7/11/13

THỰC TRẠNG VỀ CÔNG TÁC GIÁO DỤC ĐÀO TẠO Ở TÂY NGUYÊN HIỆN NAY - VẤN ĐỀ ĐẶT RA VÀ GIẢI PHÁP THỰC HIỆN


  Thạc sĩ  Hà Xuân Nguyên


I. ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH
 Tây nguyên thời gian qua được sự quan tâm đầu tư rất lớn của Đảng, Nhà nước, đặc biệt là từ khi có Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị đến nay, đời sống vật chất và tinh thần của người dân không ngừng được cải thiện, nhiều gia đình trước đây khó khăn nay đủ ăn, có tích luỹ; điện lưới quốc gia đã đến ở nhiều bản làng, cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng thoả đáng.... Đặc biệt là trong lĩnh vực giáo dục, tỷí lệ học sinh đến trường ngày một tăng, đội ngũ giáo viên ngày càng chuẩn hoá và được bổ sung kịp thời. Thế nhưng, do đặc thù là địa bàn miền núi còn chịu sự chi phối, tác động của nhiều yếu tố, nên công tác giáo dục, đào tạo vẫn còn đặt ra nhiều thách thức. Qua tìm hiểu thực tế, chúng tôi xin nêu lên các vấn đề sau:

1. Có sự chênh lệch lớn về dân trí và chất lượng giáo dục giữa người kinh và đồng bào dân tộc, giữa vùng thuận lợi và vùng khó khăn.
Hiện nay, tại các xã vùng sâu, vùng xa, nhận thức về xã hội, hiểu biết về pháp luật ở người dân chưa cao; nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần, vật chất chưa được chính quyền quan tâm thoả đáng. Tỷ lệ biết chữ Hiện tại, ở nhiều làng, ngoài số cán bộ về hưu, cán bộ đương chức, cựu chiến binh và số học sinh đang theo học, thì những đối tượng còn lại (chiếm tỷ lệ lớn) đều không biết chữ - trong đó nhiều nhất là phụ nữ. Nguyên nhân này có 2 lý do sau: Một là, đối với người đã có gia đình, bản thân họ chưa ý thức được tầm quan trọng của việc học nên không thích đi học xoá mù, cùng với việc ở xa trường học nên họ cũng không muốn cho con cái đi học; Hai là, địa phương tuy có quan tâm đến việc xoá mù, việc học nhưng chưa thật sự tạo nên một phong trào lớn.
Tính đến nay, hầu hết các thôn làng đều có trường lớp. Nhiều thầy cô giáo ở vùng đồng bằng, từ miền xa không ngại khó, ngại khổ đem cái chữ đến với các em, đến với đồng bào. Song sự nhiệt tình đó chưa đủ điều kiện để tạo nên sự chuyển biến trong nhận thức người dân về việc học của con em mình và chính cho bản thân họ, ảnh hưởng tới chất lượng giáo dục, nên sản phẩm "đầu ra" còn thiếu và chưa chưa ngang tầm với mặt bằng xã hội. Nhiều em mang danh là học lớp 4, lớp 5 nhưng nói và viết tiếng Việt vẫn chưa thạo, điều hết sức sơ đẳng đối với một học sinh ở vùng đồng bằng là đọc, viết, cộng các phép tính đơn thuần thì lại “đau đầu hóc búa” đối với các học sinh người dân tộc. Từ thực tế này dẫn đến hiện tượng: nhiều em bỏ học vì kiến thức bị hổng, rồi lại không thích đi học, hoặc vì hay bị thầy cô la mắn nên có một bộ phận không nhỏ em có tư tưởng quậy phá. Trong hki đó, Nhà nước có chính sách ưu tiên tạo điều kiện cho học sinh dân tộc theo học tại các trường chuyên nghiệp, hay dưới dạng cử tuyển để về phục vụ lâu dài tại quê hương, nhằm tạo nguồn cán bộ về sau, nhưng vẫn không đủ chỉ tiêu đề ra (vì không có người). Nhiều bậc phụ huynh vẫn còn thích để con em mình ở nhà đi rẫy hơn là đến trường.
Từ vấn đề này dẫn đến thực trạng là thiếu cán bộ làm việc, khi tại chỗ không đủ để cơ cấu bố trí nên cần phải đưa người từ nơi khác đến bổ sung (phần lớn là người kinh), thì đây là điều kiện cho kẻ địch tuyên truyền xuyên tạc rằng người kinh đi “cai trị” người dân tộc, đã ảnh hưởng đến khối đại đoàn kết toàn dân, làm cho một bộ phận nhỏ quần chúng nghi ngờ, không ủng hộ cán bộ, không ủng hộ chính quyền - nhất là với người có đạo. Vậy làm thế nào để nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo cho những nơi khó khăn; làm thế nào càng có nhiều học sinh địa phương theo học các trường chuyên nghiệp trong toàn quốc; làm thế nào xóa được nạn mù chữ trong thanh thiếu niên hiện nay...v.v.. và còn nhiều vấn đề khác nữa.... đang là mối quan tâm của lãnh đạo các cấp, các ngành. Nếu để tình trạng chênh lệch về điều kiện dân trí, giáo dục giữa các vùng còn tái diễn thì việc phổ biến pháp luật, chính sách đến với người dân sẽ không đem lại hiệu quả cao như mong đợi.
2. Có hiện tượng “tái mù chữ” ở người đồng bào dân tộc
Thực hiện chủ trương phổ cập giáo dục và xóa mù chữ trên cả nước, các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương và nhân dân các dân tộc Tây nguyên từng bước nhận thức được tầm quan trọng, cấp bách của việc học, đã tích cực vận động động viên mọi người, mọi đối tượng đi học chữ để xóa mù. Đây là chủ trương lớn, thể hiện quyết tâm của Đảng, Nhà nước ta tuyên chiến với giặc dốt, nhờ vậy mà có nhiều người trước đây không có điều kiện học tập, hay gia đình khó khăn, xa trường, xa lớp nay mới học chữ “thoát mù”, tham gia tích cực vào công tác ở địa phương. Tuy nhiên, bên cạnh thành tích đạt được thì thực tế vẫn còn nhiều vấn đề đặt ra để chúng ta trăn trở, suy nghĩ là: Có một số người trước đây được công nhận là biết chữ (đã qua lớp xóa mù) thì phần lớn nay đều “mù” lại, hỏi họ đã đọc và viết được chưa thì câu trả lời rằng: ”Quên hết rồi”, thậm chí ngay cả những cán bộ xã, thôn viết và đọc vẫn chưa trôi chảy chứ nói gì những người mới “xóa mù”.
Một nghịch lý thấy thường xảy ra ở những nơi khó khăn là, tuy được chính quyền rất quan tâm, đầu tư vào giáo dục nhưng hiệu quả không cao. Vì chạy theo “thành tích” nên nhiều địa phương chỉ chú ý đến phong trào chứ chưa chú trọng về chất lượng giáo dục, dẫn đến hiện tượng tô hồng hiện thực hoặc báo cáo sai sự thật.
3. Tình trạng thiếu giáo viên, thiếu trường lớp, thiếu cơ sở vật chất vẫn đang còn phổ biến, chậm khắc phục
Có một thực tế (và cũng rất thực tế) là: nhiều thầy cô giáo trẻ mới ra trường ngại đến dạy nơi vùng sâu, vùng xa, chỉ thích ở lại thành phố, nên dẫn tới tình trạng thiếu giáo viên miền núi, nhưng thừa giáo viên ở thành phố, thị xã. Sự mất cân đối này do nhiều nguyên nhân, nhưng có lẽ rõ nhất, cụ thể nhất là cả trung ương và địa phương chưa có chính sách ưu đãi thỏa đáng; hơn nữa, công tác tổ chức cán bộ chưa được các ngành chức năng thực hiện tốt. Cụ thể rằng: khi điều động, phân công nơi dạy cho giáo viên mới ra trường đến những vùng khó khăn, xa xôi, các ngành chức năng thường kèm theo lới hứa “sẽ xem xét và luân chuyển sau” nhưng thực tế không phải vậy. Nhiều người đã “hết thời hạn” mà không xin chuyển được, muốn đi phải có tiền đút lót, “chạy cửa sau”, tạo nên tiền lệ cho tệ tham nhũng hoành hành, gây nên sự bất công, bất mãn trong một bộ phận không nhỏ giáo viên; nhưng cũng có nhiều người do gắn bó với nghề mà hiến cả tuổi thanh xuân của mình để ở lại dạy chữ cho các em, khó khăn vất vả là thế nhưng họ vẫn vui, không bao giờ đòi hỏi một quyền lợi gì. Đi đôi với những tồn tại trên thì cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học ở đây còn gặp nhiều khó khăn; đồng thời cũng do xa trung tâm nên việc soạn giáo án, kiểm tra giáo án giáo viên rất chểnh mãn, chưa thực hiện nghiêm; tình trạng thiếu thầy, thiếu trường vẫn còn diễn ra chậm khắc phục. Đặc biệt, hệ thống các trường nhiều nơi chưa xây dựng được, vẫn còn tường nan vách đất, vẫn còn tình trạng học ghép, học 3 ca, chưa tạo nên sự yên tâm cho các bậc phụ huynh học sinh.
4. Xã hội hóa giáo dục còn hạn chế nhiều mặt, người dân chưa nhận thức được vai trò của giáo dục đối với sự phát triển xã hội
Đến nay, ngành giáo dục cả nước đang thực hiện chủ trương xã hội hóa nhằm huy động nguồn lực to lớn trong nhân dân cùng lo việc xã hội, được đông đảo mọi người hưởng ứng, đón nhận và chấp hành tương đối tốt tại các khu vực đồng bằng, thành thị; riêng khu vực miền núi thì chưa tốt. Bởi vì, những nơi này người kinh cư trú phần đông, đời sống kinh tế có khá giả, họ nhận thức được tầm quan trọng của giáo dục, hơn nữa lại có khả năng tài chính nên mọi vấn đề khi được chính quyền nêu lên họ rất tán thành, ủng hộ; nhưng với người dân tộc làm không đủ ăn thì không thể bắt buộc họ làm tốt vấn đề này. Nói vậy, chúng ta không thể phủ nhận sự đóng góp bằng công sức của họ trong việc xây dựng trường lớp (dĩ nhiên là thủ công thô sơ) cho con em ở địa phương đi học. Mặt khác, nguyên nhân của việc chậm chạp có liên quan đến cả một vấn đề lớn của xã hội mà chúng ta chưa giải quyết một cách dứt điểm và đồng bộ, đó là sự chênh lệch giữa đồng bằng và miền núi, giữa thành thị và nông thôn một cách căn bản thì sự trì trệ trên đều có lý do tồn tại. Chúng tôi nghĩ rằng đến lúc không phải hô hào khẩu hiệu xã hội hóa giáo dục một cách chung chung mà phải có kế hoạch, chương trình hành động thật cụ thể để vừa tuyên truyền, vừa vận động, vừa hướng dẫn người dân thực hiện, lúc đó mới hy vọng đạt kết quả tốt hơn. Điều này không có gì khó, nhưng khó là ở khâu cán bộ, khâu tổ chức thực hiện ra sao và sự quan tâm của cấp ủy đảng, chính quyền nơi đó nữa.
II. MỘT SỐ GIẢI PHÁP KHẮC PHỤC
Trong tình hình hiện nay, việc đề ra một giải pháp khắc phục tình trạng trên để áp dụng cho các địa phương ở Tây nguyên là rất khó khăn. Song, không vì thế mà chúng ta nhụt chí. Theo suy nghĩ của chúng tôi để khắc phục tình trạng trên, chúng ta cần thực hiện:
1. Tây nguyên phải thực hiện xã hội hoá giáo dục. Đây là trách nhiệm của toàn dân, toàn xã hội, trong đó vai trò của ngành quản lý (các Sở Giáo dục - Đào tạo) phải là lực lượng chủ công tham mưu cho các cấp uỷ đảng, chính quyền đề xuất các giải pháp thực hiện cụ thể.
Ở Tây nguyên trong điều kiện hiện nay chỉ có thực hiện chủ trương xã hội hoá giáo dục mới hy vọng giải quyết được bài toán xoá mù, nâng cao trình độ dân trí cho mọi người. Thế nhưng, thực hiện bằng cách nào thì câu trả lời chưa rõ, còn vấp phải sự lúng túng. Trách nhiệm này trước hết phải thuộc về Bộ, ngành giáo dục chưa tham mưu, đề xuất được các giải pháp thực hiện. Vấn đề đặt ra ở đây là làm thế nào để đưa sự nghiệp giáo dục ở địa phương phát triển, trong đó mỗi người, mỗi  ngành, mỗi địa phương, mỗi cấp.... phải làm những công việc cụ thể gì (hoặc làm bao nhiêu). Muốn vậy, sau mỗi khoá học, Ban Giám hiệu các trường ở cơ sở căn cứ vào thực tế tại mỗi làng, mỗi thôn sẽ đánh giá tình hình giáo dục ở địa phương, dự kiến trong năm tới có khoảng bao nhiêu cháu đi học, thiếu bao nhiêu giáo viên, trường, lớp.... gởi về để các ngành chức năng tổng hợp - trong số đó, Nhà nước lo được bao nhiêu, số còn lại chúng ta huy động nguồn lực bằng nhiều cách, có thể kêu gọi lòng hảo tâm của các nhà từ thiện, hoặc vận động các doanh nghiệp đứng chân địa bàn ủng hộ, giúp đỡ xây dựng trường. Cuối cùng, nếu chưa đủ sẽ đem ra dân bàn bạc, thảo luận để mọi người cùng quyết định ? Tôi nghĩ, một khi tư tưởng của người dân đã thông về vấn đề này thì việc góp thêm một ít tiền vào sự nghiệp chung này sẽ không khó, vấn đề là chúng ta có tổ chức được không, ai sẽ là người đứng ra làm việc này ?
2. Có chính sách đào tạo nguồn giáo viên tại chỗ thay thế dần cho số giáo viên từ nơi khác đến
Đây là công việc rất cần được tiến hành càng sớm càng tốt. Bởi vì, nhu cầu học tập của xã hội càng phát triển, tỷ lệ học sinh đến trường ngày càng cao, nhất là đối với vùng đồng bào dân tộc, vấn đề đặt ra là ngoài yêu cầu về cơ sở vật chất, thì làm thế nào có được đội ngũ giáo viên tại chỗ để làm việc này. Hơn ai hết, chỉ có họ mới hiểu
Như vậy, với những nội dung đã trình bày ở trên, chúng tôi thấy rằng, sự nghiệp giáo dục ở các tỉnh Tây nguyên đều có những thế mạnh và hạn chế nhất định. Cái khó ở chỗ là chính quyền địa phương biết làm thế nào để phát huy được nội lực to lớn trong quần chúng nhân dân, biết sử dụng con người, biết có chính sách đãi ngộ phù hợp, cùng với sự đổi thay đồng bộ của một cơ chế thì mong rằng giáo dục ở các xã vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, vùng đặc biệt khó khăn mới có hy vọng phát triển - âu đó cũng là chiến lược lâu dài, là mong muốn của Đảng, Nhà nước, của toàn thể nhân dân các dân tộc Tây nguyên trên bước đường hội nhập, tiến vào Thiên niên kỷ mới ./.







Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét