1/4/16

BA ĐẶC ĐIỂM CỐT LÕI CỦA TRƯỜNG ĐẠI HỌC



Trên trang web http://www.president.harvard.edu/speeches/ faust/ 090604_ commencement.php) đã có bài phát biểu quan trọng của GS Drew Gilpin Faust , vị Hiệu trưởng 62 tuổi của Trường Đại học Harvard trong Lễ Tốt nghiệp năm 2009 ở trường Đại học danh tiếng này. Chị Phạm Thị Ly đã chuyển ngữ diễn từ quan trọng đó. Vì tính quan trọng của các ý tưởng trong diễn từ này tôi xin trích đăng để bạn bè trong Xóm Lá tham khảo một phần trong đoạn nói về ba đặc điểm cốt lõi của Đại học để chúng ta cùng suy nghĩ về thực trạng các trường Đại học Việt Nam hiện nay:
Tôi muốn tập trung vài phút để nói về ba đặc điểm cốt lõi của trường đại học. Chỉ ba mà thôi… Trước hết: Các trường đại học Hoa Kỳ đã từ lâu được xem là cỗ máy tạo ra cơ hội và sự ưu tú. Giáo dục là tâm điểm của giấc mơ Mỹ từ thời lập quốc. Tuy vậy tất cả chúng ta đều biết rằng học phí đại học tăng cao đã gây khó khăn cho nhiều gia đình trung bình ở Mỹ. Giữ cho giáo dục đại học ở mức người dân có thể chi trả được là điều cốt yếu đối với quốc gia và cốt yếu đối với Harvard.. Chúng ta cần phải là một thỏi nam châm để thu hút tài năng.. Trong năm năm qua, chúng ta đã tạo ra một chương trình hỗ trợ tài chính có tác dụng biến đổi quan trọng, nghĩa là bảo đảm rằng mọi sinh viên có năng lực và tham vọng đều có thể theo học ở Harvard bất kể hoàn cảnh tài chính của họ. Và trong thập kỷ qua, chúng ta đã nâng cao gấp ba lần khoản hỗ trợ tài chính cho sinh viên và cho các trường chuyên ngành của chúng ta. Sự hỗ trợ đối với những sinh viên tài năng là một phần cốt lõi trong bản sắc của chúng ta, vì chúng ta tin rằng những ý tưởng hay nhất không xuất phát từ một giai cấp xã hội hay một dân tộc, giới tính, quê hương cụ thể nào. Đem lại cơ hội rộng rãi trong tiếp cận đại học là phương hướng cơ bản trong trách nhiệm và tính chính đáng trong hoạt động của chúng ta- chính trong mắt chúng ta, với những giá trị dựa trên chế độ tôn trọng nhân tài một cách mạnh mẽ; cũng như trong mắt xã hội rộng lớn đã dành cho chúng ta những ưu tiên như miễn thuế hay tài trợ nghiên cứu... Vì chúng ta cam kết sẽ đem những người thông minh nhất vào trường Đại học Harvard, chúng ta sẽ phải tiếp tục đầu tư những giảng viên lỗi lạc nhất để hướng dẫn những con người thông minh ấy theo đuổi việc khám phá và nghiên cứu khoa học, những thứ đã định nghĩa nên Harvard như một trường đại học nghiên cứu ưu việt... Những sinh viên tài năng đòi hỏi phải có những giảng viên tài năng và ngược lại…

Nhân tố thứ hai của bản chất trường đại học mà tôi muốn trình bày ở đây là vai trò của trường đại học như một địa điểm cơ bản của nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng ở Hoa Kỳ… Một báo cáo của Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia năm 2007 đã cảnh báo, đất nước chúng ta đã và đang đối mặt với một cơn bão dồn dập, quá ít sinh viên chọn theo học các ngành khoa học, quá ít người tìm được những hỗ trợ cần thiết để khởi động và duy trì sự nghiệp nghiên cứu của họ; quá nhiều người chọn những nghiên cứu an toàn và có thể dự đoán trước kết quả nhằm bảo đảm có được nguồn tài trợ; quá ít người có khả năng theo đuổi sự tò mò khoa học để đạt đến những ý tưởng cách mạng thực sự…Quỹ kích cầu ngắn hạn không được làm chệch hướng chúng ta trong việc tìm kiếm những giải pháp lâu dài. Mức tài trợ của liên bang là một phần trọng yếu của câu trả lời, nhưng đó cũng chỉ là một phần. Chẳng hạn khi nghĩ về việc làm cách nào hỗ trợ cho khoa học trong bối cảnh kinh tế đã thay đổi, chúng ta sẽ thấy mình phải nghĩ tới những quan hệ hợp tác kiểu mới với các quỹ nghiên cứu và các doanh nghiệp, cũng như với các trường khác. Chúng ta đã thấy những quan hệ hợp tác giữa các khoa và trường trong phạm vi Harvard, với các bệnh viện trực thuộc, với Viện Broad, với MIT, và những trường đại học khác như những công việc cốt yếu mà chúng ta đang thực hiện trong việc nghiên cứu tế bào gốc, khoa học nguyên tử, công nghệ gen, và kỹ nghệ sinh học… Nếu chúng ta, với tư cách Harvard và với tư cách một trường đại học nói chung, muốn duy trì được sự xuất chúng trong nghiên cứu khoa học thì cần phải tìm ra những cách mới vừa để thực hiện vừa để hỗ trợ cho nghiên cứu.
Ba là: các trường đại học phục vụ như những nhà phê bình và là lương tâm của xã hội. Chúng ta tạo ra không chỉ tri thức mà còn tạo ra những câu hỏi, tạo ra những hiểu biết bắt nguồn từ chủ nghĩa hoài nghi, từ sự không ngừng đặt câu hỏi chứ không phải từ sự thống trị của những tri thức thông thái được chấp nhận không cần thử thách. Hơn bất cứ một tổ chức nào khác trong xã hội, cốt lõi của các trường đại học là tầm nhìn dài hạn và những quan điểm phản biện, và những điều này có được chính là vì đại học không phải là sở hữu của riêng hiện tại.
Các trường đại học thường xuyên được đánh giá bằng tiêu chuẩn có ích – bằng những đóng góp của họ cho sự cạnh tranh và tăng trưởng kinh tế của quốc gia.
Đây là một diễn từ quá hay và tôi mong các thày cô giáo đại học, nhất là các nhà quản lý giáo dục nên tìm đọc nguyên văn trên trang web nói trên.
Đại học Harvard mang tên của nhà từ thiện John Harvard (1607-1638). Đây là một trường Đại học ngày càng nổi tiếng trong suốt thế kỷ 18 và thế kỷ 19 . Chủ tịch Đại học này Charles W. Eliot của một nhiệm kỳ dài 40 năm (1869. - 1909) đã chuyển đổi các trường đại học và trung học chuyên nghiệp trực thuộc vào một trường đại học nghiên cứu tập trung, và Harvard trở thành thành viên sáng lập của Hiệp hội các trường đại học Mỹ vào năm 1900. James Bryant Conant đã lãnh đạo các trường đại học qua khủng hoảng và Thế chiến II , sau đó bắt đầu cải cách chương trình giảng dạy và tự do hóa việc nhập học . Drew Gilpin Faust là vị Chủ tịch Đại học Harvard từ năm 2007 và là người phụ nữ đầu tiên lãnh đạo một trường đại học. Harvard là một Đại học ngoài công lập có các khoản tài chính được hiến tặng lớn nhất so với bất kỳ tổ chức học tập nào trên thế giới, khoảng 32 tỷ USD vào tháng 9 2011. Đại học Harvard hiện có 2 100 Khoa với rất nhiều phòng thí nghiệm được trang bị bằng các phương tiện nghiên cứu hiện đại.
Suy nghĩ về các trường Đại học nước ta tôi không thể quên sự phát triển nhanh chóng về số lượng và những tiến bộ khó chối cãi về chất lượng trong mấy thập kỷ vừa qua. Tuy nhiên đối với ba đặc điểm cốt lõi mà GS D.G. Faust đề cập đến trong diễn từ này thật là còn quá xa lạ với các Đại học ở nước ta.
Đại học Việt Nam chưa là thỏi nam châm để thu hút tài năng. Nhiều gia đình tuy không khá giả mấy vẫn cố tìm mọi cách gửi con ra học Đại học ở nước ngoài. Nhiều con em gia đình nghèo không dám vay tiền để đi học. Vì chi phí cho học xa nhà đâu có thể trang trải được bằng khoản tiền được vay và sau khi tốt nghiệp với tiền lương trên 1 triệu đồng/tháng họ sẽ lấy gì để trả lại cho Ngân hàng, dù đã được ưu tiên không tính lãi suất. Hơn nữa chúng ta đâu có thể cam kết tiếp tục đầu tư những giảng viên lỗi lạc nhất để hướng dẫn những con người thông minh ấy theo đuổi việc khám phá và nghiên cứu khoa học (!)
Đại học Việt Nam có rất ít điều kiện để cho thầy trò tham gia nghiên cứu khoa học theo đúng với ý nghĩa của nó. Ngay việc thực tập tối thiểu cũng còn rất hạn chế. Nhiều trường không có nổi các phòng thí nghiệm với các trang thiết bị tối thiểu. Trong khi chúng ta còn rất nghèo thì nhiệm vụ nghiên cứu khoa học (với kinh phí tới 600 triệu USD/năm chứ đâu có ít!) lại bị chia sẻ cho biết bao Viện, Trung tâm nghiên cứu ngoài Đại học và tất cả các địa phương (!). Các phòng thí nghiệm trọng điểm thường nằm ngoài Đại học và hiệu suất sử dụng trang thiết bị đắt tiền còn rất thấp, hiệu quả không rõ rệt. Nếu không đủ khả năng đầu tư cho cả trăm trường Đại học thì ít ra cũng phải trang bị đủ tầm và trao nhiệm vụ nghiên cứu thỏa đáng cho hai Đại học Quốc gia và vài Đại học trọng điểm khác. Vì năng lực giải quyết các nhiệm vụ bức xúc của thực tiễn còn rất thấp nên không thể nào tranh thủ được sự đầu tư của các doanh nghiệp , các tập đoàn kinh tế.
Đại học Việt Nam chưa bao giờ được coi như những nhà phê bình và là lương tâm của xã hội. Chúng ta tạo ra không chỉ tri thức mà còn tạo ra những câu hỏi, tạo ra những hiểu biết bắt nguồn từ chủ nghĩa hoài nghi, từ sự không ngừng đặt câu hỏi chứ không phải từ sự thống trị của những tri thức thông thái được chấp nhận không cần thử thách. Không có phản biện xã hội trên cơ sở các nghiên cứu nghiêm túc và khách quan thì rất khó tránh khỏi các sai lầm trong chính sách, biện pháp quản lý và phát triển xã hội. Hãy nhìn lại các công trình nghiên cứu về khoa học xã hội (và một phần cả về khoa học tự nhiên) thường chỉ là các nghiên cứu mang tính minh họa cho những Nghi quyết, những Chính sách đã được hoạch định sẵn. Tại sao biết bao vấn đề gây xôn xao trong cả xã hội mà không được giao cho các trường Đại học nghiên cứu một cách nghiêm túc cho đến mức thấu tình, đạt lý? Trong diễn từ của GS D.G.Faust có đoạn viết: Nên chăng hệ thống giá trị của chúng ta cần phải đưa ra một đối trọng và thách thức vững chắc hơn đối với thói vô trách nhiệm và sự quá đáng, đối với lối suy nghĩ chạy theo lợi ích trước mắt và để lại hậu quả lâu dài? Đặc quyền về tự do học thuật gắn liền với nghĩa vụ nói lên sự thật ngay cả khi điều đó hết sức khó khăn hay không được nhiều người ưa chuộng. Chúng ta nên suy nghĩ sâu sắc thêm về ý kiến này trong hoàn cảnh cụ thể của nước ta.
Đành rằng Đại học Hoa Kỳ, nhất là Đại học danh tiếng Harvard, không giống với hoàn cảnh cụ thể của một nước đang phát triển như nước ta, tuy nhiên ba đặc điểm cốt lõi của Đại học mà bà Hiệu trưởng D.G.Faust đã nêu lên trong Lễ tốt nghiệp 2009 vừa qua rất đáng để chúng ta suy nghĩ và hành động.
Các ngành khoa học cơ bản ở Đại học Việt Nam ngày càng khó tuyển sinh. Vì số thí sinh dự thi tuyển ngày càng giảm, trong khi không thể hạ thấp điểm đầu vào cho các ngành khoa học được coi là xương sống của cả nền khoa học nước nhà này. Thí sinh không dại gì lựa chọn các nơi nhập học mà đầu vào rất khó và đầu ra rất khó tìm được việc làm. Muốn thay đổi tình thế này phải có chính sách rất cụ thể. Các ngành khoa học cơ bản hàng năm không cần đào tạo nhiều sinh viên nhưng tất yếu đều phải là những sinh viên giỏi. Muốn vậy phải ưu tiên học bổng, chỗ ăn ở, điều kiện học tập, nghiên cứu và nhất là điều kiện sau khi ra trường có nơi đúng chuyên ngành tiếp nhận ngay, hoặc được ưu tiên đào tạo sau Đại học tại trong hay ngoài nước. Không lo ngay từ bây giờ thì tương lai làm sao có được một nền khoa học phát triển thích đáng với sự nghiệp Công nghiệp hóa và Hiện đại hóa đất nước?
Chúng ta phát triển quá nhanh các trường Đại học. Hiện có tới 149 trường Đại học (103 trường Công lập và 46 trường Ngoài công lập). Đấy là chưa kể đến 227 trường Cao đẳng (197 trường Công lập và 30 trường Ngoài công lập). Số sinh viên Đại học niên học 2009-2010 là 1 358 861 và số sinh viên các trường Cao đẳng là 576 878. Trong khi đó số giảng viên các trưởng Đại học là 45 961 và số giảng viên các trưởng Cao đẳng là 24 597. Hiện nay mà vẫn còn tình trạng “cơm chấm cơm”, nghĩa là giảng viên chỉ tốt nghiệp Đại học đã có thể tham gia dạy Đại học hay Cao đẳng (!). Vậy mà ngay đối với việc tuyển giảng viên có trình độ thấp như vậy cũng đâu có dễ? Nhà giáo Lê Trọng Thắng ,Trưởng phòng Đào tạo Trường Đại học Mỏ- Địa chất cho biết: “Chỉ những chuyên ngành chính của trường như địa chất, dầu khí... là có nhiều ứng viên giỏi tham gia dự tuyển. Còn hầu hết các ngành khác trong trường đều phải tuyển sinh viên tốt nghiệp loại khá và cũng rất khó tuyển. Thậm chí, có ngành, có năm chúng tôi không tuyển được giảng viên nào”(!)
Ngay đối với giảng viên có học vị Tiến sĩ mà nếu không cập nhật được kiến thức hiện đại thì cũng đâu đã đủ trình độ giảng dạy ở Đại học hay Cao đẳng . Bạn Xuân Bằng đã viết trên trang web baomoi.com là: “Chỉ thương cho các em sinh viên thế hệ sau, về mặt hình thức thì được học toàn thầy là tiến sĩ, nhưng thực ra lượng kiến thức hôm nay và 10 năm trước không khác nhau là mấy”.
Chúng ta đang tích cực soạn thảo Luật giáo dục Đại học (GDĐH) để được Quốc hội sớm thông qua. Ông Ngô Kim Khôi, Phó trưởng ban soạn thảo luật này cho biết:“Điểm mới cơ bản và xuyên suốt của dự thảo Luật là các quy định về quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm của cơ sở GDĐH về tổ chức và nhân sự; tài chính và tài sản; hoạt động đào tạo, khoa học và công nghệ, hợp tác quốc tế, bảo đảm bảo chất lượng GDĐH tương ứng với vị trí, vai trò, nhiệm vụ của cơ sở GDĐH trong hệ thống GD quốc dân; điều kiện bảo đảm thực hiện quyền tự chủ; cam kết trách nhiệm khi thực hiện tự chủ và kết quả kiểm định chất lượng của cơ sở GDĐH.Bên cạnh đó là các quy định mới về bảo đảm chất lượng và kiểm định chất lượng GDĐH, trong đó quy định các cơ sở GDĐH được quyền lựa chọn các tổ chức kiểm định chất lượng GDĐH có uy tín để đăng ký kiểm định chất lượng GDĐH; tham gia các hoạt động kiểm định chất lượng GDĐH và công khai kết quả kiểm định chất lượng GDĐH.Đồng thời, dự thảo Luật cũng quy định các chính sách nhằm đẩy mạnh xã hội hóa GDĐH, huy động nhiều hơn nguồn đầu tư của xã hội để phát triển GDĐH; khuyến khích các cơ sở GDĐH tư thục và cơ sở GDĐH có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động không vì mục đích lợi nhuận. Đặc biệt, dự thảo Luật quy định phần tài chính chênh lệch giữa thu và chi từ hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học của cơ sở GDĐH tư thục được dành một phần hợp lý để đầu tư cho hoạt động GD, xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị, đào tạo, bồi dưỡng giảng viên, viên chức, cán bộ quản lý GD, phục vụ cho hoạt động học tập và sinh hoạt của người học hoặc cho các mục đích từ thiện, thực hiện trách nhiệm xã hội. Phần này được miễn thuế theo quy định của pháp luật về thuế. Phần còn lại, nếu phân phối cho các nhà đầu tư và người lao động của cơ sở GDĐH, thì phải nộp thuế theo quy định của pháp luật về thuế.”
Không hiểu khi soạn thảo bộ Luật quan trọng này các nhà biên soạn và các Đại biểu Quốc hội đã đọc hay chưa về Ba đặc điểm cốt lõi của Trường Đại học như GS Drew Gilpin Faust đã trình bày rất đầy đủ trên đây ?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét