÁO DU NHẬP VÀ ĐẶC ĐIỂM NHO GIÁO Ở VIỆT NAM


MỞ ĐẦU

1. Tính cấp thiết của vấn đề
Trong thập kỷ vừa qua, Nho giáo bỗng nổi lên như một trong những vấn đề có tính hấp dẫn. Khổng Tử không những trở lại vị trí được tôn kính nhất trong nền văn hoá rực rỡ và lâu đời của Trung Quốc, mà còn được coi như một trong những bộ mặt quang vinh nhất của toàn thể nhân loại.
          Việt Nam là một nước từ lâu đời chịu ảnh hưởng của nền văn hoá Nho giáo. Nho giáo từ trên một ngàn năm được giới thống trị ở Việt Nam sử dụng như tư tưởng chủ đạo trong kiến trúc thượng tầng của xã hội. Trong suốt thời kỳ phong kiến ở Việt Nam toàn thể giới tri thức, dù khác nhau về quan điểm chính trị và văn hoá đều tự coi mình là những đệ tử của Nho giáo, đều lấy tiêu chuẩn đạo đức của Nho giáo làm phương châm suy nghĩ và hành động.
          Ngày nay, nhiều cuộc hội thảo bàn về lịch sử và về vai trò của Nho giáo đều được liên tiếp tổ chức ở Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên, Singapore và ở Việt Nam. Trên phạm vi thế giới, ở nhiều nước như Mỹ, Anh, Nga, Pháp, cũng có rất nhiều cuộc hội thảo được tổ chức và rất nhiều sách báo được phát hành nhằm nghiên cứu về Khổng Tử và đánh giá lại vai trò của ông đối với quá trình phát triển chung của nhân loại, cả hôm nay và ngày mai. Phải chăng Nho giáo sau hơn một ngàn năm phát huy ảnh hưởng vẫn còn có một sức mạnh tiềm ẩn nếu được đánh thức dậy sẽ đóng vai trò to lớn trong quá trình phát triển của đất nước chúng tôi hôm nay ? Phải chăng những thành công của việc vận dụng Nho giáo ở nhiều nước phương Đông cũng đang trở thành những bài học quý giá đối với Việt Nam chúng ta ?
Được thôi thúc bởi những lý do trên và là một học viên được sinh ra và lớn lên trong gia đình ít nhiều có hiểu biết về Nho học, em mạnh dạn cho đề tài: NHO GIÁO - QUÁ TRÌNH DU NHẬP VÀ ĐẶC ĐIỂM CỦA NHO GIÁO Ở VIỆT NAM làm tiểu luận.
2. Tình hình nghiên cứu đề tài
Hiện nay việc nghiên cứu Nho giáo đang được các học giả Việt Nam tìm hiểu ở nhiều góc độ nhằm giải quyết câu hỏi vì sao Nho giáo có sức sống lâu bền trong xã hội Việt Nam, vai trò của Nho giáo đối với sự phát triển của xã hội….
Đầu tiên phải kể đến công trình nghiên cứu đồ sộ của Giáo sư Trần Văn Giàu với tác phẩm Sự phát triển của tư tưởng Việt Nam (3 tập), tiếp đến là các công trình nghiên cứu Giáo sư Trần Quốc Vượng, Giáo sư Vũ Khiêu, Giáo sư Nguyễn Tài Thư, Giáo sư Trần Ngọc Thêm…. về Nho giáo, ảnh hưởng của Nho giáo đối với  xã hội Việt Nam.
Việc em chọn đề tài Nho giáo du nhập và đặc điểm của Nho giáo ở Việt Nam cũng là một chuyên đề nhỏ được tổng hợp, kết nối để những người yêu Nho giáo hệ thống lại lịch sử Nho giáo ở Việt Nam một cách đơn giản, khái quát hơn.
3. Mục đích, nhiệm vụ và phạm vi nghiên cứu
- Mục đích: Tiểu luận đi sâu nghiên cứu về quá trình du nhập, đặc điểm của Nho giáo ở Việt Nam.
- Nhiệm vụ: Khái quát một số vấn đề về Nho giáo, ảnh hưởng của Nho giáo, trên cơ sở đó đề ra những giải pháp.
- Phạm vi nghiên cứu: Tiểu luận đi sâu nghiên cứu về Nho giáo trong phạm vi xã hội Việt Nam.
4. Cơ sở lý luận và phương pháp nghiên cứu
- Tiểu luận được thực hiện dựa trên quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm của Đảng và Nhà nước ta về tôn giáo.
- Tiểu luận sử dụng tổng hợp các phương pháp trong quá trình nghiên cứu như kết hợp lôgíc và lịch sử, phân tích - tổng hợp, so sánh, lý luận gắn với thực tiễn.
5. Kết cấu tiểu luận
Ngoài phần mở đầu, kết luận, danh mục tài liệu tham khảo và phụ lục, tiểu luận được chia làm 3 chương, 7 tiết.
Do nhận thức và trình độ có hạn, nên tiểu luận chắc không tránh khỏi những thiếu sót, hạn ché nhất định, em rát mong được sự góp ý của thầy cố và bạn bè. Em xin chân thành cảm ơn./.


Chương 1

MỘT SỐ VẤN ĐỀ VỀ NHO GIÁO


          Nho giáo bắt nguồn từ đâu là câu hỏi xưa nay ít người đặt ra bởi lẽ câu trả lời dường như quá hiển nhiên: Trung Hoa.
“Nho” là một danh hiệu chỉ những người có học thức. Nho giáo là hệ thống giáo lý của các nhà nho nhằm mục đích tổ chức xã hội có hiệu quả. Cơ sở hình thành, ra đời của Nho giáo được định hình từ thời Tây Chu, đặc biệt là với sự đóng góp của Chu Đông Hán. Đến thời Xuân Thu, xã hội loạn ly, Khổng Tử mới phát triển tư tưởng của Chu Công, hệ thống hóa lại và tích cực truyền bá...
Nho giáo là một học thuyết chính trị. Để để làm được điều đó, Nho giáo đào tạo cho được những người cai trị kiểu mẫu, lý tưởng đó là quân tử. Để trở thành người quân tử, trước hết bản thân phải tự đào tạo, phải tu thân, có 3 tiêu chuẩn chính sau: Đạt đạo, đạt đức và biết thi - lễ - nhạc.
Tu thân rồi, bổn phận của người quân tử là phải hành động, phải ra làm quan, làm chính trị. Nội dung công việc này là tề gia - trị quốc - bình thiên hạ. Kim chỉ nam cho công việc cai trị là: Nhân trị (cai trị bằng tình người) và Chính danh (tức là phải làm sao để vua ra vua, tôi ra tôi, cha ra cha, con ra con).
Nghiên cứu về Nho giáo, nhiều học giả cho rằng Nho giáo được hình thành, phát triển từ Trung Hoa rồi lan toả ra các quốc gia khác, là đứa con tinh thần được ra đời được nuôi dưỡng bởi truyền thống văn hoá du mục phương Bắc và truyền thống văn hoá nông nghiệp phương Nam (1), cụ thể là:
- Chất du mục phương Bắc mà Nho giáo nguyên thuỷ tiếp thu thể hiện nổi bật:
+ Tham vọng bình thiên hạ, coi trọng cái quốc tế và coi nhẹ cái quốc gia. Bởi bản thân Khổng Tử đã trên 01 lần rời quê hương nước Lỗ để tìm minh chủ. Gốc của tham vọng bành trướng là truyền thống trọng sức mạnh - điều đó đã được Khổng Tử đưa vào Nho giáo qua chữ “dũng” (nhân - trí - dũng).

_______________
(1). Trần Ngọc Thêm - Tìm về bản sắc Văn hóa Việt Nam (cái nhìn hệ thống, loại hình). Nhà xuất bản thành phố Hồ Chí Minh, in lần thứ hai, năm 1997, trang 505.

+ Quan niệm về một xã hội trật tự, ngăn nắp, có tôn ti trên dưới rõ ràng, thể hiện qua thuyết chính danh với nếp sống chặt chẽ, kỹ cương được đảm bảo bằng sức mạnh.
- Chất nông nghiệp phương Nam mà Nho giáo nguyên thuỷ tiếp thu thể hiện:
+ Việc đề cao chữ Nhân và nguyên lý nhân trị có nguồn gốc từ lối trọng tình của người nông nghiệp phương Nam.
+ Việc coi trọng dân có nguồn gốc từ tinh thần dân chủ có nguồn gốc từ văn hoá nông nghiệp phương Nam. Khổng Tử nói: Dân là chủ của thân, vì thế thánh nhân xưa lo xong việc dân rồi mới lo đến việc thân.
+ Nho giáo nguyên thuỷ rất coi trọng văn hoá, đặc biệt là văn hoá tinh thần (thi, thư, lễ, nhạc....). Tình yêu nam nữ mà kinh Thi nói đến nhiều chính là biểu hiện của tình người, là cái gốc của nhân và cũng là cái gốc của mọi sự.
Việc đồng thời dựa vào 2 truyền thống văn hoá đối lập nhau - du mục và nông nghiệp - trong một hoàn cảnh xã hội đầy biến động, khiến cho tư tưởng của Nho giáo không tránh khỏi những giằng co, nhiều khi chứa đựng đầy mâu thuẫn.
Mâu thuẫn rõ nhất của Nho giáo vẫn không thoát khỏi lối nghĩ miệt thị dân của những kẻ có sức mạnh (dân chúng có thể khiến cho họ theo chứ không thể giảng cho họ hiểu được). Nho giáo cũng chống lại chính sách pháp trị của truyền thống du mục, nhưng ban đầu Khổng Tử đã tỏ ra rất lúng túng giữa lễ trịnhân trị. Ông cũng nhiều lần nói đến lễ trị, vận động các nước chư hầu duy trì cái lễ của nhà Tây Chu. Ông cũng đã nhập Nhân với Lễ, và còn đi xa hơn, coi Nhân là cái gốc của lễ nhạc. Tuy đầy mâu thuẫn và lúng túng, nhưng rõ ràng là về tư tưởng, Khổng Tử và Nho giáo nguyên thuỷ đã thiên về truyền thống nông nghiệp phương Nam hơn. Đồng thời, cũng chính cái chất nông nghiệp phương Nam là nguyên nhân gây nên bi kịch lớn nhất của Nho giáo là: Cái Nho giáo mà Khổng Tử tốn bao công gây dựng nên, vừa có thể nói là rất thành công, lại vừa có thể nói là thất bại. Vì trong khi các bậc đế vương với truyền thống trọng võ phương Bắc quen cầm quyền theo lối pháp trị và chuyên chế bằng vũ lực thì Khổng Tử lại chịu ảnh hưởng của truyền thống trọng tình (trọng văn) phương Nam, mà khuyên họ cầm quyền theo lối nhân trị. Chính vì vậy, nên ngay từ khi còn sinh thời, Khổng Tử luôn muốn làm quan nhưng hầu như chẳng được ai trọng dụng.... Chính vì thế, về sau đã có một số thế lực tập trung vào việc loại trừ chất nông nghiệp phương Nam trong Nho giáo bằng các hành động:
- Những người chủ trương sửa đổi không dám tấn công thẳng vào chữ Nhân và chủ trương nhân trị, bởi lẽ đây là cốt lõi của học thuyết Khổng Tử, chính nhờ đó mà Nho giáo được chọn làm công cụ mị dân. Nhưng họ đã lờ đi, hạn chế nhắc đến chữ Nhânnhân trị, thay vào đó là nói đến lễ trị và đặc biệt là đề cao Trời (thiên mệnh). Mọi việc thế gian đều do Trời quyết định. Đề cao trời để rồi đồng nhất quyền vua (vương quyền) với quyền Trời (thần quyền) bằng thuyết Vương quyền thần thụ: Quyền thống trị của vua là theo mệnh trời, do Trời giao phó. Vua đã được biến thành ông Trời con, có quyền uy tuyệt đối, dân trở thành những kẻ bầy tôi ngoan ngoãn - đó thật là cả một sách lược khôn ngoan, tác dụng của nó còn hơn cả lễ trị pháp trị.
- Loại bỏ cái hạt nhân dân chủ. Thay cho quan niệm của Nho giáo nguyên thuỷ về Ngũ luân với các quan hệ hai chiều bình đẳng, tất cả được quy về 3 mối chủ yếu, tạo nên thuyết “Tam cương” (quan hệ vua tôi, cha con, vợ chồng) với quan hệ 1 chiều duy nhất chỉ đòi hỏi trách nhiệm của kẻ dưới đối với người trên: Quân vi thần cương, phụ vi tử cương, phu vi phụ cương - nghĩa là bề tôi phải tuyệt đối phục tùng vua, con phải tuyệt đối phục tùng cha, vợ phải tuyệt đối phục tùng chồng.
- Từ đời Hán trở về sau, vai trò của văn hoá cũng bị thu hẹp, nó chỉ giới hạn trong khuôn khổ những gì có lợi cho vương quyền.
Như vậy, Nho giáo nguyên thuỷ đúng như Khổng Tử dự đoán đã hoàn toàn thất bại. Trước khi chết, Khổng Tử rất u buồn, bởi lẽ ông đã không hiểu được rằng, hút nhuỵ từ văn minh nông nghiệp, Nho giáo đầy tính nhân bản của ông chỉ thích hợp được với quy mô làng xã. Để phục vụ cho vương quyền trong phạm vi quốc gia, cần có một thứ triệt lý tổng hợp được chất pháp luật tôn ti của văn minh du mục để cai trị và chất tình cảm của văn minh nông nghiệp để lấy lòng dân, con đường thích hợp hơn là du mục hoá Nho giáo. Nhiệm vụ này Hán nho đã thực hiện một cách xuất sắc bằng việc đề cao thần quyền (Trời) và thứ bậc tôn ti (Tam cương).
Đối với cuộc sống, Nho giáo quan tâm đến con người. Phật giáo cho cuộc đời là bể khổ nên tìm cách giải thoát, cần sự “bất sinh”. Lão giáo cũng yếm thế, bi quan như vậy, nên cần sự “vô vi tịch mịch”. Chỉ có đạo Nho là trọng sự sống hơn cả. Không cần phải hỏi ta sinh ra ở cõi đời để làm gì, chết rồi thì đi đâu, chết rồi có linh hồn nữa không “Người muốn biết người chết rồi có biết gì nữa không ư ? Chuyện đó không phải là chuyện cần kíp bây giờ, rồi sau biết”. Cho nên Khổng Tử ít bàn đến chuyện quỷ thần, đến chuyện quái lạ, huyền bí. Làm người ở đời hãy lo lấy việc của con người. Chuyện của con người lúc sống còn chưa lo hết, lo gì đến việc sau khi chết ! “Phải vụ lấy việc nghĩa của con người, còn quỷ thần kính mà xa ta” (Luận ngữ). Khi khoa học chưa phát triển, các tôn giáo còn thịnh hành, những chuyện mê tín dị đoan còn huyền hoặc người ta gây bao nhiêu tai hại, thì thái độ “kinh nhi viễn chi” là đúng. Khổng Tử tuy chưa thoát ra được cái “thiện đạo quan” của đời Chu, nhưng ông đã bắt đầu hoài nghi quỷ thần, trời mặc dù ông vẫn trong việc tế trị. Nho học khuyên con người ta nên yêu đời, vui đời, sống có ích cho đời, cho xã hội. Câu Khổng Tử trả lời Tử Lộ khi ông ta định sang giúp Phật Bật nêu rõ điều đó: “Ta đây há lại là quả dưa, chỉ được treo mà không được ăn hay sao” sống ở đời mà bỏ việc đời là trái đạo con người. Sống là hành động, đem tài trí giúp đời Khổng Tử chính là tấm gương cho các nhà Nho đời sau noi theo. Ông không tìm thú vui ở chỗ ẩn dật hay ở chỗ suy tưởng suông, mà ở chỗ hành động, hành đạo. Khổng Tử đi chu du thiên hạ ngoài mục đích tìm cách thực hiện lý tưởng của mình suốt 14 năm. Không ai dùng, trở về đã 70 tuổi ông vẫn dạy học, làm sách, truyền bá tư tưởng của mình. Đây có thể nói là điểm sáng nhất của Nho giáo so với các học thuyết khác, và có lẽ chính nhờ nó mà Nho giáo giữ vị trí độc tôn và ưa chuộng trong thời gian rất dài của lịch sử.
Về đạo đức, Nho giáo rất chú trọng dạy đạo làm người. Phải nói đạo làm người của Khổng Tử dạy là đạo làm người trong xã hội phong kiến. Những quan niệm đạo đức mà Khổng Tử đề ra không phải là vĩnh cửu, nhưng có nhiều phương châm xử thế, giúp ông sống giữa bầy lang sói mà vẫn giữ được tâm hồn cao thượng, nhân cách trong sáng. Suy đến cùng đạo làm người ấy bao gồm 2 chữ nhân nghĩa. Khổng Tử giảng chữ Nhân cho học trò không lúc nào giống lúc nào, nhưng xét cho kỹ, cốt tuỷ của chữ Nhân là lòng thương người và cũng chính là Khổng Tử nói “đối với người như đối với mình, không thi hành với người những điều mà bản thân không muốn ai thi hành với mình cả. Hơn nữa cái mình muốn lập cho mình thì phải lập cho người, cái gì mình muốn đạt tới thì cũng phải làm cho đạt tới, phải giúp cho người trở thành tốt hơn mà không làm cho người xấu đi” (luận ngữ). “Nghĩa” là lẽ phải, đường hay, việc đúng. Mạnh Tử nói “nhân là lòng người, nghĩa là đường đi của người”. “Nhân là cái nhà của người, nghĩa là đường đi ngay thẳng của người” “ở với đạo nhân, nói theo đường nghĩa, tất cả mọi việc của đại nhân là thế đó”.
Đến Hán Nho, Đổng Trọng Thư đưa nhân nghĩa vào ngũ thường. Tam cương ngũ thường trở thành giềng mối trụ cột của lễ giáo phong kiến. Sang Tống Nho, hai chữ nhân nghĩa càng bị trừu tượng hoá. Các nhà Tống Nho căn cứ vào thuyết “thiện nhân hợp nhất” khoác cho hai chữ “nhân nghĩa” một màu sắc thần lá siêu hình. Trời có “lý” người có “tính” bẩm thụ ở trời. Đức của trời có 4 điều: Nguyên, hạnh, lợi, trinh; đức của người có nhân, nghĩa, lễ, trí. Bốn đức của người tương cảm với bốn đức của trời.
Hệ thống hoá lại một cách tóm tắt hai chữ “nhân nghĩa” ở một số thời điểm phát triển của Nho giáo như trên, ta có thể kết luận hai chữ “nhân nghĩa” của Nho giáo là khái niệm thuộc phạm trù đạo lý, nội dung từng thời kỳ có thêm bớt nhưng căn bản vẫn là những lễ giáo phong kiến, không ngoài mục đích duy nhất là ràng buộc con người vào khuôn khổ pháp lý Nho giáo, phục vụ quyền lợi của giai cấp phong kiến. Trong quá trình phát triển càng ngày nó càng bị trừu tượng hoá trên quan điểm siêu hình.
Tuy nhiên quan niệm đạo đức của Nho giáo quả là có rất nhiều điểm tích cực. Một trong những đặc điểm đó là đặt rõ vấn đề người quân tử, tức là người lãnh đạo chính trị phải có đạo đức cao cả; dù nguyên tắc ấy không được thực hiện trong thực tế nó vẫn là một điểm làm chỗ dựa cho những sĩ phu đấu tranh. Nho giáo đã tạo ra cho kẻ sĩ một tinh thần trách nhiệm cao cả với xã hội. Truyền thống hiếu học, truyền thống khí tiết của kẻ sĩ không thể bảo là di sản của Nho giáo chỉ có tiêu cực.


Chương 2
NHO GIÁO DU NHẬP, PHÁT TRIỂN VÀO VIỆT NAM

I. QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN
Khi Việt Nam bị nội thuộc Trung Quốc vào năm 192 - Trước Công nguyên (vào lúc Nho giáo ở Trung Quốc được suy tôn làm quốc giáo), các thế lực phong kiến phương Bắc luôn kiên trì đeo đuổi ý định đồng hóa nhân dân Việt Nam, cũng như cố đồng hóa nhiều dân tộc khác nhằm mục đích truyền bá văn hóa, truyền bá Nho giáo. Trái lại, nhân dân Việt Nam, ngoài phương pháp đấu tranh vũ trang giành lại tự chủ, còn phải tiến hành một loạt phương pháp khác nhằm bảo tồn giống nòi, phong tục tập quán và những di sản quý giá của mình; đồng thời sẵn sàng tiếp thu ảnh hưởng văn hóa nước ngoài cao hơn văn hóa vốn có của dân tộc ta, biến cái của người thành cái của mình(1).
Đến thời Tây Hán, đầu Công nguyên, thái thú Tích Quang và Nhâm Diên “dựng học hiệu dạy lễ nghĩa” tại quận Giao Chỉ và Cửu Chân nhằm truyền bá Nho giáo và ép nhân dân ta theo phong tục Hán. Thời Vương Mãn, đông đảo kẻ
__________________
(1). Giáo sư Trần Văn Giàu - Sự phát triển của tư tưởng Việt Nam từ thế kỷ 19 đến cách mạng tháng Tám, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, Hà Nội, năm 1996, Tập 1, trang 59


sĩ Trung Quốc lánh nạn, di cư sang Giai Chỉ - và họ cũng góp phần truyền bá đạo Nho bằng cách mở trường để kiếm sống (1).
Sang thời Đông Hán, số trường học nhiều hơn trước, chẳng những con em bọn thống trị ngoại quóc đi học, mà có cả con em người bản địa giàu có hoặc cộng tác với quân đô hộ… Trên cơ sở đó, Sĩ Nhiếp mở mang việc học ở Việt Nam (2) .
Đến đời Đường, khi Trung Quốc trở lại thống nhất, chính sách đồng hóa của phong kiến phương Bắc lại tiếp tục trên một trình độ mới, mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Song có nhiều nhà nho học giỏi, đỗ cao, nhưng không phải là người bản xứ của Châu Giao, không phải là giống Hán nên không được bổ làm quan ở cấp xứng đáng với tài năng mà chỉ được trông nom cổng thành (như Tinh Thiều….).
Trong thời kỳ đầu lập quốc, Nho giáo chưa thịnh hành. Các nhà Ngô, Đinh, Lê trong buổi đầu của việc xây dựng nhà nước phong kiến, cùng với việc bận rộn việc đánh đuổi giặc ngoài, bình giặc trong, nên việc cấp thiết hơn việc văn, nên nhà vua ít lưu tâm đến việc học (việc học lúc này do nhà chùa đảm nhận). Giai đoạn này diễn ra cuộc đấu tranh âm ĩ giữa Nho và Phật, nhưng không ồn ào đổ máu, không thôn tính lẫn nhau, mà trái lại để tạo ra một sự thăng bằng trong đời sống tinh thần Việt Nam, đã dẫn đến đặc trưng riêng có ở Việt Nam là “Tam giáo đồng nguyên”, đó là:
- Nho giáo chi phối con người về mặt lý tính và nghĩa vụ xã hội;
- Phật giáo chi phối con người về mặt tình cảm, tưởng tượng và ước mơ nhân đạo;
- Đạo giáo chi phối con người về mặt ý chí khắc phục khó khăn trần thế bằng phương thuật bí ẩn.
Thực tế, nhà nước sử dụng nhân tài từ Phật giáo- Đạo giáo và Nho giáo (mà trước hết là Phật, Đạo, rồi mới đến Nho). Tập tục triều đình con xa lạ với Nho giáo.
Đến khi nhà Lý thành lập, tình hình chính trị trong nước được ổn định lâu dài, mới có điều kiện mở mang học vấn. Sự học đã trở thành một nhu cầu cấp thiết để củng cố chính quyền, để tuyển lựa một số quan chức. Nho giáo đã theo
____________________
(1). Giáo sư Trần Văn Giàu - Sự phát triển của tư tưởng Việt Nam từ thế kỷ 19 đến cách mạng tháng Tám - sách đã dẫn, trang 59.
(2). Các nhà Nho học Việt Nam xem Sĩ Nhiếp là Sĩ vương, ông tổ của việc học nước ta.
sự phát triển của việc học mà vươn lên dần dần (theo Giáo sư Trần Văn Giàu, thời Lý sơ, việc học nước ta phỏng theo lối của nhà Đường). Đến năm 1070, với sự kiện nhà Lý cho lập Văn Miếu thờ Chu Công, Khổng Tử thì có thể xem là Nho giáo được tiếp nhận chính thức tại Việt Nam. Chính vì vậy, Nho giáo ở Việt Nam chủ yếu là Tống Nho (nhà Lý tương ứng với nhà Tống ở Trung Hoa), chứ không phải là Hán Nho, Đường Nho, Thanh Nho... Trong khi đó, quần chúng nhân dân vẫn theo Phật giáo, Đạo giáo. Song Phật giáo dù được tôn sùng đến đâu, dù cố gắng nhập thế đến mức nào, bản thân Phật giáo cũng không phải là một đạo trị nước. Đạo giáo cũng vậy.
Sang thời Trần, Nho giáo phát triển hơn, chính quyền đã dùng Nho làm trị đạo. Nhu cầu thiết thực của viejc trị nước, nhu cầu tiến hóa của bản thân trí tuệ, ảnh hưởng ngày thêm tăng về mặ văn hóa của nước láng giềng khổng lồ, những lưu tệ của Phật giáo trong xã hội đương thời, đã khiến cho Nho giáo lần chiếm thế mạnh để cuối cùng thì chiếm ưu thế ở triều đình và trong hàng trí thức so với Phật giáo. Giai đoạn này, các khoa thi được mở đều đặn hơn. Năm 1236, Trần Thái Tông lập Quốc Tử viên dạy Ngũ kinh, Tứ thư cho con em các nhà quý tộc. Năm 1253, Quốc học viên được thành lập, không phải để cho thiếu niên mà để cho các nho sĩ đã có trình độ tới lui học tập. Ngoài 2 viên trên, xã hội còn có trường tư nổi tiếng (như trường của Chu Văn An, trường của Chiêu Quốc Vương….) đã chứng tỏ sự phát triển khá rực rỡ của Nho học (1).
Như thế, Phật giáo lui dần, ít ra trong lĩnh vực chính trị, văn hóa, còn Nho giáo thì tiến mãi và cung cấp ngày càng đông sĩ tử cho nhà nước phong kiến. Song đến cuối đời Trần, Nho giáo vẫn chưa được người dân Việt chấp nhận (Nhà nho Lê Quát - học trò Chu Văn An rất tức giận vì thấy toàn dân theo Phật giáo mà đã viết trên một tấm bia có ý nói học nhiều mà chưa đựoc dân tin bằng Phật giáo...).
Khi quân Minh sang xâm lược nước ta, chúng thi hành một chính sách cực kỳ tàn bạo, thâm độc, nhằm thủ tiêu văn hóa Việt Nam. Năm 1407, vua Minh ra lệnh cho Trương Phụ, Trần Húc thiêu hủy tất cả sách vở do người Việt Nam viết, thiêu hủy cả bản gỗ, dập nát các bia đá… rồi tiến thêm tịch thu tất cả sách vở về lịch sử, văn học, pháp luật, quân sự của người Việt Nam còn sót lại. Trong kháng chiến 10 năm chống quân Minh (1418 - 1458), các nhà Nho Việt Nam đứng đầu là Nguyễn Trãi tập hợp, tiếp thu một học thuyết từ bên ngoài để làm lý luận
_________________
(1). Giáo sư Trần Văn Giàu - Sự phát triển của tư tưởng Việt Nam từ thế kỷ 19 đến cách mạng tháng Tám - sách đã dẫn, trang 73.
hướng dẫn tư duy và hành động cho dân tộc mình là một chân lý phổ biến, là một sự thực khách quan của các thời đại, của các dân tộc.
Từ thời Lê trở đi, Nho giáo trở thành quốc giáo ở Việt Nam. Nho giáo đã góp phần đắc lực trong cuộc chiến đấu chống Minh, giải phóng dân tộc. Tuy rằng đa số nhân dân, tướng sĩ Lam Sơn về mặt tín ngưỡng vẫn theo Phật giáo hay Đạo giáo. Năm 1428, Lê Lợi lập Quốc tử giám ở kinh thành và nhiều trường học ở các đạo. Năm 1483, Lê Thánh Tôn xây dựng lại Văn Miếu và lập nhà Thái học (sau Văn Miếu) vừa là giảng đường, vừa là thư viện và nơi bảo quản các bản in gỗ quan trọng. Tiếp đến năm 1480, Lê Thánh Tôn định lệ dựng bia đá ở Văn Miếu, ghi lý lịch các vị Tiến sĩ từ khóa 1442 trở đi…
Sang thời Tây Sơn, Nho giáo tiếp tục được tôn trọng. Bản thân Quang Trung hạ chiếu yêu cầu Nguyễn Thiếp phải hướng việc học tập thi cử theo phép của Chu Tử; đồng thời có kế hoạch táo bạo biên soạn chữ Nôm…
Như vậy, suốt các thời Ngô, Đinh, Lê (sơ), Lý, Trần, Lê (hậu), ở Việt Nam tâm giáo đều lưu hành, có lúc suy, lúc thịnh, có đấu tranh nhưng chưa hề có chiến tranh tôn giáo như đã thấy xảy ra ở các nước châu Âu hay châu Á khác. Trái lại, các tôn giáo này đã đoàn kết với nhau để chống ngoại xâm.
Nho giáo tự bản thân nó không phải là một tôn giáo như Hồi giáo, Công giáo, Nho giáo chỉ lo cho dời sống mà ít lo việc sau khi chết, Nho giáo không có tín ngưỡng vào đáng cứu thế, vào Thượng đế sáng tạo vũ trụ…., cho nên sự mê tín tuy có nhưng không đến nỗi nặng nề có thể đưa đến chiến tranh tôn giáo. Khi giành được nền tự chủ dân tộc, Việt Nam muốn tồn tại thì phải chọn lấy một ý thức hệ tích cực, quan tâm đến con người đến cuộc đời, đến xã hội, đến vận mệnh dân tộc. Nho giáo có nhiều hạn chế nhưng trong 3 ý thức hệ phong kiến thì phải nói Nho giáo có nhiều nhân tố tích cực nhất. Do đó cha ông ta đã chọn lấy Nho giáo bởi nó đáp ứng được nhiều vấn đề mà đời sống đặt ra. Song nét độc đáo của văn hóa Việt Nam là khi tiếp thu một hệ tư tưởng ngoại lai, không tiếp nhận nguyên cả hệ thống mà tiếp nhận các yếu tố riêng lẻ để rồi cấu tạo theo cách riêng của mình tạo thành một hệ thống mới với những nét khác biệt. Nho giáo Việt Nam là một hệ thống như thế, đã làm được như thế.
Có thể khái quát lại:
Trước hết, nhà nước quân chủ Việt Nam, nhất là triều Lê và triều Nguyễn đã học tập rất nhiều ở cách tổ chức triều đình và hệ thống pháp luật của người Trung Hoa (thật ra, cái này không hẳn là sản phẩm của Nho giáo mà chủ yếu của truyền thống văn hóa du mục).
Thứ hai, hệ thống thi cử của Nho giáo để tuyển chọn người tài bổ dụng vào bộ máy cai trị được xây dựng trên nguyên lý trọng văn đã được triều đình phong kiến Việt Nam vận dụng ngay từ đầu triều Lý. Từ kỳ thi mở đầu năm 1075 đến kỳ thi cuối cùng của lịch sử khoa cử phong kiến năm 1919, trong vòng 844 năm có tất cả 185 khoa thi với 2.875 người đỗ, trong đó có 56 trạng nguyên (nhà Nguyễn không lấy trạng nguyên).
Thứ ba, khi mà chữ cổ đã mai một và mất hẳn, thì người Việt đã sử dụng chữ Hán làm văn tự chính thức trong giao dịch hành chính. Trong tâm thức người Việt Nam, chữ Hán và Nho giáo không tách rời nhau và được đồng nhất với cái gì thiêng liêng nhất: Chữ Hán còn được coi là chữ “thánh hiền”... Trên cơ sở chữ Hán, người Việt đã tạo ra chữ Nôm (chữ của người Nam) dùng trong sáng tác văn chương. Thời Tây Sơn, Quang Trung - Nguyễn Huệ đã mở rộng ra, sử dụng chữ Nôm cả trong lĩnh vực hành chính và giáo dục (La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp được giao nhiệm vụ dịch Tứ thư, Ngũ kinh và các sách giáo khoa ra chữ Nôm).
II. ĐẶC ĐIỂM CỦA NHO GIÁO Ở VIỆT NAM
Có khá nhiều yếu tố Nho giáo vào Việt Nam đã bị truyền thống văn hoá dân tộc đồng hoá, đưa vào đó những nét đặc thù của mình, làm cho yếu tố Nho giáo bị biến đổi cho phù hợp, cụ thể:
1. Yếu tố đáng chú ý nhất của Nho giáo bị biến đổi là xu hướng ưa ổn định. Xã hội quốc gia cổ đại vùng Trung Hoa với cái gốc du mục luôn đầy biến động. Bởi vậy, mục đích của Nho giáo là tạo ra một xã hội ổn định. Ở Trung Hoa, các triều đại phong kiến chỉ dùng Nho giáo để giữ yên ngai vàng, còn với bên ngoài thì luôn chủ trương bành trướng, xâm lăng (phát triển trong đối ngoại). Đối với văn hoá Việt Nam nông nghiệp, ước mong về một cuộc sống ổn định, không xáo trộn là một truyền thống lâu dời. Nhu cầu duy trì sự ổn định không chỉ có ở dân mà ở cả triều đình, không chỉ trong đối nội mà cả trong đối ngoại. Các cuộc chiến tranh mà người Việt Nam từng phải thực hiện đều mang tính tự vệ, với Trung Hoa cũng thế và với người Chiêm Thành cũng thế.
Để duy trì sự ổn định, làng xã Việt Nam tạo nên sự phân biệt dân chính cư-dân ngụ cư, cộng đồng hoá lĩnh vực hôn nhân, sử dụng hữu hiệu bộ máy dư luận - tất nhằm sự lệ thuộc cá nhân vào cộng đồng. Tương tự, muốn duy trì sự ổn định quốc, cần tạo ra sự phụ thuộc bộ máy quan lại vào triều đình, Nho giáo đã dùng 2 biện pháp:
- Biện pháp kinh tế là nhẹ lương nặng bổng, quan lại không phải sống bằng lương mà bằng bổng lộc.
- Biện pháp tinh thần là trọng đức khinh tài.
2. Yếu tố quan trọng thứ là trọng tình người. Vì trọng tình vốn là truyền thống văn hoá lâu đời của Việt Nam, cho nên khi tiếp nhận Nho giáo, dù là Nho giáo đã đựơc cải biến nhiều lần, người Việt Nam đã tâm đắc với chữ Nhân hơn cả. Nhân - đó là lòng thương người.
Việc trọng tình người trong Nho giáo Việt Nam được bổ sung bằng truyền thống dân chủ của văn hoá nông nghiệp mà Nho giáo nguyên thuỷ có tiếp thu. Nhờ đó mà khi các yếu tố mang tính du mục của Nho giáo Trung Hoa thâm nhập vào Việt Nam đã được làm mềm đi, không đến mức  quá hà khắc (chẳng hạn như trong lĩnh vực pháp luật, truyền thống coi trọng vai trò của người phụ nữ đã làm cho luật Hồng Đức, luật Gia Long trở nên mềm dẻo hơn). Như truyền thống dân chủ ấy mà ở Việt Nam, dù Nho giáo sau này có giữ địa vị độc tôn và trở thành công cụ thống trị xã hội nhưng cũng không dám loại trừ Phật giáo và huỷ bỏ cái gốc văn hoá Việt Nam là đạo Mẫu. Tiếp thu chữ hiếu của Nho giáo, người Việt Nam không gắn nó với tư tưởng “nam tôn nữ ti” nặng nề của Trung Hoa mà đặt chữ hiếu trong mối quan hệ bình đẳng với cả cha và mẹ.
3. Yếu tố thứ ba là xu hướng trọng văn. Trọng văn là truyền thống của văn hoá nông nghiệp. Chính vì chịu ảnh hưởng của văn hoá nông nghiệp phương Nam nên Nho giáo nguyên thuỷ rất coi trọng văn, trọng văn hoá, trọng kẻ sĩ, trong khi đó thì “võ”, “dũng” lại ít được nhắc đến. Chữ, người Việt so sánh với vàng: Một kho vàng không bằng một nan chữ; việc học chữ người Việt so sánh với việc nhà nông: Chẳng cấy lấy đâu có chữ, chẳng học lấy đâu biết chữ. Việt Nam trọng văn hơn trọng võ. Tuy luôn phải đối mặt với chiến tranh liên miên, nhưng người Việt Nam ít quan tâm đến các kỳ thi võ mà chỉ ham học chữ, thi văn. Người cầm quyền nhìn thấy ở Nho giáo một công cụ cai trị, còn người bình dân nhìn thấy ở Nho giáo một công cụ văn hoá, một con đường làm nên sự nghiệp.
4. Tư tưởng trung quân ở Nho giáo Trung Hoa đóng vai trò quan trọng, còn tư tưởng yêu nước thì không được đề cập đến. Trong khi đó, thì ở Việt Nam tinh thần yêu nước và tinh thần dân tộc lại là một truyền thống rất mạnh.
5. Tâm lý khinh rẻ nghề buôn. Tư tưởng xem nhẹ nghề buôn ở Nho giáo là sản phẩm của quan điểm coi trọng “đạo” và “đạo đức”. Người quân tử lo không đạt đạo chứ không lo nghèo. Không phải ngẫu nhiên mà Trung Hoa đã sản sinh ra một tầng lớp thương nhân giỏi buôn bán tới mức cả thế giới đều biết tiếng. Trong khi đó, tâm lý khinh rẻ nghề buôn ở Việt Nam là sản phẩm của truyền thống văn hoá nông nghiệp, của tính cộng đồng và tính tự trị. Nó đã bám rễ vào suy nghĩ và tình cảm mỗi người, khiến cho nghề buôn trong lịch sử Việt Nam không phát triển được, nó còn khái quát hoá thành quan điểm: Dĩ nông vi bản, dĩ thương vi mạt và đường lối trọng nông ức thương.
Tóm lại, sở dĩ Nho giáo Trung Hoa đã đựơc người Việt Nam dỡ ra, cải biến cho phù hợp với hoàn cảnh và truyền thống văn hoá của mình, rồi cấu trúc lại một cách tài tình như thế là vì giữa Nho giáo Trung Hoa và văn hoá Việt Nam có những nét tương đồng. Đó không phải là những cái gì khác mà là tinh hoa của văn hoá nông nghiệp phương Nam mà Nho giáo nguyên thuỷ đã tiếp thu, nên khi vào Việt Nam, Nho giáo luôn phảng phất cái vừa lạ vừa quen rất đặc biệt. Như vậy, với tất cả những đặc điểm trên, Nho giáo Việt Nam là một thứ Nho giáo mang bản sắc riêng khá độc đáo.
III. ẢNH HƯỞNG CỦA NHO GIÁO ĐỐI VỚI XÃ HỘI VIỆT NAM
1. Những ảnh hưởng tích cực:
Sự phát triển của Nho giáo Việt Nam không tách rời những yêu cầu xã hội như trên đã nói, cho nên trong buổi thịnh tự nhất, Nho giáo không khỏi có một số tác dụng tích cực:
Trước hết là cương vị độc tôn, Nho giáo đã có thêm nhiều sức mạnh và uy thế góp phần củng cố và phát triển chế độ quân chủ và những kinh nghiệm mẫu mực cho việc chấn chỉnh và mở rộng nhà nước phong kiến tập quyền theo một quy mô hoàn chỉnh có đầy đủ những thể chế và điều phạm. Mà ở thế kỷ XV, các xu thế phát triển đó đã và đang giữ vai trò thúc đẩy sự phát triển của xã hội Việt Nam trên các bình diện sản xuất và củng cố quốc phòng.
Quá trình đi lên của Nho giáo Việt Nam không tách rời yêu cầu phát triển nền kinh tế tiểu nông gia trưởng dựa trên quyền sở hữu của giai cấp địa chủ của nhà nước và của một bộ phận nông dân trực tiếp tự canh về ruộng đất. Cho nên khi chiếm được vị trí chủ đạo trên vòm trời tư tưởng của chế độ phong kiến, Nho giáo càng có điều kiện xúc tiến sự phát triển này, làm cho sản xuất nông nghiệp và trao đổi hàng hoá được đẩy mạnh hơn trước.
Nho giáo đem lại một bước tiến khá căn bản trong lĩnh vực văn hoá tinh thần của xã hội phong kiến nước ta từ thế kỷ XV, trước hết làm cho nền giáo dục phát triển hết sức mạnh mẽ nhất là dưới triều Lê Thánh Tông. Nền giáo dục ấy cùng với chế độ thi cử đã đào tạo ra một đội ngũ tri thức đông đảo chưa từng thâý trong lịch sử chế độ phong kiến Việt Nam. Do đó khoa học và văn học nghệ thuật phát triển.
Hơn nữa sự thịnh trị của Nho giáo từ thế kỷ XV cũng là một hiện tượng góp phần thúc đẩy lịch sử tư tưởng nước ta tiến lên một bước mới. Là một học thuyết tích cực nhập thể, Nho giáo cổ vũ và khuyến khích mọi người đi sâu vào tìm hiểu những quan hệ xã hội, những vấn đề của thực tiễn chính trị, pháp luật và đạo đức. Do đó, nhận thức lý luận của dân tộc ta về các vấn đề ấy cũng được nâng cao hơn. Dựa vào lịch sử của Nho giáo, nhà vua và các nho sĩ giải thích các vấn đề ấy có lập luận và có lý lẽ đầy đủ hơn.
2. Những ảnh hưởng tiêu cực:
Nhưng Nho giáo Việt Nam dù có lý do để tồn tại và phát triển thì cũng vẫn gắn liền với giai cấp phong kiến địa chủ trong nước và là công cụ thống trị và tư tưởng của giai cấp đó. Mà giai cấp địa chủ đó từ thế kỷ XV trở về trước tuy có một vai trò nhất định nhưng vẫn là một giai cấp bóc lột đối với nhân dân. Và bất cứ một giai cấp bóc lột nào ngay cả khi đang lên cũng mang theo những vết bùn nhơ và bàn tay vấy máu của những người lao động. Cho nên Nho giáo với tư cách là vũ khí của giai cấp phong kiến Việt Nam dù cho có không ít tích cực thì tác dụng tích cực đó cũng còn rất hạn chế. Thực ra ngay ở thời kỳ thịnh trị của nó, Nho giáo cũng đã có những mặt tiêu cực nghiêm trọng và chứa đựng khả năng suy yếu sau này, cụ thể:
Nho giáo ở Việt Nam khi chiếm ở vị trí độc tôn thì đã làm cho chủ nghĩa giáo điều và bệnh khuôn sáo phát triển mạnh trong lĩnh vực tư tưởng và trong địa hạt giáo dục khoa học. Các quan lại, sĩ phu, đều lấy thánh kinh, hiền truyện của Nho giáo làm khuôn vàng thước ngọc cho mọi người suy nghĩ và hành động của mình, lấy cái xã hội thời Nghiêu Thuấn làm khuôn mẫu cho mọi tình trạng xã hội; lấy những sự tích và điều phạm trong kinh, thư, kinh xuân thu làm tiêu chuẩn để bình giá mọi sự việc. Bệnh giáo điều và khuôn sáo này đã ăn sâu vào trong lĩnh vực khoa học và nghệ thuật nhất là trong văn học và sử học khiến cho sự sáng tạo trong các lĩnh vực này bị dập vào những cái khuôn sẵn có. Đó là một tật bệnh đã được rèn đúc ngay từ khi người nho sĩ phải mài dũa văn chương để tiến vào con đường cử nghiệp. Cho nên khi xã hội phong kiến rối loạn, vấn đề số phận và yêu cầu giải phóng con người được đặt ra thì Nho giáo trở thành bất lực, không giải đáp được vấn đề ấy vì nó đã sớm bỏ con đường phát triển tư duy trừu tượng. Hơn nữa, một khi chiếm vị trí độc tôn thì lễ chế của Nho giáo đặc biệt phát triển mạnh. Khi đó nó bắt đầu đè nặng lên con người và bóp nghẹt nếp sống giản dị, những quan hệ xã hội trong sáng, những tình cảm tự nhiên và chân thực của suy sụp cùng với xã hội phong kiến thì nó trở nên phản động, cổ hủ và lạc hậu.
Sự thịnh trị của Nho giáo còn khuyến khích mọi người nhất là các phần tử tri thức đi sâu vào việc học hành, thi đỗ, dương danh thiên hạ. Vì vậy mà trong thực tế, Nho giáo đã làm cho những người gia nhập tầng lớp nho sĩ này xa rời sinh hoạt kinh tế và lĩnh vực sản xuất xã hội, chỉ biết đề cao đạo tư thân và đạo tự nước chứ không hề đếm xỉa đến các tri thức về khoa học tự nhiên cũng như về các ngành sản xuất và lưu thông.
3. Một số vấn đề về Nho giáo trong tình hình hiện nay:
          Gần đây, nhiều vấn đề tranh luận về Nho giáo lại tiếp tục được nêu lên và mở rộng là: Vì sao có sự thất bại của các nước theo Nho giáo trước sự tấn công của chủ nghĩa đế quốc phương Tây ? Đánh giá như thế nào về mặt mạnh, mặt yếu của văn minh Nho giáo phương Đông và văn minh kỹ thuật ở phương Tây ? Nho giáo đã hết thời rồi hay còn sống mãi ? Những gì cần gạt bỏ, những gì cần giữ lại và phát huy từ di sản của Nho giáo ?  Phải chăng là Việt Nam đã có một thời kỳ quá coi nhẹ vai trò tích cực của Nho giáo và gạt bỏ đi nhiều nhân tố tốt đẹp có thể góp phần củng cố cuộc sống gia đình, hoàn thiện các quan hệ xã hội, phát huy thêm sức mạnh của cộng đồng trong sự nghiệp xây dựng đất nước và tiến tới một xã hội tốt đẹp trong tương lai….
          Vấn đề đặt ra ở đây theo em là cần nhận thức lại một số nội dung sau(1):
1. Nên có sự đánh giá Nho giáo, đánh giá ảnh hưởng của Nho giáo đối với Việt Nam trong thời gian qua, nhất là từ khi Đảng, Nhà nước ta chủ trương đổi mới, mở cửa hội nhập. Chúng ta đánh giá cao Khổng Tử và vai trò của ông trong lịch sử phát triển của nhiều nước châu Á, trong đó có Việt Nam, và những đóng góp nhất định của ông đối với thế giới ngày nay. Nhưng nếu coi Không Tử là nhân vật lỗi lạc nhất của nhân loại và coi thế kỷ 21 là thế kỷ của Khổng giáo thì có gì chưa ổn. Bởi vì, trong thế kỷ 21 mà chúng ta đang sống hôm nay, loài người đã khai thác, phát huy những thành tựu vĩ đại của nhân loại từ xưa đến nay, trong đó Khổng Tử chỉ là một đóng góp. Chúng ta cũng đứng quá cường điệu khi cho rằng Nho giáo đã từng là nhân tố tích cực trong sự nghiệp công nghiệp hoá và hiện đại hoá gần đây của các nước theo Nho giáo, vậy câu hỏi đặt ra là Nho giáo có chịu trách nhiệm gì không trước sự khủng hoảng kinh tế đang diễn ra gần đây không ?
2. Việt Nam cũng như những nước nói trên từ lâu nay chịu ảnh hưởng của Nho giáo. Nếu các nước xung quanh trong cùng khu vực khai thác được những nhân tố tích cực của Nho giáo, thì Việt Nam cũng sẽ làm được, không những thế mà còn biết phải khai thác Nho giáo với tinh thần chủ động và sáng tạo, thích

____________________
(1). Tham khao bài viết phục vụ hội thảo: Vai trò của Nho giáo ở Việt Nam hôm nay của Giáo sư Vũ Khiêu.

hợp với tình hình thực tế Việt Nam, vừa tiếp thu những bài học quý báu, vừa phải gạt bỏ những kinh nghiệm không thể chấp nhận được ở Việt Nam. Bởi vì, bất cứ di sản văn hoá nào cũng được đánh giá như nhau và xử lý như nhau ở những hoàn cảnh khác nhau và tầng lớp khác nhau. Từ truyền thống sang hiện đại là một quá trình vừa liên tục, vừa dứt đoạn. Cái hiện đại không xoá sạch cái truyền thống, và cái truyền thống chỉ có lý do tồn tại khi nó được sàng lọc và kiểm nghiệm thông qua cái hiện đại.
          3. Trải qua hàng chục thế kỷ, những nhà nho bảo thủ ở Việt Nam thường trích dẫn những lời nói của Khổng - Mạnh để biện minh cho những chính sách bảo thủ về mặt kinh tế. Việc Nho giáo đề cao nông nghiệp đi đôi với việc hạ thấp công nghiệp và thương nghiệp đã có tác dụng tiêu cực không nhỏ vào sự kéo dài tình trạng trì trệ của Việt Nam. Chúng ta cũng cần có cái nhìn biện chứng, xuất phát từ tình hình cụ thể đất nước để khai thác những tư tưởng tích cực nói trên của Nho giáo, cổ vũ mọi người làm giàu cho bản thân và cho đất nước, song không được làm giàu một cách phi pháp và bất nghĩa và cũng không được đem những khẩu hiệu đạo đức suông để cản trở việc làm giàu.
4. Cách mạng tháng Tám ở Việt Nam đã lật đổ chính quyền thực dân và phong kiến, trả lại cho nhân dân địa vị làm chủ đất nước, lên án sự áp bức bóc lột, khẳng định sự bình đẳng nam nữ, bước đầu thực hiện sự công bằng  xã hội. Thế nhưng, trong tình hình hiện nay, Nho giáo cũng có nhiều điểm không phù hợp với  xã hội mới, đó là vấn đề tu thân. Ngày nay, chúng ta cũng đặt ra nhiệm vụ tu thân lên hàng đầu, đang phát động phong trào học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, nên việc tu thân không phải tu theo kiểu đạo đức cũ mà tu thân với tinh thần đạo đức mới hôm nay.
5. Việc khai thác vai trò của gia đình trong sự nghiệp phát triển của đất nước, ở Việt Nam không bao giờ phủ nhận toàn bộ đạo đức Nho giáo trong gia đình, mà chỉ gạt những nhân tố tiêu cực của nó mà thôi. Hiện nay, nhiều sinh hoạt kiểu gia đình cũ đang được khôi phục lại. Mọi người quan tâm đến việc thờ cúng tổ tiên, chăm lo mồ mả, sử sang nhà thờ họ, tìm lại gia phả, nhận lại anh em họ hàng gần xa. Tình hình này có xu hướng củng cố thêm quan hệ gia đình, tạo điều kiện khuyến khích mọi người phát huy nhân tố tích cực của gia đình trong lao động, học tập và trong sự nghiệp dân giàu nước mạnh. Mặt khác, cũng cần ngăn chặn tư tưởng gia đình chủ nghĩa, thái độ họ hàng bao che cho nhau, tạo nên tính chất bè phái giữa các dòng họ trong một xã, giữa lợi ích xã hội và lợi ích gia đình trong phạm vi cả nước.
6. Trong quan hệ giữa cá nhân và xã hội (ngũ luân), Nho giáo đòi hỏi con người trước hết phải có quan hệ đúng đắn thể hiện trong ngũ luân (Vua tôi, cha con, chồng vợ, anh em, bạn bè). Song những nhu cầu về quyền tự do của cá nhân và đời sống riêng tư, về ý thức dân chủ của con người đang trở thành những vấn đề mà Nho giáo chưa vượt qua...
          7. Nho giáo đã từng đóng góp một vai trò to lớn trong lịch sử Việt Nam và chưa hết tác dụng của nó. Nếu không đặt vấn đề nghiên cứu một cách nghiêm túc thì chúng ta sẽ buông trôi cho sự phục hồi những yếu tố tiêu cực của nó, đồng thời cũng sẽ lãng phí những nhân tố tích sực mà nó còn có thể đóng góp vào sự nghiệp phát triển đất nước hôm nay.
          Các nhà khoa học Việt Nam sẽ tiếp tục nghiên cứu thêm về Nho giáo để có thái độ ứng xử đúng đắn đối với một học thuyết có ảnh hưởng lớn đối với tư tưởng, tình cảm và sinh hoạt ở nhiều nước châu Á ngày nay.
         

Chương 3
NHO GIÁO VỚI SỰ PHÁT TRIỂN CỦA
XÃ HỘI VIỆT NAM TRONG GIAI ĐOẠN HIỆN NAY


Qua những nội dung đã trình bày, phân tích trên, cùng với quá trình hội nhập, vấn đề đặt ra là làm sao phát triển kinh tế đất nước, bảo vệ được nền độc lập tự chủ mà các thế hệ cha ông đã gây dựng nên, vừa tiếp thu, bảo tồn, phát huy bẳn sắc văn hóa Việt Nam, thì theo cá nhân em chúng ta cần học từ Nho giáo nhiều điều lắm, thể hiện:
1. Cần có một thái độ trân trọng, tiếp thu những tinh hoa và khắc phục những tư tưởng định kiến cực đoan  đối với Nho giáo
          Theo em, vấn đề ở đây là giải quyết cho tốt mối quan hệ giữa truyền thống và hiện đại. Bởi vì, bên cạnh truyền thống riêng của từng dân tộc, ở khu vực này có truyền thống chung là Nho, Phật, Lão. Đạo Nho cung cấp cho con người lý thuyết về nhập thế, về hoạt động chính trị xã hội. Đạo Phật giúp cho con người lý thuyết về kiếp sống, về sự giải thoát ra khỏi các cảnh khổ đau. Đạo Lão làm chỗ dựa tinh thần cho con người mỗi khi thất thế trước bước đường công danh. Trong ba đạo trên thì đạo Nho là truyền thống cơ bản hơn cả. Giải quyết mối quan hệ giữa truyền thống và hiện đại ở khu vực này trước hết là giải quyết mối quan hệ giữa truyền thống và hiện đại ở khu vực này trước hết là giải quyết mối quan hệ giữa truyền thống Nho học với hiện đại hoá.
          Ở Việt Nam chúng ta cùng có thời kỳ chủ trương phê phán có kế thừa truyền thống, phê phán những gì đã lỗi thời, kế thừa những gì còn có giá trị của Nho học và trên cơ sở đó phát huy lên. Đó là quan điểm đúng đắn, tích cực. Và trên thực tế Việt Nam cũng đã khắc phục được một số di hại của tư tưởng phong kiến thể hiện trong Nho học. Nhưng điều đáng nói ở đây là có lúc họ có thái độ hư vô đối với truyền thống, đối với Nho học. Chẳng hạn, nhân có người nêu lên phải dùng phương châm “Tiên học lễ, hậu học văn” của Nho học để giáo dục thanh niên, học sinh đang sa sút phẩm chất đạo đức thì lập tức bị một số người phê phán cho rằng đó là ý thức phục hồi lễ giáo phong kiến, cần phải phấn đấu càn quét sạch nó đi. Quan điểm đó đã gây lên một tâm lý hoang mang nhất định đối với truyền thống. Trong khi đó, các nước xây dựng và phát triển chủ nghĩa tư bản trong cùng khu vực Đông Á không phê phán, không đối lập truyền thống Nho học với hiện đại, trái lại còn xem giá trị quan Nho học như là một lợi thế, một nguồn lực để xây dựng xã hội hiện đại. Họ đã ra sức khai thác những gì của Nho học còn có ý nghĩa hiện đại để phục vụ cho công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá.
          Nhưng hiện tượng thần kỳ của những nước Đông Á trên vẫn bị một số người hoài nghi, cảnh giác về vai trò của Nho học trong đó. Có ý kiến thừa nhận rằng kinh tế của các nước trong khu vực Đông Á như Singapor, Hàn Quốc, Đài Loan.... phát triển được là do biết sử dụng được ý thức cộng đồng của Nho học, nhưng lại cho rằng ý thức này chỉ gây được tác dụng tích cực nhất thời; có người cho rằng sử dụng quan hệ dòng họ của Nho học vào việc sản xuất đang là sự cản trở xu thế hiện đại hoá, phương Tây hoá ở các nước trên và đang bị tầng lớp thanh niên trong nước họ vượt qua; có người cho rằng sự thần kỳ kinh tế ở những nước đó không liên quan gì đến Nho học, đó chẳng qua là các nước đó được Mỹ tập trung tài trợ, đầu tư vốn lớn và chuyển giao công nghệ mới để mong có sức mạnh chống lại các nước xã hội chủ nghĩa, v.v..  Những quan điểm giải thích về hiện tượng đã qua đó ở nước ngoài, nhưng cũng là để nhắc nhở thái độ hiện tại của người trong nước. Vậy Nho học đã quá lỗi thời chưa ? Vai trò của nó hiện nay ở các nước Đông Á như thế nào ? Ở Việt Nam như thế nào ? Vấn đề tuy cũ song ý nghĩa vẫn còn rất mới.
          2. Chúng ta còn rất cần đến Nho giáo
          Việt Nam tuy lấy chủ nghĩa Mác- Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng để Đảng Cộng sản lãnh đạo nước, song không loại trừ các học thuyết triết học và chính trị xã hội khác trong đó có Nho học, miễn là chúng có lợi cho sự ổn định và phát triển đất nước. Còn các nước tư bản chủ nghĩa thì từ trước đến nay vẫn chủ trương đa nguyên lý luận đa nguyên văn hoá tư tưởng. Do đó Nho học vẫn có lý do để tiếp tục tác động đến xã hội và con người ở khu vực này.
          Sự tồn tại của Nho học ngày nay không phải chỉ là do điều kiện khách quan tạo nên mà còn do ý thức chủ quan, do sự tự giác của con người ở trong và ngoài khu vực thấy cần thiết phải phát huy tính tích cực của Nho học.
          Con người bình thường hiện nay tuy mức sống vật chất cao hơn, đời sống tinh thần phong phú hơn, đa dạng hơn mấy chục trước nhiều, song đối mặt với xã hội hiện đại, vẫn còn một bộ phận đông đảo nhớ tới tư tưởng, đạo đức, lối sống của Nho học.
          Hiện nay, nhiều nhà hoạt động chính trị xã hội, triết học, xã hội học, văn hoá học của cả phương Đông và phương Tây đều thấy tầm quan trọng của Nho học ở phương Đông hiện đại. Thậm chí nhiều người còn cho rằng nó cũng có giá trị đối với cả phương Tây. Có nhà triết học phương Tây ở Hội nghị triết học thế giới lần thứ 19 tổ chức ở Mátxcova năm 1994 còn nêu lên rằng cần phải phổ biến Nho học cho phương Tây ở thế kỷ sau. Tiếp theo đó, Hội nghị quốc tế về Nho học diễn ra ở Bắc Kinh tháng 10 năm 1994 với chủ đề “Gía trị quan Nho học và thế kỷ XXI”, nhiều nhà nghiên cứu quốc tế và Trung Quốc trong hội nghị đều nêu lên tầm quan trọng của giá trị quan Nho học đối với thế kỷ tới. Như vậy, vai trò cần có của Nho học ở hiện tại và tương lai ở các nước Đông Á, trong đó có Việt Nam, không còn là điều phải nghi ngờ.
          Vì sao một học thuyết ra đời cách đây mấy nghìn năm, đã từng có lúc giữ vai trò ngăn cản sự phát triển của lịch sử, đã từng có lúc bị phê phán kiệt liệt mà ngày nay vẫn còn thấy cần thiết ? Vì sao xã hội ngày nay đã khác xa với xã hội thời phong kiến mà vẫn chấp nhận một học thuyết vốn là cơ sở tư tưởng, tinh thần cho xã hội của chế độ vua quan ? Các câu hỏi trên rất có ý nghĩa. Tìm hiểu chúng không những là để hiểu nguyên nhân làm nên sức sống kỳ diệu của Nho học mà còn để hiểu được mối quan hệ phức tạp giữa ý thức xã hội và tồn tại xã hội.
          Nho học đã để lại cho các nước Đông Á - trong đó có Việt Nam một di sản tinh thần đồ sộ, bao gồm thơ văn, kinh dịch, sử liệu, tư tưởng, nghi thức, tập tục, thói quen v.v… thể hiện lên trình độ văn hoá phát triển mà các dân tộc ấy phải tích luỹ trong mấy nghìn năm. Trong di sản đó có phần mang tính giai cấp, tính giai đoạn, song cũng có phần mang tính nhân văn, tính lịch sử lâu dài. Xã hội ngày nay có phần lặp lại các vấn đề mà xã hội trong các thời kỳ trước đã trải qua. Khi gặp những vấn đề như thế, người ta dễ hướng vào quá khứ để tìm lấy bài học cho hiện tại. Những yếu tố mang tính nhân văn, lịch sử lâu dài của di sản thường có sức hấp dẫn đối với con người hiện đại và được ho kế thừa, phát huy.
          Di sản Nho học có những giá trị không những cần cho ngày xưa mà còn cần cho cả ngay nay do khả năng bù đắp vào chỗ mà các học thuyết hiện đại thiếu. Thời nào cũng vậy, con người sống trong xã hội là có nhiều mối quan hệ, việc họ xử lý các mối quan hệ đó đều có liên quan tới lẽ sống và bước đường sống của họ. Những nghĩa vụ đạo đức mà Nho học đã xác định cho con người là cơ sở để đảm bảo cho sự gắn giữa người này với người khác, giữa mỗi người với xã hội và giữa xã hội với mỗi người, làm cho con người luôn có chỗ dựa, luôn được sự động viên để sống. Những rèn luyện đạo đức mà Nho học yêu cầu, khiến con người luôn giữ được trạng thái cân bằng trong đầu óc, tránh được những hành vi cực đoan hay trạng tháo sống lẻ loi, cô đơn trong một lúc nào đó. Các học thuyết hiện đại thiếu những điều này nên con người đến một lúc nào đó dễ rơi vào khủng hoảng tinh thần. Khả năng khắc phục được các hiện tượng trên của Nho học là thế mạnh để nó có ý nghĩa đối với ngày nay.
          Con người hiện đại từ truyền thống đến, dù muốn hay không họ vẫn mang dấu dấn của truyền thống. Trong đó có truyền thống xấu song cũng có truyền thống tốt, nếu họ ý thức được vai trò của truyền thống tốt đối với xã hội hiện đại và phát huy lên thì sẽ là một thuận lợi , một nguồn lực thúc đẩy sự phát triển xã hội hiện đại.
          Bấy nhiêu những lý do trên khiến Nho học vượt qua được những thăng trầm của lịch sử, đương đầu được với những thách thức của hiện tại và chắc sẽ còn sức sống ở mai sau. Nhưng vấn đề còn đặt ra là làm thế nào để phát huy được tiềm năng đó.
          3. Kế thừa, vận dụng giá trị quan Nho học trong thế giới hiện đại.
          Di sản Nho học của quá khứ để lại cho hiện tại ở các nước Đông Á không thể không tính tới hai loại: những di sản đã quá thời và những di sản còn có giá trị. Những di sản đã quá thời như ở Việt Nam là thái độ gia trưởng, ý thức đẳng cấp trong cuộc sống cộng đồng, tư tưởng địa phương chủ nghĩa, cục bộ, bản vị, quan điểm trọng nam khinh nữ, tâm lý danh lợi, tư duy hoài niệm quá khứ, nệ cổ, không dám thay đổi lời nói của thánh hiền v.v.. của Nho học đang tồn tại và gây tác hại cho sự nghiệp xây dựng xã hội mới, con người mới, cho sự nghiệp công nghiệp hoá và hiện đại hoá ở Việt Nam. Lẽ tất nhiên là phải đấu tranh để bài trừ. Nhưng mục đích của em là muốn nói tới giá trị quan Nho học trong thế giới hiện đại.
          Nói đến việc phát huy giá trị của Nho học là vấn đề kế thừa và vận dụng Nho học của con người hiện đại, là đề cập đến việc phải kế thừa và vận dụng giá trị đó như thế nào để khỏi sa vào chủ nghĩa phục cổ, để khỏi phải quay đầu về quá khứ mà thoát ly hiện đại.
          Ở xã hội Việt Nam hiện đại, nhiều giá trị Nho học vẫn còn có ý nghĩa. Những phẩm chất nhân, nghĩa trung, hiếu của kẻ sĩ, những cách thức tu thân, tề gia, trị quốc… của bậc “đại học”, những cốt cách cứng cáp của kẻ đại trượng phu, những phong thái ung dung của người quân tử, những nguyên tắc xử lý trước “nghĩa” và “lợi” của người có học, v.v.. là những giá trị mà con người hiện đại có thể kế thừa, miễn là sự kế thừa đó có phương pháp thích hợp.
          Về vấn đề này đã có nhiều người nói tới. Có người nêu lên là phải vứt bỏ cặn bã, tiếp thụ tinh hoa, có người nêu chỉ chấp nhận cái tốt, còn phải loại trừ cái xấu, có người chủ trương kế thừa cái trừu tượng, vứt bỏ cái cụ thể,… của truyền thống. Các chủ trương trên đều đúng, song chưa cho thấy cách vận dụng phải như thế nào cho thích hợp với xã hội hiện đại.
          Để Nho học phát huy được vai trò tích cực cần thì chúng ta phải nâng giá trị Nho học lên bình diện hiện đại, lấy yêu cầu của xã hội hiện đại để yêu cầu Nho học, tạo cho giá trị đó tính chất hiện đại rồi tác động trở lại đối với con người và xã hội hiện đại. Bởi vì Nho học truyền thống, kể cả giá trị quan của nó đều mang tính hai mặt: mặt hạn chế do bản thân Nho giáo mang dấu ấn của xã hội phong kiến, mặt nhân văn do lý tưởng về một xã hội và con người tốt đẹp mà có. Lấy yêu cầu của xã hội hiện đại để yêu cầu Nho học nghĩa là vứt bỏ mặt hạn chế, phát huy mặt nhân văn của nó trên cơ sở đã được thực hiện hoá. Không làm được điều đó thì sẽ có nguy cơ từ bỏ hiện đại mà quay về truyền thống. Đã có biết bao hiện tượng diễn ra trong lịch sử là phần tử bảo thủ đã dựa vào truyền thống để chống đối hiện đại, là hiện tượng “người chết níu áo người sống” làm cho xã hội không phát triển lên được. Nói cách khác là có hiện đại hoá Nho học thì Nho học đó mới phục vụ được xã hội hiện đại. Nếu nói rằng cần phải xây dựng và phát triển Nho học trong giai đoạn hiện đại thì trước hết phải đảm bảo được tiền đề của hiện đại hoá nó.
          Hiện đại hoá Nho học không phải là tuỳ tiện gán ghép cho Nho học những nội dung mà nó không có, mà bổ sung cho nó những yếu tố mới trên cơ sở của nội dung cũ. Các khái niệm, các mệnh đề của Nho học vốn được sử dụng trong xã hội phong kiến, nay bổ sung tư tưởng mới cho chúng thì sẽ trở nên thích hợp, không những thế còn được xã hội hiện đại chấp nhận một cách thích thú vì tư tưởng mới đó có một phần của tư tưởng cũ và được hình thức cũ thân thuộc chuyển tải. Chẳng hạn khái niệm “trung” và “hiếu” của Nho học vốn có nghĩa là trung với vua và hiếu với cha mẹ mình, nhưng ngày nay thì không còn vua để trung nữa, còn hiếu trên tinh thần nhân văn cao cả thì chẳng lẽ chỉ hiếu với cha mẹ mình mà không hiếu với bậc cha mẹ khác, cha mẹ nói chung, tức là hiếu với nhân dân. Phải biến đổi nội dung của chúng đi thì mới sử dụng được. Ở đây trung và hiếu có mang một nội dung mới thì mới phát huy được tác dụng. Bác Hồ kính yêu của chúng ta đã thực hiện được yêu cầu một cách tự nhiên và khéo léo rằng: Người cán bộ cách mạng phải: Nhận rõ phải trái. Giữ đúng lập trường. Tận trung với nước, tận hiếu với dân.
          Trung ở đây là trung với đất nước, hiếu ở đây không chỉ là hiếu với cha mẹ mình mà còn hiếu với cả nhân dân. Đối tượng của trung và hiếu đó đã được mở rộng và do đó tính chất đã được nâng lên một bước cao hơn, đáp ứng được yêu cầu của xã hội mới. Cách vận dụng của Bác vừa mang tính chất truyền thống vừa mang tính chất hiện đại nên nó vừa là truyền thống vừa là hiện đại, dễ đi vào lòng đã quen với quần chúng.
          Xã hội hiện đại thị trường làm cơ chế vận hành, lấy lợi nhuận làm động lực phát triển, lấy tự do cá nhân làm điều kiện cho sự sáng tạo, v.v.. đã và đang là động lực tạo nên sự tăng trưởng kinh tế nhanh, xã hội giàu lên nhanh, nhưng mặt trái của chúng sẽ có lúc bộc lộ ra gây nên phản tác dụng, đó là chủ nghĩa cá nhân ích kỷ làm lợi cho mình nhưng lại hại đến lợi ích của cộng đồng, là tâm trạng cô đơn, chán nản vừa hại cho mình vừa hại cho xã hội, là hiện tượng chà đạp lên mọi giá trị văn hoá mà loài người cũng như từng dân tộc phải mất bao nhiêu thời gian và sức lực mới tạo dựng được. Tất nhiên đó không phải là tượng sẽ có ở tất cả mọi người, mà là chỉ có ở một số người, nhưng không khỏi gây nên những trục trặc cho cỗ xe lịch sử, không khỏi làm cho cả xã hội phải đau xót, nhức nhối tâm can. Kế thừa những giá trị Nho học truyền thống, nâng chúng lên trình độ hiện đại, bổ sung thêm giá trị mới cho chúng, kết hợp giá trị đã được nâng lên đó với giá trị hiện đại thì sẽ tạo ra được sự phát triển bền vững, vừa có lợi cho mỗi người, vừa có lợi cho xã hội.
4. Biết khai thác Nho giáo trong quản lý đất nước
          - Phải đặc biệt mở mang việc học tập. Người quân tử (hay kẻ sĩ) những tầng lớp ưu tú trong xã hội, những người tham gia quản lý đất nước, trước hết phải là những người có học và học giỏi. Đây là đặc điểm quan trọng ở những nước theo Nho giáo và là một nhân tố đẩy mạnh sự phát triển nhanh chóng của những nước này.
- Những người trong bộ máy Nhà nước nhất thiết phải là những người có đạo đức. Đây là điều kiện đầu tiên để cho dân yêu, dân tin, dân phục. Nho giáo coi những người làm quan mà hà hiếp dân và tham nhũng là những người độc ác. Để cho nhân dân đói rét thì nhà vua cũng phải có tội. Điều này là một sức mạnh từ trong nhân dân để ngăn chặn và chấm dứt sự tham nhũng và suy thoái của những người trong bộ máy chính quyền .
- Nho giáo đề cao việc cai trị nhân dân không chỉ bằng pháp luật mà trước hết phải bằng đạo đức, bằng nhân nghĩa, bằng lễ giáo (Đức trị, nhân trị, lễ trị). Tư tưởng này của Nho giáo có tính chất không tưởng và dễ bị xuyên tạc. Ngược lại những lời tuyên bố tốt đẹp “coi dân như con”, giới cầm quyền trước đây thường xử phạt dân dựa vào những “tiêu chuẩn đạo đức” được hiểu một cách tuỳ tiện hơn là dựa vào những luật lệ đã thành văn. Vấn đề đặt ra hôm nay cho chúng ta là có thể khai thác những gì từ Nho giáo trong quá trình kết hợp giữa đạo đức và pháp luật nhằm xây dựng một Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và một nền đạo đức mới, sẽ thúc đẩy sự nghiệp đổi mới hôm nay, vừa xây dựng những con người kiểu mới cho xã hội ngày mai.
Tóm lại, chúng ta xin học lại Bác Hồ về chỉ một việc: Thế ứng xử với Nho học và nền đạo đức Nho phong.

KẾT LUẬN


Không ai chối cãi được rằng Khổng giáo hay Nho giáo đã tham gia một phần vào sự đúc nặn cái diện mạo tinh thần dân tộc và vào sự thành văn hoá dân tộc, cho nên chúng ta cần thiết phải nghiên cứu Nho giáo để xem nó ảnh hưởng đối việc văn hoá nước ta như thế nào.
Từ Nho giáo chuyển sang giai đoạn cách mạng mới là một biến chuyển về tư tưởng cơ bản, từ một hệ tư tưởng duy tâm lấy ý chí con người làm gốc sang chủ nghĩa duy vật với phương pháp khoa học, từ tưởng tôn ti trật tự gia trưởng sang dân chủ, từ dân tộc sang tư tưởng Mác xít phải đòi hỏi một quá trình dai dẳng. Tất nhiên rất nhiều điểm trong Nho giáo đã trở nên cổ hủ, lạc hậu, thậm chí là phản động đang kèm hãm quá trình phát triển của dân tộc ta nhất là tại các khu nông thôn. Nhưng chúng ta không hề hổ thẹn khi nói rằng chúng ta đi lên chủ nghĩa xã hội là kế tục truyền thống nhà nho xưa, và nếu ghét cay ghét đắng chế độ phong kiến khi đã thối nát thì cũng không thể không trân trọng đến kẻ sĩ đời trước, và khi đánh giá lại, nếu học thuyết tư tưởng ngày nay chúng ta hơn hẳn thế hệ cá sĩ phu thời trước, nhưng về nhân cách vẫn còn phải học nhiều phải chăng câu “phú quý bất năng dâm, bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất của nhà Nho không còn giá trị hay sao ?





TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Trần Văn Giàu - Sự phát triển của tư tưởng ở Việt Nam - Tập 1  - Hệ ý thức và sự thất bại của nó trước các nhiệm vụ lịch sử. Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội năm 1996.
2. Trần Ngọc Thêm - Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam. Nhà xuất bản thành phố Hồ Chí Minh, năm 1997.
3. Nguyễn Tài Thư (chủ biên) - Lịch sử Tư tưởng Việt Nam, Tập 1, Nhà xuất bản Khoa học xã hội, Hà Nội năm 1993.
4. Lê Sỹ Thắng (chủ biên) - Lịch sử Tư tưởng Việt Nam, Tập 2, Nhà xuất bản Khoa học xã hội, Hà Nội năm 1997.
5. Nguyễn Thanh Xuân - Một số tôn giáo ở Việt Nam. Nhà xuất bản Tôn giáo, Hà Nội năm 2005.
6. Viện Thông tin Khoa học xã hội - Tôn giáo và đời sống xã hội - Thông tin khoa học xã hội chuyên đề, Hà Nội năm 1998.
7. Viện Nghiên cứu Tôn giáo - Về tôn giáo. Tập 1, Nhà xuất bản Khoa học xã hội, Hà Nội năm 1994.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét