20/12/13

Đừng để truyền thông 'lề trái' giễu 'lề phải'

Theo Vietnamnet
LTS: Trong những ngày cuối năm 2013, Tuần Việt Nam tổ chức tọa đàm trực tuyến cùng các khách mời để tìm ra những điểm hạn chế,  các thách thức đang tồn tại và đề xuất giải pháp, hướng đi cho năm tới 2014.
Tham gia buổi tọa đàm có ông  Nguyễn Sỹ Cương, Ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật Quốc hội; ôngLê Quang Bình, Viện trưởng Viện nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (iSEE) và ông  Nguyễn Trần Bạt, Luật sư, chuyên gia kinh tế, Chủ tịch Công ty tư vấn InvestConsult Group.
Quyền con người phải được đẩy mạnh
Nhà báo Hoàng Hường: Chúng ta vẫn nói về quyền làm chủ của người dân, nói về Nhà nước "của dân, do dân và vì dân". Qua những bài học vừa rồi, vấn đề đặt ra là làm thế nào để quyền làm chủ, quyền con người của người dân được bảo đảm tốt hơn; và Nhà nước phát huy tốt hơn nữa vai trò "của dân, do dân và vì dân"?
Ông Lê Quang Bình: Như các khách mời đã phân tích thì trong nhiều tình huống khi có sự việc nảy sinh "người dân không biết kêu ở đâu" một phần là do trách nhiệm không rõ ràng, có nghĩa là người dân chưa biết ngay lập tức được vụ việc này thì ai sẽ là người chịu trách nhiệm giải quyết. Điều đó là rất khó khăn cho họ.
Do vậy, tôi hoàn toàn ủng hộ ý kiến của ông Nguyễn Trần Bạt là chúng ta cần phải xây dựng hệ thống trách nhiệm rõ ràng. Tuy nhiên, liên quan đến câu hỏi cụ thể của nhà báo về việc làm thế nào để những vấn đề như án oan sai, hay là những vấn đề vi phạm quyền của người dân được giải quyết một cách thấu đáo thì tôi xin không bàn đến mặt kỹ thuật, nhưng có một số chia sẻ mà tôi nghĩ rất quan trọng cho Việt Nam trong thời gian tới:
Đó là, bản thân người dân cũng phải được hiểu về quyền của mình. Do vậy cần phải đẩy mạnh hơn nữa việc giáo dục quyền con người, đặc biệt là trong nhà trường, như các cam kết với quốc tế. Việc đưa nội dung quyền con người vào trong nhà trường là một bước tiến cần phải thực hiện càng sớm càng tốt...Điều đó làm cho nguyên tắc về tự do, bình đẳng, về quyền được thấm vào mỗi người dân.

Tôi lấy làm vui mừng vì vừa qua Việt Nam đã chính thức gia nhập công ước chống tra tấn vào ngày 7/11 và đây là một trong những bước tiến rất lớn. Tôi hy vọng rằng qua việc này thì Việt Nam sẽ có một chương trình sâu rộng hơn cho những cơ quan công quyền. Đặc biệt là những lực lượng như cơ quan công an, an ninh điều tra để mọi người thực sự áp dụng nguyên tắc quyền con người trong quá trình điều tra xét hỏi, để tránh những vấn đề như ép cung hoặc dùng nhục hình như trường hợp vừa qua của ông Chấn.
Còn về lâu dài, cải cách tư pháp cũng cần phải đẩy nhanh hơn nữa để quá trình tranh tụng ở tòa được diễn ra chất lượng hơn, tránh oan sai.
Nhà báo Hoàng Hường: Từ góc độ thành viên Ủy ban Pháp luật QH, ông Nguyễn Sỹ Cương có ý kiến gì ?
Ông Nguyễn Sỹ Cương: Tôi cũng đồng tình với ý kiến của anh Lê Quang Bình, cải cách tư pháp là một chiến lược mà tôi nghĩ là mang tính dài hơi. Nhưng trước mắt để chống được những biểu hiện tiêu cực trong xã hội thì tôi nghĩ rằng cải cách tư pháp cũng chỉ là một giải pháp. Cái quan trọng nhất là chúng ta phải xây dựng một hệ thống trách nhiệm hành chính hết sức rõ ràng như ông Nguyễn Trần Bạt đã nêu.
Bấy lâu nay chúng ta cứ thấy bùng lên chuyện này, chuyện khác nhưng gần như không thấy ai chịu trách nhiệm một cách chính thức về việc ấy. Vì cơ chế lãnh đạo của chúng ta là cơ chế lãnh đạo tập thể. Đúng như ông Bạt nói là tại sao lại có một ông Bộ trưởng đứng trả lời trước Quốc hội là việc ấy là do Thủ tướng Chính phủ.
Trong thực tế thì các chương trình, dự án hay văn bản đều do các bộ, ngành xây dựng trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được giao và trình Chính phủ hay Thủ tướng Chính phủ, phải “thuyết phục” để Thủ tướng đồng ý phê duyệt hay ký thông qua những việc đó. Thế nhưng về trách nhiệm chính vẫn là của các Bộ trưởng với tư cách là thành viên của Chính phủ.
Đó là đối với cấp bộ, còn ở cấp chính quyền địa phương thì sao?! Lâu nay chúng ta cú nghe bao vụ việc xảy ra một cách nhiêm trọng như vụ khai thác đá của doanh nghiệp gây sụp mỏ đá Lèn Cờ ở Nghệ An làm mấy chục người chết vì bị đá chôn vùi, rồi sạt lở bãi thải ở Thái Nguyên vùi lấp hàng bao nhiêu nhà cửa, gia đình, hay vụ cháy rất lớn ở một doanh nghiệp sản xuất giày ở Hải Phòng làm nhiều người chết do không có đường thoát và việc phòng cháy, chữa cháy không tuân thủ quy định của pháp luật, cho đến chuyện gần đây nhất là vụ thực hiện phẫu thuật thẩm mỹ trái phép ở Thẩm mỹ viện Cát Tường...cho chúng ta cảm giác gần như chính quyền bị tê liệt.
Bộ máy chính quyền địa phương, nhất là cấp tỉnh, cấp huyện thì bộ phận nào cũng có, đầy đủ các cơ quan chuyên môn từ cấp sở, đến cấp phòng, sở nào cũng có tổ chức thanh tra nhưng chỉ đến khi sự việc xảy ra trên địa bàn thì lúc đó họ mới biết. Tôi cho rằng chuyện hoạt động của thẩm mỹ viện Cát Tường, nếu như chính quyền ở đó làm việc tốt, anh có hệ thống thanh tra, kiểm tra tốt thì không thể xảy ra chuyện làm chui, làm lén như thế được hay như chuyện xây dựng trái phép cả một tòa tháp trên đường Đào Duy Anh – Hà Nội xảy ra nhiều năm trước, họ xây không phép đến cả mười mấy tầng thì chính quyền phường, quận phải biết chứ?!
Tại sao đến khi sự việc đã rồi thì chính quyền mới lục tục lo đi “chặt ngọn” và phạt cho tồn tại. Quả là chính quyền địa phương có vấn đề ở đây.
Trong khủng hoảng có nhiều việc phải làm
Nhà báo Hoàng Hường: Suốt hai tháng nay báo chí đưa tin gia đình nạn nhân thẩm mỹ Cát Tường dùng các biện pháp để tìm xác; vụ việc chôn hóa chất, thì người dân cũng phải cắm lều, căng bạt để canh công ty Thành Thái tẩu tán hóa chất. Tôi có cảm người dân rất cô đơn. Họ phải tự giải quyết các vấn đề, không thấy bóng dáng của các cơ quan chức năng. Chúng ta có lỗ hổng gì ở đây không?
Ông Nguyễn Trần Bạt: Chính sự tự giải quyết các công việc của nhân dân, như vậy giải thích lý do tại sao chúng ta có nhiều chuyện tệ hại như thế này mà chúng ta vẫn tồn tại; là bởi vì tính tự giác để bảo tồn cuộc sống của mình của người dân. Đấy không phải là một điểm kêu la, mà là một điểm tự hào. Người dân của chúng ta không biết từ lúc nào đã có những năng lực tự gánh vác lấy những vấn đề của mình.
Cuối năm rồi, chúng ta mổ xẻ một cách công phu quá chuyện này tôi không nghĩ là một việc đúng. Kể cả việc của chúng ta đang làm cũng phải làm cho đúng. Tôi nghĩ tất cả những hệ thống truyền thông đã phân tích, mổ xẻ tất cả những sự kiện này chi ly cả rồi.
Vấn đề đặt ra là chúng ta phải dự báo giúp các nhà lãnh đạo của chúng ta trong mớ ngổn ngang các hiện tượng “lâm sàng” như vậy, cái gì cần phải để ý.
Tôi xin góp vốn đầu tiên trong việc chúng ta góp giải pháp đối với Đảng và Nhà nước là trước hết phải xây dựng hệ thống trách nhiệm hành chính rõ ràng. Cái thứ hai xét về mặt kỹ thuật, với tư cách là một người đã từng làm nghề, tôi đã từng làm chủ nhiệm một bộ môn liên quan đến những công trình trong đất, về cơ học đất, tôi có thể nói rằng thủy điện ở Trường Sơn là một vấn đề khổng lồ, nó là một cái bẫy đối với dân tộc chúng ta.
Tôi đề nghị anh Cương phản ánh với Quốc hội, phản ánh với các đồng chí trong Chính phủ phải bỏ tiền ra để khắc phục hậu quả.
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng có nói đến chuyện xây dựng hệ thống điều khiển xả lũ liên hồ, đấy là một biện pháp có tính chất nhẹ nhất, nó không tác động một cách vật lý đến toàn bộ hệ thống này.
Các hồ chứa nước rải rác cách nhau dăm bảy chục cây số như vậy là một cái bẫy đối với toàn bộ đất nước của chúng ta, không chỉ ở miền Trung. Nếu nó có sự cố ở miền Trung thì người dân sẽ phải di dân ra miền Bắc và vào miền Nam, sẽ tạo ra rối loạn xã hội.
Đây phải thành một chương trình khắc phục hậu quả chiến lược. Tôi góp cái thứ nhất là chủng loại xây dựng thể chế; thứ hai là xác định những vấn đề trọng yếu của khoa học và công nghệ.
Ông Lê Quang Bình: Tôi đồng tình với chia sẻ của ông Nguyễn Trần Bạt đó là người dân Việt Nam rất kiên cường và sáng tạo trong việc giải quyết những vấn đề của mình. Quan trọng là làm sao Nhà nước đưa ra được cơ chế để phát huy.
Tôi nghĩ trong khủng hoảng có rất nhiều việc phải làm và cái gì cũng quan trọng, nhưng chúng ta phải đặt câu hỏi là tại sao nó có khủng hoảng? Rõ ràng đó là nền tảng. Tôi nghĩ thứ nhất, sau khi Hiến pháp đã thông qua chúng ta bắt đầu xây dựng những bộ luật liên quan để triển khai được những định hướng lớn mà Hiến pháp đã vạch ra.
Một điều nữa mà tôi rất mong muốn bên Quốc hội cần xây dựng luật về hội theo quy định tại điều 25 Hiến pháp vừa thông qua. Tôi nghĩ rằng chúng ta thực sự cần một luật về hội để người dân có thể tham gia đóng góp. Nó tạo ra một hành lang pháp lý để những người như ông Nguyễn Trần Bạt chẳng hạn góp ý trực tiếp vào những chiến lược hoặc những quy hoạch về thủy điện, từ đó chúng ta có thể tránh được nhiều hậu quả.
Thứ hai, tôi luôn luôn tin vào văn hóa và nền tảng quan trọng của văn hóa. Tôi nghĩ rằng bất cứ một xã hội nào muốn phát triển hay không thì văn hóa phải được trau dồi, được bồi đắp và được phát triển. Ở Việt Nam trong thời gian vừa qua phát triển quá quan tâm đến kinh tế mà quên mất mảng về văn hóa. Tư duy về phát triển văn hóa của mình rất cũ, tức chúng ta vẫn quản lý theo kiểu hành chính kiểu xin cho. Nên để người dân và những hội chuyên ngành quyết định.
Thứ ba, cái này rất chung tôi cũng không rõ sẽ thực hiện như thế nào, nhưng tôi nghĩ Nhà nước làm sao xã hội có thể tôn trọng được những sự khác biệt trong cuộc sống. Tất cả những cái gì gọi là mới, là sáng tạo, là phát triển đều rất khác những cái cũ.
Nhân dân phải biết rõ Đảng muốn gì
Nhà báo Hoàng Hường: Như ở các phần trước chúng ta đã trao đổi, xin mời các vị khách tiếp tục đề xuất các việc cần làm ngay cho năm 2014?
Ông Nguyễn Trần Bạt: Cũng giống với việc chúng ta phổ biến chủ trương và chính sách của Đảng và phổ biến những giá trị phổ quát của nhân loại là hai mục tiêu hết sức quan trọng của hệ thống truyền thông.
Có thế thì trí tuệ của nhân dân mới cân bằng. Nhân dân biết rõ Đảng đang nghĩ gì, muốn gì và có thể làm gì, để không đưa ra các đề nghị vượt quá khả năng của Đảng và Nhà nước bởi nhiều khi người dân không biết chỗ nào là giới hạn khả năng quản lý của Nhà nước. Cả ý muốn của Đảng cũng là một đối tượng nhân dân cần phải được tham khảo, phổ biến nó phải phổ biến rành mạch, nghiêm túc, đúng đắn.
Hiện nay hệ thống truyền thông chính thống đã nhường chỗ cho một hệ thống truyền thông khác không chính thống phổ biến và thậm chí chế giễu chủ trương và chính sách của Đảng, đấy là một lỗi khổng lồ.
Hệ thống truyền thông chính thống cần phải phổ biến những phổ quát. Ví dụ, quyền con người là một là phổ quát, bảo vệ bí mật cá nhân là một phổ quát, chính là làm cho trí tuệ của nhân dân nảy nở, mới có thể phán xét hay hưởng ứng một cách có hiệu quả chủ trương chính sách của Đảng.

Ông Nguyễn Trần Bạt. Ảnh Lê Anh Dũng
Ông Lê Quang Bình: Tôi rất đồng ý với ông Nguyễn Trần Bạt ở chỗ truyền thông của chúng ta phải rất cân bằng và thực tế. Nếu không truyền thông chính thống sẽ bị đe dọa bởi truyền thông phi chính thống ở trên mạng, khi Internet trở thành phổ biến thì càng ngày càng có thêm quyền lực.
Tuy nhiên tôi muốn nhấn mạnh là những chủ trương, chính sách làm thế nào để cho hấp dẫn với người dân, ngoài nội dung thì cách thức để phát triển những chính sách rất quan trọng.
Tôi thấy rằng Việt Nam ngày càng muốn đẩy mạnh sự tham gia của người dân trong quá trình xây dựng chính sách, nhưng dường như nó vẫn đang còn thiếu một cái gì đó cho những chương trình rất cụ thể. Ví dụ mình hay nói là vì kỹ thuật quá nên nếu có tham vấn thì người dân cũng không biết như chương trình liên quan đến thuỷ điện.
Những hành động để minh bạch hóa những chương trình chính sách sẽ làm cho người dân tin vào những chương trình chính sách của Đảng và Nhà nước hơn rất nhiều. Khi người ta có thông tin đúng, thông tin đầy đủ thì khi tiếp nhận những luồng thông tin khác, có thể trái chiều và khác biệt người ta vẫn vững tin về những thông tin mình biết.
Ông Nguyễn Sỹ Cương: Đây là một câu hỏi rất lớn.  Hiến pháp cũng như các luật nói chung, trong đó có Luật đất đai chỉ đưa ra những nguyên tắc chung là chính. Còn để đi được vào cuộc sống thì phải được thể chế hóa ra ở các văn bản luật và dưới luật.
Ví dụ như vấn đề quyền con người phải được thể chế hóa theo rất nhiều luật, trong cả hệ thống pháp luật. Quyền con người phải thể hiện ở trong những quy định cụ thể, chứ ở trong Hiến pháp chỉ quy định nguyên tắc chung.
Trong thời gian sắp tới việc quan trọng là Quốc hội phải giám sát các cơ quan chức năng triển khai xây dựng và sửa đổi hệ thống pháp luật cho phù hợp với các chế định mới trong Hiến pháp. Chừng nào hệ thống pháp luật hoàn chỉnh và đầy đủ thì Hiến pháp mới thực sự đi vào thực tiễn cuộc sống.
Xin nói một chút về công việc về hội và tổ chức phi chính phủ. Thực ra vai trò của các tổ chức phi chính phủ không thể phủ nhận, đóng một vai trò hết sức quan trọng, giúp cho công tác quản lý nhà nước rất tốt.
Ở nước mình vai trò của hội chưa đạt được do nhiều nguyên nhân. Còn việc xây dựng luật về hội như anh Bình kiến nghị thực tế đã đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của QH đến mấy khóa rồi, nhưng cuối cùng cứ làm một hồi rồi lại không thông qua được. Tôi cũng chia sẻ là xây dựng luật về hội là cực kỳ khó.
Tọa đàm 2014, truyền thông, lề trái, lề phải, đường lối, chủ trương
Ông Nguyễn Sỹ Cương. Ảnh Lê Anh Dũng
"Vừa yêu nhau vừa cảnh giác"
Nhà báo Hoàng Hường: Độc giả Nguyễn Lan Anh vừa gửi đến  Tuần Việt Nam câu hỏi: những ngày cuối năm này, chúng ta náo nức về kết quả PISA. Nhưng trong năm hàng nghìn học sinh - sinh viên chen nhau đi ăn mấy miếng sushi, và rất nhiều người dân tham gia hôi bia trong một vụ tai nạn làm cho hình ảnh người dân Việt Nam rất xấu xí.
Câu hỏi là học sinh chúng ta giỏi để làm gì ở mấy cuộc thi nào đấy, nhưng về những vấn đề dân trí, văn minh cơ bản lại có vấn để? Chuyện gì đang xảy ra ở đây?
Ông Nguyễn Trần Bạt: Chúng ta chớ ảo tưởng có thể giải quyết triệt để bất kể vấn đề gì, nhưng phải giải quyết vấn đề về sự chênh lệch giữa học và làm, giữa học để thi thật giỏi với việc trở thành một người công dân có thể sống và tồn tại được. Tôi nghĩ đấy là một trong những vấn đề căn bản nhất của khái niệm gọi là cải cách giáo dục.
Tôi nghĩ rằng các nhà lãnh đạo, các cơ quan chuyên trách về mặt giáo dục cần phải chuẩn bị để đối phó đối với những mâu thuẫn xảy ra giữa một số tiêu chuẩn của thể chế chính trị với cải cách giáo dục trong quá trình triển khai nghị quyết trung ương VIII.
Tôi lấy ví dụ chương trình của chúng ta về chính trị quá nặng, quan niệm về thế giới cũng vẫn còn bảo thủ, tư duy thù địch vẫn tồn tại.
Nhiệm vụ của con người là yêu nhau, còn nhiệm vụ của người Việt Nam là vừa yêu nhau vừa cảnh giác. Khi chúng ta cảnh giác thì chúng ta giảm bớt nồng độ của tình yêu, và do đó tình yêu ít hiệu quả. Phân tích cảnh giác và tình yêu cái gì đem lại hiệu quả cho sự phát triển kinh tế và phát triển con người Việt Nam nhiều hơn là nhiệm vụ của phân tích chính trị.
Tôi không khẳng định cái gì đúng mà tôi đề nghị phân tích lợi ích mà con người có được trong quá trình cân đối giữa tình yêu và sự cảnh giác.
Nhà báo Hoàng Hường: Ông Cương nghĩ thế nào về sự cân đối giữa "tình yêu và sự cảnh giác"mà ông Nguyễn Trần Bạt đưa ra?
Ông Nguyễn Sỹ Cương: Tôi nghĩ ông Nguyễn Trần Bạt đã đưa ra một cách so sánh khá hài hước. Liên quan đến vấn đề giáo dục thì tôi nhìn ở một góc độ hơi khác, nhất là câu hỏi của độc giả nói về chuyện tại sao chỉ số PISA của Việt Nam thì rất cao mà trong thực tế VN đã đạt được rất nhiều thành tựu nhưng trong xã hội thì vẫn xảy ra những hiện tượng hôi của hay như việc khác nữa làm cho hình ảnh xã hội trở nên rất xấu xí.
Hai cái đó rất khác nhau, bởi vì trong một đất nước có số lượng dân số lớn như Việt Nam, trong số 90 triệu dân thì số đạt được thành tựu cao trong khoa học và giáo dục vẫn là số ít.
Lý giải cho việc hôi của hay những sự kiện mang tính số đông, thể hiện văn hóa không cao có lẽ do giáo dục đỉnh cao mới chỉ tập trung ở một số đối tượng nhất định mà thôi, ngay giáo dục ở thành phố và giáo dục ở nông thôn đã khác nhau chứ với vùng sâu, vùng xa thì khác hẳn nhau, khác nhau xa nhiều lắm.
Theo tôi biết chủ trương về đổi mới giáo dục để được Hội nghị trung ương VIII là một cuộc rất vất vả, phải trình ra đến hai hội nghị TW, Hội nghị TW VII chưa thông qua được, cuối cùng là phải chỉnh sửa, xem xét lại và điều chỉnh mới được thông qua tại Hội nghị trung ương VIII. Điều đó thể hiện sư quan tâm của Đảng đối với giáo dục.
Ở Việt Nam vẫn ở trong tình trạng có cơ quan quản lý nhà nước đứng ra để công nhận kết quả của các cơ sở giáo dục, tôi nghĩ là không đúng. Ví dụ như chuyện cấp bằng thì hàng trăm năm nay ở các nước khác việc cấp bằng đó là do cơ sở đào tạo cấp. Nhưng ở Việt Nam cơ quan quản lý nhà nước đứng ra cấp, từ bằng phổ thông đến bằng đại học, trên đại học. Tôi nghĩ là đã đến lúc nên xác định phạm vi quản lý nhà nước nên xác định dừng ở đâu.
(Còn nữa)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét