9/11/13

VỀ VAI TRÒ CỦA GIÀ LÀNG HIỆN NAY



 
Hà Xuân Nguyên


Làng của đồng bào các dân tộc bản địa ở Kon Tum nói riêng, Tây Nguyên nói chung đều sống theo nếp tự quản, vận hành trên cơ sở luật tục(1) - theo đó, ngoài Trưởng làng quản lý chung còn có các bô lão, thầy cúng và những người giỏi về chỉ huy quân sự thời còn “chiến tranh làng”...
Trong thời gian qua, thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, cũng như sự quan tâm, tạo điều kiện của chính quyền các cấp, các già làng (người có uy tín trong cộng đồng) là hạt nhân nòng cốt của tổ hòa giải, đã vận động bà con thực hiện có hiệu quả phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư, Toàn dân tham gia phát hiện tố giác tội phạm, giáo dục cảm hoá người lầm lỗi tại cộng đồng dân cư
Đồng thời, các già làng cũng đã tích cực tuyên truyền, giáo dục bà con nâng cao ý thức cảnh giác với âm mưu các thế lực thù địch; thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội; thực hiện kế hoạch hoá gia đình; chăm lo vệ sinh môi trường; thực hiện phong trào khuyến học, vận động học sinh đến trường... Thông qua những việc làm đó, cộng đồng các dân tộc tỉnh Kon Tum đã gắn bó càng gắn bó keo sơn hơn, đã đoàn kết càng đoàn kết hơn…, góp phần bồi đắp, hun đúc nên nền văn hóa thống nhất trong đa dạng, tiên tiến và đậm đà bản sắc dân tộc.
Tuy nhiên, trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, vấn đề bảo tồn, phát triển văn hóa truyền thống dân tộc đang đặt ra nhiều thách thức, đòi hỏi rất cần có sự góp sức của các già làng. Bởi gần đây, qua quan sát thực tế chúng tôi thấy rằng, các hiện tượng văn hóa ngoại lai du nhập có biểu hiện “lệch chuẩn” với thuần phong mỹ tục truyền thống đang được một bộ phận thanh niên tiếp nhận ngày càng phát triển đáng lo ngại…
Giải pháp để ứng phó với thực trạng trên đã có nhiều, được nhiều ngành, nhiều cấp triển khai, tôi xin không nhắc lại, nhưng xin kiến nghị một vài ý nhỏ sau:
1. Đối với các già làng:
- Các cụ đã gương mẫu rồi càng phải gương mẫu hơn nữa, phải tự nâng cao trình độ bản thân, phải hiểu biết nhiều về kiến thức xã hội, tự nhiên để dạy và truyền lại cho con cháu không để mai một văn hóa truyền thống vốn có từ lâu đời; đồng thời
__________________________________________________________

(1). Đó là những quy ước, quy tắc xã hội chỉ dẫn cách đối nhân xử thế, xác định hành vi tội phạm theo truyền thống văn hóa của cư dân, xác lập hệ thống tôn ti trật tự, chế định các mối quan hệ xã hội. Luật tục không chỉ có giá trị khi phân xử mà còn là “kim chỉ nam” khuyên răn, hướng dẫn nhằm làm cho mọi người sống đúng theo tập tục truyền thống của cha ông mình.

tiếp tục phát huy những việc đã làm được, làm sao cho bà con nhân dân một lòng tin Đảng và theo Đảng;
- Trong bất cứ vấn đề gì, già làng phải là người làm trước cho bà con thấy để họ tin rồi làm theo; nói đúng như làm, phải đi sâu đi sát cơ sở, biết bà con cần gì... để có cách tuyên truyền, vận động thích hợp và kịp thời đề đạt những yện vọng của bà con để chính quyền xem xét, giải quyết một cách thỏa đáng…
2. Đối với chinh quyền các cấp:
- Để tạo điều kiện cho các già làng làm tốt các nhiện vụ trên, các cấp chính quyền, các ngành chức năng cần có chính sách hỗ trợ, tùy theo điều kiện, khả năng cho phép có thể đưa các già làng đi tham quan, học hỏi có thêm nhiều kinh nghiệm về hướng dẫn bà con thực hành (nội dung đã được các địa phương triển khai, nhưng chưa thường xuyên); đồng thời định kỳ tổ chức gặp mặt, thông tin một số tình hình liên quan của đất nước và địa phương cho các già làng biết để làm tốt công tác vận động, tuyên truyền…
- Liên quan đến già làng, tôi mạnh dạn đề nghị: Đối với các làng dân tộc nên quy định già làng kiêm luôn trưởng thôn. Bởi khi đặt ra quy định già làng làm trưởng thôn - theo tôi sẽ có những mặt được cơ bản là:
Thứ nhất, sẽ tranh thủ được sự ủng hộ của già làng - điều này cũng có nghĩa là đã lôi kéo được quần chúng trong làng.
Thứ hai, chuyển chế độ hỗ trợ trưởng thôn cho già làng hưởng (tuy không nhiều) có điều kiện động viên già làng tích cực tham gia công tác xã hội, đồng thời giảm bớt một đầu mối ở cấp cơ sở. Điều này phù hợp với chủ trương cải cách mà chúng ta đang thực hiện.
Thứ ba, quy định già làng làm trưởng thôn cũng đồng nghĩa với việc chúng ta đang tôn vinh vai trò già làng, tạo tiền đề trong việc tiếp tục bảo lưu, phát huy các giá trị truyền thống văn hóa tốt đẹp từng dân tộc cho phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện mới, vừa tạo lập một cơ chế đề kháng hiệu quả chống lại các lai căn văn hoá không lành mạnh bên ngoài tác động.
Thứ tư, để già làng làm trưởng thôn là bước đi sáng tạo của chính quyền cơ sở trong việc vận dụng chỉ đạo của Trung ương vào thực tế địa phương (chứ không phải việc làm đó là vi phạm pháp luật, không chấp hành quy định cấp trên). Vấn đề này đáp ứng được yêu cầu đòi hỏi của thực tế, hợp với quy luật và đặc điểm vùng đồng bào dân tộc thiểu số không chỉ ở Kon Tum mà tôi nghỉ ở cả Tây nguyên hiện nay.
Thứ năm, về vấn đề kinh phí. Theo quy định hiện hành, nhiệm kỳ trưởng thôn là 2 năm. Kinh phí chi cho mỗi lần tổ chức họp dân để bầu trưởng thôn theo tôi ít nhất là 500.000 đồng/thôn, ngân sách chi cho công việc này sẽ không nhỏ (như tỉnh Kon Tum có 842 thôn, tổ dân phố, trong đó có 677 thôn dân tộc. Do vậy, khi tổ chức bầu trưởng thôn chi phí bỏ ra ít nhất là 500.000 đồng/thôn). Bài toàn kinh tế đã đặt ra cho chúng ta nhiều suy nghĩ để có cách lựa chọn thích hợp.
Tuy nhiên, bên cạnh mặt được đã nêu, việc quy định già làng kiêm trưởng thôn cũng có mặt trái cần nêu ra để thảo luận, trao đổi một cách thẳng thắn, đó là:
Một, hiện nay có một số già làng tuổi quá cao, sức yếu, không có trình độ, nếu “cơ cấu” vào làm trưởng thôn sẽ gặp không ít khó khăn. Đối với trường hợp này chính quyền cơ sở cần linh động, không máy móc, cứng nhắc, tức là xem xét, lựa chọn vị kế nhiệm già làng tương lai để trao cho chức vụ trưởng thôn.
Hai, thực tế nhiều làng có nhiều tộc người sinh sống, có thể mỗi tộc người theo một tôn giáo, già làng cũng theo một tôn giáo nhất định nào đó. Vậy, khi đảm nhận thêm chức vụ trưởng thôn liệu già làng có sự thiêng lệch chăng ? Theo tôi, vấn đề này cũng không quá lo lắng. Bởi trưởng thôn chỉ là người truyền đạt, thực thi nhiệm vụ của cấp trên giao phó, nên cấp trên sẽ giám sát. Nhưng bằng kinh nghiệm thực tế, tôi tin rằng dù theo tôn giáo nào, dù đại diện cho tộc người nào, đã là công dân hay tín đồ trong một làng thì ý thức về vai trò trách nhiệm đối với già làng vẫn không thay đổi.
Ba, hiện nay nhiều nơi trong một làng (làng ở đây được hiểu là ngang với cấp thôn, tổ dân phố) còn có thêm nhiều làng nhỏ nữa (ít nhất là 02 làng nhỏ), như vậy có xảy ra mâu thuẫn khi để già làng làng này nhân danh trưởng thôn qua lãnh đạo già làng làng khác không - nhất là khi 02 làng không cùng tộc người, tôn giáo ? Điều này có thể xảy ra, nhưng thực tế số làng có đặc điểm ngoại lệ này rất ít. Nếu có, thì giải quyết bằng cách để dân tự chọn trưởng thôn hoặc đề nghị Uỷ ban nhân dân tỉnh ra quyết định thành lập thêm thôn, làng mới (nếu đủ điều kiện).
Bốn, có ý kiến nêu rằng, hiện nay nhiều làng không có già làng thì lấy ai làm trưởng thôn. Tôi cho rằng đây là ngộ nhận. Bởi vì, đã là làng của người dân tộc đều có già làng, thậm chí có dân tộc còn có cả hội đồng già làng. Sở dĩ chính quyền “không thấy” già làng là do không sâu sát cơ sở, không biết phát huy được tác dụng của già làng đối với xã hội, nên không quan tâm. Mặt khác, trong vùng có đạo vai trò già làng ít được đề cao hơn vai trò của những chức sắc, chức việc tôn giáo. Như vậy, hướng giải quyết tốt nhất cho tình huống này là để dân và tín đồ cùng lựa chọn.
Tóm tại, vấn đề nêu ra không mới, song rất thực tế, rất mong các cấp, các ngành có trách nhiệm liên quan xem xét./.
_________________





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét