31/1/15

TOÀN VĂN THÔNG ĐIỆP LIÊN BANG MỸ 2015 - TỔNG THỐNG OBAMA ĐỌC NGÀY 21.1.2015

Thưa ngài Chủ tịch Hạ viện, Phó Tổng thống, các thành viên Quốc hội, cùng toàn thể công dân Mỹ:
Thế kỉ mới đã đi được 15 năm. Đó là 15 năm với những vụ khủng bố xảy ra tại chính quê hương chúng ta, 15 năm với 2 cuộc chiến tranh dài kì và nhiều mất mát mà thế hệ mới của chúng ta đã phải trải qua, 15 năm với một cuộc suy thoái kinh tế lan rộng khắp đất nước cũng như trên toàn thế giới. Đó là một khoảng thời gian đầy khó khăn đối với nhiều người.
Nhưng hôm nay, chúng ta sẽ bước sang trang mới.
Đêm nay, sau một năm đột phá với nước Mỹ, nền kinh tế của chúng ta đang phát triển và tạo công ăn việc làm ở mức cao nhất kể từ năm 1999.
Tỉ lệ thất nghiệp đã thấp hơn so với trước thời kì khủng hoảng. Trẻ em đi học có tỉ lệ tốt nghiệp ở mức cao nhất từ trước đến nay. Ngày càng nhiều người Mỹ đã có bảo hiểm đầy đủ.
Chúng ta đã thoát khỏi sự lệ thuộc vào nguồn dầu khí nước ngoài một cách tốt nhất trong hơn 30 năm qua.
Đêm nay, lần đầu tiên kể từ vụ khủng bố 11/9, nhiệm vụ quân sự của chúng ta tại Afghanistan đã kết thúc. 6 năm trước, gần 180.000 quân Mỹ đã có mặt tại IraqAfghanistan.
Đến thời điểm này, con số đó chỉ còn 15.000. Chúng tôi không quên sự dũng cảm và hi sinh của những người chiến binh của Thế hệ 11/9, những người đã chiến đấu để bảo vệ sự an toàn của chúng ta. Chúng tôi rất biết ơn các bạn.
Nước Mỹ, sau tất cả những gì chúng ta đã phải trải qua, sau sự kiên trì và chăm chỉ cần thiết để chúng ta có thể hồi phục, và với những nhiệm vụ phía trước, các bạn hãy nhớ lấy điều này:
Bóng ma của cuộc khủng hoảng đã ở lại phía sau, và nước Mỹ vẫn vững mạnh (the State of the Union is strong - câu nói "cửa miệng" của các vị Tổng thống trong các bài Thông điệp Liên bang hàng năm - PV).

11/1/15

VĂN HÓA VIỆT PHẢI CÓ DIỆN MẠO VÀ CHẤT LƯỢNG MỚI

GS.TS Đinh Xuân Dũng
Theo Thethaovanhoa.vn
Từ bài học thực tiễn
Khi kiểm điểm, đánh giá kết quả thực hiện một chủ trương nào đó của Đảng và Nhà nước, lâu nay, chúng ta thường rút ra kết luận: Đường lối, chủ trương đúng, nhưng tổ chức thực hiện kém. Điều đó, về cơ bản, là đúng, song cũng phải nhận thấy một thực tế khác, đó là tính khả thi, tính lịch sử cụ thể của chủ trương đó.
Tôi nhớ, một nhà nghiên cứu nước ngoài có nhận xét: Ở các nước còn nghèo, vì sốt ruột mà thường hay đề ra các mục tiêu lớn, hoành tráng, có tính lý tưởng, song thiếu tính khả thi nên dễ rơi vào thất vọng vì không thực hiện được. Phải chăng, đây là bài học thực tiễn đối với chúng ta?…
28 năm qua, một loạt luật liên quan trực tiếp đến các lĩnh vực văn hóa được xây dựng như: Luật Di sản, luật Báo chí, luật Xuất bản, luật Sở hữu trí tuệ, luật Điện ảnh… Tuy vậy, còn một số chủ trương, đường lối của Đảng về văn hóa, văn học nghệ thuật rất chậm được thể chế hóa, lại không đồng bộ, lạc hậu nhanh và đôi khi không được thể chế hóa. Nghị quyết 05 của Bộ Chính trị (tháng 11/1987) đến nay đã 27 năm, song một số chính sách vẫn chưa được thực hiện hoặc vừa triển khai thực hiện đã nhanh chóng lạc hậu như: “Tiến tới thành lập Quỹ văn hóa Việt Nam theo hướng huy động mọi lực lượng, mọi khả năng cả ở trong nước và ngoài nước” và “khẩn trương nghiên cứu để sớm ban hành các cơ chế thù lao nghệ thuật, đảm bảo cho nghệ sĩ chuyên nghiệp có thể sống và tiếp tục sáng tạo chủ yếu bằng nhuận bút” (trích Nghị quyết của Bộ Chính trị số 05-NQ/TW ngày 28/11/1987)…
Chính vì việc thể chế hóa chậm, lạc hậu, nhiều chính sách còn chắp vá, giải quyết tình thế, cho nên “cơ chế xin – cho” còn khá phổ biến đối với hoạt động văn hóa, nghệ thuật.
Nếu tình hình vẫn tiếp tục diễn ra như thế trong những năm tới, thì tâm lý nghi ngại tính hiệu quả của các Nghị quyết vẫn khó tránh khỏi…

ĐỪNG PHẢN BIỆN THEO CÁCH VỖ TAY BẰNG MỘT BÀN TAY


Tô Văn Trường
Nguyên Trợ lý của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt

Sự kiện Quốc hội khóa trước, bác bỏ dự án đường sắt cao tốc Bắc Nam và mới đây là Ủy ban nhân dân Thừa Thiên Huế quyết định cho dừng việc triển khai dự án du lịch ở núi Hải Vân và Đà Nẵng tạm dừng dự án hải đăng sông Hàn là những ví dụ điển hình đáng mừng khi những người có trách nhiệm quản lý điều hành đất nước biết lắng nghe ý kiến phản biện của các vị lão thành cách mạng, tướng lĩnh, trí thức và nhân dân. Hay nói cách khác, ý kiến của người dân, những người đóng thuế đã có tác dụng để ngăn chặn, khắc phục kịp thời một số quyết định sai lầm của chính quyền địa phương và kể cả ở cấp quốc gia!
Phản biện xã hội và phản biện khoa học có đặc tính riêng nhưng về bản chất không khác nhau. Chất lượng phản biện, trước hết phụ thuộc vào quan điểm, ý thức và khả năng chuyên môn của người phản biện. Nền tảng tự nhiên của sự cần thiết cho hoạt động phản biện đó là đặc tính vô minh, không thể nắm bắt và nhìn thấu hết cả hiện tượng lẫn bản chất nhiều sự việc trong cuộc sống. Vì lẽ đó, người ra quyết định khôn ngoan bao giờ cũng cần nghe ý kiến phản biện nhiều chiều và để có phản biện chất lượng, trung thực, khách quan thì phải có môi trường thông thoáng, dân chủ cho tư duy độc lập, sáng tạo và truyền thông trách nhiệm.

11 BÀI PHÁT BIỂU LÀM THAY ĐỔI THẾ GIỚI

Theo Blog Nguyễn Lân Dũng
Các bạn thân mến
Tôi nhận được bài này từ E-mail của Đạo diễn Trần Văn Thủy
Mời bà con tham khảo
Trong số đó, có 8 là của người Mỹ (trong đó có 5 Tổng thống), 1 người Anh (cựu Thủ tướng Winston Churchill) 1 người Ấn Độ (Jawaharlal Nehru, Thủ tướng đầu tiên của Ấn Độ), 1 người Nam Phi (Nelson Mandela, cựu Tổng thống Nam Phi).
8/11 người là lãnh tụ quốc gia.
Trích dẫn: “Tám mươi bảy năm trước, ông cha ta đã tạo dựng trên lục địa này một quốc gia mới, được thai nghén trong Tự do, được cung hiến cho niềm xác tín rằng mọi người sinh ra đều bình đẳng.”
Trích dẫn: “Toàn dân là chúng ta, chứ không phải là những công dân da trắng, cũng không phải những công dân nam giới. Chúng ta là toàn dân, là người gây dựng nên đất nước này,bảo vệ đất nước này, phụ nữ cũng bình đẳng như nam giới.”
Trích dẫn: “Mọi dân tộc trên thế giới thực tế đều là các đối tác phục vụ lợi ích này, và về phần mình chúng ta hiểu rõ ràng rằng nếu không tạo ra được công lý cho người khác thì sẽ không thể có được công lý cho chính mình.”
Trích dẫn: "Chúng ta chọn đi lên Mặt Trăng và tiến hành những chương trình khác không phải vì đây là những việc dễ làm, nhưng bởi vì đây là những sứ mạng khó khăn…”


Tờ Time bình chọn 11 bài phát biểu của những nhà lãnh đạo đại tài trong hai thế kỷ 19 và 20 đã làm thay đổi thế giới.
1. Sự giả dối của chế độ nô lệ
Tác giả: Frederick Douglass
Thời gian: ngày 04 tháng 7 năm 1852.
Vào ngày Quốc Khánh của nước Mỹ, Frederick Douglass đã có một bài phát biểu ngắn tố cáo xã hội nước Mỹ. Trong bài phát biểu, ông lên án việc làm thế nào mọi người lại có thể tự hào về sự tự do và ăn mừng vì quyền bình đẳng trong khi hàng triệu người ngoài kia vẫn phải sống trong kiếp nô lệ. Frederick Douglass thẳng thắn gọi mỗi người Mỹ mà đang vui mừng kia là những kẻ đạo đức giả và thậm chí mỉa mai cả ngày đánh dấu nền độc lập của quốc gia này.
Trích dẫn: “Đối với một nô lệ người Mỹ, ngày 4/7 là ngày gì?” Tôi trả lời: “Là ngày mà anh ta phát hiện ra rằng, anh ta sẽ mãi là một nạn nhân của sự bất công và tàn ác, rõ ràng hơn tất cả các ngày còn lại trong năm.”

Ý NGHĨA LỄ PHẬT ĐẢN 2008


Cao Huy Thuần
Từ hơn bốn chục năm nay, chưa bao giờ chúng ta tổ chức một lễ Phật Đản lớn như lần này. Lớn về cả mọi mặt: về tôn giáo, về văn hóa, về xã hội, và, xin nói thẳng, về cả chính trị. Tại sao tôi dám nói: về cả chính trị? Đơn giản quá, vì rằng thủ đô của chúng ta, Hà Nội, là thủ đô Phật giáo của thế giới trong ba ngày vừa qua. Mà không phải chỉ trong ba ngày. Cả năm! Cả năm nay, từ ngày Việt Nam đăng cai tổ chức “Ngày Phật Đản của LHQ” 2008, cả thế giới đều biết Việt Nam không phải chỉ là một nước đã có chiến tranh, cũng không phải chỉ là một nước đang trên đà phát triển kinh tế: Việt Nam sáng lên như một nước có văn hiến, có bản sắc, trong một thế giới mà nhiều người cho là đang đi đến đồng bộ. Như vậy chẳng phải là một thắng lợi chính trị của Việt Nam hay sao? Năm ngoái, trước ta, Thái Lan đã được vinh hạnh tổ chức ngày Đại Lễ này, và ngày đó, năm ngoái, trùng hợp với ngày nhân dân Thái ăn mừng thượng thọ Nhà Vua 80 tuổi. Năm nay, ta ngần ngại gì mà không nói: ta tổ chức Phật Đản và ăn mừng chiến thắng chính trị và văn hóa của nước ta? Hãy nói lên một lần nữa: trong ba ngày vừa qua, Hà Nội là thủ đô Phật giáo của thế giới; trong Ngày Trăng Tròn năm nay, Huế, tiếp nối Hà Nội, cùng với cả nước, là thủ đô của thế giới Phật giáo. Hà Nội vừa biểu dương khí thế chính trị và văn hóa của nước; đến lượt Huế biểu dương khí thế tôn giáo và văn hóa của dân. Đất cố đô này, và toàn cả nước, bày ra cho thế giới thấy một xã hội tôn giáo đầy chất sống, rực rỡ màu sắc, sẵn sàng tạo hậu thuẫn cho một Nhà nước “vì dân, từ dân, lấy dân làm gốc”. Chính trong tinh thần đó mà tôi hân hoan chào mừng sự hiện diện của chính quyền trong Ban tổ chức Đại Lễ Phật Đản 2008. Tôi không xem đây như việc chính quyền xen vào nội bộ tôn giáo. Đặc biệt, tôi xem đây như một việc làm rất có ý thức, thể hiện điều tôi vừa nói: Nhà nước và Phật giáo cùng tổ chức ăn mừng chung một thắng lợi chung, một ngày rực rỡ chung.

Việc nhà, việc nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong tâm và ý của Sư bà Thích nữ Diệu Không

Nguyễn Đắc Xuân

Xuất thân trong các cuộc vận động của Phật giáo (1963-1966), thời đi theo kháng chiến (1966-1975), tôi có nhiều dịp chuyển thư từ, hình ảnh của Hoà thượng Thích Đôn Hậu và bà con Phật tử tập kết ngoài miền Bắc vào cho các chùa và đồng bào theo Đạo Phật ở Huế. Nhờ thế, sau ngày thống nhất đất nước (1975), nhiều lần tôi được các Sư bà Thích nữ Diệu Không, Sư bà Thích nữ Cát Tường, Sư cô Tịnh Giải (thế danh là Trương Thị Bích Vân) tiếp tại chùa Hồng Ân và chùa Kiều Đàm (Huế). Sư bà Cát Tường cho tôi chiếc xe Jeep của trường Mẫu giáo Kiều Đàm trước năm 1975. Tôi không được dùng xe riêng nên đã chuyển cho anh Võ Đông – trưởng Phòng TTVH TP Huế sử dụng vào việc công. Chiếc xe ấy đã giúp việc cho Phòng mãi đến thời gian gần đây mới cho “giải nghiệp”.
Biết tôi là người rất lịch sử, thích chuyện cũ và thơ văn, Sư bà Thích nữ Diệu Không đã kể cho tôi nghe chuyện các gia đình Hồ Đắc - Cao Xuân của Sư bà quan hệ với gia đình Bác Hồ, chuyện Phật giáo cứu dân và đặc biệt chuyện Sư bà làm thơ Kỷ niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, thơ mừng Ngày thống nhất đất nước 30 -4-1975.
1. Chuyện ông Tư Sinh
Sau ngày đất nước thống nhất, tôi quan tâm ngay việc nghiên cứu Huế để giải toả những thắc mắc về lịch sử Huế mà suốt thời gian theo kháng chiến tôi không tự trả lời cho mình được. Một trong những thắc mắc đó là thời gian gần mười năm Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sống và học hành ở Huế. Nhờ có ý thức sớm như vậy cho nên tôi đã may mắn gặp được những người bạn học, những “người cùng thời” với Bác ở Huế. Một trong những “người cùng thời” đó là Sư bà Thích nữ Diệu Không. Không những Sư bà là người cùng thời mà còn là người từng làm dâu trong gia đình Cao Xuân Nghệ An – gia đình có mối quan hệ sâu sắc với gia đình thân sinh của Bác.
Sư bà Diệu Không nhủ danh Hồ Thị Hạnh, ái nữ của cụ Thượng Hồ Đắc Trung, lúc chưa xuất gia là vợ ông Cao Xuân Xang (con trai thứ của cụ Cao Xuân Dục). Sư bà tiếp tôi trong phòng khách của chùa Kiều Đàm (Huế).

6/1/15

Cụ Huỳnh Thúc Kháng nói về khuyết điểm của Khổng giáo

Theo Blog trannhuong.com, Thứ hai ngày 5-1-2015
Bài viết được cụ Huỳnh Thúc Kháng cho đăng hai lần trên báo Tiếng Dân số ra ngày 11-10-1930 và ngày 16-2-1939.
Chúng ta sinh gặp thời đại triết học khoa học thịnh hành này, cần nhất là phải có cái trí não tự do phán đoán, bất kỳ là xưa nay Đông Tây, điều gì mà hợp với chân lý và sự thực, thì cho là chân chính mà gắng sức học theo; điều gì mà ta thấy chỗ mặc vọng trái với chân lý và sự thực, thì nhất thiết cào bỏ cho sạch. Như vậy thì cõi tư tưởng ta may khỏi bị cái gì ngăn đón che lấp mà được bước lên con đường tự do để làm mẹ đẻ cho sự thực chăng.
          Học thuyết Âu tây nhờ cái mối tư tưởng tự do mà phát đạt rất sớm. Tư tưởng được tự do, nên phàm nhà hiểu biết, sáng lập và phát minh được cái thuyết gì thì làm ra sách vở, công bố cho người đời tha hồ biện bác phê bình. Nhờ lối biện bác phê bình ấy mà chân lý càng bày tỏ ra, không bị cái gì che lấp. Thuở nay, các bậc hiền triết Âu tây tiếp chân nối gót, vì chân lý mà dương cờ rung trống cùng cãi biện nhau, không những vì chủ nghĩa lý thuyết không đồng nhau mà có sự biện bác ấy, mà dẫu cho thầy trò bạn hữu đồng một học phái thường thường biện đi chiết lại để đính chính những chỗ mậu ngộ bồi bổ những nơi khiếm khuyết cho học thuyết được viên mãn hoàn toàn. Mỗi người đã lập một cái học thuyết thì trong cõi tư tưởng chỉ lấy chân lý làm chủ mà không làm nô lệ cho ai. Bởi vậy nên những điều gì hợp với chân lý thì cơ sở vững bền, không có cái gì làm cho lay chuyển, mà những điều mậu ngộ nhất thiết phải tiêu diệt. Học thuật Âu tây, có cái mãnh lực to lớn, đủ sức mà chuyển di được thời thế, có công trong cuộc tiến hóa của lịch sử loài người, chính là bởi cái đường tư tưởng tự do ấy mà đi thẳng tới, chứ không có gì lạ.
Học thuyết bên Á đông ta thì khác hẳn thế. Nói đến Á đông tất nhiên trước kể nước Tàu, mà nói đến học thuật nước Tàu, tất nhiên trước kể Khổng giáo. Học thuyết của Tàu thịnh nhất là đời Xuân Thu Chiến Quốc. Khổng Giáo cũng là một học thuyết trong các học thuyết khác (như Mặc học, Lão học v.v…) chứ không phải Khổng giáo là toàn hay mà các giáo khác toàn dở. Sang từ đời Hán trở xuống, các nhà đế vương thấy Khổng giáo có những lời tồn cổ trung quân, tiện lợi về đường chánh thế, chuyên chế, nên biểu dương tôn sùng, nêu làm chánh học mà bãi truất các học thuyết khác đi. Nhân đó lần lần bọn tục nho lại theo mà tô vẽ xuyên tạc. Thực ra, chân tướng Khổng giáo đã bị chánh thể uốn vặn một phần, bị nhà nho mấy đời sửa đổi một phần; chính ở nước Tàu là nơi Khổng giáo phát nguyên mà sai lạc đã nhiều, huống ở nước ta học theo văn hóa Tàu lại cách xa một bậc nữa. Ở ta thuở nay ai học chữ Hán tức tự nhận mình là học trò ông Khổng, chứ có mấy ai rõ chân tướng Khổng giáo là thế nào đâu! Những chuyện mạo tên không thực ấy, gần đây đã có kẻ bàn đến, không phải nói nhiều.
          Nhưng chân lý một ngày một phát hiện, từ có học thuyết Âu tây truyền sang mà cái nền chánh học gọi là có một không hai bên Á đông này, cũng bị ngọn triều cạnh tranh ưu thắng liệt bại chung kia nó lay chuyển, ký giả cũng là một người vỡ lòng thì học Tử viết, vẫn nhận rằng nước ta mấy trăm đời nay mà lập thành quốc gia, sống còn trên thế giới, cái công Khổng giáo thật có phần lớn, chớ không phải nhứt vị mạt sát như hạng người uống nước quên nguồn kia. Song theo câu Tây triết đã nói: ta yêu thầy ta, ta càng yêu chân lý. Ký giả dám lầy lòng ngay thẳng mà nói thật rằng: Thời đại ông Khổng cách thời đại này đã xa lắm rồi. Cứ xem hiện tình thế giới ngày nay, không những cái mậu thuyết vu thác cho Khổng giáo không thể tồn tại, mà chính chân tướng Khổng giáo ở vào thời đại này cũng có điều thích, có điều không thích, ai có muốn hồi hộ cũng không thể che đậy được. Vậy xin kể mấy điều khuyết điểm của Khổng giáo như sau:
          1. Đạo đức chỉ nói với số ít mà bỏ phần số nhiều thông thường:
Đạo đức cao thượng vẫn là đáng quí, song không thể buộc cả thảy người đời đều theo lối khổ hạnh ấy, nền cần phải có con đường thông thường để chỉ dẫn người đời. Khổng giáo dạy người đời rành nói chuyện cao thượng, như nói “Lo đạo, chẳng lo ăn”, “ăn không cầu no, ở không cầu yên”, “lấy điều ăn cực mặt xấu làm thẹn, không phải anh học trò” v.v…
Những thuyết tuyệt lục trái thường như thế mà bảo người ta hoan nghênh thế nào được? Không những người thường không thể thực hành, mà dẫu cho trong bọn học trò danh tiếng của ông Khổng giáo cũng chỉ một vài người như ông Nhan Hồi, Nguyên Hiếu làm được. Còn ngoài ra, Tử Cống thì lo việc thực hóa, đi đâu xe ngựa vàng bạc mang theo; Phàm Trì thì lưu tâm việc nông phố; Tử Bá đi sứ thì ngựa sang áo tốt, lại lo kiếm lúa để nhường cho mẹ. Thế là học trò ông Khổng cũng không thể theo cái thuyết quá cao kia rồi. Chính ông Khổng cũng nói: Từ bậc trung nhân trở xuống, không nên nói điều cao. Không những thế thôi, giỏ cơm bầu nước ở một xứ khổ sở mà lấy làm vui như ông Nhan Hồi, nhà rách vách xiêu, trên dột dưới ướt, mình mang cái áo rách, che bên này trông bên kia mà ngồi hát và ngâm thi như ông Nguyên Hiếu, cao thượng thì vẫn cao thượng thật, song nếu người đời ai cũng xu hướng mà thực hành như thế thì cái cảnh tượng xã hội sẽ ra thế nào? Cái học qua cao ấy, dẫu ở thời đại nào cũng chỉ ở riêng một mình trong rừng sâu núi rậm, đứng ra ngoài vào nhân quần giao tế kia, chớ ở trong xã hội thông thường thì thật là không thích, huống gì là ở thời đại giao thông ngày nay, thì đạo đức tối cao ấy ai làm theo được? Ấy là một điều không thích.

4/1/15

THẾ NÀO LÀ NHÀ TRÍ THỨC

Theo Blog Hoàng Hữu Phước
Nhận thấy từ ngữ “trí thức” đã bị lạm dụng – dù cố ý hay vô tình – trong mấy chục năm nay kể từ ngay ngày đầu giải phóng 1975 với “Hội Trí Thức Yêu Nước” ở Thành phố Hồ Chí Minh tức tổ chức quần chúng đầu tiên do Ủy Ban Quân Quản thành lập để quy tụ những người có bằng cấp cử nhân hay thạc sĩ hoặc tiến sĩ của chế độ Sài Gòn có xuất thân chủ yếu là nhà giáo, hoặc bị hiểu chưa đúng khi mà cho đến nay là năm 2014 tức đang ở bậc thềm chuẩn bị kỷ niệm 40 năm quân giải phóng dũng mãnh dẫm chân dẫm đạp dẫm nát “ngụy quân và ngụy quyền” Sài Gòn mà Nhà nước vẫn có chủ trương đưa “trí thức trẻ” – tức các thanh niên vừa tốt nghiệp đại học với tấm bằng cử nhân – về vùng sâu vùng xa làm công chức hành chính, tôi xin có các ý kiến sau để nói rõ và chính xác về “trí thức” để chấn chỉnh sự lạm dụng, sự hiểu chưa đúng, và sự tự phong tào lao của bọn phản loạn tự phong “trí thức và nhân sĩ”.
Trong một bức thư năm ngoái góp ý về giáo dục gởi Thủ Tướng – tôi thường xuyên viết các thư tràng giang góp ý xây dựng đại hải gởi các lãnh đạo Việt Nam và thì thoảng tranh nhau bấm nút phát biểu ngắn ngủn trong 7 phút quy định ở nghị trường – tôi có nêu các định nghĩa sau về các học vị:
“…Ý nghĩa của các học vị: Người Việt Nam thường ít quan tâm đến ý nghĩa thực chất của các học vị nên thường mặc định rằng thạc sĩ cao hơn cử nhân, và tiến sĩ cao hơn thạc sĩ. Thực chất là: văn bằng
- Tú tài: cho biết một người đã được “dạy” tức “giáo dục” đầy đủ để làm một công dân có hiểu biết về mọi tri thức căn bản cho một cuộc sống có bản lĩnh và trách nhiệm. Do đó, trung học thuộc phạm vi của “giáo dục” tức “education”.
- Cử nhân: cho biết một người đã được “đào tạo” xong cho một nghề chuyên môn thuộc một lĩnh vực cơ bản có kèm theo một số những kiến thức phụ trợ có liên quan cùng những kiến thức phụ trợ  không liên quan đến chuyên môn ấy, để có thể làm việc với chuyên môn đó một cách hiệu quả hơn cho cuộc sinh nhai cho chính bản thân. Do đó, đại học (gồm cả cao đẳng) thuộc phạm vi “đào tạo” tức “training”.
- Thạc sĩ: cho biết một người đã học xong những kiến thức chính và phụ trợ theo diện rộng nay tập trung sâu hơn và có liên quan đến một lĩnh vực chuyên môn – mà người ấy đã được đào tạo trước đó để đạt bằng cử nhân –  và sau khi đã làm việc cho chuyên môn đó một thời gian để có kinh nghiệm thực tế hầu đáp ứng các yêu cầu mà chương trình thạc sĩ đặt ra.
- Tiến sĩ: cho biết một người đã có một luận án đạt yêu cầu về một chủ đề từ rất nhỏ đến siêu nhỏ trong một chuyên môn sâu của một lĩnh vực thường liên quan đến chuyên môn người ấy đã theo học thành công ở bậc thạc sĩ. Thí dụ tiến sĩ y khoa với luận án về khu vực x1 của tiểu vùng tâm thất trái, hay tiến sĩ thần học Công Giáo với luận án về Thượng Tọa Bộ của Phật Giáo, hay tiến sĩ văn học sử ở Liên Xô với luận án chứng minh ngày sinh chính xác của Pushkin để chấm dứt một tranh cải lịch sử về việc ông đã được sinh ra 5 phút sau nửa đêm, hoặc Việt kiều yêu nước Trần Thế Độ ở Nhật Bản là tiến sĩ với luận án về một chủng sinh vật thuộc ngành giáp xác, v.v.

NHÂN TÀI Ư ? THẬT HỠI ƠI !


Theo Blog Hoàng Hữu Phước

Cách nay mấy tuần tôi có viết bài dưới dạng lá thư gởi sinh viên Ngô Di Lân là chú nhóc mới nhón chân ra ngoài du học đã ngỡ mình vĩ đại đã viết thư cho Bộ trưởng Giáo dục dạy vị này về cái vi diệu của phương pháp giáo dục ở nước ngoài. Hôm nay có bạn báo cho tôi biết đang có hội chứng gọi là Lân Syndrome qua việc lại có một sinh viên khác tên Mai Đức Anh viết thư gởi Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam để giải thích cho vị này biết thế nào là chảy máu chất xám khi đất nước còn lấn cấn mãi việc sử dụng nhân tài. Thấy rằng hội chứng này rất nguy kịch, tôi sực nhớ cách nay nhiều năm có viết hai bài về “Nhân Tài” trên emotino.com, nay buộc lòng phải kiếm tìm đăng lại để các trường học có tài liệu mà dạy dỗ học trò cho chu tất, đừng để các cháu nói nhăng nói cuội miết rồi ở nước ngoài nếu biết nội dung “góp ý” của các cháu sẽ cười chê cả dân tộc Việt Nam không hiểu thế nào là “nhân tài”. Song, trước khi chép lại nguyên văn hai bài này, tôi xin ghi ra sáu ý ngắn sau đây để nhờ bà con cô bác gần xa nếu có biết mấy cháu học sinh – sinh viên (kể cả người nhớn học tiến sĩ) Việt Nam nào sắp du học thì giúp chỉ cho các cháu in ra đem theo làm phương thuốc dấu (như Bố D’Artagnan trao cho anh chàng Ngự Lâm Quân thứ tư này) phòng khi hữu dụng đối phó với Hội Chứng Lân Syndrome.
1) Thứ nhất là…xin đọc bài bức thư gởi sinh viên Ngô Di Lân để biết khi còn đang học tức chưa học xong thì vẫn chưa là cái thá gì cả về độ dày độ cao độ nặng của tri thức, trí thức, trình độ, năng lực, bản lĩnh, kinh nghiệm, thực hành, ứng dụng, thăng hoa, để cho phép bản thân tự trọng vọng, tự tôn vinh.tự cho mình là hơn thiên hạ còn ở trỏng (tức là còn ở trong nước).
2) Thứ nhì: Nếu tốt nghiệp đại học xong ở “bên ấy”, thì nào phải là chuyện không nên nếu được “ở bển” mời công tác vì bao giờ cũng vậy, “học” phải đem ra “hành”, mà chỉ có kết-quả-“hành”-giỏi cộng với tư-cách-đạo-đức-tốt cộng với tiềm-năng-có-thể-khai-thác-nhiều-thêm mới không bị họ tống cổ ra khỏi công ty hay cơ quan của họ sau thời gian thử việc hay sau khi hợp đồng đầu tiên hết hạn. Chỉ có những ai trụ được khi “hành” ở nước ngoài như vậy mới đạt yếu tố đầu tiên cho sự quan tâm có thể có từ nước mà mình là công dân.
3) Thứ ba: Từ điều thứ nhì ở trên sẽ cho thấy cái năng lực của người du học vì lẽ nào họ đi du học như người mông muội, không biết mình thích gì, cái mình thích ở quê nhà có đang được khuyến khích tập trung phát triển không, thậm chí nếu quê nhà chưa “nhận ra” cái hay cái ho đó thì bản thân mình phải làm những gì để có sức thuyết phục cực cao khiến Nhà nước phải suy nghĩ lại, làm theo ý mình, để mình với tất cả những thành tựu bề dày kinh nghiệm sáng tạo thành công tại các công ty khổng lồ ở hải ngoại được mời về đảm trách việc gây dựng hình thành cái mới cực hay cực ho đó. Vì rằng, không phải “qua bển” học quản trị kinh doanh rồi vừa tốt nghiệp đã la nhặng lên ta đây là nhân tài, đầu ta có chất xám, nhà nước phải nhanh tay sử dụng kẻo nó chảy đi mất thì đừng trách sao đất nước thiếu người ngồi trên trước làm tổng giám đốc hay chủ tịch tập đoàn.
4) Thứ tư: Cụm từ “chảy máu chất xám” chỉ được dùng khi con người kiệt xuất của một quốc gia từ bỏ nơi công tác nội địa để đầu quân cho nước ngoài, bất kể ra hẳn nước ngoài hoặc phục vụ cho công ty nước ngoài ngay trong nước mình. Đang đi học, cách chi đã là “chất xám”! Thi đậu xong, cách chi tự nhiên thành “chất xám”! Đậu xong, “ở bển” làm việc theo lời mời thì lại càng không phải là “chảy máu chất xám” vì chưa hề là người kiệt xuất của quê nhà, có đã là tài sản quốc gia đâu mà gọi là “chảy” ra ngoài, mà phải nói cho đúng hơn là đi du học rồi đi du hí đi du lịch quên mất đường về giống như chiếc lá héo úa rơi xuống dòng suối đục ngầu chảy qua vùng khai thác bô xít vậy.