15/11/13

Lãnh hải Việt Nam, Luật biển và Biển Đông - Những điều cần biết



Nhằm đưa đến cho độc giả một số kiến thức căn bản về lãnh hải, luật biển quốc tế, Tuần Việt Nam đăng tải một phần cuốn sách “Sổ tay pháp lý cho người đi biển”. Sách do Bộ Ngoại giao, Ban Biên giới Chính phủ và NXB Chính trị Quốc gia phát hành, năm 2002.

Tên sách: SỔ TAY PHÁP LÝ CHO NGƯỜI ĐI BIỂN
Tác giả: Tập thể tác giả, Luật sư, TS Hoàng Ngọc Giao chủ biên
Phát hành: Bộ Ngoại giao, Ban Biên giới, NXB Chính trị Quốc gia.

***
CHƯƠNG III. CÁC THỰC THỂ LIÊN QUAN ĐẾN BIỂN
Về quốc gia ven biển, quốc gia không có biển, quốc gia quần đảo
Quốc gia ven biển là các quốc gia có bờ biển.
Quốc gia không có biển là các quốc gia không có bờ biển. Hiện trên thế giới có 42 quốc gia không có bờ biển. Lào, nước láng giềng của nước ta, là quốc gia không có bờ biển.
Các quốc gia không có biển có quyền đi ra biển và đi từ biển vào để thực hiện các quyền mà những quốc gia này được hưởng theo Công ước Luật biển 1982 (quyền tự do trên biển cả, các quyền với vùng…), quyền có hạm đội treo cờ của nước mình, được khai thác số cá thừa tại vùng đặc quyền về kinh tế của quốc gia ven biển theo thỏa thuận với quốc gia ven biển.
Thực hiện các quyền này, các quốc gia không có biển có quyền quá cảnh các quốc gia khác thông qua thỏa thuận với các quốc gia đó. Việc quá cảnh được thực hiện trên cơ sở bảo đảm quyền lợi của quốc gia không có biển và lợi ích chính đáng của quốc gia quá cảnh hữu quan.
Lào thực hiện quyền quá cảnh qua Việt Nam theo Hiệp ước năm 1959 giữa Lào và Nam Việt Nam, bảo đảm quyền tự do quá cảnh. Sau năm 1975, CHXHCN Việt Nam tạo điều kiện cho Lào quá cảnh qua cảng Đà Nẵng và cảng Cửa Lò. Ngoài ra, Việt Nam còn cho phép Lào đánh bắt lượng cá dư thừa trên vùng đặc quyền về kinh tế theo thỏa thuận giữa hai bên.

Quốc gia quần đảo là một quốc gia hoàn toàn được cấu thành bởi một hay nhiều quần dảo và có thể bao gồm một số hòn đảo khác nữa. Ven bờ Biển Đông có hai quốc gia quần đảo thuộc loại lớn nhất trên thế giới là PhilippinesIndonesia. Nước ta tuy có nhiều đảo và quần đảo song vẫn không phải là quốc gia quần đảo mà chỉ là quốc gia ven biển.
Khái niệm quốc gia quần đảo lần đầu tiên được công nhận trong Công ước Luật biển 1982, tại Điều 46. Trên thế giới có nhiều quốc gia quần đảo, gần gũi với chúng ta có Indonesia, Philippines, hay Cabo Verde.
Đảo là gì?
Đảo theo cách hiểu thông thường là một vùng đất có nước bao quanh. Theo cách hiểu này, ta có đảo nằm trong các sông hồ và đảo nằm trong biển (hải đảo). Đối với người đi biển thì đảo được hiểu là các hải đảo nói chung, bao gồm các đảo, đá.
Theo nghĩa pháp lý:
Một đảo là một vùng đất tự nhiên có nước bao bọc, khi thủy triều lên vùng đất này vẫn ở trên mặt nước. (trích Điều 121, Công ước Luật biển 1982)
Định nghĩa trên đã đưa ra các điều kiện pháp lý để một vùng đất có nước bao quanh được công nhận là đảo trước pháp luật:
  1. một đảo phải được hình thành một cách tự nhiên: “Vùng đất tự nhiên” này phải có sự gắn bó hữu cơ với đáy biển;
  2. có cùng độ nổi thường xuyên như đất liền, khi thủy triều lên vẫn ở trên mặt nước, ở trên mực triều cường và
  3. Đảo cần phải có nước bao bọc xung quanh. Tuy nhiên, khi một đảo được nối với đất liền bởi cây cầu hoặc đường hầm thì đương nhiên vẫn có giá trị như một đảo. Trong các quy định của luật pháp quốc tế cũng như thực tiễn đời sống quốc tế đã chứng minh thành phần vật chất cấu tạo nên đảo có thể từ bùn, san hô, cát, đất… mà không ảnh hưởng đến chế độ pháp lý của các đảo.
Chế độ pháp lý của đảo:
Với điều kiện phải tuân thủ Khoản 3, lãnh hải, vùng tiếp giáp, vùng đặc quyền về kinh tế và thềm lục địa của một hòn đảo được hoạch định theo đúng các quy định của Công ước áp dụng cho các lãnh thổ đất liền khác. (trích Điều 121 Công ước Luật biển 1982)
Quy định này khẳng định các đảo cũng có cùng các danh nghĩa và được đối xử ngang bằng như các vùng lãnh thổ đất liền. Có nghĩa là, các đảo có lãnh hải, vùng tiếp giáp, vùng đặc quyền về kinh tế và thềm lục địa được hoạch định theo đúng các quy định của Công ước áp dụng cho các lãnh thổ đất liền khác.
Trên các đảo, quốc gia cũng có chủ quyền hoàn toàn, tuyệt đối và đầy đủ như trên lãnh thổ đất liền (các quyền hành pháp, lập pháp và tư pháp). Điều này đã làm tăng thêm vai trò của các đảo. Năm 1955, Nữ hoàng Anh đã ra lệnh cho Hải quân cắm cờ, dựng bia chủ quyền trên Rock All rộng 3 m vuông, cao 21 m, để tuyên bố vùng đặc quyền về kinh tế xung quanh Rock All là 200 hải lý.
Đảo Cook rộng 243 km vuông có quyền nhận 352.240 km vuông vùng đặc quyền về kinh tế. Đảo Naru với 21 km vuông sẽ có 323.750 km vuông vùng đặc quyền về kinh tế. (1)
Phân loại
Mặc dù có một quy chế cho các đảo, nhưng Công ước Luật biển 1982 không đưa ra được các tiêu chuẩn để phân loại các đảo. Trước đây, trong dự thảo các điều khoản liên quan tới việc hoạch định quyền tài phán của quốc gia ven biển trong các vùng biển thuộc quyền tài phán của họ đưa ra trong Hội nghị lần thứ III của LHQ về Luật biển ngày 17-7-1973 có đưa ra đề nghị đảo “là một diện tích tự nhiên có diện tích trên 1 km vuông” (2). Kiến nghị này có vẻ như giống các nỗ lực phân loại của Văn phòng Thủy văn Quốc tế và một số chuyên gia:
+ Đá (rocks) có diện tích nhỏ hơn 0,001 hải lý vuông
+ Đảo nhỏ (islets) có diện tích 0,001 - 1 hải lý vuông
+ Đảo vừa (isles) có diện tích 1 - 1.000 hải lý vuông
+ Đảo lớn (islands) có diện tích trên 1.000 hải lý vuông

Cho đến nay, vẫn chưa có sự phân loại các đảo một cách cụ thể chính xác của bất cứ cơ quan, tổ chức quốc tế nào.
Các đảo và các quy định của Việt Nam về các đảo?
Việt Nam là một quốc gia ven biển, với chiều dài bờ biển khoảng 3.620 km và rất nhiều các đảo ven bờ và xa bờ. Hệ thống đảo tiền tiêu phía Bắc có các đảo: đảo Trần (Quảng Ninh), Bạch Long Vĩ (Hải Phòng), Hòn Mát, Hòn Mê (Thanh Hóa)… Các đảo lớn ven bờ, giàu tiềm năng như: Phú Quốc, Phú Quý, Côn Đảo và hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ở giữa Biển Đông… Các đảo của nước ta có vị trí rất quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc, tạo điều kiện thuận lợi trong việc phát triển kinh tế - xã hội, sự nghiệp công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước.
Ngày 23 tháng 6 năm 1994, Việt Nam phê chuẩn Công ước Luật biển 1982. Theo quy định chung, Việt Nam phải có các quy định phù hợp với Công ước. Về các đảo, chúng ta cũng như các quốc gia khác thường không có các quy định cụ thể, chế độ pháp lý của các đảo. Chỉ trong trường hợp cụ thể (liên quan đến việc hoạch định quyền tài phán của Việt Nam trên các vùng biển, quyền và nghĩa vụ của quốc gia ven biển trong các vùng biển…) có thể sẽ có các quy định riêng.
Đá có phải là đảo không?
Đá là một dạng của đảo, thường được gọi là đảo đá hoặc bãi đá. Đây là những đảo được hình thành một cách tự nhiên từ đá. Các đảo này thường được cấu thành từ một khối liền nhất hoặc từ nhiều chỏm đá, diện tích nhỏ (thường nhỏ hơn 0,001 hải lý vuông).
Các đảo đá không thích hợp cho con người đến ở hoặc cho một đời sống kinh tế riêng thì chỉ được có vùng lãnh hải tối đa 12 hải lý, không được phép có vùng thềm lục địa và vùng đặc quyền về kinh tế (trích Khoản 3, điều 121 Công ước Luật biển 1982).
Trong điều 10 của Công ước về lãnh hải và vùng tiếp giáp năm 1958 đã trao một lãnh hải cho tất cả các phần nhô lên một cách tự nhiên trên biển. Và theo quy định của Công ước Luật biển năm 1982, đã không được hưởng quy chế của các đảo, có nghĩa là đá chỉ có được vùng lãnh hải 12 hải lý và vùng tiếp giáp lãnh hải 12 hải lý.
Trong thực tiễn quốc tế, có những trường hợp, bãi đá chỉ được 3, 6 hay 9 hải lý lãnh hải và vùng tiếp giáp, tùy vào sự thỏa thuận của các quốc gia liên quan hoặc phán quyết của Tòa án Quốc tế, Tòa Trọng tài hoặc các cơ quan tài phán quốc tế khác mà các bên liên quan chấp nhận đề nghị hoặc trưng cầu.
CÁC VÙNG BIỂN VÀ THỀM LỤC ĐỊA
Công ước của LHQ về Luật biển năm 1982 quy định về các vùng biển như thế nào?
Công ước Luật biển 1982 chính thức xác lập cơ sở pháp lý cho việc xác lập các vùng biển – một vấn đề vốn gây rất nhiều bất đồng giữa các quốc gia trong cộng đồng quốc tế. Công ước quy định cụ thể về cách xác định, phạm vi, quy chế pháp lý của các vùng biển thuộc chủ quyền, quyền tài phán và quyền chủ quyền của quốc gia, các vùng biển nằm ngòai phạm vi chủ quyền và quyền tài phán của quốc gia ven biển, theo đó:
Các vùng biển thuộc chủ quyền, quyền tài phán hoặc quyền chủ quyền của quốc gia ven biển gồm:
  • Nội thủy
  • Lãnh hải
  • Vùng tiếp giáp lãnh hải
  • Vùng đặc quyền về kinh tế
  • Thềm lục địa
Các vùng biển nằm ngoài phạm vi chủ quyền và quyền tài phán của quốc gia ven biển gồm:
  • Biển cả

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét