9/11/13

CÔNG TÁC DÂN VẬN CỦA CƠ QUAN NHÀ NƯỚC - KINH NGHIỆM TỪ THỰC TIỄN VÀ NHỮNG VẤN ĐỀ ĐẶT RA



Hà Xuân Nguyên

1. Kon Tum là tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn, dân số hiện nay khoảng hơn 420.000 người (52 % là dân tộc thiểu số), có 28 thành phần tộc người - trong đó có 6 tộc người bản địa: Ba na, Ja rai, Giẻ - Triêng, Xơ đăng, Brâu và Rơ mâm...
Đặc điểm chung nhất của cộng đồng các dân tộc Kon Tum là cư trú chủ yếu ở các xã vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới; hiểu biết về xã hội còn hạn chế; trình độ sản xuất kinh tế còn thấp và không đều; có truyền thống đoàn kết, gắn bó, thương yêu đùm bọc giúp đỡ lẫn nhau và đang có quan hệ về mặt dân tộc, tôn giáo với cư dân ở các quốc gia trong khu vực và với một bộ phận đồng tộc đã chuyển cư ra nước ngoài (chủ yếu ở Lào và Campuchia).
Trước giải phóng, mặc dù là địa phương có nhiều tiềm năng, thế mạnh, nhưng chính quyền nguỵ vẫn xem nơi đây là địa bàn chiến lược quân sự, không chú trọng đầu tư xây dựng các công trình sản xuất lớn, chủ yếu vẫn là kinh tế tư nhân, sản xuất nhỏ là phổ biến, phát triển mất cân đối, lệ thuộc nặng nề vào nguồn viện trợ... Và cũng như các thành viên khác trong đại gia đình dân tộc Việt Nam, người dân Kon Tum cũng chịu chung cảnh nô lệ, mất nước, mất nguyền tự chủ làm người, bị thực dân, đế quốc bắt làm tay sai, phục dịch, trong đó trên 3/4 dân số lâm vào cảnh bần cùng, đói khổ…
Sau ngày giải phóng, được sự quan tâm đầu tư của Trung ương, sự phấn đấu nỗ lực của địa phương, tinh thần đoàn kết của các tầng lớp nhân dân, tỉnh Kon Tum đã có nhiều thay đổi, khởi sắc. GDP của tỉnh tăng trưởng năm sau cao hơn năm trước; cơ cấu kinh tế dịch chuyển theo hướng tích cực. Công tác xoá đói nghèo đạt kết quả khá, tỷ lệ hộ nghèo bình quân giảm từ 18.933 hộ (chiếm 28,09 %) năm 2001 xuống còn 20.070 hộ (chiếm 21,96 % - theo tiêu chí mới), phấn đấu đến cuối năm 2010 sẽ giảm dưới 20 %. Công tác chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân được các cấp, các ngành quan tâm hơn; mạng lưới y tế được củng cố, đội ngũ bác sỹ được tăng cường về công tác tại tuyến xã, nhiều dịch bệnh đã được khống chế. Hệ thống trường lớp luôn phát triển, sĩ số học sinh ở các cấp được duy trì, chất lượng giáo dục đã chuyển biến tích cực. Hệ thống giao thông và mạng lưới dịch vụ nông thôn mở rộng đến vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới. Có 98,6 % số xã vùng dân tộc thiểu số có đường ô tô đến trung tâm, 97,2 % số xã có điện lưới quốc gia, 56 % số hộ được dùng điện, gần 60 % hộ dùng nước sạch, 95 % số hộ được nghe đài phát thanh, trên 90 % hộ xem truyền hình, 100 % xã có điện thoại... Có thể nói, thành quả đạt được trong thời gian qua là to lớn, nhưng cũng còn có mặt hạn chế: Kinh tế toàn tỉnh nói chung, trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng tăng trưởng chậm, phát triển chưa bền vững, khoảng cách giàu nghèo giữa các vùng còn chênh lệch lớn; số hộ đói nghèo còn chiếm tỷ lệ cao; tình trạng tái mù chữ - nhất là ở phụ nữ tái diễn; hiệu quả thực hiện các chương trình dự án còn thấp; công tác quy hoạch, bố trí sử dụng cán bộ là người dân tộc thiểu số tại chỗ còn chắp vá, chưa có chiến lược lâu dài, chưa đồng bộ giữa các vùng, giữa các dân tộc... Cùng vói đó là việc các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo, fulro, đói nghèo, biên giới đang ráo riết đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, công kích, xuyên tạc để chống phá chế độ ta, làm cho một bộ phận nhỏ quần chúng nhẹ dạ cả tin, dao động tư tưởng…
2. Triển khai thực hiện Chỉ thị số 18/2000/CT-TTg ngày 21-9-2000 của Thủ tướng Chính phủ, Kết luận số 581-KL/TU ngày 01-04-2008 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch số 2171/KH-UBND ngày 30-10-2008 về thực hiện công tác dân vận trong hệ thống chính quyền, đồng thời chỉ đạo các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tiếp tục tổ chức quán triệt, phổ biến bài báo “Dân vận” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, bài “Nhớ ngày 15 tháng 10” của đồng chí Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu cho cán bộ, công chức cơ quan, đơn vị hiểu, thực hiện; phối hợp với Ban Chỉ đạo 04 Tỉnh ủy và huyện cử cán bộ xuống xã kết nghĩa, cùng với cấp uỷ, chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động, hướng dẫn nhân dân tập trung lao động sản xuất, phát triển kinh tế, củng cố hệ thống chính trị, đấu tranh tố giác tội phạm... Đặc biệt, trong năm 2009, để thực hiện tốt phong trào thi đua “Dân vận khéo”, hưởng ứng kỷ niệm “Năm Dân vận chính quyền” và “Ngày Dân vận của cả nước”, UBND tỉnh cũng đã ban hành văn bản chỉ đạo các cấp, các ngành căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ và đặc điểm tình hình để xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện thiết thực, đạt hiệu quả (Công văn số 1011/UBND-VX ngày 3/6/2009, Kế hoạch số 1350/KH-UBND ngày 10/7/2009 và Công văn số 2062/UBND-VX ngày 28/9/2009).
Qua thực hiện, đã có nhiều đơn vị đã làm tốt công tác dân vận. Công tác dân vận đã thực sự góp phần quan trọng vào công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; tăng cường đoàn kết dân tộc, sự đồng thuận xã hội và củng cố niềm tin của nhân dân... Nội dung công tác dân vận đã bám sát yêu cầu, nhiệm vụ thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Phương thức vận động quần chúng có đổi mới, đa dạng hơn, chất lượng, hiệu quả, có tiến bộ. Các mô hình, điển hình tiên tiến được coi trọng xây dựng và phát huy...
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác dân vận, trách nhiệm và quy trình làm dân vận vẫn còn không ít cán bộ, đảng viên mơ hồ trong nhận thức, hoặc thờ ơ, hoặc làm qua loa, chiếu lệ. Nội dung, phương thức tập hợp, vận động quần chúng vẫn còn có những hạn chế, hình thức và thiếu sức hấp dẫn. Không ít nơi cấp uỷ chưa coi trọng công tác dân vận, phó mặc cho cán bộ chuyên trách. Ở một số nơi còn xảy ra tình trạng hách dịch, sách nhiễu, vi phạm quyền làm chủ của dân. Chế độ, chính sách cho đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận hiện vẫn còn bất cập...
3. Để công tác dân vận trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới hoạt động hiệu quả, các cấp chính quyền cần triển khai thực hiện một số nhiệm vụ cơ bản, trọng tâm sau:
- Tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện tốt Nghị quyết Hội nghị lần thứ tám Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa VI về đổi mới công tác quần chúng của Đảng, tăng cường mối quan hệ giữa Đảng và nhân dân (thường gọi là Nghị quyết 8B), Chỉ thị số 18/2000/CT-TTg ngày 21-9-2000 của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh về công tác dân vận cho hiệu quả. Trong công tác chỉ đạo, điều hành, các cấp chính quyền phải thực hiện đúng tư tưởng dân vận của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Dân vận là vận động tất cả lực lượng của mỗi một người dân, không để sót một người dân nào, góp thành lực lượng toàn dân, để thực hành những công việc nên làm, những công việc Chính phủ và đoàn thể đã giao cho. Để làm tốt điều này, theo Bác không thể chỉ dùng báo chương, sách vở, mít tinh, khẩu hiệu, truyền đơn, chỉ thị là đủ, mà trong mọi việc đều phải có quy trình và được tổ chức thực hiện chặt chẽ theo từng bước cụ thể, trong đó, “bất cứ việc gì đều phải bàn bạc với dân, hỏi ý kiến và kinh nghiệm của dân, cùng với dân đặt kế hoạch cho thiết thực với hoàn cảnh địa phương, rồi động viên và tổ chức toàn dân ra thi hành”. Lực lượng của dân rất to. Việc dân vận rất quan trọng…
- Phải đổi mới nội dung của công tác dân vận. Đối tượng, phạm vi dân vận được mở rộng; mục đích của hoạt động dân vận làm sao để quy tụ, tập hợp được quần chúng không phân biệt giai cấp, dân tộc, tôn giáo.. thành một khối thống nhất; hình thức dân vận cần vượt qua lối mòn truyền thống, phải chủ động học hỏi, sáng tạo, bổ sung các cách dân vận mới hiệu quả (như dân vận qua mạng internet, qua nhật ký điện tử - blog, diễn đàn - forum, các trang điện tử); chủ thể làm công tác dân vận phải đa dạng…
- Phải thấm nhuần tư tưởng xuyên suốt của công tác dân vận là đường lối chiến lược về đại đoàn kết toàn dân tộc, coi đó là nguồn sức mạnh và động lực to lớn để xây dựng và bảo vệ quê hương - Tổ quốc. Công tác dân vận là phải hướng về cơ sở, sát cơ sở, xem đó là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị; đồng thời phải quán triệt tư tưởng “dân là gốc”, chăm lo củng cố tăng cường mối liên hệ gắn bó mật thiết giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân. Do vậy, các cơ quan công quyền - nơi trực tiếp giải quyết công việc của dân phải thực hiện cho tốt phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”; phải vận động, tập hợp quần chúng, tạo sự đồng thuận của toàn xã hội. Theo tôi, đây là nhiệm vụ vừa mang tính chiến lược, vừa có tính cấp  bách thường xuyên.
- Đẩy mạnh việc phát động các phong trào thi đua yêu nước trong các tầng lớp nhân dân, tại các cơ quan, các đơn vị lực lượng vũ trang và các địa phương. Tổ chức sơ kết nội dung phong trào thi đua “Dân vận khéo” để kịp thời rút ra những kinh nghiệm tốt. Tiếp tục mở rộng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân thông qua việc xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở các loại hình xã, phường, thị trấn, trong cơ quan hành chính sự nghiệp, trong công nhân lao động và mở rộng ra các loại hình mới. Thực hiện tốt cơ chế kiểm điểm, phê bình trước dân để nhân dân mạnh dạn góp ý, giám sát. Ngoài ra, cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính gắn với nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu, giải quyết nhanh, hiệu quả công việc của tổ chức và công dân; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm thái độ, hành vi vi phạm dân chủ, xem thường quần chúng. Đổi mới lề lối làm việc, phục vụ nhân dân, phải gần dân, tôn trọng và lắng nghe ý kiến, tâm tư nguyện vọng của nhân dân; phòng tránh bệnh quan liêu, mệnh lệnh hành chính, nhũng nhiễu nhân dân...
          - Tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức, vai trò trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể đối với công tác dân vận. Thấu suốt quan điểm “cách mạng là sự nghiệp của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân”. Công tác dân vận tiếp tục gắn với Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh". Hệ thống làm công tác dân vận thực hiện tốt công tác dân tộc, tôn giáo, thực hiện tốt vai trò giám sát, phản biện của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể và nhân dân đối với các cấp chính quyền.
- Cuối cùng, trong quá trình thực hiện, chúng ta cần có cái nhìn thực tế, khách quan về việc xây dựng mô hình tổ chức dân vận trong điều kiện kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế. Bởi vì, tác động của công nghiệp hóa, hiện đại hóa là quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế mạnh mẽ theo hướng tăng nhanh tỷ trọng công nghiệp, thương mại dịch vụ, giảm tỷ trọng nông nghiệp. Kèm theo quá trình này là việc phải tập trung đầu tư phát triển nhanh các khu công nghiệp, trung tâm thương mại, dịch vụ, dự án kinh tế, công trình kết cấu hạ tầng như đường giao thông, khu đô thị mới; đặc biệt trong công tác quy hoạch, đền bù giải phóng mặt bằng, di dân tái định cư - có nơi phải di dời cả làng đã tác động trực tiếp tới cuộc sống, quyền lợi, tương lai, công ăn việc làm của hàng vạn người dân… là việc làm hết sức quan trọng, đã và đang diễn ra nhiều nơi trên địa bàn tỉnh. Do vậy, công tác tuyên truyền vận động phải được hết sức coi trọng, thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở, phải tiến hành ngay từ đầu trong khâu lấy ý kiến, sao cho vừa bảo đảm tiến độ của công trình, dự án, vừa phải bảo đảm cho người dân không bị thiệt thòi, có điều kiện mới để phát triển sản xuất, duy trì cuộc sống…
Những giải pháp nêu ra trên không mới, nhưng tôi muốn nêu lại để các cấp, các ngành nhận thức được ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác dân vận trong giai đoạn hiện nay, lại càng thấy được giá trị lớn lao tư tưởng dân vận của lãnh tụ thiên tài Hồ Chí Minh: Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công.

________



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét