9/11/13

Bàn tiếp câu chuyện: NÊN HAY KHÔNG NÊN BỎ HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN HUYỆN, QUẬN, PHƯỜNG ?

Hà Xuân Nguyên

 

1. Quốc hội khóa XII, kỳ họp thứ tư thông qua Nghị quyết số 26/2008/NQ-QH12 ngày 15-11-2008 về thực hiện thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân huyện, quận, phường (Nghị quyết có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01-4-2009); toàn quốc có 67 huyện, 32 quận, 483 phường thuộc 10 tỉnh, thành phố được chọn làm thí điểm(1). Qua hơn 04 năm triển khai, các cấp, các ngành liên quan cũng đã tổ chức nhiều hội thảo, hội nghị…, đến nay có ý kiến đề nghị bỏ, có ý kiến đề nghị giữ, có ý kiến đề nghị cần thêm thời gian thí điểm để rút kinh nghiệm.
Theo dõi các tranh luận, thảo luận, tôi thấy quan điểm đề nghị bỏ Hội đồng nhân dân huyện, quận, phường hiện được cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo - Bộ Nội vụ ủng hộ, cho rằng đây là một chủ trương phù hợp, sáng tạo trong việc học tập, làm theo tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng chính quyền dân chủ nhân dân; đồng thời kiến nghị các cấp có thẩm quyền tiếp tục chỉ đạo thực hiện để phục vụ cho sửa đổi Hiến pháp. Cơ sở đề xuất này được sơ kết từ thực tiễn thí điểm tại các địa phương, khi đa số cho rằng hoạt động của Hội đồng nhân dân huyện, quận, phường còn hình thức, không hiệu quả, không thực quyền..., rồi nêu ra nhiều cái ưu khi không có tổ chức này.

Là người công tác ở cơ sở, tôi thấy đề xuất trên có cái gì đó chưa ổn, chưa thuyết phục, bởi các lẽ: Hội đồng nhân dân các cấp nói chung và huyện, quận, phường nói riêng ở Việt Nam không phải là sản phẩm ngoại nhập hoặc mới ra đời, mà đã hiện diện từ khi chúng ta có chính quyền, đại diện cho ý chí, nguyện vọng, quyền làm chủ của nhân dân và thực hiện quyền giám sát (thành tựu văn minh nhân loại khẳng định nơi nào có quyền lực thì sẽ có giám sát quyền lực). Nếu nhìn vào những tồn tại, yếu kém của Hội đồng nhân dân huyện, quận, phường hiện nay rồi đề xuất bỏ... thì quả là võ đoán, thoát ly thực tế, chỉ quan sát “hiện tượng” bên ngoài chứ không thấy được “bản chất” bên trong sự việc - trong khi đó nguyên nhân sâu xa của “thực trạng” trên là do chúng ta chưa tạo ra được “cơ chế” để người dân có tiếng nói thật sự quyết định trong việc lựa chọn, giới thiệu người đại diện, cũng như “cơ chế” để Hội đồng nhân dân hoạt động độc lập, hiệu quả… thì ít người bàn đến !
_____________________

(1). Số liệu tham khảo trên các báo mạng đưa tin toàn quốc có 10 tỉnh thành phố được chọn triển khai thí điểm là: Lào Cai, Vĩnh Phúc, Nam Định, Quảng Trị, Phú Yên, Bà Rịa - Vũng Tàu, Kiên Giang, thành phố Hải Phòng, thành phố Đà Nẵng và thành phố Hồ Chí Minh.

2. Hiện nay, việc xem xét nên hay không nên bỏ Hội đồng nhân dân huyện, quận, phường vẫn còn thời gian thảo luận với mục đích cần làm rõ thêm cơ sở lý luận và thực tiễn nhằm tạo sự đồng thuận trong xã hội để Trung ương xem xét, “chốt” lại mô hình tổ chức chính quyền địa phương để đưa vào dự thảo Hiến pháp sửa đổi, bổ sung. Với nhận thức như vậy, tôi mạnh dạn kiến nghị một số vấn đề:
a. Về quan điểm chung và mục tiêu lâu dài: Đề nghị không được bỏ Hội đồng nhân dân huyện, quận, phường và rộng hơn là Hội đồng nhân dân các cấp.
Để làm được điều này, Đảng phải lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành tham mưu theo hướng phải có giải pháp đột phá để tập thể Hội đồng nhân dân và từng cá nhân đại biểu phát huy được vai trò, trách nhiệm, thực quyền, độc lập và hoạt động thường xuyên hơn; đồng thời đặt ra mục tiêu, lộ trình… đưa Việt Nam tiến đến một xã hội dân chủ, văn minh thật sự. Vì thế, thời gian tới chúng ta nên tập trung trí tuệ hiến kế làm sao để Hội đồng nhân dân và hệ thống chính quyền các cấp hoạt động hiệu quả hơn chứ không sa vào tranh luận về hiệu quả hoạt động của Hội đồng nhân dân.
Khi tập thể Hội đồng nhân dân và từng cá nhân đại biểu hoạt động hiệu quả thì điều đó cho thấy trình trình độ dân trí và quan trí ở Việt Nam được nâng lên, các quyền cơ bản của công dân không ngừng được mở rộng, phát huy…
b. Nội dung triển khai: Cần tập trung vào 03 việc trọng tâm sau:
b.1. Về giới thiệu đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp:
- Căn cứ số lượng, thành phần cơ cấu… theo quy định của pháp luật và hướng dẫn của cấp có thẩm quyền, cử tri trong cùng đơn vị bầu cử xem xét, thảo luận, giới thiệu 50 % nhân sự so với tổng số đại biểu Hội đồng nhân dân mỗi cấp với tỷ lệ dư từ 25 % đến 75 %; và 50 % số đại biểu còn lại do chính quyền giới thiệu với số dư cũng từ 25 % đến 75 %.
- Những đại biểu do chính quyền giới thiệu phải được tín nhiệm của cử tri, trường hợp tín nhiệm dưới 50 % thì chính quyền phải giới thiệu người khác thay thế.
b2. Xem xét, tổ chức bầu trực tiếp chức danh Chủ tịch Ủy ban nhân dân:
- Phương án 1. Tổ chức bầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân trong số đại biểu Hội đồng nhân dân cùng cấp. Giới thiệu nhiều nhân sự là đại biểu Hội đồng nhân dân (Đảng giới thiệu 01, Hội đồng nhân dân giới thiệu 01 và Mặt trận thay mặt nhân dân giới thiệu 01) để nhân dân bầu trực tiếp bằng phiếu kín (ý kiến này đã được nhiều học giả, người có tâm huyết đề nghị trong thời gian qua).
- Phương án 2. Quy định và tổ chức bầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân không phải là đại biểu Hội đồng nhân dân cùng cấp. Số lượng và thành phần tham gia ứng cử như sau: Đảng giới thiệu 01, người dân thông qua Mặt trận giới thiệu 01, ngoài ra còn có những trường hợp tự ứng cử thì phải được trên 50 % cử tri tín nhiệm giới thiệu mới hợp lệ. Việc bầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân tiến hành cùng lúc với bầu đại biểu Hội đồng nhân dân.
Trước mắt, 02 phương án này thực hiện đối với cấp xã trước, sau đó cần sơ kết, nếu được thì triển khai tiếp.
b3. Cải tiến hoạt động của chính quyền cơ sở:
- Nâng tỷ lệ đại biểu Hội đồng nhân dân chuyên trách làm việc thường xuyên lên so với hiện nay (cần thí điểm tỷ lệ chuyên trách là 25 % trước rồi 50 % để đánh giá rút kinh nghiệm); tăng số lượng công chức cấp xã từ 07 lên 10 (hoặc 12) người để đảm nhận các công việc chuyên môn.
- Xem xét, nghiên cứu sửa lại Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân theo hướng “thiết kế” lại nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp sao cho phù hợp với thực tế; chỉ giao cho Ủy ban nhân dân cấp xã nhiệm vụ thu thuế, theo dõi, giám sát, kịp thời xử lý hoặc báo cáo lên cấp trên để xử lý những vấn đề sai trái…; “thiết kế” lại hệ thống chính quyền địa phương ở nước ta sao cho tinh gọn, phù hợp với đặc điểm vùng miền, có những quy định “cứng” và “mềm” linh hoạt, không nhất thiết phải có 03 cấp: Tỉnh - huyện - xã; đồng thời thay vì thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân… nên chuyển sang chỉ đạo thực hiện thí điểm mô hình chính quyền địa phương 02 cấp (tỉnh - xã) và mô hình chính quyền đô thị - chính quyền nông thôn.
c. Địa bàn chọn triển khai thí điểm:
- Thành phố Đà Nẵng, thành phố Hải Phòng và thành phố Cần Thơ (là những đô thị trực thuộc Trung ương, có quy mô trung bình).
- Ngoài ra, hiện nay có nhiều địa phương đề nghị chia tách đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã (tuy Chính phủ chỉ đạo hạn chế chia tách), nhân cơ hội này Trung ương chỉ đạo Quốc hội ra nghị quyết giao Chính phủ lựa xem xét, chọn một vài địa phương đại diện những vùng, miền khác nhau để thực hiện thí điểm.
d. Thời gian thí điểm: Từ nay đến hết tháng 06-2015, sau đó sơ kết, báo cáo trình Đại hội Đảng lần thứ 12 và Quốc hội khóa 14.
Tóm lại, nêu lại vấn đề trên để chúng ta có thêm thông tin trong việc đánh giá về vị trí, vai trò… của Hội đồng nhân dân. Bài viết chỉ nêu lên những nét chấm phá cơ bản nên không thể bao quát và chi tiết hết mọi vấn đề, rất mong được các cấp, các ngành quan tâm cùng thảo luận./.

____________


         








Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét