22/11/13

Hệ thống chính trị Hoa Kỳ



Hoa Kỳ là một nước cộng hoà liên bang thực hiện chế độ chính trị tam quyền phân lập. Hiến pháp Hoa Kỳ qui định quyền lập pháp thuộc về Quốc hội, quyền hành pháp thuộc về Tổng thống và quyền tư pháp thuộc về Toà án tối cao. Mỗi bang có hệ thống hiến pháp và pháp luật riêng nhưng không được trái với Hiến pháp của Liên bang.
Quốc hội Liên bang:

Quốc hội Liên bang Hoa Kỳ gồm Thượng viện và Hạ viện. Ngoài quyền lập pháp, Quốc hội còn giám sát hoạt động của bộ máy hành pháp và tư pháp. 

Thượng viện gồm 100 thượng nghị sĩ, trong đó mỗi bang có hai thượng nghị sĩ. Các khu hành chính trực thuộc không có đại diện tại Thượng viện. Nhiệm kỳ thượng nghị sĩ là 6 năm. Hai năm một lần, Thượng viện tổ chức bầu cử lại 1/3 số thượng nghị sĩ. Về mặt pháp lý, Phó Tổng thống là Chủ tịch Thượng viện. Song trên thực tế, điều hành công việc hàng ngày của Thượng viện là thủ lĩnh phe đa số trong Thượng viện. Phó Tổng thống chỉ bỏ phiếu khi cần thiết để tránh bế tắc trong trường hợp Thượng viện rơi vào tình huống 50/50 về một vấn đề nào đó.
Hạ viện gồm 435 hạ nghị sĩ. Nhiệm kỳ của hạ nghị sĩ là 2 năm. Khác với Thượng viện, số hạ nghị sĩ đại diện cho bang phụ thuộc vào dân số của bang. Mỗi bang có quyền có tối thiểu một hạ nghị sĩ. Việc phân bổ số hạ nghị sĩ cho các bang được tiến hành 10 năm một lần dựa trên kết quả điều tra dân số. Ngoài ra, các khu hành chính trực thuộc như Samoa, Thủ đô Washington DC, Guam, và Virgin Islands cũng có đại diện không có quyền bỏ phiếu; Khu vực Puerto Rico được đại diện bởi một Cao uỷ thường trú.  Đứng đầu Hạ viện là Chủ tịch Hạ viện. Chủ tịch Hạ viện là người thứ hai sau Phó Tổng thống kế nhiệm Tổng thống.


Phân chia quyền lực giữa hai viện: Cả hai viện đều có quyền quyết định chiến tranh, kiểm soát các lực lượng vũ trang, đánh thuế, vay tiền, phát hành tiền, điều tiết thương mại, và ban hành luật cần thiết cho hoạt động của chính quyền. Trong đó, Thượng viện có đặc quyền cố vấn và thông qua các hiệp ước mà Chính phủ ký với nước ngoài và các chức vụ do Tổng thống bổ nhiệm. Ví dụ, Hiệp định Thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ được chính phủ hai nước ký tháng 7 năm 2000 và đến tháng 11 năm 2001 mới được Thượng viện Hoa Kỳ thông qua và đến 10/12/2001 mới có hiệu lực thi hành.
 Tất cả các dự luật liên quan đến tài chính (thuế và phân bổ ngân sách) đều do Hạ viện đề xuất; Thượng viện có thể bỏ phiếu thay đổi dự luật của Hạ viện và khi đó hai viện sẽ họp chung để giải quyết bất đồng. Hạ viện có quyền bỏ biếu buộc tội Tổng thống và các các quan chức liên bang, và Thượng viện có quyền quyết định có bãi chức người bị buộc tội đó hay không.
 Cả Thượng viện và Hạ viện đều có những uỷ ban riêng của mình. Tuy nhiên, giữa Thượng viện và Hạ viện có một số uỷ ban phối hợp để xử lý một số công việc chung.
 Dân biểu (thượng và hạ nghị sĩ liên bang và bang) được bầu từ các khu vực bầu cử. Một trong những nhiệm vụ quan trọng của các dân biểu là bảo vệ và đem lại càng nhiều lợi ích cho các cử tri của mình càng tốt. Một trong những cách thông thường nhất để thực hiện nhiệm vụ này là đấu tranh dành ngân quĩ liên bang và bang cho các dự án ở khu vực bầu cử của mình. Khá nhiều khoản tiền dành cho các dự án ở địa phương được lẩn trong các khoản tiền phân bổ cho các cơ quan của chính quyền liên bang và bang.

Một cách khác mà các dân biểu thường làm là kiến nghị và vận động các cơ quan lập pháp và hành pháp thông qua các luật pháp và quyết định có lợi cho cử tri của mình. Ví dụ, nhiều thượng và hạ nghị sĩ của các bang ở Hoa Kỳ có nuôi cá catfish đã bảo trợ và tích cực vận động Quốc hội Liên bang thông qua dự luật cấm cá da trơn của Việt Nam mang tên catfish trên thị trường Hoa Kỳ.

Chính quyền liên bang:

Quyền hạn của chính quyền liên bang do Hiến pháp Liên bang qui định và chủ yếu tập trung ở các lĩnh vực có ảnh hưởng đến toàn liên bang như ngoại giao, quốc phòng và an ninh, quản lý xuất nhập khẩu, quản lý di dân, bảo hộ sở hữu trí tuệ, và một số lĩnh vực khác. 
 Tổng thống là người đứng đầu cơ quan hành pháp liên bang và được bầu trực tiếp với nhiệm kỳ 4 năm. Theo luật hiện hành, mỗi tổng thống chỉ được phục vụ không quá 2 nhiệm kỳ. Tất cả các dự luật liên bang được Quốc hội liên bang thông qua phải được Tổng thống ký mới trở thành luật. Hiến pháp cho phép Tổng thống quyền phủ quyết dự luật đã được Quốc hội liên bang thông qua.
 Ngoài Tổng thống, bộ máy hành pháp Hoa Kỳ còn có Phó Tổng thống, 15 bộ và trên 60 ủy ban độc lập. Các bộ trưởng do Tổng thống bổ nhiệm và phải được Thuợng viện thông qua.
 Trong hệ thống hành pháp liên bang còn có Văn phòng Nhà trắng, Văn phòng quản trị và tài chính, các hội đồng cố vấn. Các hội đồng cố vấn đóng vai trò quan trọng trong hoạch định chính sách của Tổng thống. Đáng chú ý nhất là Hội đồng an ninh quốc gia, Hội đồng cố vấn kinh tế, và Hội đồng chính sách phát triển.
 Hệ thống tòa án liên bang: Hệ thống tòa án liên bang gồm Tòa án liên bang tối cao và các tòa án liên bang khu vực. Chánh án và các thẩm phán Tòa án tối cao liên bang do Tổng thống bổ nhiệm và được Thượng viện thông qua với nhiệm kỳ suốt đời. Những người này chỉ từ nhiệm khi họ muốn hoặc bị buộc tội. Toà án tối cao liên bang có quyền vô hiệu hoá bất cứ luật lệ liên bang hoặc bang nào mà toà xét thấy là trái với Hiến pháp. Ví dụ, năm 1897, Toà án tối cao liên bang đã ra phán quyết bác bỏ luật của Bang Louisiana cấm mua bảo hiểm của các hãng bảo hiểm ngoài bang trừ phi các hãng bảo hiểm đó đáp ứng đuợc một số điều kiện tiên quyết nhất định.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét