9/11/13

MỤC SƯ NGUYỄN KHẮC XUÂN VỚI TRANG TRẠI CHĂN NUÔI LỢN HIỆU QUẢ



Hà Xuân Nguyên

          Mục sư Nguyễn Khắc Xuân sinh năm 1960, cư trú tại số nhà 46 đường Huỳnh Đăng Thơ, phường Quang Trung, thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum, là Ủy viên mục vụ Tổng hội Hội Truyền giáo Cơ đốc Việt Nam, phụ trách điểm nhóm tại thành phố Kon Tum. Trong nhiều năm qua, gia đình ông được biết đến là tấm gương điển hình về tinh thần vượt khó, quyết tâm làm giàu từ mô hình chăn nuôi lợn thịt…
Text Box: Mục sư Nguyễn Khắc Xuân với đàn lợn thịtTrang trại của ông hiện được xây dựng tại làng Plei Chum - Đắk Chỏa (thuộc xã Vinh Quang, thành phố Kon Tum), có tường rào bao quanh, xa khu trung tâm… Hôm đến thăm, tiếp chúng tôi Mục sư Nguyễn Khắc Xuân cho biết:
Nếu so với nhiều cơ sở khác thì trang trại này không lớn, nhưng rất ý nghĩa với ông. Bởi là người đã dấn thân hầu việc Chúa, ưu tiên hàng đầu của ông là làm tốt việc rao giảng giáo lý, hướng dẫn tín hữu chấp hành đúng quy định pháp luật, quan tâm giúp đỡ lẫn nhau... Trước đây, do hoàn cảnh khó khăn, nên có muốn cũng không được, bây giờ có điều kiện rồi cũng nên thử sức…
Để có được thành quả như hôm nay, Mục sư Nguyễn Khắc Xuân đã bỏ nhiều công sức, từ việc sưu tầm các bài báo viết về gương sản xuất giỏi ở khắp nơi, hay đến tìm hiểu các mô hình kinh tế hiệu quả..., cuối cùng ông đã chọn cách đi riêng là lập trang trại nuôi lợn. Đã nói là làm. Và nhờ sự giúp đỡ của một đồng đạo đã cho ông mượn mảnh đất như ý (vừa rộng, vừa gần làng đồng bào dân tộc, nguồn nước thuận lợi…) trong vòng 10 năm. Tiếp đến, ông làm thủ tục vay vốn quỹ tín dụng với số tiền 150 triệu để đầu tư xây dựng trang trại, còn số tiền gia đình tích lũy thì được được đầu tư vào mua giống, thức ăn…. Lúc đầu, do chưa tự tin và để đề phòng mọi bất trắc có thể xảy ra, ông chủ trương làm thí điểm với  4 ô chuồng, nuôi khoảng 40 con… Sau 3 tháng đàn lợn xuất chuồng, giá tại thời điểm bán là 50.000 đ/kg, khấu trừ mọi chi phí bình quân mỗi con ông lời khoảng từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng. Có vốn, có chút kinh nghiệm, từ tháng 6-2010 ông mạnh dạn tái đầu tư... đến nay diện tích trang trại trên 200 m2, có 18 ô chuồng, trên 180 con, mỗi con nặng từ 70 đến 90 kg...

Text Box: Trang trại lợn nhìn từ bên ngoàiTuy trang trại giúp gia đình có nguồn thu ổn định, nhưng ông vẫn  “khoán” cho người giúp việc “quản lý”, mỗi tuần chỉ một vài lần đến  kiểm tra, hướng dẫn..., thời gian còn lại ông dành cho việc đạo - vì ông quan niệm mục đích làm kinh tế không chỉ phục vụ bản thân và gia đình, mà còn phải chia sẻ, giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn hơn…; trước mắt chưa giúp được gì, nên làm trang trại ở gần làng để cho bà con thấy và học theo. Theo ông - có rất nhiều tín hữu người dân tộc thiểu số mong muốn làm kinh tế, nhưng còn e ngại, sợ thua lỗ, hơn nữa lại không có vốn… nên không dám; còn việc xóa đói giảm nghèo cho đồng bào dân tộc không chỉ có chính quyền quan tâm mà giáo hội cũng bàn đến và đã triển khai đến từng hội thánh cơ sở, nhưng tư tưởng người dân thật sự chưa có sự chuyển biến lớn... Bởi làm kinh tế không đơn thuần là phép tính cộng đơn giản, mà thành công hay không thành công còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố - như chăn nuôi thì phải có vốn để mua thức ăn cho đàn giống, công tác phòng chống bệnh, đầu ra cho sản phẩm...
Để minh chứng, Mục sư Nguyễn Khắc Xuân cho biết, với quy mô đàn lợn hiện có của mình, bình quân mỗi ngày phải chi ra gần 2,5 triệu tiền mua thức ăn, như thế mỗi tháng ít nhất phải hết 75 triệu, chưa tính tiền công phải trả cho người giúp việc là 4,5 triệu đồng/tháng, giá thức ăn tăng hay dịch bệnh bùng phát… Vậy có ai dám liều ? Nhưng không phải vì thế mà chấp nhận đói nghèo ? Trong khi đó, nhà nước rất quan tâm nhiều đến cuộc sống của đồng bào dân tộc qua các chương trình, dự án, nhưng hiệu quả không cao, mà nguyên nhân là khâu tổ chức thực hiện ở cơ sở. Muốn vận động, hướng dẫn người dân làm một mô hình gì thì đừng chủ quan, nóng vội, cũng đừng “nói nhiều”, chỉ cần làm cho họ thấy thì sẽ có hiệu quả ngay, như tại làng Plei Chum - Đắk Chỏa này, hiện đã và đang có nhiều hộ gia đình làm theo, tuy quy mô không lớn, nhưng đó là dấu hiệu chuyển biến theo hướng tích cực…
Bàn về hướng làm ăn lâu dài, Mục sư Nguyễn Khắc Xuân có dự tính mở rộng diện tích trang trại, tăng số lượng đàn lợn và nuôi thêm gia cầm, đào ao thả cá để tận dụng được nguồn thức ăn dư thừa; ông cũng mong muốn được chính quyền, các ngành chức năng tạo điều kiện cho người dân vay vốn, thường xuyên mở các lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi để ông và mọi người áp dụng có hiệu quả.
Được nghe và tận mắt thấy những gì ông đã làm, trong tôi thoáng lên sự khâm phục, tin tưởng và cũng mong mọi người đều có lòng quyết tâm vượt khó như Mục sư Nguyễn Khắc Xuân thì đói nghèo sẽ được đẩy lùi.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét