22/11/13

Góp lời bàn với Gs Nguyễn Văn Tuấn và Nhà phê bình văn học Nguyễn Hưng Quốc


Rất cảm ơn GS Nguyễn Văn Tuấn cung cấp thêm cách gọi tiếng Anh của “nam, nữ”, cũng như nhiều bài học tiếng Anh khác tôi đã tiếp nhận từ trang web của GS.
Riêng còn mấy điều băn khoăn dưới đây xin mạn phép trình bày:
1. Về cách gọi “nam, nữ” có nguồn gốc Hán ngữ.
Con gái.
Gọi đầy đủ “nữ tử” (女子). Chì giới tính, chưa hàm ý gì về mặt xã hội hay quan hệ gia đình. Tuy nhiên trong giao tiếp thường nói về người nữ trẻ tuổi.
Chữ “Nữ” thuộc loại chữ “tượng hình”, loại chữ chỉ miêu tả dáng người cơ bản. Điểm nối bật nhất là bộ ngực tuyệt trần (phân biệt rõ nhất với nam tử), cái eo lưng nhỏ xíu (nhỏ đến độ cường điệu), hai tay giang ngang. Dáng người và dáng đi hướng sang bên trái, thật uyển chuyển, đẹp mắt. Không hiểu sao nhà phê bình văn học Nguyễn Hưng Quốc cho rằng hình chữ “nữ” là “hình ảnh một người đang quỳ với hai bàn tay chắp lại đầy cung kính” ? Tôi e rằng chiết tự như thế là khiên cưỡng.
Theo Ts Nguyễn Hưng Quốc: “phụ” , chỉ đàn bà, được tượng trưng bằng hình ảnh một người nữ với cây chổi bên phải (), nghĩa là kẻ mà số phận bị buộc chặt vào các công việc nội trợ, chỉ quanh quẩn trong nhà, hoặc tệ hơn, trong bếp
Tôi xin bàn thêm
Phụ: từ đơn, người nữ có gia đình, mẹ chồng, nàng dâu, quan hệ phu phụ (vợ chồng). Thêm “nữ” chỉ chung cả giới (số nhiều).
“Phụ”: Thuộc loại chữ “hội ý” phối hợp với chữ “tượng hình”. Thêm một cây chổi cho “nữ” chỉ là dấu hiệu nhận biết chữ cho dễ, chứ chưa hẳn khinh rẻ phụ nữ.
Tuy nhiên chữ “phụ” còn có cách chiết tự khác với Ts Nguyễn Hưng Quốc:
Bên trái là bộ nữ, bên phải là ba bộ chồng lên nhau:
Trên cùng là bộ kệ : hình bù xù như đầu con nhím
Giữa là bộ mịch trùm khăn: trùm lên, yên lặng, kín đáo, tịch mịch
Dưới là bộ cân : cái khăn, vải vóc.
Nếu tổng hợp (hội ý) cả 3 bộ với “nữ” thì cũng cho ta hình dung thêm vài nét về người “phụ nữ”. (Nếu bảo chữ Chổi 帚 thêm vào chữ Nữ (để tạo chữ Phụ) thì từ xưa và đến nay người ta vẫn làm chổi bằng cỏ lau, cỏ tranh, rơm khô, tre…, nói chung bằng thực vật, vì sao lại có cái khăn, vải (bộ cân) trong chữ Chổi đó ? Đâu phải cái chổi chùi nền nhà gạch bông ngày nay mà có vải, khăn (cân) giẻ rách trong cấu tạo chữ? Đáng lẽ phải có bộ “thảo” (cỏ) chứ ! Biết rằng cách tạo chữ này phi lý nhưng mấy nghìn năm qua vẫn chấp nhận được).
Chẳng hạn chữ “nam” (con trai) , gồm bộ điền : ruộng, ở trên, ý nói người nam phải làm ruộng, bộ lực: có sức khỏe, ở dưới. Trên văn tự chỉ là dấu hiệu phân biệt hình thức, chử này cũng chẳng tỏ ra kính trọng nam giới hơn.
Ts Nguyễn Hưng Quốc còn cho biết trong Hán tự có tới hơn 200 từ ngữ có nghĩa xấu đều có bộ “nữ”, từ đó cho rằng người TQ trọng nam khinh nữ. Thực ra thái độ khinh trọng nam nữ ấy đã rành rành qua lịch sử Trung Hoa, không ai chối cãi rồi. Song ta có thể thấy cũng có rất nhiều chữ tốt đẹp cũng mang tính nữ: mỹ  có bộ nữ bên trái (nghĩa : tốt đẹp) trong các từ “mỹ mãn, chân- thiện- mỹ, hoàn mỹ”,kiều : (uyển chuyển tha thướt, đáng yêu, nuông chiều).v.v...Tôi không có nhu cầu thống kê, phân loại từ ngữ bởi vì hiểu rõ rằng cấu tạo chữ có ít ý nghĩa tư tưởng gì, vì hiểu rằng đời xưa tạo chữ chỉ cốt sao dễ nhớ, dễ viết. Còn ý nghĩa, tính chất sẽ được hình thành chủ yếu trên câu (cú) và bài văn đàng hoàng được xây dựng trên nhiều từ ngữ phối hợp lại với nhau theo ngữ pháp nhất định.
Trong lịch sử hình thành ngôn ngữ Hán có tới 6 kiểu tạo chữ (lục thư) mà chỉ có ba kiểu miêu tả được ít nhiều nội dung, còn lại ba kiểu khác chỉ biểu âm (như chữ Tây) lại chiếm đa số từ vựng. Nói thế để chứng minh rằng ba kiểu tạo chữ có mang chứa ít nhiều nội dung khái niệm chỉ chiếm số ít và không mang thái độ tiêu biểu của dân tộc Hán. (Theo văn hóa học, chính dân phương Tây mới trọng nam khinh nữ kể từ khi các dân tộc du mục hình thành nên bản sắc văn hóa phương Tây, mặc dù người ta biết rằng dân Tây hiện đại rất trọng nữ, ấy là nhờ thành quả Cách mang tư sản Pháp… Tôi e rằng đang lạc đề, xin tùy ý GS để hay gác lại vấn đề này)
Đàn: Chỉ giới văn nghệ, giới thể dục thể thao...:  Văn đàn: làng văn. Tao đàn: làng thơ.
Người Việt ghép hai từ đơn gốc Hán: đàn + ông, đàn + bà tạo ra hai từ ghép mà người Tàu đọc không hiểu. Người Việt còn nói tiếp “đàn chim, đàn cá…”.
Bên cạnh Hán ngữ còn có “nam giới, nữ giới”. Cách gọi này trung tính, bình đẳng nam nữ… thiên về danh từ khoa học, hành chính, không phải cách “xưng hô” trong giao tiếp.
cũng gốc Hán:
1. Bà (chỉ người phụ nữ lớn tuổi): lão thái bà lão bà bàlão thái thái.
2. Mẹ chồng: Mẹ chồng, nàng dâu;
3 .Bà (trước đây chỉ người đàn bà trong một nghề gì:  (Môi bà nhi) Bà mối (lo việc hôn nhân), nguyên chữ Môi: nghĩa là môi giới, tiếng Việt phết thêm dấu sắc thành “mối” . Bà mụ (bà đỡ đẻ) …
Ông: người cha, khi ta gọi cha người khác là “ông”, "tôn ông"
“ông” là tiếng gọi tôn trọng, như nàng dâu gọi bố chồng là "ông", con rể gọi bố vợ cũng là "ông" (tôn trọng nhưng ít tình cảm hơn đại từ gọi cha đẻ). Bạn bè tôn trọng nhau cũng gọi là "ông" dù nhiều tuổi hay ít tuổi
(Chưa kể rất nhiều đại từ nhân xưng khác nữa trong Hán ngữ)
Thử chiết tự chữ “Ông”:
Trên là chữ “công”:(gong): công bằng, không tư túi, cùng chung, công khai, tước công (vua tặng cho người có công)
Dưới là bộ vũ : lông vũ, lông chim

Nếu ta căn cứ nét chữ thì không thể hình dung “ông” là “người có tính công và có lông” là sao đây.
Nói chung, bất kỳ chữ Hán nào cũng không thể hiện đầy đủ nội hàm của nó, chỉ là gợi một vài nét cơ bản cho dễ nhớ, dễ nhận biết. Nếu nét chữ mang được một ít nội dung thì càng tốt, không thì thôi. Riêng chữ “tượng hình” đã nói rõ rằng chỉ mô tả sơ qua cái “hình thức” chứ đâu có biểu đạt nội hàm, nội dung và thái độ của người nói, người viết.
Vả lại, thời nay vẫn chưa biết ai tạo chữ, cũng chỉ là một cá nhân nào đó, không thay mặt cho ý thức của cả cộng đồng. (Cũng như ca dao, dân ca được cho rằng sáng tác tập thể , theo quan điểm Mác- Lê Nin, tôi cho là sai, vì ca dao dân ca cũng do một cá nhân tạo ra, cộng đồng nhiều thế hệ chỉ đóng vai biên tập gọt giũa, truyền bá thôi)
Theo ý GS Tuấn: “Để chỉ những người thuộc phái nữ, tiếng Việt có hai từ: ‘phụ nữ’ và ‘đàn bà’. Trong hai từ ấy, chữ ‘phụ nữ’ có âm hưởng lịch sự và trang trọng hơn hẳn chữ ‘đàn bà’. ‘Phụ nữ’ là từ có tính nghi thức (formal) để chỉ người hoặc những người mình kính trọng.
Xin bàn thêm về hai phong cách dùng từ trên. Tôi nghĩ vấn đề ở chỗ “ai là chủ thể phát ngôn” và tùy vào lĩnh vực phát ngôn. “Phụ nữ” chỉ là cách gọi mang màu sắc trung tính, không trọng không khinh. Khi gọi “quý bà, quý ông, quý…” mới là tôn trọng, lịch sự xã giao. Khi gọi “đàn bà” thì vẫn mang tính bình dân, nếu biểu thị khinh khi thì còn tùy theo hoàn cảnh cụ thể.
“Đàn bà” cũng như “đàn ông” (hai từ Hán vốn là từ đơn do người Việt tạo ghép từ mới (đàn + bà, đàn + ông) mà người Hán không dùng. Hai từ ghép đó ưa được dùng trong văn Nôm (và ngôn ngữ bình dân). Hàng vạn từ lai ghép kiểu “từ đơn gốc Hán + cách ghép Việt” có ý nghĩa lịch sử và nhiều kiểu lai ghép khác nữa, ai cũng biết rằng điều đó thể hiện tinh thần cố gắng tự chủ, tự lập tương đối của cha ông ta xưa trong suốt cả nghìn năm.
“Phụ nữ”, “nữ phái”,”nữ giới” ưa được dùng trong văn bác học, văn sách vở chữ Hán (ở Việt Nam ngày xưa) hoặc dùng trong ngôi thứ ba số nhiều, không dùng xưng hô trực tiếp. “Đàn bà” thường do giới bình dân ít học ưa dùng. Mặt khác, “đàn bà” thường dùng chỉ phụ nữ đã lập gia đình, còn “phụ nữ” chỉ chung cả giới.
Nhìn chung, khi có từ gốc Hán tham gia vào tiếng Việt (khoảng từ thời nhà Đường) thì cách gọi trở nên phức tạp và phong phú hơn, làm giàu cho tiếng Việt. Nếu thuần rặt Việt thì chỉ nói “trai /gái” là xong việc nhưng hai chữ này không đủ thể hiện nhu cầu giao tiếp trong trường hợp khác.
Từ đó phân biệt hai văn phong của giới trí thức và bình dân.
Nếu bàn về quan hệ chữ Hán và chữ Việt thì hẳn là câu cruyện dài “nhiều tập”, không thể chấm dứt trong một hội thảo dù hoành tráng đến đâu. Có lẽ, nên có một tạp chí chuyên ngành đăng bài vô hạn về đề tài trên (ví dụ “Tạp chí ngôn ngữ Hán- Việt, chứ không phải chỉ có một “Tạp chí ngôn ngữ” như hiện nay).
2. Bàn thêm về 3 chữ Bắc kỳ, Trung kỳ, Nam kỳ…
Chữ “Bắc kỳ”, hay “Nam kỳ” bản thân nó không có ý gì ngoài khái niệm địa lý và lịch sử. Nó chỉ có ý nghĩa biểu cảm, biểu thái khi có hoàn cảnh nói. Chẳng hạn khi nghe người Nam nói “ông Bắc kỳ” (sau CM tháng 8) thì người Bắc (có thể) khó chịu vì thái độ phân chia, phân biệt theo quán tính thời Pháp, tức là khó chịu vì sự lạc hậu, bảo thủ của người nói. Còn người Trung, Nam nghe nói “kỳ” mà không thấy khó chịu là vì họ không cảm thấy điều đó có vấn đề gì. Thế thôi. 
Trước 1945 các từ BK, TK, NK thường được dùng. Sau Cách mạng tháng Tám, ba chữ chỉ ba vùng, ba chế độ chính trị khác biệt (liên quan đến sự cai trị của thực dân Pháp) lẽ đương nhiên dần dần được bỏ quên trong giao tiếp xã hội và bị phế bỏ trong giao tiếp chính thức và hành chính. Tương tự, Việt Nam sau 1975 nhiều danh từ chỉ vùng miền cũng thay đổi. Hai từ miền Bắc, miền Nam được dùng nhiều... “Các tỉnh phía Bắc” (thay cho Bắc bộ), Các tỉnh phía Nam thay cho Nam Bộ…, “khu vực Tây Nguyên” thay cho “Cao nguyên trung phần”. Lại có trường hợp đặc biệt, Sài Gòn bị/được đổi tên thành TP.HCM nhưng rất ít người nói đúng tên, người Bắc vẫn thích nói “Sài Gòn” do quen miệng (lại đỡ mỏi miệng), người Nam nói gọn “thành phố” vì không thích nói “Thành phố.HCM”. Hiện nay có hiện tượng đáng chú ý: nhiều cơ quan đợn vị ở TP. HCM mới thành lập tìm cách phục hồi tên “Sài Gòn”, như Trường Cao Đẳng sư phạm TP. HCM khi được nâng cấp thành đại học cách đây vài năm đã mang tên mới, ngắn gọn:”ĐẠI HỌC SÀI GÒN”, một nhà xuất bản mới mang tên “NHÀ XUấT BảN VĂN HÓA SÀI GÒN”, chưa kể nhiều công ty, cơ quan mới thành lập khác mang tên “Sài Gòn” mấy năm qua.
Lại còn các cặp từ ngữ “miền trong/ miền ngoài”, “vào Nam, ra Bắc” cũng có một số cách giải thích. Miền Bắc là “ngoài”, nên sẽ “đi ra/ Bắc”, miền Nam là “trong”, vậy sẽ “vào trong/ Nam”. Có nhà văn hóa học giải thích rằng “Ngoài ánh sáng (đầy đủ văn hóa), trong bóng tối (thiếu văn hóa)” do miền Nam khai phá sau nên thiếu văn hóa. “Văn hóa” ở đây với nội dung giới hạn trong “nền văn hóa phong kiến”. Thực ra, đứng từ góc độ chủ thể phát ngôn ở Thăng Long- Hà Nội thì “đi vào xứ Thanh, xứ Nghệ (Đường vô xứ Nghệ quanh quanh / non xanh nước biếc như tranh họa đồ- ca dao)” đã nói từ lâu trước khi có vùng Nam Bộ, và sau đó cứ tiếp tục như vậy kể cả Nam Bộ. Nếu có học giả nào hiểu rõ hai giới từ “trong Nam ngoài Bắc”, “ra Bắc vào Nam” chính xác hơn thì xin cho độc giả được biết, tôi xin tiếp thu.
Kính thư
Phùng Hoài Ngọc

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét