9/11/13

MỘT SỐ KẾT QUẢ ĐẠT ĐƯỢC QUA 10 NĂM TRIỂN KHAI THỰC HIỆN QUY CHẾ DÂN CHỦ TẠI TỈNH KON TUM



 Hà Xuân Nguyên


Ngày 18-02-1998, Bộ Chính trị (khoá VIII) ban hành Chỉ thị số 30-CT/TW về xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ.
Từ chủ trương này của Bộ Chính trị, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ban hành Pháp lệnh về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn(0), Chính phủ ban hành các Nghị định số 71/1998/NĐ-CP ngày 08-09-1998 về quy chế thực hiện dân chủ trong hoạt động cơ quan, Nghị định số 07/1999/NĐ-CP ngày 13-12-1999 về quy chế thực hiện dân chủ ở doanh nghiệp nhà nước, Nghị định số 87/2007/NĐ-CP ngày 28-05-2007 về quy chế thực hiện dân chủ ở công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn. Ngoài ra, còn có nhiều văn bản khác được các cơ quan liên quan ban hành làm cơ sở điều chỉnh, hướng dẫn thực hiện quy chế dân chủ ở các cấp, các ngành(1).

Trên cơ sở các văn bản chỉ đạo liên quan, ngày 10-10-2006 Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Kon Tum ban hành Chỉ thị số 04-CT/TU về đẩy mạnh triển khai thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, tiếp đến, ngày 20-09-2008 Uỷ ban nhân dân tỉnh Kon Tum ban hành Kế hoạch số 435/KH-UBND về triển khai thực hiện Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn; quy chế dân chủ ở công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn và đẩy mạnh thực hiện dân chủ ở cơ quan, doanh nghiệp. Nội dung cơ bản của Chỉ thị và Kế hoạch này là yêu cầu các cơ quan, đơn vị xây dựng chương trình hành động cụ thể, tổ chức quán triệt nội dung Chỉ thị số 30-CT/TW của Bộ Chính trị cho cán bộ, đảng viên; Đài Phát thanh - Truyền hình phối hợp với Báo Kon Tum đẩy mạnh công tác tuyên truyền Chỉ thị 30 bằng tiếng kinh và tiếng dân tộc… để giúp quần chúng nhân dân hiểu và cùng phối hợp chính quyền thực hiện cho tốt quy chế dân chủ cơ sở…
Như vậy, nhìn một cách toàn diện, trên địa bàn tỉnh Kon Tum quy chế dân chủ được triển khai toàn diện trong 03 loại hình (ở xã, phường, thị trấn; ở công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn và ở cơ quan, doanh nghiệp nhà nước). Đến nay, qua 10 năm thực hiện, cùng với sự quan tâm chỉ đạo của Đảng, sự phối hợp tốt giữa các cấp, các ngành, cũng như sự hưởng ứng người dân… bước đầu đã tạo ra bầu không khí dân chủ, cởi mở hơn trong xã hội, quyền làm chủ của nhân dân được phát huy tốt, niềm tin của nhân dân vào chế độ được tăng cường…, ý thức và phong cách làm việc của cán bộ đảng, chính quyền, đoàn thể theo hướng gần dân, tôn trọng dân và có trách nhiệm với dân hơn… Đặc biệt, kết quả cơ bản nổi lên theo tôi trong thời gian qua đáng ghi nhận đó là:
- Lãnh đạo các cấp đã chủ động tổ chức đối thoại trực tiếp với các tầng lớp nhân dân, thành tâm nghe dân, nghe quần chúng phát biểu nguyện vọng, từ đó tập trung giải quyết tích cực, kịp thời những vấn đề bức xúc của người dân ở cơ sở. Do vậy, hạn chế phần nào tình trạng khiếu kiện, khiếu kiện đông người, khiếu kiện vượt cấp…
- Việc các cuộc họp của Hội đồng nhân dân tỉnh, đặc biệt là các buổi trả lời chất vấn của lãnh đạo các cơ quan chính quyền được truyền hình trực tiếp để nhân dân theo dõi, tham gia góp ý kiến và giám sát... đã tạo nên sự đồng thuận giữa Đảng với dân trong các quyết sách chính trị có liên quan đến các vấn đề "quốc kế, dân sinh" ở địa phương. Đó là nền tảng sức mạnh, là động lực bên trong để chúng ta có thể giải quyết một cách cơ bản, vững chắc những vấn đề tưởng chừng như chưa thể giải quyết được trong điều kiện trước mắt.
- Trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, cải cách hành chính…. mỗi lĩnh vực cũng đều có những thành quả nhất định.
- Đối với loại hình doanh nghiệp nhà nước, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần... trên địa bàn tỉnh, trong thời gian qua tuy có những phức tạp từ bên ngoài tác động, nhưng các doanh nghiệp vẫn trụ vững, làm ăn có lãi. Theo tôi, yếu tố quan trọng giúp các doanh nghiệp, công ty gặt hái những thành công chính là thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở thông qua những việc làm cụ thể như: Công khai về phương án sản xuất, kinh doanh; phương án sắp xếp lại lao động, tuyển dụng, tiền lương, thu nhập, bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, phân phối lợi nhuận, trích lập các quỹ, thi tay nghề, bổ nhiệm, đề bạt, quản lý, sử dụng dịch vụ công… Nhiều đơn vị đã tích cực giải quyết những khó khăn, vướng mắc của người lao động; xây dựng mối quan hệ lao động đồng thuận, hài hòa, ổn định, tiến bộ trong doanh nghiệp; xây dựng tác phong, lề lối làm việc theo hướng tạo thuận lợi cho khách hàng... nhờ đó đã góp phần ngăn ngừa tình trạng độc đoán, tăng cường sự đoàn kết, kiểm tra, giám sát và nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của các đơn vị.
          Có thể nói, việc triển khai sâu rộng và đồng bộ quy chế dân chủ ở cả 03 loại hình đã thực sự phát huy được ý chí tinh thần và các nguồn lực vật chất tiềm tàng trong các tầng lớp nhân dân; huy động được sức mạnh tổng hợp của mọi thành phần dân cư, các tổ chức xã hội cùng tiến quân vào mặt trận chỉnh trang, xây dựng, phát triển. Bởi Kon Tum là tỉnh mới tái lập, do đó việc xây dựng và phát triển hạ tầng, chỉnh trang đô thị là điều chắc chắn, trong quá trình đó, việc đền bù giải phóng mặt bằng là một vấn đề nổi cộm, nếu không thực hiện nghiêm, đúng qui chế dân chủ sẽ dễ xảy ra khiếu nại, tố cáo vượt cấp. Mặt khác, nếu thực hiện tốt quy chế dân chủ được nhân dân đồng tình ủng hộ - đó là yếu tố để chúng ta tạo lập nên những kỳ tích mới trong công cuộc xây dựng và phát triển quê hương.
Có được những kết quả cơ bản trên do nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân cơ bản, quyết định vẫn là con người. Con người cụ thể ở đây là đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức - những công bộc của dân đã hiểu được những tư tưởng then chốt của quy chế dân chủ, đã thống nhất được ý chí, hành động nên mới tạo kết quả tốt cho cả một tập thể. Thực tế này có thể khẳng định rằng, thông qua thực hiện quy chế dân chủ đã mang lại sự đổi mới quan điểm và phong cách lãnh đạo theo hướng phát huy tinh thần dân chủ đối với nhân dân, phát động và xây dựng trong đội ngũ cán bộ lãnh đạo và công chức các cấp phong cách làm việc thực sự "trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân".
Như vậy, mục đích của việc thực hiện quy chế dân chủ là hướng vào tính hiệu quả công việc, loại bỏ những chồng chéo, phiền hà, đảm bảo sự công khai, minh bạch trong hành động. Sự tinh gọn trong mọi thủ tục cũng đồng nghĩa giảm bớt tiêu cực, do vậy để quy chế dân chủ phát huy đúng nghĩa thì trong mọi hoàn cảnh, tự bản thân người thực hiện phải loại bỏ tư tưởng cá nhân, vụ lợi.
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt mà tỉnh đã đạt được, cũng cần nhìn nhận một cách thẳng thắng rằng, nhiều việc chúng ta làm chưa tốt, đó là:
- Chưa công khai các khoản huy động của nhân dân và quy trình, thủ tục giải quyết hành chính; có nơi những yêu cầu chính đáng của nhân dân chưa được giải quyết kịp thời.
- Một số cấp ủy, chính quyền chưa gắn lãnh đạo, chỉ đạo nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội với xây dựng và thực hiện quy chế dana chủ ở cơ sở.
- Vai trò giám sát của mặt trận, các đoàn thể nhiều địa phương chưa tích cực.
- Công tác kiểm tra, sơ kết, tổng kết, xây dựng chương trình thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở của một số cấp ủy, chính quyền chưa được coi trọng đúng mức.
- Việc xây dựng quy chế thực hiện dân chủ ở một số cơ quan còn hình thức, chưa sát yêu cầu nhiệm vụ đơn vị.
- Trong lãnh đạo, điều hành của một số cấp ủy, thủ trưởng cơ quan chưa gắn thực hiện quy chế dân chủ với nhiệm vụ chính trị của đơn vị, nên công tác kiểm tra, đôn đốc, sơ kết, tổng kết thực hiện quy chế dân chủ  tại đơn vị chưa được coi trọng. Vẫn còn dư luận chê trách về thiếu tinh thần trách nhiệm, gây phiền hà của một số cơ quan trong giải quyết công việc với công dân.
- Hoạt động của công đoàn, ban thanh tra nhân dân nhiều cơ quan chưa phát huy hiệu quả. Một số yêu cầu, thắc mắc của tổ chức, công đoàn liên quan đến sử dụng dịch vụ giải quyết chậm. Thực hiện quy chế dân chủ ở loại hình công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn chưa được triển khai mạnh mẽ.
- Một số trưởng thôn, tổ trưởng dân phố năng lực điều hành còn lúng túng, tinh thần trách nhiệm và tác phong làm việc chưa tốt. Khối lượng công việc tự quản ở thôn ngày càng nhiều, trưởng thôn, tổ trưởng dân phố thường thay đổi, chế độ phụ cấp thấp, nên hạn chế nhất định đến chất lượng điều hành tự quản ở khu dân cư.
Vậy, vấn đề đặt ra là làm thế nào quy chế dân chủ cơ sở được thực hiện đúng thực chất ? Theo tôi, trong thời gian tới, các cấp, các ngành phải triển khai thực hiện tốt một số nội dung công việc sau:
Một là, phải kiện toàn, củng cố, nâng cao chất lượng, đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của hệ thống chính trị cơ sở. Đây là vấn đề lớn, không dễ thực hiện trong một sớm một chiều được, song vẫn phải thực hiện nghiêm túc - nhất là trong thời gian tới, khi triển khai thực hiện thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân huyện, quận, phường (theo Quyết định số 241/QĐ-TTg ngày 23-02-2009 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 26/2008/QH12, ngày 15-11-2008 của Quốc hội khoá XII) và trong tháng 01-2011 tới, Trung ương sẽ tổ chức tổng kết thí điểm để triển khai thực hiện trên diện rộng. Vì thế, hệ thống chính trị cơ sở ngay từ bây giờ nếu không được kiện toàn, củng cố, đổi mới, cũng như vai trò, trách nhiệm của cán bộ cơ sở, nhất là những cán bộ lãnh đạo chủ chốt, nếu không tự nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, không ngừng học tập... sẽ bị đào thải.
Hai là, giáo dục nhận thức cho cán bộ, đảng viên trong việc thực hiện Quy chế dân chủ. Công việc này phải thực hiện thường xuyên, liên tục.
Ba là, tăng cường công tác phối hợp giữa Mặt trận Tổ quốc với Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân, các đoàn thể cùng cấp trong việc thực hiện Quy chế dân chủ. Đây cũng là một vấn đề rất quan trọng. Bởi vì, đặc điểm chung của hệ thống chính trị nước ta là quyền lực nhà nước không phân chia mà tập trung thống nhất, có sự phân công, phân cấp và phối hợp trong thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp. Do vậy, ở đây các cấp, các ngành, các tổ chức phải có sự phối hợp đồng bộ cùng thực hiện, tránh tình có nơi chồng chéo, có nơi bỏ trống địa bàn. Theo tôi, để thực hiện tốt công việc này, giữa các cơ quan, đơn vị có nhiệm vụ liên quan... phải đề ra quy chế phối hợp một cách cụ thể, rõ ràng, minh bạch, làm cơ sở cho nhân dân giám sát các hoạt động của cơ quan nhà nước(2).
Bốn là, để thực hiện tốt các việc trên, phải chọn khâu đột phá là công tác cán bộ. Phải thực hiện chế độ, chính sách đãi ngộ gắn với nâng cao trách nhiệm và công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cơ sở.... Cán bộ có đủ phẩm chất, năng lực, trình độ mới bố trí vào các chức danh lãnh đạo. Gần đây, ta chú trọng nhiều đến công tác quy hoạch, tạo nguồn cán bộ. Điều đó là cần thiết, nhưng trong quy hoạch phải tuyệt đối tránh tình trạng “chạy chức” - bởi đó là mầm mống cho chủ nghĩa cơ hội, thực dụng phát triển.
Năm là, cần phải đấu tranh chống tệ quan liêu, tham nhũng, dân chủ hình thức và tư tưởng cơ hội, cá nhân chủ nghĩa cũng như lợi dụng dân chủ dẫn đến vô tổ chức, thiếu kỷ cương. Có như vậy chúng ta mới thực hiện tốt Chỉ thị số 30 của Bộ Chính trị về thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở có hiệu quả.
Một số vấn đề nêu trên là không toàn diện, chắc không tránh khỏi những thiếu sót, hạn chế nhất định, rất mong được quý vị luận bàn thêm.



(0) Pháp lệnh số 34/2007/PL-UBTVQH11 ngày 20-04-2007.
(1) Như Chỉ thị số 38/1998/CT-TTg ngày 11-11-1998 của Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai thực hiện dân chủ trong hoạt động cơ quan; Thông tư liên tịch số 03/2000/TTLT-BTP-BVHTT-UBTWMTTQVN ngày 31-03-2000 giữa Bộ Tư pháp, Bộ Văn hoá Thông tin và Uỷ ban TWMTTQVN hướng dẫn việc xây dựng và thực hiện quy ước, hương ước của làng, bản, thôn, ấp, cụm dân cư; Hướng dẫn số 14/HD-BCĐ ngày 20-01-2005 của Ban Chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ Trung ương về tiếp tục chỉ đạo xây dựng thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; Quyết định số 192/2004/QĐ-TTg ngày 16-11-2004 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành quy chế công khai tài chính đối với ngân sách nhà nước các cấp, các đơn vị dự toán ngân sách, các doanh nghiệp nhà nước và quỹ có nguồn thu từ các khoản đóng góp của dân….
(2) Ngày 10-07-2009, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch số 1350/KH-UBND về tổ chức tổ chức hiện “Năm dân vận chính quyền”, trong đó có đề ra nhiệm vụ: Giao Sở Nội vụ, Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Ban Dân vận Tỉnh ủy xây dựng quy chế phối hợp trong việc thẩm định các chương trình, dự án có liên quan đến quyền và nghĩa vụ người dân trước khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét