20/3/14

NGƯỜI THÁI VÀ TỤC LÀM VÍA LIÊN QUAN ĐẾN NGOẠI TÌNH

                                                                          SẦM VĂN BÌNH

·                                                                 Thứ năm, 13 Tháng 3 2014
·Thực ra thì xưa nay hành vi “ngoại tình” theo những liệt kê trên đây chỉ là số ít so với hành vi “tằng tịu”, “dan díu” khá phổ biến trong xã hội nói chung và trong xã hội người Thái nhóm Tay Mương ở Nghệ An nói riêng. Trong hành vi “tằng tịu” và “dan díu” có sự khác biệt với cả một loạt hành vi được liệt kê, quy định để xử phạt trên đây; và về bản chất thì đây chỉ là một sự a dua, đồng lõa của hai bên nam nữ trong một/ hoặc những khoảng thời gian gặp nhau tương đối ngắn đủ cho một sự chung đụng của hai bên… Sau sự a dua và đồng lõa đó thì hai bên ai về nhà nấy, vẫn là vợ chồng con cái “của ai nấy chăm”, tuy nhiên khi có cơ hội thì sự a dua, đồng lõa đó lại tiếp tục diễn ra giữa hai người với nhau, hoặc ngay cả giữa người này với một người khác nữa…
Quan niệm về nhân sinh của người Thái cho rằng, sở dĩ có những người, những đàn ông và đàn bà có tính trăng hoa là bởi tính cách đó đã được định sẵn trong hồn vía của họ, định sẵn từ trên Mường Trời. Và khi được đầu thai ở mường Hạ giới, tùy theo hoàn cảnh, quan niệm và môi trường sống xung quanh mà cái sự “định tính” đó được bộc lộ ra hoặc nhiều hoặc ít. Hồn vía của những người “trăng hoa” thường hay quần tụ với nhau ở một mường rất đẹp trên trời (tiên cảnh), bản thân “hồn vía” của họ cũng đẹp như tiên (nhất là với những “vía” sau khi sinh ra sẽ bị chết trẻ hoặc chết do bi kịch tình duyên đôi lứa), khiến cho “vía” những người mẹ đi tìm “vía” cho đứa con sau này của mình dễ bị mê mẩn quyến rũ, để dễ dàng nhận lấy họ vào trong “vía” mình để đưa về làm con ở mường Hạ giới.
Trong quan niệm về “duyên nợ” của người Việt và người Thái đều cùng có sự tương đồng cho rằng “duyên” là cái cơ hội gặp gỡ (có thể là ngắn ngủi), và “nợ” là cái sự níu kéo, chi phối, gắn quyện với nhau về lâu về dài, hoặc cũng có thể phát triển theo kiểu “bỏ thì thương, vương thì tội”. Vợ chồng gắn bó với nhau theo mô hình viên mãn mà người ngoài mong muốn, thì tốt nhất là có cả hai chữ “duyên nợ” với nhau- theo đó vợ chồng có đôi ba trường hợp ông chủng bà chẳng, chửi bới nhiếc móc nhau suốt ngày suốt tháng cho đến… đầu bạc răng long vẫn không phân thắng bại.

Như phần trên đây cho thấy, giải thích về nhân sinh của người Thái có vẻ như đi theo xu hướng dựa vào “sự đã rồi” để phần nào biện minh cho thực trạng “ngoại tình”. Dù vậy, gia đình là gia đình, cuộc sống vẫn là cuộc sống khi người Thái nêu rõ trách nhiệm cá nhân trong việc dựng xây hạnh phúc cho gia đình. Có câu:
“Mẻ mài phúa tái xạc xỉ au
Mẻ hạng phúa hặc xé nha au”
Nghĩa là: “Người đàn bà ở góa do chồng mất thì có thể lấy về làm vợ. Người đàn bà chồng bỏ thì không nên lấy”. Ở đây có cách nghĩ cho rằng, tình cảnh “chồng mất” là do số phận của người chồng cộng với duyên nợ vợ chồng mà tạo nên; với người vợ đây là tình huống do khách quan gây ra. Còn với tình cảnh của người đàn bà “chồng bỏ” thì cũng do duyên nợ vợ chồng nhưng với người vợ không phải là khách quan mà có phần do chủ quan từ phía người vợ. Cách nghĩ ở vế sau không đúng lắm về “nữ quyền” nhưng có thể chiếm đa phần đúng khi xét theo lễ giáo phong kiến của người Thái, trong xã hội mà việc ly hôn hầu như không được chấp nhận nên chẳng mấy khi xảy ra.
Ngay cả trong thời hiện đại ngày nay, trong xã hội người Thái, rải rác ở mường này bản kia vẫn có một đôi trường hợp được cho là (người đàn bà) tranh chồng, quyến rũ chồng người khác, hoặc người đàn ông li thân với vợ để đi sống như vợ chồng với người đàn bà khác… Chỉ những hành vi này mới phù hợp để áp dụng các mực phạt theo Nghị định 110/ 2013/ NĐ- CP. Tuy nhiên, từ ngữ “chung sống như vợ chồng với người khác” trong trường hợp “tằng tịu, chung đụng”  giữa hai người đàn ông và đàn bà với nhau có vẻ là không hoàn toàn chính xác. Kể cả trong hành vi “chung sống với nhau” hay chỉ là “tằng tịu, chung đụng” thì khi hai người bị bắt quả tang, người ta dễ hình dung ra những cảnh đánh ghen dã man hoặc những hành động cảnh cáo, ngăn cấm, răn đe vượt quá mức cần thiết- và trong hầu hết trường hợp, người phải hứng chịu hậu quả nặng hơn thường rơi vào bản thân người phụ nữ…
Người Thái theo quan niệm như đã nêu trên nên chẳng mấy khi đánh ghen làm xáo trộn cuộc sống trong bản mường. Cách thức sinh hoạt của người Thái cũng khá giản đơn với số nhân khẩu trong từng bản là không quá đông đúc; các mối quan hệ anh em, họ hàng, thông gia cũng không đến nỗi đan xen phức tạp… Tuy nhiên, khi có trường hợp bắt quả tang bằng chứng “tằng tịu” của đôi “gian phu- dâm phụ” rõ ràng trắng đen “nam trên- nữ dưới” thì trong luật tục người Thái được truyền lại từ xưa, phải có một lễ làm vía được tiến hành trong thời gian sau đó thì mới có thể êm xuôi mọi chuyện- nghĩa là êm xuôi về cả phần hồn vía lẫn phần thể xác của những người liên quan, kể cả với người “có công” “bắt quả tang” hay bắt được/ bắt gặp… Thực ra không hề có một quy định, trình tự hay một điều luật tục cụ thể nào cho vấn đề này. Ở đây cộng đồng chỉ nghĩ đơn giản theo hướng nếu có người đã mắc lỗi (mắc vạ- và bị bắt quả tang) thì phải chịu phạt (phạt vạ) để bản thân phải chấp nhận để không tái phạm và mang tính răn đe dối với nhiều người khác.
Và… trong tất cả các buổi lễ làm vía theo phong tục của người Thái thì buổi lễ làm vía này diễn ra lặng lẽ nhất, âm thầm nhất…. Cũng phải thôi, là con người dù cho có mắc lỗi và đã đồng ý sửa lỗi thì mấy ai lại mong cho chuyện này thành ra chuyện rùm beng bao giờ. Các ông thầy cúng được mời cúng cho mâm lễ cũng theo cái “nghiệp” mà làm chứ cũng chẳng lấy làm mặn mà gì. Tuy vậy, thỉnh thoảng trong một vài dịp nói trạng giữa đàn ông với nhau, người ta có thể bịa đặt ra những lời cúng “trời ơi đất hỡi” vô cùng hài hước có thể là mang tính tục tĩu nữa, thường là đơn thuần chỉ để làm vui nên tránh đả động đến những gì được coi là tình tiết… Tuy nhiên, điều dễ nhận ra là bất cứ ai có ý tìm hiểu hoặc dò hỏi sâu hơn về những chuyện “mâm cúng phạt vạ” này thường được người nghe nói lấp liếm cho qua chuyện và tế nhị chuyển sang chủ đề khác.
Chắc chắn ngoài dân tộc Thái ra, các dân tộc khác cũng có những quy định, những luật tục cho dù không thành văn thì vẫn mang ý nghĩa luôn gìn giữ, bảo vệ sự bình yên cho từng gia đình trong cộng đồng, tránh được càng nhiều càng tốt những sự việc đáng tiếc gây tác động xấu đến hạnh phúc của mỗi gia đình, mãi mãi giữ được nét êm ấm trong bản mường như tự ngàn xưa vẫn vậy…/.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét