17/7/16

Bài phỏng vấn thiền sư Thích Nhất Hạnh chấn động phương Tây: Đức Phật là người hạnh phúc




Vntinnhanh.vn - Khi thiền sư Thích Nhất Hạnh tới Canada vào năm 2011, nhà báo Andrea Miller đã có cuộc phỏng vấn riêng với ông và bài viết đã gây nhiều tiếng vang ở đất nước này, cũng như tại nhiều quốc gia phương Tây. Vntinnhanh xin được giới thiệu với độc giả về bài viết đặc sắc này. 
Và điều này là đúng với tất cả chúng ta.

Sau khi thầy Thích Nhất Hạnh trở lại Vancouver, hai sư cô đưa tôi vào căn phòng khách trong một khu ký túc xá của Đại học British Columbia. Tại đây, ngoại trừ một lọ hoa lan nằm trên bàn, mọi thứ còn lại đều có màu nâu đất.
Thầy Thích Nhất Hạnh mặc áo tu hành màu nâu, chậm rãi nhâm nhi một tách trà có màu vàng nâu, trong khi các nhà sư khác đang ngồi gần đó trên những chiếc ghế bành và thảm màu nâu giản dị.
Sư cô Chân Không giới thiệu tôi với thầy rồi mỉm cười và nói rằng tôi là một sự bất ngờ nhỏ với họ. Khi tôi đề nghị được thực hiện cuộc phỏng vấn này, tất cả đều không nghĩ rằng “Andrea Miller” là cái tên của một phụ nữ nên đều mong chờ một vị khách nam giới.
Nhưng sau cuộc phỏng vấn này, tôi mới là người bị bất ngờ, bởi những điều hay lẽ phải mà thầy Thích Nhất Hạnh giảng cho tôi, từ cuộc sống sau cái chết, cho tới niềm vui của việc ngồi thiền và về sự tồn tại hay không tồn tại.
Thầy đã mang tới những câu trả lời mà tôi không ngờ tới, rất mới mẻ và chứa đầy sự thông tuệ. Và đây là những gì ông đã trao đổi với tôi.
- Khi những người được chúng ta yêu quý gặp vấn đề lớn, như bị tâm thần, bị chấn thương tâm lý hoặc nghiện ngập thứ gì đó, cảm giác sẽ vô cùng đau đớn. Đôi khi ta có thể cảm thấy như vấn đề mà họ đang đối mặt quá lớn, tới mức không còn muốn giúp đỡ họ nữa. Thậm chí ta còn muốn chạy trốn khỏi họ cùng vấn đề họ đang đối mặt. Nhưng cũng có lúc chúng ta cố giúp và rồi bị cuốn vào vấn đề của họ. Vậy chúng ta có thể làm gì để giúp những người ở trong hoàn cảnh khó khăn mà không bị choáng ngợp bởi vấn đề của họ?
Khi cảm thấy bị ngợp với vấn đề của người khác thì có lẽ bạn đã làm quá sức. Thứ năng lượng đó không giúp đỡ người khác và hiển nhiên là không giúp ích gì cho bạn. Bạn không nên quá vội vã giúp đỡ người khác. Có hai điều ở đây mà ta cần lưu ý: Cuộc sống và hành động.

9/7/16

NHỚ BÁC TÔ HOÀI



TRẦN ĐĂNG KHOA
Nhà văn Tô Hoài đã giã biệt chúng ta để đi vào cõi không cùng. Đó là một tổn thất không gì bù đắp được. 
Tôi rất mê ông. Mê từ khi mới lẫm chẫm bước chân đến trường. Hồi đó tôi đã có thơ tặng ông, dù chưa từng được nhìn thấy ông ở trong đời thực. Đó là dịp tháng 4 - 1967, tình cờ tôi đọc được một truyện ngắn viết cho trẻ em của ông. Cái truyện có tên là Ò... ó... o... Truyện kể một cậu bé ở thành phố, về nghỉ hè ở nhà bà ngoại. Bà sống ở quê. Suốt ngày cậu chạy nhảy, vui chơi với bao trò chơi thú vị mà ở thành phố không có. Mới chập tối, mệt quá, cậu thiếp đi. Ngủ chưa được bao lâu, mắt vẫn cay sè, đã nghe gà gáy inh ỏi. Ngoài cửa nhờ nhờ. Cậu bé nhìn ra, thấy bà vẫn cặm cụi thái lá dâu cho tằm, dì vẫn kì cạch dệt lụa. Chưa có ai đi ngủ cả. Trời mới tối được một lúc. Thế sao gà đã gáy? À, đấy là mấy chú gà nhầm, thấy ánh điện nhà máy bên kia sông hắt sang, gà tưởng sáng nên thi nhau gáy. Cái truyện chỉ có thế. Nhà văn Tô Hoài ca ngợi sự đổi mới của nông thôn. Đấy là một chủ đề khá phổ biến trong văn chương Việt Nam những năm sáu mươi. Hồi ấy, tôi rất thích cái truyện ngắn này. Cái truyện gợi cho tôi viết bài thơ Ò...ó...o... với nội dung khác hẳn. Nhưng “ò...ó...o...” là chữ của Tô Hoài. Trong sách Tập đọc lớp ba của chúng tôi thời ấy, tả tiếng gà, người ta lại dùng chữ “cúc cù cu”. Một bài Học thuộc lòng thời ấy thế này: “Cúc cù cu! Cúc cù cu! Sáng rồi đây.Nông dân vác cuốc vác cày. Ra đồng cày cuốc cho đầy nồi cơm”...Những bài học thời ấy phải nói là rất nôm na, dễ dãi. “Cúc cù cu” là tiếng chim bồ câu gù chứ không phải tiếng gà. Nếu lấy tiếng chim bồ câu để báo sáng thì không phổ cập. Vì chỉ những gia đình trung nông trở lên mới nuôi chim bồ câu. Còn với những người nông dân “Vác cuốc vác cày. Ra đồng cày cuốc cho đầy nồi cơm” thì chỉ tiếng gà mới gần gũi với họ. “Ò... ó... o...” quả là một đóng góp của Tô Hoài. Tôi lấy mấy chữ ấy của ông. Và để tỏ lòng biết ơn ông, sau tên bài Ò... ó... o... tôi đã ghi một dòng rất trang trọng : “Kính tặng chú Tô Hoài”, dù lúc ấy, tôi chưa từng gặp ông, và ông cũng chẳng biết tôi là cái thằng bé cha vơ chú váo nào...
Tô Hoài là một nhà văn lớn, một ông khổng lồ với số lượng tác phẩm thật đồ sộ. Ông viết đủ các thể loại: từ tiểu thuyết, truyện vừa, bút ký, ký sự, truyện ngắn, hồi ký, tự truyện, tiểu luận phê bình, truyện viết cho thiếu nhi, cho đến cả các bài báo ngắn, các bài điểm sách chỉ bằng một... bàn tay trẻ con. Tô Hoài thực sự là nhà văn chuyên nghiệp. Nghĩa là ông hoàn toàn sống được bằng nghề văn. Ngồi đâu, ông cũng viết được văn, kể cả trong những lúc hội họp. Có người còn kể rằng, trong một hội nghị quốc tế sang trọng, Tô Hoài ngồi ghế chủ tịch đoàn điều hành cuộc họp. Người ta ngạc nhiên khi thấy ông cứ lật sổ viết nhoay nhoáy. Tưởng Tô Hoài ghi biên bản hội nghị. Hoá không phải. Ông đang viết tiểu thuyết. Không ít tác phẩm nổi tiếng của Tô Hoài đã ra đời trong những hoàn cảnh đặc biệt như thế. Ta hiểu vì sao Tô Hoài có được một lượng sách thật đồ sộ: 215 tác phẩm, nhiều hơn gấp đôi số tuổi đã sống trên trần gian của ông. Đó là một con số kỷ lục mà không phải nhà văn lớn nào trên thế giới cũng có thể đạt tới được. 

12/4/16

Những niên đại quan trọng trong lịch sử Champa



Professor P. B. Lafont
(Trích từ sách Vương Quốc Champa: Địa Dư, Dân Cư, và Lịch Sử)
Dựa vào một số tư liệu cổ của Trung Quốc, Việt Nam, những bia đá tìm thấy ở Champa (mặc dù một số chưa được qui định rõ rệt ngày tháng), và nhất là tư liệu viết bằng tiếng Chăm, người ta đã có một khái niệm sơ lược về quá trình lịch sử của vương quốc Champa.
Ai cũng biết rằng, nhiều tư liệu bằng tiếng Hán thường hay nói về Champa, nhưng những biến cố này thường được ghi lại trong bao nhiêu năm về sau. Chính vì thế, những tin tức đó không đạt được độ chính xác cho lắm và nhiều khi mang nhiều yếu tố mâu thuẫn. Ngoài ra, những sử gia Trung Quốc hay Việt Nam chỉ nói đến Champa, một khi vương quốc này có sự liện hệ với quốc gia mình. Tình trạng này là nguyên nhân chính yếu giải thích tại sao tư liệu Trung Quốc và Việt Nam nói đến Champa quá ít và nội dung của nó thường mang nhiều tính chất lịch sử không trung thực. Riêng về văn bản bia đá Champa, một tư liệu quí giá nhưng không tránh khỏi nhiều trở ngại. Một phần vì số lượng của nó quá ít so với bia đá Kampuchea, một phần khác phát xuất từ sự thất lạc của bia đá này, chưa tính đến sự tàn phá văn bản lịch sử Champa do Ðại Việt chủ trương. Ðiều cần nên nhấn mạnh là nếu bia đá Champa đã cung cấp cho chúng ta nhiều tin tức về truyền thống tổ chức tôn giáo, tiếc rằng tư liệu đó chỉ nhắc sơ qua những gì liên quan đến biến cố lịch sử của vương quốc này. Cuối cùng, nhiều bia đá không mang ngày tháng đã trở thành chứng bệnh kinh niên trong cuộc bàn thảo để xác định thời gian của tư liệu. Hiện tượng này càng gây thêm nhiều sự nghi ngờ trong việc tham khảo văn bản bia đá Champa. Sau cùng, đó là biên niên sử Champa (sakaray dak rai patao) viết bằng tiếng Chăm. Ðây là tư liệu quá hiện đại và chỉ nói về lịch sử Champa sau thế kỷ thứ 15. Thêm vào đó, biên niên sử này chỉ là tư liệu lịch sử của tiểu vương quốc Panduranga, không hề nhắc đến biến cố gì liên quan đến các tiểu vương quốc Champa ở miền bắc, như Vijaya, Amaravati. Không ai phủ nhận biên niên sử này là tư liệu quan trọng, nhưng nội dung của nó rất là giới hạn trong không gian và thời gian.
***
Vấn đề xác định niên đại quan trọng trong lịch sử của một vương quốc Champa đã suy tàn đã trở thành công việc vô cùng khó khăn. Bởi vì việv làm này còn tùy thuộc vào quan điểm của mỗi sử gia và nó còn mang bao nhiêu tính chất không trung thực. Nhất là đối với Champa, một vương quốc mà sử gia chỉ đang ở tình trạng thái nghiên cứu về lịch sử của quốc gia này, chúng ta nên tự đặt lại vấn đề có nên nói về biến cố quan trọng của vương quốc này hơn là nói về niên đại quan trọng của hay không ?. Bài này viết về biến cố là đúng hơn.
1. Sự hình thành vương quốc Champa

1/4/16

BA ĐẶC ĐIỂM CỐT LÕI CỦA TRƯỜNG ĐẠI HỌC



Trên trang web http://www.president.harvard.edu/speeches/ faust/ 090604_ commencement.php) đã có bài phát biểu quan trọng của GS Drew Gilpin Faust , vị Hiệu trưởng 62 tuổi của Trường Đại học Harvard trong Lễ Tốt nghiệp năm 2009 ở trường Đại học danh tiếng này. Chị Phạm Thị Ly đã chuyển ngữ diễn từ quan trọng đó. Vì tính quan trọng của các ý tưởng trong diễn từ này tôi xin trích đăng để bạn bè trong Xóm Lá tham khảo một phần trong đoạn nói về ba đặc điểm cốt lõi của Đại học để chúng ta cùng suy nghĩ về thực trạng các trường Đại học Việt Nam hiện nay:
Tôi muốn tập trung vài phút để nói về ba đặc điểm cốt lõi của trường đại học. Chỉ ba mà thôi… Trước hết: Các trường đại học Hoa Kỳ đã từ lâu được xem là cỗ máy tạo ra cơ hội và sự ưu tú. Giáo dục là tâm điểm của giấc mơ Mỹ từ thời lập quốc. Tuy vậy tất cả chúng ta đều biết rằng học phí đại học tăng cao đã gây khó khăn cho nhiều gia đình trung bình ở Mỹ. Giữ cho giáo dục đại học ở mức người dân có thể chi trả được là điều cốt yếu đối với quốc gia và cốt yếu đối với Harvard.. Chúng ta cần phải là một thỏi nam châm để thu hút tài năng.. Trong năm năm qua, chúng ta đã tạo ra một chương trình hỗ trợ tài chính có tác dụng biến đổi quan trọng, nghĩa là bảo đảm rằng mọi sinh viên có năng lực và tham vọng đều có thể theo học ở Harvard bất kể hoàn cảnh tài chính của họ. Và trong thập kỷ qua, chúng ta đã nâng cao gấp ba lần khoản hỗ trợ tài chính cho sinh viên và cho các trường chuyên ngành của chúng ta. Sự hỗ trợ đối với những sinh viên tài năng là một phần cốt lõi trong bản sắc của chúng ta, vì chúng ta tin rằng những ý tưởng hay nhất không xuất phát từ một giai cấp xã hội hay một dân tộc, giới tính, quê hương cụ thể nào. Đem lại cơ hội rộng rãi trong tiếp cận đại học là phương hướng cơ bản trong trách nhiệm và tính chính đáng trong hoạt động của chúng ta- chính trong mắt chúng ta, với những giá trị dựa trên chế độ tôn trọng nhân tài một cách mạnh mẽ; cũng như trong mắt xã hội rộng lớn đã dành cho chúng ta những ưu tiên như miễn thuế hay tài trợ nghiên cứu... Vì chúng ta cam kết sẽ đem những người thông minh nhất vào trường Đại học Harvard, chúng ta sẽ phải tiếp tục đầu tư những giảng viên lỗi lạc nhất để hướng dẫn những con người thông minh ấy theo đuổi việc khám phá và nghiên cứu khoa học, những thứ đã định nghĩa nên Harvard như một trường đại học nghiên cứu ưu việt... Những sinh viên tài năng đòi hỏi phải có những giảng viên tài năng và ngược lại…

16/3/16

GHI NHẬN TỪ MỘT CHUYẾN ĐI

Theo lịch, từ ngày 12 đến ngày 13/3/2016, tại thành phố Buôn Mê Thuột, Học viện Hành chính tổ chức bảo vệ Luận văn Thạc sĩ chuyên ngành Quản lý công cho các học viên. Đoàn Kon Tum đi lần này có 6 người (gồm 03 chị bé: Dương Thúy Hồng, Trần Thị Hòa Bình, Phan Thị Thu Nga và 03 anh cu: Ka Ba Thành, Nguyễn Tấn Thương, Nguyễn Minh Tuấn). Sếp Ka Ba Thành được "cấp có thẩm quyền" phê chuẩn làm Trưởng đoàn. 
Trong danh sách bảo vệ lần này có tên bà xã, nên sáng sớm thứ 7 (ngày 12/3/2016), hai cha con tôi phải đón xe qua Buôn Mê Thuột để chia lửa, cổ vũ, động viên... Rất tiếc, khi đến nơi thì 02 thành viên bảo vệ xong (Ka Ba Thành và Dương Thúy Hồng được điểm khá cao, anh Thành 9 điểm, chị Hồng 8,8 điểm), 04 thành viên còn lại có lịch bảo vệ vào Chủ nhật hôm sau. Tại khách sạn Biệt Điện, tối Thứ bảy, qua quan sát tôi thấy tâm trạng mỗi người mỗi khác. Anh Thành, chị Hồng thì rất thỏa mái, cười đùa vui vẻ, miệng hát líu lo, ai mời uống bao nhiêu cũng uống được, rủ đi đâu cũng đi, rồi phong cách đi lại, ăn nói cũng bắt đầu ra dáng thạc sĩ; 04 anh chị em còn lại thì mặt mũi bơ phờ, xuống cấp, ăn không được, ngủ không ngon... Thương nhất là vào sáng hôm bảo vệ (Chủ nhật), Trần Thị Hòa Bình và Phan Thị Thu Nga tuy mất ngủ, có lo lắng nhưng vẫn còn dáng của một đô vật hạng nặng, xơi được 01 tô bún to, thêm 01 ly cà phê sữa và mấy miếng bánh; 02 thanh niên còn lại thì lầm lì như sinh viên thời bao cấp mất phiếu ăn, không nói câu nào... Cu Thương xác to hơn 70 kg nhưng ăn không hết ổ bánh mì, Tuấn "ròm" sau khi ăn xong thì xin 01 ly sữa... 
Theo lịch, Phan Thị Thu Nga bảo vệ trước (từ 9 giờ 30 đến 10 giờ 30), sau đó đến Trần Thị Hòa Bình (từ 11 giờ 30 đến 12 giờ 30), rồi đến Nguyễn Tấn Thương (từ 13 giờ 30 đến 14 giờ 30), cuối cùng là Nguyễn Minh Tuấn (từ 15 giờ 30 đến 16 giờ 30). Do có máy ảnh, trong khi chờ đến lượt bà xã, tôi lăng xăng chạy tới chạy lui giúp chỉnh máy và chụp cho Nga mấy tấm hình làm kỷ niệm và để đem về huyện "hù" mọi người. Thấy vậy các thầy nghĩ mình là chồng của Nga và Ka Ba Thành mới là chồng của Bình ! 
Rất vui, ngày hôm đó các thành viên trong đoàn Kon Tum bảo vệ rất xuất sắc, đạt điểm rất cao, được các thầy trong Hội đồng khen tấm tắt, nên ai cũng "sướng", như trút được gánh nặng, lúc này tâm lý mỗi người trở lại dạng ban đầu. Cu Thương đã mở "đài", bật "sóng", nói và nổ rền trời ở Buôn Mê Thuột; cu Tuấn vui quá uống nhiều, đến lúc đi ăn khuya thì "yên giấc nghìn thu" ngay tại ghế quán bún chìa (cha này say đến nỗi khi lên xe gối đầu lên đùi của các chị ngủ tiếp không biết trời trăng mây gió, vẫn ngáy khò khò, phả hơi rượu vào các "hang động", mà không biết, không cảm nhận được cái đầu của mình đang ở gần cái gì...). Dù đêm đã khuya, thấm mệt, nhưng ai ai cũng vui, không muốn về phòng... 
Có được niềm vui trọn vẹn trong đợt này, tôi nghĩ các anh chị ngoài việc chuẩn bị bài vở chu đáo, có kiến thức, năng lực thực sự... thì phải kể đến sự hỗ trợ rất nhiệt tình của các tình nguyện viên. Trước hết, đó là anh Sơn - người chấp nhận "hy sinh" phải xa vợ nhiều ngày, tự nguyện đem xe nhà ra phục vụ miễn phí, đưa đoàn từ Kon Tum qua Buôn Mê Thuột, ở lại đó, hằng ngày đưa đón anh chị em từ khách sạn đến Học viện và đồng hành, tiếp sức cùng anh chị em trong thời điểm căng thẳng; sau đó phải kể đến bé Cún nhà tôi - mụ này có cái hay là đến đâu hòa nhập ngay được đấy; trong giờ giải lao để Hội đồng "nghị án" thì chị ta chạy vào hỏi mẹ cháu (hoặc các chú/các cô) được bao nhiêu điểm; khi đói thì chủ động chạy lên xin các thầy cô trái cây, sữa, bánh để ăn (về sau, thấy mặt nó thì các thầy cô vẫy lại cho quà...); cuối cùng, có thêm một lý do hết sức đặc biệt nữa - như anh chị em trong đoàn thống nhất nhận xét là nhờ hưởng hồng phúc, hồng ân của Trưởng đoàn, còn Trưởng đoàn thì tâm sự, trước khi đi phải kiêng không gần vợ đúng 3 tuần... ! Tin hay không là chuyện của các anh chị, còn tôi cam kết phản ánh trung thực. 

6. Kết luận của Chủ tịch Hội đồng về Luận văn của Trần Thị Hòa Bình

5. Học viên trả lời câu hỏi của các phản biện và thành viên Hội đồng

4. Phản biện và các thành viên Hội đồng nhận xét, nêu ý kiến

3. Phản biện và các thành viên Hội đồng nhận xét, nêu ý kiến

2. Học viên trình bày tóm tắt Luận văn

1. Lễ công bố quyết định thành lập Hội đồng bảo vệ Luận văn

Trần Thị Hòa Bình bảo vệ Luận văn Thạc sĩ tại Phân viện Hành chính ở Buôn Mê Thuột, Đăk Lăk, ngày 13-3-2016

22/2/16

Thăm tháp Chăm DƯƠNG LONG - Bình Định ngày 19-02-2016

Tháp Dương Long là cụm di tích gồm ba tháp Chăm thẳng hàng theo trục Bắc Nam, các cửa chính đều quay về hướng Đông. Hiện nay tháp nằm trên địa phận hai thôn Vân Tương, xã Bình Hòa và An Chánh, xã Tây Bình, huyện Tây Sơn, cách huyện lị chừng 12 km về phía Đông. Tháp có nhiều tên gọi. Ngoài tên phổ biến là Dương Long, đôi khi tháp còn được gọi theo địa danh: tháp Bình An, tháp An Chánh hay tháp Vân Tường. Người Pháp gọi di tích này là Tour d’ Ivoire (tháp Ngà).

Đi dẫy mả tại xã Mỹ Hòa, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định ngày 20/02/2016 (13 tháng Giêng Bính Thân)

27/1/16

Hồn quê - Nơi ấy ta nên người và luôn mong ta về

Cô tôi

Cô tôi năm nay đã 91 tuổi, tuy trí nhớ và sức khỏe "có vấn đề" nhưng mắt rất tinh, vẫn còn lanh lợi. Mỗi lần về quê khi đến thăm cô, thấy tôi thì câu đầu tiên cô nói: Chui cha, thằng Nguyên mày về hồi mô rứa, vợ con có về không ? Lúc đấy tôi giả bộ nghiêm giọng: Nguyên nào ? thì cô lại chuyển sang câu khác: Ủa, chứ đứa mô rứa. Tau già rồi không nhớ nữa ! Nghe đến đấy tự nhiên thấy thương cô ghê và liên tưởng đến cảnh, không biết những năm tới có được nghe lại những câu nói ấy của cô nữa không... Cầu trời cho cô trăm tuổi.

Ông bà bốn của tôi

Về quê chạp mã lần này, tôi rất buồn khi biết tin ông Bốn bị trọng bệnh (bệnh K). Nhìn ông gầy đi và phải gồng mình chống chọi với cơn đau của cục u quái ác, tôi chỉ biết cầu Trời, khấn Phật, mong có phép mầu giúp ông khỏi bệnh.

Những người thân của tôi

Quê tôi (thôn 2, xã Tiên An, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam, ngày 25-01-2016, 17 tháng Chạp)