9/11/13

GIẢI PHÁP NÀO ĐỐI VỚI “TÀ ĐẠO HÀ MÒN” Ở TÂY NGUYÊN HIỆN NAY ?



Thạc sĩ  Hà Xuân Nguyên

Mấy năm gần đây trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên xuất hiện danh xưng chỉ một tôn giáo có tên “Tà đạo Hà Mòn” đã gây ra nhiều dư luận trái chiều. Có ý kiến cho rằng đó là một tôn giáo mới, có ý kiến cho rằng đó là một tổ chức núp danh tôn giáo hoạt động chính trị, nhưng cũng có ý kiến khẳng định đó là Công giáo…! Trong khi đó “Tà đạo Hà Mòn” từ chỗ hoạt động trong phạm vi hẹp, chủ yếu ở huyện Đắk Hà và huyện Kon Rẫy (tỉnh Kon Tum) thì nay lan rộng đến 39 thôn, buôn, làng, tổ dân phố/17 xã, phường, thị trấn/12 huyện, thị xã, thành phố tại các tỉnh Đắk Lắk, Gia Lai, Đắk Nông; từ chỗ có vài hộ gia đình tin theo thì nay có gần 3.300 “tín đồ” (riêng Kon Tum gần 2.000 người), trong đó có đảng viên (dự bị), thôn trưởng, cán bộ mặt trận thôn…

Để giải quyết vấn đề này, trong thời gian qua các cấp ủy đảng, chính quyền các tỉnh Tây Nguyên đặc biệt quan tâm, tìm mọi biện pháp để quản lý có hiệu quả đối với hoạt động của “Tà đạo Hà Mòn”, nhưng đến nay vẫn chưa có gì khả quan. Các đối tượng đang thay đổi phương thức hoạt động nhằm trốn tránh sự kiểm soát, quản lý của chính quyền; việc giải quyết "Tà đạo Hà Mòn" ở cơ sở còn nhiều lúng túng, thiếu thống nhất từ nhận thức đến chủ trương, biện pháp hành động; công tác phòng ngừa chưa chủ động, hiệu quả hạn chế, chưa vững chắc và có những tồn tại chưa được khắc phục kịp thời...
Để góp phần làm sáng tỏ bản chất của "Tà đạo Hà Mòn", tôi xin nêu lên những suy nghĩ cá nhân với mong muốn nhận được sự quan tâm, phản biện từ độc giả.
          I. LƯỢC SỬ "TÀ ĐẠO HÀ MÒN" VÀ NHỮNG VẤN ĐỀ ĐẶT RA
Từ năm 1999, tại làng Kờ Tu (thuộc xã Hà Mòn, huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum) nổi lên trường hợp là Y Gin (sinh năm 1942, dân tộc Ba na) là tín đồ Công giáo, trước đây hành nghề phù thủy (Pơ-jâu), có tâm trí không bình thường, sức khỏe yếu, hay bị hoa mắt, nên tự nói rằng có thấy Đức mẹ Maria hiện hình. Lợi dụng tình hình này, một số người phao tin, thổi phồng sự việc cho rằng bà Y Gin đã được Đức mẹ nhập vào để sáng lập ra một tôn giáo mới, ai theo thì ngày 20 hàng tháng đến làm lễ dâng hoa và tuyên truyền rằng: Nếu ai ướm được bàn chân của Đức mẹ thì mọi nợ nần về vật chất cũng như tinh thần, kể cả nợ ngân hàng cũng được xóa bỏ; khi đọc kinh phải ghi những lời răn của Chúa ra giấy, khi đọc xong đem đốt và hòa tro với nước để uống; đem hình Chúa và hình Đức mẹ đặt dưới gốc cây trong rừng để làm lễ; ngày thứ 3 và thứ 5 hàng tuần không được ăn thịt cá (kể cả có đám chết hoặc đám giỗ); người đã theo đạo thì không được bỏ đạo... và đầu năm 2006, số này tiếp tục tuyên truyền rằng vào tháng 7, tháng 8, trong số tín đồ theo đạo Hà Mòn sẽ có người được lên thiên đàng, đến năm 2007 sẽ có nhiều điều kỳ lạ xảy ra; trong gia đình nếu chồng hoặc vợ theo đạo Hà Mòn mà người kia không theo thì phải bỏ nhau... Do vậy, có một số tín đồ Công giáo ở huyện Đăk Tô, huyện Ngọc Hồi (tỉnh Kon Tum) tìm đến gia nhập vào “tôn giáo” này. Cả một thời gian dài, từ năm 1999 đến 2005, những tín đồ Công giáo theo bà Y Gin vẫn tổ chức đọc kinh, hành lễ, dâng hoa...
Text Box: Tín đô dâng hoaTrong năm 2005, khi tỉnh Kon Tum thực hiện dự án xây dựng thủy điện Plei Krông thì các làng Kờ Tu, Đăk Do, Đăk Wơk phải di chuyển sang khu tái định cư thuộc huyện Sa Thầy. Lúc này, bà Y Gin và một số đối tượng khác do cố tình không đi nên vin vào lý do Đức mẹ hiện hình ở làng Kờ Tu thì tín đồ không thể bỏ đi được. Lời tuyên truyền này được một số người dân hưởng ứng. Khi Ủy ban nhân dân huyện Đăk Hà (tỉnh Kon Tum) thực hiện cưỡng chế di dời bắt buộc, thì bà Y Gin bỏ làng đi các nơi liên hệ, tiếp xúc, móc nối lôi kéo tín đồ Công giáo... Trước thực trạng này Tòa Giám mục Kon Tum cũng triển khai nhiều giải pháp, kêu gọi "tín đồ" nghe lời bề trên, trở lại đạo; các ngành chức năng ở tỉnh, huyện, xã cũng vào cuộc, đẩy mạnh công tác vận động, tuyên truyền, tập trung xử lý các đối tượng cầm đầu...  song kết quả đem lại không như mong đợi, nhiều khi ở cơ sở quá "tả", vô tình đẩy "Tà đạo Hà Mòn" về phía đối lập với chính quyền và với giáo hội Công giáo. Hậu quả tất yếu theo quy luật tự nhiên là khi trong tỉnh, trong nước không ai "quan tâm" đến "Tà đạo Hà Mòn" thì nước ngoài sẽ "quan tâm", "giúp đỡ"... 
Từ năm 2008 trở lại đây, qua theo dõi, đấu tranh với một số cầm đầu, chúng ta đã phát hiện các đối tượng FULRO ở nước ngoài thường xuyên gọi điện cho những cơ sở đã móc nối ở trong nước chỉ đạo thu thập thông tin về “Tà đạo Hà Mòn”, sau đó thì tuyên truyền “Đạo Hà Mòn là tôn giáo của người dân tộc thiểu số, được bên ngoài rất quan tâm và muốn bà con theo đạo này”, hoặc truyền bá luận điệu “Lãnh đạo đất nước của người dân tộc Tây Nguyên là Bok Kơk, còn “tôn giáo” thì có “Đê ga” và “Hà Mòn” hoặc “Đạo Hà Mòn chính là đạo Chúa ban cho bà Y Gin để tuyên truyền, để người dân Tây Nguyên có đạo riêng”… Mục đích của âm mưu trên là lôi kéo đồng bào dân tộc thiểu số, phát triển lực lượng nhằm đấu tranh cho sự ra đời NHÀ NƯỚC RIÊNG CHO NGƯỜI DÂN TỘC THIỂU SỐ Ở TÂY NGUYÊN (có tên bằng tiếng Anh là Foundation Montagna Governemenh), theo đó các đối tượng cầm đầu phải đẩy mạnh:
- Liên kết các dân tộc bản địa như Ja rai, Bana, Sê đăng, Rơ ngao… để tạo lực lượng đối trọng đòi yêu sách với Chính phủ…
- Tiếp tục lợi dụng việc bà Y Gin thấy và viết sứ điệp về “Đức Mẹ hiện ra ở Hà Mòn” để tuyên truyền, tập hợp lực lượng, xem như “một tôn giáo riêng” trong “Nhà nước riêng” đã thành lập ở Tây Nguyên…
Từ “thông điệp” này làm cho số cầm đầu bên trong càng tin tưởng, yên tâm hơn khi được “thế giới” hậu thuẫn; số bên ngoài cũng muốn thông qua đó để phát triển lực lượng, gây áp lực với chính quyền… Đồng thời để có điều kiện chỉ đạo “cấp dưới”, các đối tượng này từ chỗ chống đối chuyển sang “có biểu hiện hợp tác” với chính quyền trên một số việc nhằm tạo vỏ bọc, che dấu thân phận... Đặc biệt, trong tháng 05-2012, khi các đối tượng này hoạt động công khai, có nguy cơ xảy ra biểu tình, bạo loạn, nên lực lượng Công an tỉnh Gia Lai đã tổ chức truy bắt số cầm đầu lợi dụng “Tà đạo Hà Mòn” thì có nhiều đối tượng đã bỏ trốn vào rừng….
Đến nay, hoạt động của “Tà đạo Hà Mòn” không những chững lại mà có chiều hướng gia tăng, để lại những hệ lụy đặc biệt nghiêm trọng đó là: Gieo rắc mê tín dị đoan, làm cho nội bộ cộng đồng các dân tộc bị chia rẽ, mất đoàn kết; số cầm đầu đã khống chế, cản trở “tín đồ” thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân; một bộ phận tín đồ cực đoan có biểu hiện chống đối chính quyền như phải thực hiện 5 không (không biết, không nghe, không nói, không làm theo chính quyền và không nhận tất cả các chính sách hỗ trợ ...); công khai đòi đất, tuyên truyền về việc thành lập “nhà nước riêng” của người Tây Nguyên….
          II. GIẢI PHÁP NÀO ĐỐI VỚI "TÀ ĐẠO HÀ MÒN"
          Theo dõi diễn biến hoạt động của “Tà đạo Hà Mòn” ta thấy, từ chỗ bị lên án là “tà đạo” nay đã có nhiều người theo (có trên 3.300 người), từ chỗ hoàn toàn mang tính tôn giáo (trong giai đoạn đầu) nay chuyển sang vấn đề chính trị… Điều này gợi lên cho chúng ta suy nghĩ gì ? Bởi dù muốn hay không, chính quyền các cấp ở Tây Nguyên nói riêng, ở Trung ương nói chung phải đối diện với “Tà đạo Hà Mòn” - tức là phải nhìn nhận nó là một thực thể xã hội và cần có một giải pháp tối ưu chứ không thể dùng mệnh lệnh theo kiểu: Không quản lý được thì cấm hoặc có quản lý nhưng thực tế cũng không quản lý được, mà làm cho tình hình càng phức tạp nghiêm trọng thêm…
          Với nhận thức như vậy, chúng ta cần phân tích, mổ xẻ từ nhiều góc độ khác nhau để nhận diện đối tượng đang quản lý, cụ thể:
          1. Về các địa danh được tin là nơi có Đức mẹ hiện hình
          Theo quan điểm của giáo hội Công giáo hoàn vũ, đến tận hôm nay toàn thế giới có 02 nơi được Tòa thánh Vaticăng xác định là nơi Đức mẹ đã hiện hình:
              Một là, ở Lộ Đức (Pháp) vào năm 1858
              Hai là, ở Fatima (Bồ Đào Nha) vào năm 1907
          Ngoài ra, cũng còn có nhiều điểm khác được tín đồ tin là nơi Đức mẹ hiện ra nhưng chưa được Vaticăng công nhận như:
          - Ở Mễ Du (tên đầy đủ Medejugorje). Đây là một làng nhỏ bé, xa xôi, nằm giữa những ngọn núi bọc xung quanh ở phía tây của Liên bang Nam Tư (cũ)-Yougoslavia, nay là Bosnia và Herzegovina. Sự việc diễn ta bắt đầu từ ngày 24-06-1981 đến 2004 - tức là 23 năm sau nhưng đến nay vẫn chưa được Vaticăng công nhận.
Text Box: La Vang
Trà Kiệu
 
          - Ở Kon Jơ (Mỹ, ở bang Ác Len ta), Sa Lét (Pháp), Reu Du Bac (1803), La Salêtt (1846), Pontmain (1871), Banneux (1933), Beraung (1932)...
          Riêng tại Việt Nam, trước đây có 02 địa danh được tín đồ nhắc đến nhiều nhất là Thánh địa La Vang ở Quảng Trị và Trà Kiệu ở Quảng Nam. Gần đây, do nhiều nguyên nhân, xuất hiện thêm những địa danh mới (như báo chí đã nêu), có ở Đăk Lăk, Bình Thuận….. trong đó có Hà Mòn ở Kon Tum.
          2. Như thế nào là một "tà đạo” ?
          Tà đạo thường hiểu theo 02 nghĩa sau:
- Là con đường không chính đáng;
- Là tôn giáo khác tôn giáo được coi là chính tông.
          Theo từ điển Bách khoa nhân dân (trang 309), thì tà đạo có nghĩa có xu hướng ly khai chống lại chính giáo. Chính giáo hoặc chính tông trong phạm vi, nội dung đang bàn ở đây được hiểu là Công giáo.
          Theo quan niệm của giáo hội Công giáo, thì tà đạo có nhiều nghĩa. Thời trung cổ ở châu Âu, những gì khác với Công giáo đều cho là tà đạo, kể cả Phật giáo. Nhưng trong thời đại hiện nay, với xu thế nhập thế, giáo hội Công giáo quan niệm về tà đạo có nội hàm hẹp hơn, có thể hiểu là những gì trái với Công giáo chính thống thì gọi là tà đạo.
          Theo tôi, việc xem xét một thực thể “tôn giáo” như thế nào gọi là tà đạo phải trên cả 02 phương diện tôn giáoxã hội, cụ thể:
          Về phương diện tôn giáo: Tức là phải xem xét nội dung giáo lý, giáo luật, cách thức hành lễ, cơ cấu tổ chức giáo hội…. của tôn giáo mới hiện nay là gì thì mới có thể khẳng định chính xác đối tượng.
          Về phương diện xã hội: Tức là xem xét vấn đề tôn giáo trong mối quan hệ với nhà nước. Ở đây, cần phân biệt rõ việc lợi dụng tôn giáo để làm chính trị khác với việc giáo lý, giáo luật, lễ nghi…. của tôn giáo mới khác với giáo lý, giáo luật, lễ nghi… của tôn giáo chính thống. Có thể tư tưởng chủ đạo của tôn giáo mới này không có vấn đề chính trị, nhưng đi ngược lại với thuần phong, mỹ tục của dân tộc. Do vậy, cần phân biệt cái “tà” với cái “mới”. Ta cũng không nên gộp 02 vấn đề lại để có chung một giải pháp - vì đã là “” thì phải chống, nhưng với cái “mới” thì cần có giải pháp khác. Vì Điều 16 của Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo có đề cập đến nội dung này - tức là những “tôn giáo mới” ra đời, hội đủ các điều kiện quy định thì sẽ được xem xét, cấp đăng ký hoạt động.
          Hiện nay, vấn đề tôn giáo ở Việt Nam nói riêng, trên thế giới nói chung diễn ra theo chiều hướng phức tạp với Trào lưu tôn giáo mới. Trào lưu này xuất hiện từ những năm 60 của thế kỷ 19 diễn ra đầu tiên ở Mỹ với việc hình thành tổ chức Thời đại mới (New Age), sau đó phát triển, lan tỏa thành một phong trào phổ biến. Gọi là Tôn giáo mới vì nó khác hẳn với các tôn giáo truyền thống mà chúng ta được biết như Do Thái giáo, Ki tô giáo, Phật giáo…. Nếu giáo lý, giáo luật, lễ nghi… của tôn giáo mới này đi ngược lại pháp luật, vi phạm đạo đức, kích động bạo lực… thì gọi là tà đạo. Đây là đối tượng chúng ta phải chống, kiên quyết chống đến cùng; đồng thời theo số liệu thống kê, trên thế giới hiện có trên 40.000 tôn giáo mới, riêng ở Mỹ có 1.300 và ở Việt Nam, theo số liệu của Ban Tôn giáo Chính phủ thì có 49, trong đó có nhiều tổ chức là tà đạo, như đạo Chân không ở Hà Tĩnh….
3. Một số thông tin thêm về “Tà đạo Hà Mòn”
          Qua các chuyến đi tìm hiểu thực tế, tôi thấy nổi lên mấy vấn đề xin được trình bày thêm như sau:
          Thứ nhất, về bà Y Gin và địa danh Hà Mòn:
Hiện nay bà Y Gin được “tín đồ” tín nhiệm cao, nhắc đến nhiều, xem là người “sáng lập” ra “Tà đạo Hà Mòn".
Về địa danh Hà Mòn, trước năm 1975 chính quyền cũ với chính sách dồn dân lập ấp chiến lược nên lập ra Tổng Hà Mòn gồm 4 làng: Kơ Tu, Đăk Do, Đăk Wơt và Plei Tol ở khu vực thị xã Kon Tum (nay là thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum). Sau giải phóng, chủ trương chính quyền cách mạng đưa dân về quê cũ, trong đó 03 làng Kơ Tu, Đăk Do, Đăk Wơt về lại Hà Mòn hiện nay của huyện Đăk Hà (tỉnh Kon Tum), riêng làng Plei Tol chuyển về xã Krong của thị xã Kon Tum. Theo Linh mục Nguyễn Đức Chương - người cai quản giáo xứ Hà Mòn trước và sau năm 1975 một thời gian khẳng định, khi về lại nơi cũ, từ năm 1978, bà Y Gin đã có nêu những chuyện bịa đặt về Đức mẹ rồi, chứ không phải đến năm 1999…
          Hai là, về tín đồ: Chúng tôi đã gặp, trao đổi với nhiều tín đồ “Tà đạo Hà Mòn”, đủ mọi thành phần, lứa tuổi, ở nhiều địa bàn khác nhau thì họ khẳng định là mình tín đồ Công giáo chứ không phải là tín đồ “Tà đạo Hà Mòn”. Theo họ, sở dĩ có tên gọi “Đạo Hà Mòn” là do những người Công giáo (có thể gọi là Công giáo chính thống) gán cho, còn tên gọi “Tà đạo Hà Mòn” thì do chính quyền "đặt tên".
          Ba là, về kinh thánh, thánh ca: “Tà đạo Hà Mòn” không có kinh thánh riêng. Kinh thánh và các bài hát thánh ca trong lễ vẫn là kinh Cựu ước và Tân ước của Công giáo. Những sách này đã được Nhà Xuất bản Tôn giáo cho phép ấn hành. Để có bài giảng cho tín đồ, những đối tượng cầm đầu vẫn biên soạn nhiều tài liệu chép tay với nội dung trích trong kinh thánh và có dựng lên nhiều chuyện để tín đồ tin theo (Phổ biến chung là trích câu gốc trong kinh thánh, dựng lên hình ảnh của một người nào đó chết hiện hồn về dặn người sống… Cá nhân tôi đã có nhiều tài liệu viết tay và đánh máy bằng tiếng dân tộc, đã có nhờ các linh mục dịch, giải thích thêm và đều khẳng định điều đó).
Text Box: Tín đồ sinh hoạt tôn giáo          Bốn là, về sinh hoạt tôn giáo: Trong giai đoạn vận động người dân di dân khỏi khu vực ngập nước lòng hồ thủy điện Plei Krông (từ năm 2003 đến hết 2005), sinh hoạt của “tà đạo” này có nhiều biểu hiện bất thường, đó là: Tín đồ đọc kinh cùng với bà con Công giáo trong làng, sau đó tụ tập thành nhóm riêng để đọc kinh thêm. Khi chính quyền yêu cầu không được tụ tập nữa thì họ ra ngoài rừng, thường là từ khuya tới sáng, thậm chí có nơi đọc thâu đêm như ở huyện Kon Rẫy, tỉnh Kon Tum; nguyên nhân là do chính quyền cơ sở ngăn cấm, không cho tụ tập sinh hoạt tôn giáo. Sở dĩ có hiện tượng đọc kinh thâu đêm hoặc kéo dài thời gian hơn là vì họ đang bị đối xử, bị bắt phạt, nên càng tăng thời gian cầu nguyện, tạ ơn Đức mẹ để sớm được sinh hoạt trở lại bình thường; còn hành động "dâng hoa" - theo lý giải của"tín đồ" là do không được các linh mục làm phép rửa tội nên thông qua đó cầu mong Đức mẹ xóa hết tội lỗi. Thực tế, khi chính quyền không xử lý phạt như trước nữa thì tín đồ “Tà đạo Hà Mòn” trở lại sinh hoạt bình thường. Thời gian sinh hoạt mỗi điểm thường từ 45 phút đến 60 phút. Lịch sinh hoạt vẫn như bên Công giáo chính thống, tức là vẫn sáng và tối hằng tuần, riêng Chủ nhật đọc kinh lâu hơn.
          Năm là, về mối quan hệ giữa tín đồ Công giáo chính thống với những người theo “Tà đạo Hà Mòn”: Thực tế tại Kon Rẫy, huyện Ngọc Hồi, huyện Đắk Tô… tỉnh Kon Tum, trong 01 gia đình có người theo “Tà đạo Hà Mòn”, có người theo Công giáo chính thống, trong 01 làng cũng có gia đình này theo Công giáo, gia đình kia theo “Tà đạo Hà Mòn”, nên có hiện tượng mất đoàn kết xảy ra. Lúc đấu vấn đề không nghiêm trọng, nhưng do tính ích kỷ, nhỏ nhen của đa số đông tín đồ Công giáo thấy một bộ phận nhỏ đồng đạo mình bỏ đạo để theo bà Y Gin nên có những lời nói bài xích, xúc phạm... Sự việc này cũng bắt đầu từ việc các linh mục không làm các thánh lễ như rửa tội, hôn phối, an táng… cho những người theo “Tà đạo Hà Mòn”, nên họ thấy mình bị đối xử phân biệt. Qua trao đổi với Linh mục Nguyễn Đức Hòa ở giáo xứ Kon Xơm Luh (thuộc xã Đăk Tờ Re, huyện Kon Rẫy, tỉnh Kon Tum) thì chính Linh mục Nguyễn Đức Hòa cũng thừa nhận là không giải tội cho tín đồ, mà để cho tín đồ giữa hai nhóm “tự giải quyết”, cùng với đó trong công tác quản lý, cán bộ cơ sở cũng ngầm ủng hộ cho việc nói xấu, bài xích những tín đồ “Tà đạo Hà Mòn”, nên mâu thuẫn được đẩy lên cao (tại xã Đăk Ruồng - Kon Rẫy, Kon Tum, trong Giáng sinh năm 2005 có trường hợp ẩu đả vì lý do trên), nhưng sau đó một thời gian ngắn thì trở lại bình thường. Tại xã Đăk Tờ Re, huyện Kon Rẫy, cũng như tại xã Sa Loong, huyện Ngọc Hồi khi chúng tôi gặp, trao đổi với bà con của Công giáo chính thống và "tín đồ" của “Tà đạo Hà Mòn” thì họ khẳng định trong làng vẫn đoàn kết, khi làng có vấn đề gì thì với trách nhiệm công dân họ cùng tham gia thực hiện (như việc làm nhà rông tại thôn Kon Dơ Xinh, xã Đăk Tờ Re). Thanh niên, nam nữ giữa hai nhóm này vẫn có mối quan hệ mật thiết với nhau, nhưng chỉ có khác nhau là một bên còn uống rượu (Công giáo), một bên không uống rượu (“Tà đạo Hà Mòn”)…
          Sáu là, về sự việc bà Y Gin tung tin Đức mẹ hiện hình tại Hà Mòn và những nhận xét của tín đồ “Tà đạo Hà Mòn”: Khi tiếp xúc với chúng tôi, những người theo “Tà đạo Hà Mòn” đều cho rằng là không tin ở bà Y Gin, vì bà ấy vẫn là con người bình thường, nhưng tin có Đức mẹ hiện ra ở Hà Mòn qua một thị nhân, mà thị nhân đó chính là bà Y Gin. Do vậy, những lời bà Y Gin nói ra thường được các “trợ lý” cường điệu thêm để mê hoặc tín đồ. Còn những người theo “Tà đạo Hà Mòn” thì luôn khẳng định mình là Công giáo, nhưng tin có Đức mẹ hiện hình tại Hà Mòn. Vì lý do này nên mới bị cộng đồng nghĩ họ là lạc đạo. Họ còn cho rằng, biết đâu về sau họ là những nhân chứng cho việc Vaticăng công nhận Hà Mòn là nơi Đức mẹ hiện hình thì sao (!).
          Bảy là, về quan điểm của Tòa Giám mục Kon Tum: Trong thời gian qua, chúng tôi đã nhiều lần trao đổi với Giám mục giáo phận Kon Tum và các linh mục trong Ban thẩm định sự kiện Hà Mòn (gồm Linh mục Tổng Đại diện Nguyễn Thanh Liên (đã mất), Linh mục Đỗ Hiệu, Linh mục Nguyễn Đức Hữu, Linh mục Nguyễn Đức Chương…) và các chức sắc quản xứ ở Kon Tum, như các giáo xứ: Kon Xơm Luh - Kon Rẫy (Linh mục Nguyễn Đức Hòa), ở Diên Bình - Đăk Tô (Linh mục Bá Năng Lý), ở Đăk Mốt - Ngọc Hồi (lúc đó là Linh mục Trần Công Minh), các chức sắc này đều thống nhất: Đó không phải là “Đạo Hà Mòn”, càng không phải là “Tà đạo Hà Mòn”, và khẳng định đây vẫn là Công giáo, nhưng do nhóm người này tin có Đức mẹ hiện hình tại Hà Mòn, mà vấn đề này được Tòa Giám mục Kon Tum khẳng định là không có thực (chúng tôi được biết, Ban thẩm định sự việc của Tòa Giám mục đã làm việc với bà Y Gin 04 lần). Khi giáo hội đã xác quyết như vậy mà giáo dân vẫn cứ tin thì theo giáo luật, giáo dân không vâng phục bề trên, nên không thể làm các bí tích cho nhóm người này. Giải pháp vẫn đang được các chức sắc Công giáo thực hiện từ trước đến nay là vẫn kiên trì vận động, cảm hóa, tranh thủ từng người…
          Từ những vấn đề trên, tôi cho rằng:
1. Việc một số người tin, theo “Tà đạo Hà Mòn” là dấu hiệu cho thấy có sự khủng hoảng niềm tin trong một bộ phận cộng đồng dân tộc thiểu số theo đạo Công giáo ở Tây Nguyên. Nguyên nhân của sự việc này là do tác động của nhiều yếu tố, trong đó phải kể đến việc mất đoàn kết nội bộ trong cộng đồng tín đồ, sự không sâu sát “cơ sở” của những chức sắc Công giáo, âm mưu lợi dụng của các thế lực thù địch, cũng như sự yếu kém trong công tác quản lý của chính quyền các cấp khi phải đối diện với những tình huống mới, nhạy cảm, chưa có tiền lệ - bởi vì tại thời điểm đó, nhận thức của một bộ phận đảng viên, cán bộ, công chức cho rằng đây là tà đạo mới hình thành nên cần xử lý sớm ngay từ trong trứng nước, nặng về xử lý hành chính mà không chú trọng đến công tác vận động, tranh thủ...
2. Tại sao vai trò bà Y Gin lại được đề cao ? Theo chúng tôi có 02 nguyên nhân chính: Một là, tâm lý của đồng bào dân tộc ở Tây Nguyên hiện vẫn còn tàn dư chế độ mẫu hệ, đề cao người phụ nữ, nên khi tiếp nhận Công giáo, với giáo lý, giáo luật… như hiện nay, vai trò của Đức mẹ được người dân tôn sùng hơn; Hai là, đối với đồng bào dân tộc thiểu số, dù có đạo hay không có đạo, thì vai trò của phù thủy như bà Y Gin ít nhiều vẫn có những tác động nhất định. Vì thế, các đối tượng bên ngoài mới chỉ đạo các đối tượng trong nước tìm mọi cách lợi dung, đề cao vai trò của bà Y Gin để tập hợp lực lượng…, trong khi đó tại những nơi có “Tín đồ Hà Mòn” thì hỏi bà Y Gin ở đâu không ai rõ ?
3. Việc có hiện tượng tín đồ một tôn giáo chính thống (Công giáo) “cải đạo” cũng nằm trong trào lưu tôn giáo mới đang diễn ra hiện nay trên cả thế giới, Việt Nam cũng không ngoại lệ. Do vậy, việc ứng xử đối với hiện tượng này cũng cần có cái nhìn khách quan, khoa học, cần có sự nghiên cứu nghiêm túc, tránh đề xảy ra những sai làm đáng tiếc, dù sao “tín đồ” của “đạo” này vẫn là công dân của chính quyền. Dù chưa đủ trình độ, nhận thức, thông tin để kết luận, nhưng bước đầu tôi cho rằng đây không phải là một “tà đạo”, cũng không phải là một trào lưu tôn giáo mới, mà là do nhận thức về tôn giáo của tín đồ có khác nhau. Vì đối với đạo Công giáo, tín đồ tin vào Chúa, tin vào Đức mẹ, tin có Đức mẹ hiện hình xuống trần gian…., trong 02 địa điểm đã được Vaticăng xác nhận là Lộ Đức và Fatima, cũng như nhiều điểm khác, thì nay tín đồ tin có thêm Đức mẹ hiện hình ở Hà Mòn (Kon Tum) thì có thể xem đây là chuyện “nội bộ” và rất thuần túy tôn giáo của giáo hội. Vấn đề đáng quan tâm ở chỗ, nếu vì theo niềm tin đó mà giáo hội Công giáo chính thống có tuyên bố không chấp nhận nhóm người này, bản thân tín đồ có những hành động vi phạm pháp luật, làm mất đoàn kết nội bộ, ảnh hưởng tới an ninh chính trị…. thì cần nghiêm trị với những giải pháp mạnh.
4. Việc các đối tượng cầm đầu “Tà đạo Hà Mòn” đã tham gia vào FULRO và được phân vai với những vị trí, chức vụ trong khung “Nhà nước riêng cho người dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên” thì khẳng định rằng “Tà đạo Hà Mòn” đã trở thành vấn đề chính trị - Điều này cũng có nghĩa rằng nếu thời cơ, điều kiện cho phép, các thế lực thù địch sẽ quốc tế hóa vấn đề nhằm thu hút dư luận thế giới… Ở đây, cần phải khẳng định “Nhà nước Đề ga” với “Nhà nước riêng cho người dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên” và đối tượng cầm đầu “Nhà nước Đề ga” trước đây với đối tượng cầm đầu “Nhà nước riêng cho người dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên” hiện nay là một, chỉ khác nhau ở tên gọi mà thôi, còn bản chất thì giống nhau, cùng chống lại chính quyền, cùng nhận sự chỉ đạo của FULRO lưu vong ở nước ngoài. Vì thế, giải pháp đề ra cần có sự tách bạch giữa “quần chúng tín đồ” với số “cầm đầu”.
          III. MỘT SỐ KIẾN NGHỊ
Để giải quyết tốt vấn đề về "Tà đạo Hà Mòn", tôi đề nghị:
1. Cần làm rõ "Tà đạo Hà Mòn" là gì ?
Đề nghị Ban Chỉ đạo Tây Nguyên chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, Ban Tôn giáo Chính phủ, Viện Nghiên cứu Tôn giáo, Ủy ban nhân dân các tỉnh có “tín đồ” và các đơn vị liên quan tổ chức hội thảo toàn diện để xác định đối tượng ta đang quản lý hiện nay nó là cái gì, làm cơ sở cho các cấp, các ngành thực hiện.
Thành phần tham dự nên mời thêm chức sắc đạo Công giáo và cả "chức sắc" của "Tà đạo Hà Mòn"...
2. Một số công việc nên sớm triển khai
- Trước mắt, chính quyền sơ sở cần tăng cường công tác quản lý việc đi lại, tuyên truyền, lôi kéo người vào đạo của một số đối tượng cầm đầu; nắm bắt thông tin, số hộ, số khẩu theo đạo một cách chính xác để việc tuyên truyền, vận động đúng người, đúng đối tượng.
- Có sự phối hợp với các chức sắc có trách nhiệm của đạo Công giáo đề nghị cộng tác thực hiện, có trách nhiệm vận động chức việc, tín đồ theo "Tà đạo Hà Mòn" quay lại sinh hoạt đạo Công giáo. Theo chúng tôi, nên để việc vận động tín đồ cho các chức sắc quản xứ thực hiện, chính quyền chỉ hỗ trợ và tạo điều kiện cho họ khi thực hiện công việc này.  
- Trong quá trình tuyên truyền, vận động phải hết sức khéo léo, thận trọng, tránh kẻ địch lợi dụng, vu cáo chính quyền vi phạm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân. Phương châm thực hiện là lấy vận động, giáo dục, thuyết phục là chính. Nếu đối tượng nào ngoan cố, chống đối thì lập biên bản và xử lý theo trình tự từ thấp đến cao để răn đe các đối tượng khác; hạn chế tối đa tình trạng dùng biện pháp hành chính, cưỡng bức… để ép tín đồ bỏ “đạo”.
- Cần xử lý nghiêm những đối tượng cầm đầu có mưu đồ chính trị để làm gương và răn đe cho đối tượng khác, cần làm càng sớm càng tốt. Riêng đối với "tín đồ" thì cần có chính sách khoan dân, nên đề cao công tác vận động, giáo dục, cảm hóa, không nên truy đến cùng hoặc đưa bà con ra "kiểm điểm trước dân"; đồng thời tăng cường tuyên truyền, giải thích, làm cho đồng bào các dân tộc hiểu rõ âm mưu, thủ đoạn chống phá cách mạng Việt Nam của các thế lực thù địch, lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để chống phá chế độ...; khẳng định lại chính sách nhất quán của Đảng, Nhà nước là tôn trọng quyền tự do tôn giáo của công dân; vận động nhân dân tham gia giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở cơ sở.... Từ thực tiễn công tác, tôi thấy việc xử lý vấn đề “Nhà nước Đề ga”, “Nhà nước riêng cho người dân ộc thiểu số ở Tây Nguyên”…. vẫn là xử lý vấn đề FULRO (vì những tổ chức này do FULRO móc nối, dựng nên, do Ksor Kơk lãnh đạo), vì thế những bài học kinh nghiệm trong xử lý, giải quyết vấn đề FULRO trước đây đã được tổng kết cần nên được phổ biến, quán triệt lại cho cán bộ, các cấp các ngành liên quan biết, nắm rõ để thực hiện cho tốt.
3. Những vấn đề liên quan đến công tác tôn giáo
- Một, về nhận thức. Các cấp, các ngành cần quán triệt lại quan điểm của Đảng, Nhà nước về tôn giáo để thống nhất nhận thức và hành động. Bởi vướng mắc trong công tác tôn giáo hiện nay không phải do nhân tố khách quan tác động (như chưa có văn bản quy định hướng dẫn cụ thể, hoặc tôn giáo bị địch lợi dụng, hoặc do trình độ đội ngũ cán bộ công chức thiếu, yếu hoặc nhận thức của người dân còn thấp...), mà do yếu tố chủ quan chi phối - đặc biệt là nội bộ chúng ta nhận thức về tôn giáo chưa thống nhất. Điều này xảy ra phổ biến, nên dẫn đến hiện trạng: Cơ quan chuyên môn, cán bộ chuyên môn thường "chiều" theo ý lãnh đạo để tham mưu chứ ít xem xét đến nhu cầu, nguyện vọng chính đáng, hợp pháp của tín đồ - vì nếu nói khác sợ bị cấp trên đánh giá tư tưởng, quan điểm có vấn đề !
- Hai, về nhiệm vụ cần tham mưu. Nghị định số 22/2005/NĐ-CP ngày 01-3-2005 của Chính phủ hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo có quy định nhiệm vụ cụ thể cho Ủy ban nhân dân các cấp. Trong thực tế, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh gần như giải quyết mọi sự việc, trong đó có nhiều sự việc là "dân sự" không liên quan đến tôn giáo. Vì thế, theo tôi Ủy ban nhân dân tỉnh nên phân cấp, ủy quyền cho Ban Tôn giáo tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện trực tiếp giải quyết, xem xét một số nội dung công việc; đồng thời giao nhiệm vụ cho lãnh đạo các cơ quan chuyên môn yêu cầu phải tham mưu cho tỉnh có được những giải pháp chỉ đạo, xử lý ở tầm chiến lược - tức là những quan điểm, nguyên tắc cơ bản giải quyết vấn đề tôn giáo làm cơ sở cho cấp dưới thực hiện. Trước mắt có thể chọn một vài công việc làm thí điểm (như xây dựng cơ sở thờ tự, phong chức phong phẩm, đi học...), sau đó sơ kết, tổng kết, nếu tốt thì triển khai trên phạm vi rộng.
- Ba, trong phối hợp công tác. Hệ thống chính trị chúng ta có đủ các cấp, các ban ngành, có phương tiện, điều kiện tương đối tốt, nhưng bộ máy vận hành chưa tốt. Các cơ quan chuyên môn “hình như” cũng có sự "nhầm vai" trong triển khai nhiệm vụ, nặng về quản lý hành chính, trong khi đó quan điểm cốt lõi được Đảng ta khẳng định là nội dung cốt lõi của công tác tôn giáo là công tác vận động quần chúng thì ít được chú trọng, áp dụng; đồng thời nên tập trung hướng trí tuệ đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác tôn giáo vào tìm hiểu các vấn đề bức xúc hiện nay để tham mưu những giải pháp căn cơ, hiệu quả chứ không nên mất thời giờ vào những chuyện sự vụ…
__________


     

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét