9/11/13

MỘT SỐ VẤN ĐỀ TRAO ĐỔI THÊM VỀ CÔNG TÁC XÂY DỰNG CHÍNH QUYỀN



Hà Xuân Nguyên

Là người công tác trong ngành nội vụ, qua thực tiễn tác nghiệp tại cơ sở tôi thấy nổi lên một số vấn đề rất cần trao đổi lại với Bộ Nội vụ và các cơ quan liên quan ở Trung ương xem xét để có sự thống nhất, cụ thể:
1. Về tính thời gian nâng bậc lương thường xuyên cho công chức
Luật Cán bộ, công chức được Quốc hội khóa XII, kỳ họp thứ 4 thông qua ngày 13-11-2008, có hiệu lực kể từ ngày 01-01-2010.
Trước đó, Pháp lệnh Cán bộ, công chức (kể cả Pháp lệnh sửa đổi bổ sung) và các văn bản hướng dẫn của Chính phủ, của bộ liên quan đều quy định: Thời gian tập sự của công chức không được tính vào thời gian để xét nâng bậc lương theo thâm niên.
Thế nhưng, cũng nội dung này, cùng một cơ quan tham mưu, nhưng tại Công văn số 537/BNV-CCVC ngày 15-3-2004 Bộ Nội vụ lại quy định: Nếu tính đến ngày 01 tháng 07 năm 2003 đã có thời gian làm hợp đồng vượt quá thời gian tập sự của ngạch tuyển dụng theo quy định tại khoản 2 Điều 16 của Nghị định số 117/NĐ-CP và được người đứng đầu cơ quan sử dụng công chức đánh giá đạt yêu cầu theo quy định tại khoản 2 Điều 19 của Nghị định số 117/2003/NĐ-CP và được bổ nhiệm vào ngạch thì thời gian vượt quá thời hạn quy định tập sự được tính để thực hiện nâng lương theo quy định hiện hành của Nhà nước (mục d, điểm 1).
Từ quy định này dẫn đến thực tế mỗi địa phương hiểu và áp dụng khác nhau. Có nơi thời gian hợp đồng của công chức không tính thời gian tăng lương, có nơi chỉ áp dụng đối với công chức cấp xã, còn công chức cấp huyện và cấp tỉnh thì thời gian hợp đồng (có đóng bảo hiểm xã hội, đã trừ thời gian tập sự) được tính vào thời gian tăng lương thường xuyên.
Xét ở góc độ tình cảm, cá nhân tôi rất tán đồng quy định trên của Bộ Nội vụ. Vì hiện có nhiều công chức hợp đồng làm việc có thâm niên, được tăng lương nhiều lần, nhưng cũng con người ấy khi được tuyển dụng chính thức thì mức lương trở lại điểm xuất phát ban đầu. Quy định này dù có gì đó bất cập, song đã là luật thì mọi công dân, tổ chức cơ quan nhà nước phải chấp hành, cơ quan tham mưu lại càng không được ra những văn bản trái với quy định của cấp trên. Đây là nguyên tắt sơ đẳng mà mọi công chức đều biết. Bởi vì xung quanh vấn đề này có ý kiến cho rằng Công văn số 537/BNV-CCVC của Bộ Nội vụ là vi phạm pháp luật (?).
Sở dĩ tôi nêu lên vấn đề này bởi vì hiện nay vẫn còn nhiều địa phương "linh động" áp dụng chỉ đạo của Bộ Nội vụ để tính thời điểm nâng lương lương cho công chức, nên dẫn đến thực trạng cùng là công chức, nhưng quyền lợi công chức ở mỗi địa phương có sự khác nhau. Do vậy, để đảm bảo sự công bằng, nghiêm minh của pháp luật, thiết nghĩ Bộ Nội vụ nên có hướng dẫn lại cụ thể. Đặc biệt, hiện nay Luật cán bộ, công chức đã có hiệu lực thi hành, nhưng thực tế đến nay vẫn chưa thực hiện được vì thiếu văn bản hướng dẫn của các bộ liên quan. Bộ Nội vụ nên chủ trì, phối hợp với các địa phương rà soát, tổng hợp những vấn đề còn vướng mắc nổi lên để bàn bạc, hướng dẫn thực hiện chung trong toàn quốc, đảm bảo sự nhất quán với tinh thần thượng tôn pháp luật.
2. Quy định về thẩm quyền thành lập thôn, tổ dân phố
Hiện nay, hoạt động của thôn, tổ dân phố được điều chỉnh tại Quyết định số 13/2002/QĐ-BNV ngày 06/12/2002 của Bộ Nội vụ, trong đó có quy định về địa vị pháp lý của thôn, tổ dân phố; tổ chức và hoạt động của thôn; tổ chức và hoạt động của tổ dân phố… (Riêng quy trình về bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm trưởng thôn, tổ trưởng dân phố được điều chỉnh tại Thông tư liên tịch số 01/2005/TTLT-BTTUBTWMTTQVN-BNV ngày 12/5/2005 giữa Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Bộ Nội vụ), theo đó thì: thôn, làng, ấp, bản, buôn, phum, sóc… gọi chung là thôn; tổ dân phố, khu phố, khóm… gọi chung là tổ dân phố. Là một cấp ngang nhau, nhưng Bộ Nội vụ quy định thẩm quyền quyết định thành lập khác nhau, cụ thể:
- Việc thành lập thôn do Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định (xin xem thêm quy định tại các Điều 6 và Điều 8 của Quyết định 13/2002/QĐ-BNV).
- Việc thành lập tổ dân phố (bao gồm cả chia tách, sáp nhập….) do Chủ tịch UBND cấp huyện quyết định (xin xem thêm quy định tại Điều 14 của Quyết định 13/2002/QĐ-BNV).
Không hiểu căn cứ vào đâu mà Bộ Nội vụ quy định như vậy. Thực tế, việc thành lập tổ chức cùng cấp đều do một cấp có thẩm quyền quyết định, trường hợp xét yếu tố phức tạp khác tác động thì có thể quy định thêm về quy trình thẩm định, xem xét chặt chẽ hơn chứ không vì thế mà để cho cấp cao hơn. Một bất cập khác đó là tổ dân phố (có thể gọi là khu vực ở thành thị) thường phức tạp hơn, nơi đông dân cư, thậm chí còn nhiều tệ nạn xã hội nữa, nên việc xem xét, thành lập nếu có quy định thẩm quyền quyết định khác nhau thì trong trường hợp này Chủ tịch UBND tỉnh quyết định sẽ hợp lý hơn Chủ tịch UBND cấp huyện và ngược lại, việc thành lập thôn (có thể tạm gọi là ở địa bàn nông thôn), nơi ít dân, tình hình ít phức tạp nên để cho Chủ tịch UBND cấp huyện quyết định đúng hơn là để cho chủ tịch UBND cấp tỉnh.
Đề nghị Bộ Nội vụ cần nên có quy định lại vấn đề này theo hướng cùng để một cấp ra quyết định thành lập, còn cấp nào thì do Bộ quy định, nhưng theo tôi là nên quy định thẩm quyền thành lập thôn và tổ dân phố cho Chủ tịch UBND cấp huyện.
3. Về bầu, miễn nhiệm các thành viên do Hội đồng nhân dân bầu
Theo Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân thì đối với các chức danh do Hội đồng nhân dân bầu (Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Ủy viên Thường trực HĐND và các thành viên khác của các ban của HĐND; Chủ tịch, Phó Chủ tịch và các thành viên UBND) phải được cấp trên phê chuẩn, trường hợp miễn nhiệm, bãi nhiệm thì cũng phải được cấp trên phê chuẩn (xin xem thêm Luật Tổ chức HĐND và UBND và Công văn số 975 ngày 04-05-2004 của Bộ Nội vụ). Trong khi đó, luật cũng quy định Chủ tịch UBND cấp trên có quyền bãi nhiệm, miễn nhiệm, điều động, cách chức các chức danh Chủ tịch, Phó chủ tịch UBND và các thành viên khác của UBND cấp dưới (Điều 127). Như vậy, Chủ tịch UBND cấp trên vừa có quyền điều động, luân chuyển, vừa có quyền miễn nhiệm các chức danh chủ chốt của UBND cấp dưới. Áp dụng quy định này vào thực tế xảy ra tình huống, nhiều đồng chí Chủ tịch UBND huyện đã được Chủ tịch UBND tỉnh có quyết định cử đi nhận nhiệm vụ mới một thời gian, khi HĐND huyện họp lại thì tiếp tục đề nghị nguyên Chủ tịch UBND huyện đó làm đơn xin bãi nhiệm. Còn đối với Chủ tịch UBND huyện mới được bầu, tuy luật quy định là sẽ thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình sau khi được bầu (Điều 51), nhưng vẫn phải chờ quyết định phê chuẩn cấp trên để cho “danh chính ngôn thuận” rồi mới thực thi quyền lực. Như thế, trong khoảng thời gian ‘chờ” này, giả thiết đặt ra nếu cấp trên không phê chuẩn hoặc vì một lý do nào đó phê chuẩn chậm thì sao ? Mong Bộ Nội vụ có hướng dẫn, giải thích rõ thêm.
Mặt khác, liên quan đến vấn đề này còn có thuật ngữ “miễn nhiệm”. Luật Cán bộ, công chức quy định: Miễn nhiệm là việc cán bộ, công chức được thôi giữ chức vụ, chức danh khi chưa hết nhiệm kỳ hoặc chưa hết thời hạn bổ nhiệm, trong khi đó Quy định số 260-QĐ/TW ngày 02-10-2009 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về việc thôi giữ chức vụ, miễn nhiệm, từ chức của cán bộ quy định: Miễn nhiệm là việc cấp có thẩm quyền quyết định chấm dứt chức vụ đối với cán bộ do vi phạm kỷ luật, vi phạm đạo đức, năng lực kém, không hoàn thành nhiệm vụ, mất uy tín nhưng chưa đến mức xử lý kỷ luật cách chức hoặc bãi nhiệm. Miễn nhiệm gắn với yếu tố chủ quan do cán bộ gây nên.
Như vậy, cùng một thuật ngữ nhưng nội hàm được giải thích giữa Luật Cán bộ, công chức và Quy định 260-QĐ/TW chưa có sự thống nhất nhau (xin lưu ý, Quy định 260 ban hành sau Luật Cán bộ, công chức). Điều này làm cho các cơ quan chuyên môn, giúp việc ở cơ sở lúng túng khi ghi vào nghị quyết của HĐND. Nếu ghi miễn nhiệm đối với cán bộ nào đó thì cách hiểu bên Đảng và Nhà nước sẽ khác nhau, nếu ghi thôi làm nhiệm vụ thì cũng có cái gì đó chưa ổn.
Bởi vì, Luật Cán bộ, công chức có đề cập đến việc cho thôi làm nhiệm vụ đối với cán bộ (Điều 30) và cho từ chức hoặc miễn nhiệm đối với công chức (Điều 54) với nhiều lý do, chứ không đề cập cụ thể đến việc bị kỷ luật, còn Luật Tổ chức HĐND và UBND chỉ có nói đến việc cho thôi làm nhiệm vụ đối với các đại biểu, chứ không nói đến các chức danh được HĐND bầu (xin xem thêm các Điều 17, 25, 34). Hơn nữa, việc phân biệt rạch ròi giữa các chức danh lãnh đạo chủ chốt cấp huyện, cấp tỉnh là Đảng hay Nhà nước ở một con người là khó (chẳng hạn như Chủ tịch UBND huyện được cơ cấu cứng phải là Phó Bí thư hoặc các chức vụ khác là thường vụ...). Mong Bộ Nội vụ phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương thống nhất hướng dẫn để địa phương thực hiện.


4. Đề nghị chấn chỉnh về việc gọi ai là cán bộ, ai là công chức
Khái niệm thế nào là cán bộ công chức đã được giải thích trong Luật Cán bộ, công chức và được nhiều chuyên gia bàn xin không đề cập lại. Ở đây tôi chỉ xin lưu ý việc sử dụng khái niệm này trong thực tế, mà trước hết ở chính đội ngũ cán bộ, công chức một cách còn tùy tiện, thậm chí có ở trong một số văn bản quy phạm pháp luật (trong đó nhất là từ cán bộ).
Theo tôi, luật đã có quy định, giải thích (dù chưa được cụ thể, rạch ròi) thì các cơ quan chuyên môn cũng nên chủ động có kế hoạch phối hợp với các phương tiện truyền thông, báo chí… tổ chức mạn đàm, trao đổi để định hướng dư luận, từng bước góp phần giúp nhân dân nói chung, đội ngũ cán bộ, công chức gọi đúng tên sự vật, hiện tượng, chứ không nên để mặc gọi thế nào cho tiện thì gọi. Đây là vấn đề tuy không phức tạp, nhưng đã thành thói quen ăn sâu trong nếp sống, nếp nghĩ của nhiều người, nên cần phải có thời gian, lộ trình nhất định.
Những vấn đề nêu trên là không mới, các cơ quan chức năng ở Trung ương đều biết, rất mong tồn tại này cần được khắc phục sớm./.

============






Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét