9/11/13

TRONG VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ Ở TÂY NGUYÊN HIỆN NAY CÓ NÊN QUY ĐỊNH GIÀ LÀNG KIÊM TRƯỞNG THÔN ?




          Hà Xuân Nguyên
         
Theo số liệu thống kê, toàn Tây nguyên (Kon Tum, Gia Lai, Đăk Lăk, Lâm Đồng, Đăk Nông) hiện nay có 60 đơn vị hành chính cấp huyện (04 thành phố, 05 thị xã và 51 huyện), 715 đơn vị hành chính cấp xã (75 phường, 48 thị trấn và 592 xã) và 7.186 thôn, làng, trong đó có 2.525 thôn, làng đồng bào các dân tộc thiểu số(0).
Tại các làng, ngoài đại diện của làng(1) (già làng, trưởng làng) còn có đại diện của đảng (Bí thư Chi bộ, nếu có đảng viên), chính quyền (thôn trưởng, thôn phó) và các tổ chức đoàn thể (mặt trận, phụ nữ, thanh niên, cựu chiến binh, nông dân) được hợp thành ví như “một cấp hành chính” hay là những người có uy tín nhất ở cơ sở. Riêng đối với thôn, làng có đạo, ngoài thành phần trên, còn có các chức sắc, chức việc tôn giáo.

Thực hiện Quyết định số 13/2002/QĐ-BNV ngày 06-12-2002 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ ban hành kèm theo quy chế về tổ chức, hoạt động của thôn và tổ dân phố, hầu hết các địa phương ở Tây nguyên trong quá trình triển khai tuy có vận dụng, bổ sung thêm một vài tiêu chí về nhiệm vụ, trách nhiệm, quyền hạn của trưởng thôn theo hướng không kiêm nhiệm(2) nên có nơi già làng và trưởng thôn riêng biệt, có nơi là một. Già làng hiện nay không có phụ cấp (ngoại trừ việc được chính quyền tạo điều kiện cho đi tham quan), còn trưởng thôn có phụ cấp (mức phụ cấp tuỳ theo điều kiện mỗi địa phương).
Từ tình hình thực tế trên, tôi muốn đề nghị các cấp có thẩm quyền xem xét: Trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở các tỉnh Tây nguyên hiện nay nên quy định già làng kiêm trưởng thôn.
Để có cơ sở minh chứng cho đề nghị trên, bài viết này đề cập đến các vấn đề:
1. Đặc điểm của làng trong đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây nguyên
Trước đây, làng truyền thống của đồng bào dân tộc cơ bản thuần nhất về thành phần tộc người (việc thu nhận thêm thành viên đến cư trú chỉ xảy ra với các trường hợp cá nhân hay gia đình có sẵn người thân ở làng mà họ muốn nhập cư, hoặc đó là dâu, rễ của làng). Mỗi làng có tên gọi riêng. Tên làng thường trùng với tên địa danh hoặc gọi theo tên người hay dòng họ cụ thể đáng ghi nhớ, hoặc thể hiện đặc điểm nơi cư trú hay lập làng.
Trong làng người dân đều sống theo nếp tự quản, có Trưởng làng quản lý chung. Trưởng làng là người già, nên thường được mệnh danh là “Già làng” và nhân vật này cũng cần phải có một số ưu thế khác người: Hoạt bát, am hiểu về phong tục tập quán, giàu kinh nghiệm... Trên cương vị của mình, Trưởng làng quán xuyến đời sống mọi mặt trong cộng đồng, chi phối cuộc sống của làng cả về dân sự lẫn quân sự, cả đối nội lẫn đối ngoại, cả trong sinh hoạt kinh tế lẫn sinh hoạt cộng đồng. Ngoài ra, khi nói đến bộ máy tự quản, người ta phải kể đến các bô lão, các thầy cúng, những người giỏi về các hoạt động tín ngưỡng, giỏi về chỉ huy quân sự thời còn “chiến tranh làng”....
Mặt khác, trong quan hệ xã hội của làng chế độ tự quản vận hành trên cơ sở luật tục. Đó là những quy ước, quy tắc xã hội chỉ dẫn cách đối nhân xử thế, xác định hành vi tội phạm theo truyền thống văn hóa của cư dân, xác lập hệ thống tôn ti trật tự, chế định các mối quan hệ xã hội. Luật tục không chỉ có giá trị khi phân xử mà còn là “kim chỉ nam” khuyên răn, hướng dẫn nhằm làm cho mọi người sống đúng theo tập tục truyền thống của cha ông mình.
Mỗi làng tập hợp nhiều dòng họ, cá nhân, gia đình trong mối quan hệ thân thuộc nhất định. Giữa các dòng họ ngoài quan hệ cộng đồng cư trú còn quan hệ hôn nhân với nhau, tạo nên sự liên kết bà con rộng rãi. Người cùng dòng họ thường ở quây quần bên nhau, có khi tụ tập thành nhóm cư trú trong làng.
Như vậy, làng là một thiết chế xã hội truyền thống bền vững, là điểm tự tinh thần cho mỗi cá nhân. Làng ngày xưa và làng ngày nay vẫn không có gì thay đổi mấy cả về nội dung và hình thức, vẫn còn chứa đựng nhiều yếu tố mang tính lịch sử, văn hoá, truyền thống… của một tộc người. Hiểu rõ đặc điểm này sẽ giúp chúng ta lý giải một phần nào những vấn đề mà xã hội đương đại ngày nay đặt ra để góp phần nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác quản lý nhà nước ở cơ sở.
2. Những quy định về trưởng thôn
Theo quy định của pháp luật hiện hành, để được bầu làm trưởng thôn thì người đó phải có hộ khẩu và cư trú thường xuyên ở thôn, đủ 21 tuổi trở lên, có sức khoẻ, nhiệt tình và có tinh thần trách nhiệm trong công tác, đạo đức và tư cách tốt, được nhân dân tín nhiệm, bản thân và gia đình gương mẫu, có năng lực và phương pháp vận động, tổ chức nhân dân thực hiện tốt các công việc của cộng đồng và của cấp trên giao(3).
Trong những quy định trên, tôi cho rằng tiêu chí được nhân dân tín nhiệm là cơ bản, quan trọng nhất. Điều này không chỉ đúng với làng (thôn, tổ dân phố) người kinh và càng đúng hơn, có ý nghĩa hơn đối với vùng đồng bào dân tộc. Bởi vì, nếu ai được tín nhiệm chứng tỏ người ấy thật sự có uy tín trong cộng đồng, nên việc tập hợp, động viên quần chúng trong làng cùng làm việc gì đó sẽ rất thuận lợi. Do vậy, nhiệm vụ của các cấp chính quyền là làm sao để trưởng thôn trở thành biểu tượng của sự đoàn kết, đồng thuận cao trong làng mới là mục tiêu lý tưởng(4).
Thế thì khi đặt ra quy định già làng làm trưởng thôn sẽ có những mặt gì được, mặt gì chưa được cần làm rõ để thống nhất nhận thức và hành động ?
Theo tôi, những mặt được cơ bản nổi lên trước hết đó là:
Thứ nhất, sẽ tranh thủ được sự ủng hộ của già làng - điều này cũng có nghĩa là đã lôi kéo được quần chúng trong làng.
Thứ hai, chuyển chế độ trợ cấp trưởng thôn cho già làng hưởng (tuy không nhiều) có điều kiện động viên già làng tích cực tham gia công tác xã hội, đồng thời giảm bớt một đầu mối ở cấp cơ sở. Điều này phù hợp với chủ trương cải cách mà chúng ta đang thực hiện.
Thứ ba, để già làng làm trưởng thôn là bước đi sáng tạo của chính quyền cơ sở trong việc vận dụng chỉ đạo của Trung ương vào thực tế địa phương (chứ không phải việc làm đó là vi phạm pháp luật, không chấp hành quy định cấp trên). Vấn đề này đáp ứng được yêu cầu đòi hỏi của thực tế, hợp với quy luật và đặc điểm vùng đồng bào dân tộc thiểu số Tây nguyên hiện nay.
Thứ tư, quy định già làng làm trưởng thôn cũng đồng nghĩa với việc chúng ta đang tôn vinh vai trò già làng, tạo tiền đề trong việc tiếp tục bảo lưu, phát huy các giá trị truyền thống văn hóa tốt đẹp từng dân tộc cho phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện mới, vừa tạo lập một cơ chế đề kháng hiệu quả chống lại các lai căn văn hoá không lành mạnh bên ngoài tác động.
Thứ năm, về vấn đề kinh phí. Nếu tổ chức họp dân bầu trưởng thôn thì mất nhiều thời gian và ngân sách chi cho công việc này sẽ không nhỏ, nếu tính chung cho toàn Tây nguyên thì mức thấp nhất cũng trên 2,5 tỷ đồng(5). Ngược lại, quy định già làng làm trưởng thôn thì nhà nước chẳng tốn kém gì. Bài toàn kinh tế đã đặt ra cho chúng ta nhiều suy nghĩ để có cách lựa chọn thích hợp.
Tuy nhiên, bên cạnh mặt được đã nêu, quy định này cũng có mặt trái cần nêu ra để thảo luận, phân tích, trao đổi một cách thẳng thắn, dân chủ, đó là:
Một, hiện nay có một số già làng tuổi quá cao, sức yếu, không có trình độ, nếu “cơ cấu” vào làm trưởng thôn sẽ gặp không ít khó khăn. Đối với trường hợp này chính quyền cơ sở cần linh động, không máy móc, cứng nhắc, tức là xem xét, lựa chọn vị kế nhiệm già làng tương lai để trao cho chức vụ trưởng thôn.
Hai, thực tế nhiều làng có nhiều tộc người sinh sống, có thể mỗi tộc người theo một tôn giáo, già làng cũng theo một tôn giáo nhất định nào đó. Vậy, khi đảm nhận thêm chức vụ trưởng thôn liệu già làng có sự thiêng lệch chăng ? Theo tôi, vấn đề này cũng không quá lo lắng. Bởi trưởng thôn chỉ là người truyền đạt, thực thi nhiệm vụ của cấp trên giao phó, nên cấp trên sẽ giám sát. Hơn thế nữa, có thể trưởng thôn vi phạm pháp luật thì hậu quả xảy ra chỉ trong phạm vi một làng. Nhưng bằng kinh nghiệm thực tế, tôi tin rằng dù theo tôn giáo nào, dù đại diện cho tộc người nào, đã là công dân hay tín đồ trong một làng thì ý thức về vai trò trách nhiệm đối với già làng vẫn không thay đổi.
Ba, hiện nay nhiều nơi trong một làng (làng ở đây được hiểu là ngang với cấp thôn, tổ dân phố) còn có thêm nhiều làng nhỏ nữa (ít nhất là 02 làng nhỏ), như vậy có xảy ra mâu thuẫn khi để già làng làng này nhân danh trưởng thôn qua lãnh đạo già làng làng khác không - nhất là khi 02 làng không cùng tộc người, tôn giáo ? Điều này có thể xảy ra, nhưng thực tế số làng có đặc điểm ngoại lệ này rất ít. Nếu có, thì giải quyết bằng cách để dân tự chọn trưởng thôn hoặc đề nghị Uỷ ban nhân dân tỉnh ra quyết định thành lập thêm thôn, làng mới (nếu đủ điều kiện).
Bốn, có ý kiến nêu rằng, hiện nay nhiều làng không có già làng thì lấy ai làm trưởng thôn. Tôi cho rằng đây là ngộ nhận. Bởi vì, đã là làng của người dân tộc đều có già làng (như đã phân tích ở phần 1), thậm chí có dân tộc còn có cả hội đồng già làng. Sở dĩ chính quyền “không thấy” già làng là do không sâu sát cơ sở, không biết phát huy được tác dụng của già làng đối với xã hội, nên không quan tâm. Mặt khác, trong vùng có đạo vai trò già làng ít được đề cao hơn vai trò của những chức sắc, chức việc tôn giáo. Như vậy, hướng giải quyết tốt nhất cho tình huống này là để dân và tín đồ cùng lựa chọn.
Tóm tại, vấn đề nêu ra không mới, song rất thực tế, rất mong các cấp, các ngành có trách nhiệm liên quan xem xét./.









(0) Số liệu của Ban Chỉ đạo Tây nguyên thống kê tháng 12-2008
(1) Ở đây hiểu rằng thôn, làng, ấp, bản, tổ dân phố là một cấp ngang bằng nhau
(2) Thực ra có nhiều nơi già làng làm thôn trưởng, nhưng sự kiêm nhiệm này không phải do luật định mà do dân bầu.
(3) Điều 11 quy định về tiêu chuẩn Trưởng thôn tại Quyết định số 13/2002/QĐ-BNV ngày 06-12-2002 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ ban hành quy chế tổ chức và hoạt động của thôn và tổ dân phố.

(4) Còn tiêu chí trưởng thôn phải có hộ khẩu, sức khoẻ, nhiệt tình, đạo đức và tư cách tốt… đó là điều kiện đủ bổ sung. Thực tế chẳng người dân nào đi giới thiệu và bầu đại diện cho cộng đồng mình mà cư trú ở nơi khác hay bầu người chưa đủ tuổi thành niên cả !.
(5) Giả sử tổng các chi phí cấp cho một làng khi tổ chức bầu trưởng thôn với mức 100.000 đồng/làng, như vậy toàn Tây nguyên phải cần đến số tiền là: 2.525 làng  x 100.000 đ/làng = 2.525.000.000đ. Song trên thực tế, con số trên gấẩntên 05 lần.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét