9/11/13

LÀM THẾ NÀO ĐỂ CÔNG TÁC XÓA ĐÓI, GIẢM NGHÈO TRONG VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ Ở TÂY NGUYÊN ĐẠT HIỆU QUẢ



Hà Xuân Nguyên


Tây nguyên hiện nay gồm 05 tỉnh: Gia Lai, Kon Tum, Đăk Lăk, Lâm Đồng và Đăk Nông, diện tích tự nhiên là 59.754 km2 (chiếm 16,8 % diện tích cả nước), giáp biên giới Lào và Campuchia dài 590 km, tổng số dân hiện nay hơn 4,9 triệu người.
Theo số liệu của Ban Chỉ đạo Tây nguyên (tháng 12-2008), cơ cấu hành chính toàn vùng có 592 xã, 68 phường, 48 thị trấn thuộc 51 huyện, 04 thị xã, 04 thành phố thuộc tỉnh (trong đó có 537 xã khó khăn, 211 xã khu vực 3 với 7.086 thôn, buôn, tổ dân phố, trong đó 2.765 thôn buôn người dân tộc thiểu số, 1.668 thôn buôn đặc biệt khó khăn).

Đặc điểm chung nhất của Tây nguyên là vùng đất có nhiều tiềm năng, cư dân đa số là đồng bào dân tộc thiểu số, cư trú chủ yếu ở các xã vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hiểu biết về xã hội còn hạn chế, trình độ sản xuất kinh tế còn thấp và không đều, có truyền thống đoàn kết, gắn bó, thương yêu đùm bọc giúp đỡ lẫn nhau và đang có quan hệ về mặt dân tộc, tôn giáo với một bộ phận đồng tộc đã chuyển cư ra nước ngoài sinh sống (chủ yếu ở Lào và Campuchia).
Về chính quyền cơ sở, phổ biến chung là trình độ cán bộ, công chức cấp xã còn yếu, chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ đề ra, địa bàn rộng, giao thông đi lại khó khăn, có xã dân số đông (vài nghìn dân), có xã dân số rất ít (khoảng một hoặc hơn nghìn dân).
Trong khi đó, có một thực tế ai cũng biết rằng xã, phường, thị trấn là cấp hành chính cuối cùng trong hệ thống chính trị nước ta, là nơi trực tiếp giải quyết công việc cho người dân, thực hiện mọi chủ trương, đường lối của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Nhận thức được vấn đề này, trong thời gian qua, đảng bộ, chính quyền các cấp ở Tây nguyên luôn chú trọng đến công tác đào tạo, bồi dưỡng trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng quản lý hành chính cho cán bộ, công chức cấp xã và nhiều giải pháp khác nhằm củng cố, xây dựng chính quyền cơ sở đủ mạnh với mục tiêu cuối cùng là phục vụ dân, giúp người dân thoát nghèo. Có thể nêu ra một số biện pháp sau:
Một là, tăng kinh phí đầu tư để các xã có điều kiện triển khai thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, văn hoá… ở địa phương.
Hai là, ban hành chính sách thu hút cán bộ trẻ - nhất là những sinh viên tốt nghiệp đại học với chuyên ngành lâm, nông, nghiệp, kinh tế, thuỷ lợi về công tác, đồng thời phân công các sở, ban, ngành đoàn thể tỉnh, huyện nhận đỡ đầu, giúp xã gặp khó khăn. Tiên phong trong  công tác  này  là  tỉnh  Kon Tum (trước đây Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành Nghị quyết 04 về xây dựng các xã khó khăn, mới đây, UBND tỉnh Kon Tum ban hành Quyết định số 16/2009/QĐ-UBND ngày 13-02-2009 về triển khai thực hiện Đề án hỗ trợ cán bộ tăng cường, luân chuyển, thu hút tri thức trẻ, cán bộ khuyến nông, khuyến lâm về công tác tại 14 xã trọng điểm đặc biệt khó khăn, ngoài ra còn nhiều chính sách khác nữa…).
Ba là, cho dân vay vốn ưu đãi để sản xuất, kinh doanh hoặc chăn nuôi trâu, bò, dê....
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, tôi thấy nổi lên một số vấn đề xin được bàn thêm như sau:
- Công tác xoá đói, giảm nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số được Đảng, Nhà nước xác định là một trong những ưu tiên hàng đầu, là thường xuyên, liên tục, do vậy cần phải có một chiến lược tương ứng toàn diện trên tất cả các mặt. Thế nhưng, những chương trình, dự án, đề án do tỉnh đề ra do lấy nguồn từ ngân sách nên bao giờ cũng ấn định thời gian kết thúc (phổ biến là 05 năm). Trong khoảng thời gian đó không đủ để một kỹ sư mới ra trường có kinh nghiệm làm tốt mọi việc được. Còn yêu cầu đối với kỹ sư cao tuổi, thâm niên thì số này không nhiều, nếu có thì đã làm việc trong các cơ quan tỉnh, huyện rồi, nên ngại đến xã, nhất là xã khó khăn.
- Hiện nay ở cấp xã đều có cán bộ các sở, ban, ngành của tỉnh và huyện, cùng với số cán bộ 253 tăng cường, nhưng hiệu quả công việc không cao, nếu có là ở việc hoàn thành các văn bản, các báo cáo đúng kỳ hạn, thống kê số liệu tương đối đầy đủ, còn nội dung quan trọng nhất là giúp xã đề ra các giải pháp hữu ích, có lợi cho dân để áp dụng thì hầu như không có. Nguyên nhân theo tôi được biết, những cán bộ này luôn có sự thay đổi liên tục trong cùng cơ quan, cơ chế thực hiện không rõ ràng, không gắng trách nhiệm cá nhân, không có chế độ khen thưởng, kỷ luật cụ thể, nên tâm lý phổ biến chung là họ làm theo kiểu an phận, không nổ lực hết mình, nhưng cũng không bỏ việc để tránh bị kiểm điểm. Hơn nữa, những địa bàn này không có doanh nghiệp nào đến đầu tư (ngoại trừ một số địa bàn đặc biệt), nên việc giải quyết công ăn việc làm cho người dân và các vấn đề xã hội khác gặp khó khăn.
Mặc dù có nhiều nổ lực, song hiệu quả đem lại chưa như ý muốn. Số hộ đói nghèo vẫn chiếm tỷ lệ cao (thậm chí nhiều nơi trên 50 %). Đây là một thực trạng đáng quan tâm, nhưng đi tìm lời giải cho bài toán này không đơn giản. Vì mỗi giải pháp nêu ra đều có những mặt tốt, mặt chưa tốt, còn đang trong quá trình triển khai. Vì thế, tất cả mọi người cùng nên góp sức, góp ý tưởng về giải pháp thoát nghèo cho đồng bào dân tộc thiểu số Tây nguyên lúc này là việc nên làm. Với nhận thức như vậy, tôi xin đưa ra một mô hình:




Hiệu quả

kinh

tế

 


Đơn vị Làng

 
 






Theo sơ đồ trên ta có thể hiểu:
1. Về cán bộ kỹ thuật: Theo tôi, mỗi xã chỉ cần 01 người là đủ. Lúc này, chúng ta không nên đặt nặng chuyện bằng cấp chuyên môn, nhưng cần có chính sách thu hút người làm được việc, ưu tiên tuyển chọn những người thật sự có kinh nghiệm, năng lực, nhất là những người sinh sống tại làng lâu năm, biết tiếng dân tộc, biết phong tục tập quán.... 
Về lương của cán bộ kỹ thuật thì thực hiện theo cơ chế: Trong 01 năm đầu thì ngân sách huyện chi trả 100 % (so với trình độ chuyên môn và quy định chung của công chức xã), năm thứ 2 thì huyện trả 50 % và dân trong làng góp trả 50 % tương ứng, từ năm thứ 3 trở về sau thì người cán bộ kỹ thuật và nhân dân trong làng tự thoả thuận, quyết định mức thù lao theo thành quả sản xuất.
Việc để cán bộ kỹ thuật do huyện trả lương gần 02 năm đầu có dụng ý:
Một là, khi tổ chức, triển khai các hoạt động sản xuất cần có thời gian nhất định, giai đoạn đầu chưa có thành quả ngay được, trong khoảng thời gian chờ đợi đó, cán bộ kỹ thuật cũng cần có tiền để trang trải cuộc sống.
Hai là, việc đưa họ “thành người của xã” có tiện lợi là sẽ biết được các thông tin về phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội..., cũng như có điều kiện kiến nghị với cấp trên trong việc hỗ trợ giống, cây trồng, vật nuôi khi thực hiện thí điểm mô hình.
2. Người dân tham gia thực hiện: Trước mắt có thể chọn những hộ điển hình ở làng có thành tích lao động, sản xuất làm thí điểm, nếu thành công thì nhân ra diện rộng. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để người dân hiểu và tự giác thực hiện. Khi đã hiểu ra vấn đề thì để cho dân tự chựa chọn cán bộ kỹ thuật làm đối tác để triển khai, chính quyền không được ép buộc phải chọn lấy người này hoặc người kia.
3. Sự tư vấn, hỗ trợ của huyện: Thể hiện ở các mặt cụ thể:
- Cử cán bộ chuyên môn đến hướng dẫn, tư vấn hoặc giới thiệu các mô hình đang làm ăn có hiệu quả trên cả nước để người dân biết, tham khảo;
- Nếu dự án đang trong quá trình triển khai thí điểm thì huyện sẽ hỗ trợ tất cả chi phí.
4. Sự lựa chọn mô hình sản xuất phù hợp: Ở đây, việc chọn lựa phương án sản xuất, kinh doanh do cán bộ kỹ thuật và nhân dân trong làng tự bàn bạc, quyết định, chính quyền không nên can thiệp.
5. Về quy mô, địa bàn triển khai mô hình: Nên lấy đơn vị làng làm cơ sở thực hiện, không nên tổ chức trên phạm vi toàn xã. Bởi vì, đối với đồng bào dân tộc thì làng là thiết chế nhỏ, nhưng bền chặt, ăn sâu trong tâm thức người dân. Người cùng một làng mới đồng trách nhiệm, đồng nghĩa vụ. Giữa các làng trong xã có thể khác nhau về thành phần tộc người, huyết thống, phong tục tập quán... Do vậy, trong một xã thì nên tiến hành nhiều loại mô hình chuyên canh theo từng làng (chẳng hạn như làng này trồng rau thì làng khác trồng đậu, cà phê, chè….).
Để thực hiện tốt yêu cầu trên, vấn đề đặt ra là chính quyền các cấp phải:
- Quản lý và tạo điều kiện cho cán bộ kỹ thuật làm việc.
- Tìm kiếm thị trường, giải quyết đầu ra của sản phẩm.
Muốn vậy, chính quyền cơ sở các tỉnh Tây nguyên phải vững mạnh, hoạt động hiệu quả với đội ngũ cán bộ tâm huyết, có phẩm chất, trình độ chuyên môn làm nòng cốt, cùng với việc triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm giúp người dân thay đổi tư duy về kinh tế, tạo động lực phát triển toàn diện các mặt; nếu ngược lại, sẽ tạo sức ỳ, nhiều hệ luỵ mà ngày nay chúng ta thường biết đến đó là tính bảo thủ, trì trệ, cục bộ địa phương, phe cánh mà người gánh hậu quả nhiều nhất là nhân dân.
Những vấn đề trên có thể chưa đúng hoặc còn thiếu sót, mong độc giả góp ý kiến./.

======





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét