30/6/14

Nguyên tác HIỂU ĐỜI của Chu Dung Cơ

 Qua một ngày mất một ngày.
Qua một ngày vui một ngày.
Vui một ngày lãi một ngày…
Hạnh phúc do mình tạo ra. Vui sướng là mục tiêu cuối cùng của đời người, niềm vui ẩn chứa trong những sự việc vụn vặt nhất trong đời sống, mình phải tự tìm lấy. Hạnh phúc là cảm giác, cảm nhận, điều quan trọng là ở tâm trạng. 
Tiền không phải là tất cả nhưng không phải không là gì. Đừng quá coi trọng đồng tiền, càng không nên quá so đo, nếu hiểu ra thì sẽ thấy nó là thứ ngoại thân: khi ra đời chẳng ai mang đến, khi chết chẳng ai mang theo. Nếu có người cần giúp, bạn nên rộng lòng mở hầu bao, đó là một niềm vui lớn. Nếu dùng tiền mua được sức khỏe và niềm vui thì tại sao không bỏ tiền ra mà mua? Nếu dùng tiền mà mua được sự an nhàn tự tại thì đáng lắm chứ! Người khôn biết kiếm tiền, biết tiêu tiền, biết làm chủ đồng tiền và không làm tôi tớ cho nó.
“Quãng đời còn lại càng ngắn thì càng phải làm cho nó phong phú”. Người già phải thay đổi quan niệm cũ kỹ đi, hãy chia tay với “ông sư khổ hạnh”, hãy làm “con chim bay lượn”. Cần ăn thì ăn, cần mặc thì mặc, cần chơi thì chơi, luôn luôn nâng cao chất lượng cuộc sống, hưởng thụ những thành quả công nghệ cao, đó mới là ý nghĩa của cuộc sống tuổi già.
Tiền bạc rồi sẽ là của con, địa vị là tạm thời, vẻ vang là quá khứ,sức khỏe là của mình. Cha mẹ yêu con vô hạn; con yêu cha mẹ có hạn. Con ốm cha mẹ buồn lo; cha mẹ ốm con nhòm một chút, hỏi vài câu là cảm thấy đủ rồi. Con tiêu tiền của cha mẹ thoải mái; cha mẹ tiêu tiền của con chẳng dễ chút nào. Nhà cha mẹ là nhà của con; nhà của con không phải là nhà cha mẹ. Khác nhau là thế, người hiểu đời coi việc lo liệu cho con là nghĩa vụ, là niềm vui, không mong báo đáp. Chờ báo đáp là tự làm khổ mình.
Ốm đau trông cậy vào ai ? Trông cậy con ư ? Nếu ốm dai dẳng chẳng có đứa con có hiếu nào túc trực bên giường đâu (Cửu bệnh sàng tiền vô hiếu tử). Trông vào bạn đời ư ? Người ta cũng yếu, đôi khi lo cho bản thân còn chưa xong, có muốn đỡ đần cũng không làm nổi. Trông cậy vào đồng tiền ư? Chỉ còn cách ấy.
Cái được, người ta chẳng hay để ý; cái không được thì nghĩ nó to lắm, nó đẹp lắm. Thực ra sự sung sướng và hạnh phúc trong cuộc đời tùy thuộc vào sự thưởng thức nó ra sao. Người hiểu đời rất quý trọng và biết thưởng thức những gì mình có và không ngừng phát hiện thêm ý nghĩa của nó, làm cho cuộc sống vui hơn, giàu ý nghĩa hơn.
Cần có tấm lòng rộng mở, yêu cuộc sống và thưởng thức cuộc sống… Trông lên chẳng bằng ai, trông xuống chẳng ai bằng mình (Tỷ thượng bất túc, tỷ hạ hữu dư); Biết đủ thì lúc nào cũng vui (Tri túc thường lạc).
 Tập cho mình nhiều đam mê, vui với chúng không biết mệt mỏi, tự tìm niềm vui. Tốt bụng với mọi người, vui vì làm việc thiện, lấy việc giúp người làm niềm vui.

Con người ta vốn chẳng phân biệt giàu nghèo sang hèn, tận tâm vì công việc là coi như có cống hiến, có thể yên lòng, không hổ thẹn với lương tâm là được. Suy cho cùng, ai cũng thế cả, cuối cùng rồi cũng trở về với tự nhiên… Thực ra nghề cao chẳng bằng tuổi thọ cao, tuổi thọ cao chẳng bằng niềm vui thanh cao.
Quá nửa đời người dành khá nhiều cho sự nghiệp, cho gia đình, cho con cái; bây giờ thời gian còn lại chẳng được bao nhiêu nên dành cho mình, quan tâm bản thân, sống thế nào cho vui thì sống, việc nào muốn thì làm, ai nói sao mặc kệ vì mình đâu phải sống để người khác thích hay không thích, nên sống thật với mình. 
Sống ở trên đời không thể nào vạn sự như ý, có khiếm khuyết là lẽ thường tình ở đời, nếu cứ chăm chăm cầu toàn thì sẽ bị cái cầu toàn làm cho khổ sở. Chẳng thà thản nhiên đối mặt với hiện thực, thế nào cũng xong.
Tuổi già tâm không già, thế là già mà không già. Tuổi không già tâm già, thế là không già mà thành già. Nhưng xử lý một vấn đề thì nên nghe già.
Sống phải năng hoạt động nhưng đừng quá mức. Ăn uống quá thanh đạm thì không đủ chất bổ; ăn quá nhiều thịt cá thì cơ thể không hấp thụ hết được. Quá nhàn rỗi thì buồn tẻ; quá ồn ào thì khó chịu…. Mọi thứ đều nên “vừa phải”.
Người ngu gây bệnh (hút thuốc, say rượu, tham ăn tham uống…).Người dốt chờ bệnh (ốm đau mới đi khám chữa bệnh). Người khôn phòng bệnh (chăm sóc bản thân, chăm sóc cuộc sống). Khát mới uống, đói mới ăn, mệt mới nghỉ, thèm ngủ mới ngủ, ốm mới chữa bệnh…Tất cả ĐỀU ĐÃ QUÁ MUỘN MÀNG…
Chất lượng cuộc sống của người già cao hay thấp chủ yếu tùy thuộc vào cách tư duy: Tư duy hướng lợi là bất cứ việc gì đều xét theo yếu tố có lợi, dùng tư duy hướng lợi để thiết kế cuộc sống tuổi già sẽ làm cho tuổi già đầy sức sống và tự tin, như vậy cuộc sống có hương vị. Tư duy hướng hại là tư duy tiêu cực, sống qua ngày với tâm lý bi quan buồn chán… sống như vậy sẽ mau già chóng chết.
Chơi là một trong những nhu cầu cơ bản của tuổi già, hãy dùng trái tim con trẻ để tìm cho mình một trò chơi ưa thích nhất, trong khi chơi hãy thể
nghiệm niềm vui chiến thắng, thua không cay, chơi là đùa. Về tâm và sinh lý, người già cũng cần kích thích và hưng phấn để tạo ra một tuần hoàn lành mạnh. 
“Hoàn toàn khỏe mạnh”, đó là nói thân thể khỏe mạnh, tâm lýkhỏe mạnh và đạo đức khỏe mạnh. Tâm lý khỏe mạnh là biết chịu đựng, biết tự chủ, biết giao tiếp. Đạo đức khỏe mạnh là có tình yêu thương, sẵn lòng giúp người, có lòng khoan dung, người chăm làm điều thiện sẽ sống lâu.
Con người sống trong xã hội, không thể sống biệt lập, bưng tai bịt mắt, nên chủ động tham gia hoạt động công ích, hoàn thiện bản thân trong hoạt động xã hội, thể hiện giá trị của mình, đó là cuộc sống lành mạnh.
Cuộc sống tuổi già nên đa tầng đa nguyên, nhiều màu sắc, có một vài bạn tốt chưa đủ, nên có cả một nhóm bạn già, vì tình bạn làm đẹp thêm cuộc sống tuổi già và làm cho cuộc sống của bạn thêm nhiều hương vị, nhiều màu sắc. 
Con người ta chịu đựng, hóa giải và xua tan nỗi đau đều chỉ có thể dựa vào chính mình. Thời gian là vị thầy thuốc giỏi nhất. Quan trọng là khi đau buồn bạn chọn cách sống thế nào.
Tại sao khi về già người ta hay hoài cựu (nhớ lại chuyện xa xưa)? Đến những năm cuối đời, người ta đã đi đến cuối con đường sự nghiệp, vinh quang xưa kia đã trở thành mây khói xa vời, đã đứng ở sân ga cuối, tâm linh cần trong sáng, tinh thần cần thăng hoa, người ta muốn tim lại những tình cảm chân thành. Về lại chốn xưa, gặp lại người thân, nhắc lại những ước mơ thuở nhỏ, cùng bạn học nhớ lại bao chuyện vui thời niên thiếu; có như vậy mới tìm lại được cảm giác của một thời đầy sức sống. Quý trọng và được đắm mình trong những tình cảm chân thành là một niềm vui lớn của tuổi già.
Nếu bạn đã cố hết sức mà vẫn không thay đổi tình trạng không hài lòng thì mặc kệ nó! Đó cũng là một sự giải thoát. Chẳng việc gì cố mà được, quả ngắt vội không bao giờ ngọt.
SINH – LÃO – BỆNH – TỬ là quy luật ở đời, không ai chống lại được. Khi thần chết gọi thì thanh thản ra đi. Cốt sao sống ngay thẳng không hổ thẹn với lương tâm là an lòng và cuối cùng đặt cho mìnhmột dấu chấm hết thật tròn./.
                                    
                                         LỜI BÌNH

CHU DUNG CƠ là Thủ Tướng thứ 5 của Quốc Vụ Viện nước Cộng Hoà Nhân Dân Trung Quốc từ năm 1998 đến năm 2003. Ông sinh ngày 01.10.1928 tại Trường Sa thuộc tỉnh Hồ Nam Trung Quốc. Cha ông qua đời từ khi ông chưa sinh ra. Năm lên 10, mẹ ông tái giá và người bác ruột nuôi ông ăn học. Ông tốt nghiệp Khoa CƠ ĐIỆN trường Đại Học Thanh Hoa(Bắc Kinh) niên khoá 1947-1951.

Tháng 10/1949 ông gia nhập đảng Cộng sản Trung Quốc. Đầu năm 1958 ông bị qui là “thành phần hữu phái chống đảng” và bị khai trừ khỏi đảng Cộng sản Trung Quốc. Đến năm 1962, ông mới được ân xá.

Ngày 01/01/1987, ông trúng cử Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung Ương Đảng, giữ chức Phó Bí Thư TP.Thượng Hải. Tháng 8/1988, ông trúng cử Thị Trưởng Thượng Hải kiêm Bí thư Thành Ủy. Kỳ họp Đại hội Đại biểu Nhân dân Trung Quốc Khoá 7(tháng 4/1991), ông được bầu vào chức vụ Phó Thủ Tướng Quốc Vụ Viện
Trung Quốc. Tháng 3/1993, ông được bổ nhiệm chức Phó Thủ Tướng thứ I rồi sau đó kiêm nhiệm chức Thống Đốc Ngân Hàng Nhân Dân Trung Quốc (tháng 7/1993). Tháng 3/1998 ông giữ chức Thủ Tướng Trung Quốc cho tới ngày nghỉ hưu(tháng 3/2003).
 Trong thời gian nghỉ hưu, Chu Dung Cơ viết 2 tác phẩm nổi tiếng:
1./ HỒI KÝ với tựa đề: “LỜI NÓI THẬT CỦA CHU DUNG CƠ” gồm 4 tập, dày 2.042 trang nói về những năm tháng ông công tác tại Quốc Vụ Viện và sách thuộc loại bán chạy nhất Trung Quốc. Trong hồi ký, ông có nhắc nhiều đến TRÁCH NHIỆM BẢN THÂN, đặc biệt dành nhiều phần chỉ trích TỆ NẠN THAM NHŨNG của Trung Quốc cũng như nêu lên những KINH NGHIỆM QUÝ BÁU cho các nhà lãnh đạo kế tiếp học hỏi bởi thời kỳ của ông là thời kỳ thúc đẩy những cải cách vô cùng quan trọng, tạo điều kiện cho những người  sẵn sàng đương đầu với mọi bất trắc trên mặt trận mới: MẶT TRẬN KINH TẾ THỊ TRƯỜNG. Phạm trù đó vẫn còn giá trị cho mãi đến ngày nay, nhất là không khí cải cách ngày càng sâu rộng với những tiềm năng to lớn trong những bước đi vững chắc tiến lên nền kinh tế thị trường bền vững và hiện đại.
 2./ Trước khi xuất bản cuốn hồi ký nêu trên, Chu Dung Cơ viết bài HIỂU ĐỜI và đã được mọi người đón đọc với tất cả niềm say mê thích thú. Với lời văn súc tích, gọn gàng; hàm chứa nhiều ý tưởng sâu sắc; Chu Dung Cơ đã để lại trong lòng độc giả những cảm xúc vui buồn lẫn lộn:
    *Vui vì ý thức đời người quá ngắn ngủi, nên cần cải tạo và sửa đổi tư duy cũ hầu đưa cuộc đời theo hướng tích cực mới kéo dài được tuổi thọ:
“Qua một ngày mất một ngày.
Qua một ngày vui một ngày.
Vui một ngày lãi một ngày…”

    *Dù muốn dù không nơi sâu kín nhất của tâm hồn người đọc ít nhiều cũng phảng phất một nỗi bâng khuâng cho dù tạo hoá đã ký thác vào lòng người tình yêu thương của cha mẹ dành cho con vô bờ bến:
“Tiền bạc rồi sẽ là của con, địa vị là tạm thời, vẻ vang là quá khứ, sức khỏe là của mình. Cha mẹ yêu con vô hạn; con yêu cha mẹ có hạn. Con ốm cha mẹ buồn lo; cha mẹ ốm con nhòm một chút, hỏi vài câu là cảm thấy đủ rồi. Con tiêu tiền của cha mẹ thoải mái; cha mẹ tiêu tiền của con chẳng dễ chút nào. Nhà cha mẹ là nhà của con; nhà của con không phải là nhà cha mẹ”.
Ca dao Việt Nam cũng diễn tả tâm trạng trên với cùng ý nghĩa:
     “Cha mẹ nuôi con biển hồ lai láng,
     Con nuôi cha mẹ tính tháng tính ngày.”
Để kết thúc đoạn văn gợi nên những phản ứng trong tâm tư tình cảm con người, ông Chu viết:
“Khác nhau là thế, người hiểu đời coi việc lo liệu cho con là nghĩa vụ, là niềm vui, không mong báo đáp. Chờ báo đáp là tự làm khổ mình”.

Tình cảnh của những người già ở những năm cuối đời cũng được ông nêu lên để chúng ta cùng suy nghĩ:
Ốm đau trông cậy vào ai? Trông cậy con ư? Nếu ốm dai dẳng chẳng có đứa con có hiếu nào túc trực bên giường đâu (Cửu bệnh sàng tiền vô hiếu tử). Trông vào bạn đời ư? Người ta cũng yếu, đôi khi lo cho bản thân còn chưa xong, có muốn đỡ đần cũng không làm nổi. Trông cậy vào đồng tiền ư? Chỉ còn cách ấy.”
 Người xưa thường nói:”Thánh nhân còn có khi lầm”. Đã là con người, không ai tránh được lỗi lầm. Điều quan trọng là ta phải biết rộng lượng tha thứ cho người phạm lỗi. Đó là lòng khoan dung độ lượng cần có ở người già. Cho nên những người làm điều thiện thường sống lâu:
 “Đạo đức khỏe mạnh là có tình yêu thương, sẵn lòng giúp người, có lòng khoan dung, người chăm làm điều thiện sẽ sống lâu.”
 Ông Chu luôn đặt lòng trung thành lên trên hết và làm việc không biết mệt mỏi. Chính ông và có lẽ hầu hết mọi người trong chúng ta đều tâm đắc câu:
Quý trọng và được đắm mình trong những tình cảm chân thành là một niềm vui lớn của tuổi già.”
Vương Mông, Phó Chủ Tịch Hội Nhà Văn Trung Quốc được Báo ĐỌC SÁCH TRUNG HOA(xuất bản tại Nhật) bình chọn là “nhà văn của năm 2006”. Ông là tác giả cuốn Triết Học Nhân Sinh của Tôi. Cuốn sách đã tổng kết, đúc rút qua bao năm trải nghiệm của một đời người với nội dung hàm súc triết lý cao siêu được mọi người tìm đọc và tán thưởng.
Cùng thời với Vương Mông, Chu Dung Cơ cũng viết về kinh nghiệm sống ở đời với tựa Hiểu Đời. Bài viết tuy ngắn nhưng không thiếu ý nghĩa. Đây là một chuỗi suy tư mà chính ông đã trải nghiệm trong suốt cuộc đời mình và để lại cho lớp người sau lòng ngưỡng mộ đặc biệt.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét