18/12/13

Giáo sư Phong Lê: Với người trí thức, điều cần nhất là tự do tư tưởng, là tự do trong sáng tạo các ý tưởng


PHONG LÊ - PHAN THẮNG

LTS: Năm nay, 2013, chẵn 70 năm ra đời của Đề cương văn hóa Việt Nam 1943 - văn kiện có tính chất mở đường cho chiến lược văn hóa của Đảng Cộng Sản Việt Nam. Văn kiện này đã tác động, thúc đẩy tiến trình văn hóa Việt Nam trong suốt chục năm qua. Nhân dịp này, VHNA đã có cuộc trao đổi với gs Phong Lê xung quanh giá trị, ý nghĩa của Đề cương văn hóa Việt nam 1943 và những vấn đề khác liên quan.

 PV: Từ nghiên cứu văn học, thời gian gần đây tôi được biết ông còn tham gia nghiên cứu nhiều vấn đề về văn hóa. Văn học là một hạt nhân, một thành tố của văn hóa nhưng xưa nay vẫn có sự phân chia khoảng cách tương đối nào đó, kể cả trong nhận thức của cộng đồng và giới nghiên cứu. Chắc là có một lý do nào đó đã làm cho ông có sự triển khai nghiên cứu một lĩnh vực mới, hay đây đơn thuần chỉ là phương pháp nghiên cứu liên ngành?

Gs Phong Lê: Tôi là người làm công tác nghiên cứu và phê bình văn học. Từ khi vào nghề đến nay đã hơn 50 năm, nếu tính từ những bài viết đầu tiên đăng trên tập san Nghiên cứu văn học  Tạp chí Văn học của Viện Văn học là nơi tôi lập nghiệp và có những bậc thầy như Đặng Thai Mai, Hoài Thanh, Vũ Ngọc Phan,... Tôi luôn xem các vị như những bậc thầy gương mẫu bởi họ xứng đáng là các học giả hàng đầu. Với giới nghiên cứu thì, tư cách học giả luôn luôn phải là cái đích cho sự ao ước và phấn đấu. Có nghĩa là phải học, và đọc suốt đời, trên một hành trình vừa đi sâu, vừa mở rộng đối tượng nghiên cứu.


Đối tượng nghiên cứu của tôi là văn học Việt Nam hiện đại, theo tôi quan niệm là văn học thế kỉ XX. Để nắm được diện mạo, tiến trình, quy luật của nó, tôi luôn phải mở rộng biên độ của nó trên cả hai chiều lịch đại và đồng đại – cả hai đều chạm phải những vấn đề chung của văn hóa; đó là văn hóa dân tộc trong một lịch sử dài nhiều nghìn năm của nó, và trong các mối giao lưu văn hóa từ Đông sang Tây. Đông - đó là quá trình chống đồng hóa, đồng thời là tiếp nhận cái nôi văn minh Trung Hoa. Tây - là vấn đề tiếp nhận trong cưỡng chế và chủ động những cái mới của văn minh phương Tây - bắt đầu từ Pháp rồi sang Nga - Xô và phe xã hội chủ nghĩa,...
PV: Theo ông, bản chất mối liên hệ, quan hệ giữa văn học và văn hóa là gì ?

Gs Phong Lê: Xét về lí luận thì văn học và văn hóa đều có nhiều định nghĩa. Về văn học, nói thật gọn, có hai định nghĩa. Trên góc độ mỹ học, trong đại gia đình nghệ thuật thì văn học là nghệ thuật của ngôn từ. Trên góc độ triết học, trong đại gia đình thượng tầng kiến trúc thì văn học là một hình thái ý thức xã hội. Cả hai, cần được vận dụng trong công việc nghiên cứu. Còn về văn hóa thì có hàng trăm định nghĩa, nhưng trong đó tôi thích nhất cách hiểu của Viện sĩ Nga D.X. Likhachốp, xem văn hóa là một giá trị tinh thần tốt đẹp, để phân biệt với những gì phi văn hóa, phản văn hóa. “Văn hóa chính là sự kết hợp tất cả những gì tốt đẹp nhất có trong mỗi dân tộc”... “Trong khi tìm kiếm những đặc điểm của nền văn hóa, trước hết chúng ta cần phải tìm sự trả lời ở văn học và chữ viết. Văn học “nói” thay cho văn hóa dân tộc, giống như con người “nói” thay cho tất cả những gì sống trong trời đất”. Như vậy, phải là một giá trị mới được mang danh văn hóa. Và giá trị đó được xác định ở tính nhân văn của nó; và ở sự kế tục, bồi đắp, tự làm giàu thêm và làm giàu cho nhau của nhiều khu vực, nhiều niên đại, nhiều thế kỷ... Trong quan hệ văn học và văn hóa, với tôi - văn học là nền tảng, là cốt lõi; còn văn hóa là sự mở rộng mọi đường biên của nó. Đường biên văn hóa càng rộng thì nhận thức về văn học càng sâu.
Trên hành trình nghề nghiệp của mình, cũng phải đến thập niên 90 tôi muốn có thể mở rộng, hoặc vươn đến đường biên này. Bởi từ 1988, UNESCO mới chính thức phát động “Thập kỷ quốc tế phát triển văn hóa”. Đúng vào thời gian đó tôi được tham gia một nhánh đề tài cấp Nhà nước KX06, do Giáo sư Nguyễn Hồng Phong chủ trì:Văn hóa, văn minh vì sự phát triển và tiến bộ xã hội (1991-1995). Từ đây tôi mới có ý thức mở rộng mối quan tâm đến văn hóa - như một cách hưởng ứng và đáp ứng các nhu cầu phát triển mới trong đời sống tinh thần của đất nước cũng phải đến lúc này mới được cấp thiết đặt ra. Để từ đây, tôi tham gia các hội thảo, trả lời các phỏng vấn và viết các bài về văn hóa và giáo dục, về khoa học nhân văn và khoa học xã hội... Đặc biệt, là mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa, văn học- nghệ thuật, với tất cả sự so lệch, mất cân đối của nó khiến đời sống xã hội trở nên chao đảo trong nhiều năm gần đây, trở thành mối bất an cho toàn xã hội... Có nghĩa là đất nước sau 25 năm Đổi mới lại đang đứng trước những thử thách, không chỉ đòi hỏi sự tái cấu trúc nền kinh tế, mà còn là tái cấu trúc cho sự cân đối giữa kinh tế và văn hóa, giữa vật chất và tinh thần; tránh “nghiện” tăng trưởng kinh tế bằng bất cứ giá nào mà phá vỡ môi sinh và mọi nền tảng đạo lý, mà giảm nhẹ hoặc chối bỏ sự bằng an tinh thần và an sinh xã hội.
PV: Nhân bàn về các mối quan hệ, tôi nghĩ là chúng ta có thể trao đổi thêm về mối quan hệ giữa văn hóa, văn học và chính trị. Chính trị lãnh đạo văn học, văn hóa hay là văn hóa, văn học dẫn đường cho chính trị? Các yếu tố này có mối quan hệ tương tác, tương hổ như thế nào? Ông có thể cho những dẫn chứng từ thực tiễn đời sống xã hội Việt Nam ?
Gs Phong Lê: Quan hệ giữa văn hóa - trong đó có văn học nghệ thuật với chính trị là một quan hệ rất cơ bản, rất cốt lõi được đặt ra trong hơn nửa thế kỷ qua, nói chính xác là từ Đề cương về văn hóa Việt Nam – 1943, với quan niệm: “Mặt trận văn hóa là một trong ba mặt trận (kinh tế, chính trị, văn hóa) ở đó người cộng sản phải hoạt động”. Đồng thời khi nhằm mục tiêu số 1 là cứu dân tộc, Đề cương cũng cho thấy đó là con đường cứu nền văn hóa dân tộc: “Văn hóa dân tộc Việt Nam sẽ do cách mạng dân chủ giải phóng thắng lợi mà được cởi mở xiềng xích và sẽ đuổi kịp văn hóa tân dân chủ thế giới”.
Kể từ đây, đến Cách mạng tháng Tám – 1945, rồi trải qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, mọi hoạt động của văn hóa, văn học- nghệ thuật luôn luôn được đặt ra trong mối quan hệ với kinh tế và chính trị, nhưng trước hết và chủ yếu là chính trị. Tương quan văn hóa và chính trị cần được hiểu và quán triệt như cách nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Văn hóa- nghệ thuật cũng là một mặt trận...” “Văn hóa nghệ thuật không phải ở ngoài mà ở trong kinh tế- chính trị...”. Bởi – “dân tộc bị áp bức thì văn nghệ cũng mất tự do. Văn nghệ muốn được tự do thì phải tham gia cách mạng”. Cách nói này rõ ràng là mềm mại, uyển chuyển hơn cách nói: Văn nghệ phục vụ (hoặc phục tùng) chính trị. Hoặc chính trị là thống soái... kiểu Mao.
Mối quan hệ giữa văn hóa và chính trị như trên làm nên diện mạo chung của văn học- nghệ thuật một thời dài từ 1945 cho đến cuối thập niên 80. Đó là thời cả nước ra trận; đồng thời tiến hành ba cuộc cách mạng – nhằm xây dựng chủ nghĩa xã hội theo mô hình Trung Quốc và Liên Xô, trong bối cảnh thế giới chia làm hai phe. Thời mà tính chiến đấu phải là yêu cầu đầu tiên cho mọi binh chủng văn hóa; thời mà tính Đảng và chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa phải là mục tiêu cao nhất, nếu không nói là duy nhất cho mọi hoạt động văn học- nghệ thuật...
Từ thập niên cuối thế kỷ XX khi đất nước sau Đổi mới đã chuyển vào thời kỳ hội nhập thì tình hình diễn ra có khác. Chính trị vẫn không buông lỏng các mối quan hệ với văn hóa, nhưng khi đất nước đã chuyển sang nền kinh tế thị trường, Việt Nam muốn làm bạn với cả thế giới, và mục tiêu tăng trưởng kinh tế lên ngôi vị ưu tiên thì các mục tiêu và định hướng cho hoạt động văn hóa không thể không thay đổi. Từ chính trị chuyển sang kinh tế- đây là thực trạng mới gây nên nhiều bất ổn; xáo trộn... như tôi đã đề cập ở phần trên.
 Tôi có cảm giác là ông hơi ái ngại, cẩn trọng khi bày tỏ quan điểm của mình về vấn đề này. Tôi nghĩ là chúng ta cần đi sâu vào bản chất mối quan hệ này từ tư duy triết học, văn hóa học và chính trị học, các biểu hiện thực tiễn của nó để tìm ra một cách thiết lập hoặc điều chỉnh mối quan hệ này thật hữu cơ, hài hòa để làm tiền đè, chất xúc tác cho nhau cùng phát triển. Rõ ràng là mối quan hệ này ở nước ta đã từng có nhiều lúc cực đoan khi áp đặt các mục tiêu chính trị lên sự vận động bình thường của dòng chảy văn hóa. Một thời gian khá dài, trong xã hội đã từng tồn tại một quan niệm là văn hóa phục vụ chính trị, chính trị lãnh đạo văn hóa. Thực ra thì chính văn hóa dân tộc đã dẫn dắt chính trị đi cho đúng đường. Nếu không có văn hóa giữ nước, không có tinh thần yêu nước – một giá trị hàng đầu của văn hóa Việt Nam làm nền tảng và định hướng thì chắc chắn sẽ không có được các thành tựu chính trị, và văn hóa, mà chúng ta có trong suốt hơn nửa thế kỉ qua. Ta có thể hình dung, một dòng chảy, một bên bồi thì sẽ có một bên lở. Nếu quá đề cao các mục tiêu chính trị, dồn năng lượng cho các mục tiêu chính trị thì sẽ khủng hoảng thiếu năng lượng cho văn hóa. Chính trị và văn hóa, trong xã hội hiện đại, là không thể tách rời nhau. Và trong sâu xa, chính trị cũng là một giá trị, một biểu hiện, một thành tố cấu thành hệ giá trị của một cộng đồng, một quốc gia - dân tộc. Văn hóa là dòng sông, chính trị như các cù lao nổi lên giữa dòng, hoặc cũng có thể là các con thác thiên tạo, con kè nhân tạo làm đổi dòng của con sông.Các cù lao, các thác ghềnh, các con kè có thể làm cho dòng sông đẹp hơn, hiền hòa hơn nhưng nguyên lý hiển nhiên là con sông làm nên các cù lao, tiếng trong ta gợi là cồn soi, chứ các cồn soi, các con kè … không làm nên các con sông. Dù cho qua bao thác ghềnh nhưng rồi cuối cùng con sông nào cũng chảy ra biển cả.

Thưa giáo sư, năm nay là tròn 70 năm Đề cương văn hóa Việt Nam ra đời. Văn kiện này đã vạch ra một con đường, một quỹ đạo hay là một véc tơ vận động của văn hóa dân tộc khi mà trên thực tế là Việt Minh và những người cộng sản Việt Nam chưa nắm được chính quyền. Tôi cho rằng, Đề cương văn hóa Việt Nam, hoặc trực tiếp, hoặc gián tiếp, đề cập và đề ra cách giải quyết các mối quan hệ, liên hệ giữa văn hóa, văn học và chính trị nhắm thúc đẩy tiến trình văn hóa dân tộc. Suốt từ đó đến nay, nhất là sau khi thiết lập nhà nước vô sản, về cơ bản, ở Việt nam, văn hóa đã vận động theo các phương châm cơ bản đó, Dân tộc, Khoa học, Đại chúng. Từ trước đến nay đã có nhiều ý kiến đánh giá về nội dung và ý nghĩa của văn kiện này. Tại thời điểm này, ông có ý kiến bình luận hoặc đánh giá gì mới về văn kiện này? Vai trò, ý nghĩa của nó đối với văn học, văn hóa dân tộc trong hơn nửa thế kỷ qua?
Gs Phong Lê: Ra đời năm 1943, Đề cương về văn hóa Việt Nam của Đảng, với ba nguyên tắc (hoặc phương châm) cho vận động văn hóa mới là Dân tộc hóa, Đại chúng hóa, Khoa học hóa, là sự trả lời các nhu cầu cấp bách của thời cuộc, khi đất nước bước vào thời kỳ tiền khởi nghĩa. Đồng thời nó cũng là sự tiếp tục trong mạch sâu một tiến trình đã diễn ra từ thập niên mở đầu thế kỷ, với công đóng góp của nhiều thế hệ trí thức, từ Nho học sang Tây học. Nó đã đáp ứng được trách nhiệm lịch sử đặt ra và góp phần quan trọng vào thành công của Cách mạng tháng Tám – 1945. Tiếp đó, tạo ra cơ sở lý luận cho sự nghiệp xây dựng một nền văn hóa mới trong thập niên tiếp theo, qua sự triển khai và mở rộng các luận điểm cơ bản của nó trong Chủ nghĩa Mác và văn hóa Việt Nam của Trường Chinh.
 PV: Thưa giáo sư, theo ông thì phương phương châm Dân tộc, Khoa học, Đại chúng của 70 năm trước bây giờ có cần nhận thức như thế nào để sát hợp với thực tiễn của cuộc sống đang từng giờ một thay đổi trên tất cả cả các phương diện của nó, từ cấu trúc chính trị - xã hội, các mối quan hệ, các hệ hình thẩm mĩ, thông tin – truyền thông…?
Gs Phong Lê: Sau khoảng lùi hơn nửa thế kỷ, cho đến thập niên 90 – không khó nhận ra những mặt bất cập củaĐề cương. Chẳng hạn trong việc nhìn nhận và đánh giá lịch sử dân tộc và văn hóa dân tộc – cho đến 1943, do sự vận dụng có phần cơ giới triết học mácxít; hoặc trong việc xác định các nhiệm vụ cần kíp  các công việc phải làm – như “tranh đấu bảo vệ học thuyết”, và “tranh đấu về tông phái văn nghệ” chống chủ nghĩa cổ điển, chủ nghĩa lãng mạn, chủ nghĩa tự nhiên, chủ nghĩa tượng trưng... làm cho xu hướng tả thực xã hội chủ nghĩa thắng...
Ở ba phương châm: dân tộc, đại chúng, khoa học thì phương châm Dân tộc hóa là một định hướng đúng cho lâu dài, tất nhiên là với trường nghĩa được mở rộng. Chính với phương châm dân tộc hóa ở vị trí số 1, có tác dụng định hướng và tập hợp mọi giới trí thức vào con đường cách mạng. Qua Đề cương và với hoạt động của Hội văn hóa cứu quốc, gần như tuyệt đại bộ phận giới trí thức khoa học và nghệ thuật đều hướng về cách mạng, tham gia Mặt trận Việt minh, và ủng hộ Chính phủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Phương châm Đại chúng hóa ở vị trí số 2 – cũng là nguyên tắc được đón nhận dễ dàng và có tác dụng sâu rộng đối với đời sống văn hóa- tinh thần nói chung và văn học- nghệ thuật nói riêng. Chính nhờ vào kết quả Đại chúng hóa mà ngay sau 1945 nền văn học- nghệ thuật mới đã tạo được một chuyển đổi nhanh chóng, để sớm có một gương mặt mới, một giọng điệu mới, thậm chí đến cả một thi pháp mới trong sáng tạo văn, thơ, nhạc, họa, sau những gì đã đạt được trên các lĩnh vực văn học- nghệ thuật công khai trước 1945.
Nhưng rồi đây, khi nạn mù chữ cơ bản được thanh toán, và trình độ mọi mặt của quần chúng được nâng cao, khi nhu cầu giao lưu với thế giới đã được mở rộng thì nhận thức về đại chúng và yêu cầu đại chúng hóa phải được thay đổi. Có điều đáng tiếc là sự thay đổi về nguyên tắc đại chúng hóa này là chậm, nhất là khi các bài học về văn nghệ Diên An và tư tưởng văn nghệ Mao Trạch Đông có hoàn cảnh thâm nhập vào ta, kể từ sau Chiến dịch Biên giới – 1950, đem lại nhiều ảnh hưởng tiêu cực không chỉ trong đời sống chính trị mà cả trong đời sống văn hóa, tư tưởng, văn chương, học thuật.
Phương châm Khoa học hóa, trên lĩnh vực văn hóa, văn học- nghệ thuật, xét đến cùng là nhằm hướng nghệ sĩ vào con đường tả thực và tả thực xã hội chủ nghĩa. Con đường này rồi sẽ thành một đại lộ trong nửa sau thế kỷ XX cho đến 1990. Dĩ nhiên nó cần được định hướng lại sau khi Liên Xô và phe xã hội chủ nghĩa tan vỡ.
Từ nhận thức như trên về 3 phương châm – bây giờ không còn là lúc đặt ra sự vận dụng hoặc điều chỉnh Đề cương. Có nghĩa là nó đã làm xong nhiệm vụ lịch sử của mình. Tức là cần có những phương châm khác, gắn với yêu cầu xây dựng một cương lĩnh văn hóa mới, nếu như mọt cương lĩnh như thế là cần thiết. Mới đây, tôi có nghe nói đến yêu cầu xây dựng một cương lĩnh như thế cho giai đoạn mới, nhưng không biết ai sẽ làm? Và nếu làm thì có làm được không? Hoặc có hiệu quả gì không?
 PV: Cách đây 15 năm, năm 1998, Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt nam (khóa VIII) đã có Nghị quyết 5 về xây dựng văn hóa với mục tiêu chiến lược là xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Tôi cho rằng đây là quan điểm đúng đắn, có cơ sở klhoa học và thực tiễn, phù hợp với xu thế vận động của thời đại, có ý nghĩa chiến lược lâu dài của Đảng. Tuy nhiên, qua theo dõi, tôi thấy bên cạnh những nỗ lực, và một số kết quả đạt được, tôi thấy dòng chảy văn hóa dân tộc đang bị các dòng chảy bẩn lấn át, cùng với sự suy thoái nền tảng đạo đức xã hội nên hệ giá trị văn hóa dân tộc đang bị xâm thực, xâm hại, cả các giá trị văn hóa vật chất lẫn các giá trị tinh thân, phi vật chất.
Thưa giáo sư, trở lại với câu chuyện, tôi được biết, nhiều năm nay, ông và nhiều đồng nghiệp khác đã nghiên cứu và góp phần chiêu tuyết cho các giá trị văn học của Thơ Mới, của Tự lực văn đoàn và các nhà văn của các trào lưu, trường phái văn học này…Nếu như cần có một nhận định về các trào lưu, trường phái văn học này và các chủ nhân của họ về phương diện văn hóa, nói cách khác là vị trí của họ trong tiến trình văn hóa đất nước thì ông sẽ trình bày quan điểm của mình như thế nào?
Gs Phong Lê: Tự lực văn đoàn như lâu nay ta đã bàn không chỉ đem lại một cuộc cách tân trên phương diện văn học. Mà còn là một cuộc vận động văn hóa mới. Trước hết, nó có công đầu đặt ra yêu cầu giải phóng cá nhân ra khỏi sức đè của luân lý, lễ giáo phong kiến kéo dài hàng nghìn năm trong xã hội phong kiến, và ngót 100 năm trong xã hội thuộc địa. Phải đến xã hội thuộc địa khi cuộc tiếp xúc với phương Tây diễn ra thì nhu cầu này mới được đặt ra một cách khẩn thiết; và Tự lực văn đoàn, cùng phong trào Thơ mới đã kịp đón nhận và cất lên tiếng nói trong thơ, văn, nhạc, họa..., để định hình trọn vẹn một trong ba trào lưu làm nên gương mặt hiện đại của văn hóa, văn học dân tộc, là trào lưu lãng mạn. Thời của cái tôi, và thời đòi hỏi sự giải phóng cho cá tính, cho phong cách riêng, giọng điệu riêng – để từ đó mà có một giai đoạn phát triển ngoạn mục nhất trong lịch sử văn học- nghệ thuật dân tộc.
Tham vọng về một cuộc chấn hưng văn hóa thể hiện rõ trong Tôn chỉ 10 điều của Tự lực văn đoàn đăng trên Phong hóa – tháng 3-1933, nhằm tự sức mình “làm ra những cuốn sách có giá trị văn chương, chứ không phiên dịch sách nước ngoài”, nhằm mục đích “làm giàu thêm văn sản trong nước” (điều 1); nhằm “cho xã hội ngày một hay hơn” (điều 2); “theo chủ nghĩa bình dân” (điều 3); “dùng một lối văn giản dị, dễ hiểu, ít chữ nho, một lối văn thật có tính cách Annam” (điều 4); “ca tụng những nét hay vẻ đẹp của nước mà có tính cách bình dân... không có tính cách trưởng giả mà quý phái” (điều 6); “trọng tự do cá nhân” (điều 7); “làm cho người ta biết đạo Khổng không hợp thời nữa” (điều 8); “đem phương pháp khoa học Thái Tây ứng dụng vào văn chương Việt Nam” (điều 9)... Từ 10 tôn chỉ này, bằng sức mình, họ đã tạo dựng một sự nghiệp báo chí, xuất bản, có thể sánh và vượt lên Đông Dương tạp chí  Nam Phong tạp chí trước đó, để góp phần truyền bá những tư tưởng mới, khẳng định tự do cá nhân, phê phán những mặt hủ lậu ở nông thôn (qua hình ảnh Lý Toét, Xã Xệ) và bộ máy quan trường (Bang Bạnh). Những dự định hoặc ước mơ của họ như xây Nhà ánh sáng, hoặc thực hiện giấc mộng Từ Lâm, không phải là không có những mặt khả thủ.
PV: Tại sao vậy, thưa ông ?
Gs Phong Lê: Tôi nghĩ,qua tôn chỉ 10 điều; qua phương châm tự lực; qua số lượng tác phẩm – gồm đủ các thể loại được ấn hành trong hơn 10 năm tồn tại; qua hai tờ Phong hóa, Ngày nay và Nhà xuất bản Đời nay; qua các Giải thưởng văn học mang tên nhóm, Tự lực văn đoàn đã xác lập được ưu thế và vị thế nổi trội của nó trong đời sống văn hóa và văn chương- học thuật thời kỳ 1930-1945.
PV: Vậy chúng ta cần giải thích sự trễ tràng, muộn màng khi nhận thức lại một cách  khách quan hơn hiện tượng văn học, văn hóa này ?
Gs Phong Lê: Việc nhận thức lại giá trị của các hiện tượng văn hóa, văn học- nghệ thuật trước 1945 như Tự lực văn đoàn, Thơ mới, và rộng ra là các trào lưu tư tưởng và học thuật ngoài, hoặc không phải là mácxít, hoặc không thuộc trào lưu cách mạng kể từ Đông Dương tạp chí, Nam Phong tạp chí... cho đến các vụ, việc lớn sau 1954 như Nhân văn- Giai phẩm... phải sau hơn 30 năm mới thực hiện được, theo tôi là muộn, quá muộn. Nhưng quả là khó diễn ra sớm hơn, khi đất nước còn bị kẹt trong tình thế cuộc chiến giữa hai phe trên thế giới; khi chiến tranh còn âm ỷ giữa hai đầu biên giới cho đến cuối thập niên 80; khi con đường đi tìm một mô hình phát triển xã hội sao cho thuận quy luật phải đến đầu thập niên 90 mới hé mở... Nhưng cuộc sống vẫn là cuộc sống; cuộc sống chỉ đặt ra vấn đề khi con người đã có tiềm năng giải quyết... Nếu trong đời sống chính trị có những người như Kim Ngọc..., thì thập niên 80 đời sống văn học đã có những dấu hiệu tiền trạm như Hoài Thanh trong Di cảo, Chế Lan Viên trong Di cảo thơ, Nguyên Ngọc trong bản Đề dẫn..., Nguyễn Minh Châu với Hãy đọc lời ai điếu..., Hoàng Ngọc Hiến trong luận điểm Văn học phải đạo... Vượt trước một bước, họ đã trổ ra một lối đi cho văn học chuyển vào một giai đoạn sau này sẽ có tên là Đổi mới.
PV: Xin giáo sư trao đổi thêm một vấn đề, đó là bản sắc dân tộc trong văn học, và văn hóa trong bối cảnh toàn cầu hóa ngày càng sâu sắc hiện nay. Các nhà văn, các nhà văn hóa và các chính trị gia cần giải quyết mối quan hệ này như thế nào một cách hài hòa và hiệu quả ? 
Gs Phong Lê: Bản sắc dân tộc trong văn hóa, văn học- nghệ thuật thời kỳ Toàn cầu hóa là gì – đó quả là vấn đề thật rộng lớn, bao trùm nhiều mặt sinh hoạt tinh thần và vật chất của con người, với những nét riêng, những đặc sắc riêng, không lẫn với bất cứ ai, thể hiện trong ca dao, dân ca, chèo, tuồng; trong ca nhạc, hội hóa, kiến trúc; trong đền miếu, đình chùa; trong phong tục, tập quán, nếp sống, ứng xử... Trong xã hội hiện đại, dưới áp lực của Toàn cầu hóa, mỗi dân tộc cần giữ cho được cái riêng của mình; vẫn càng cần được là mình, đó là điều tưởng chừng đơn giản, nhưng quả là không dễ. Để giữ cho được cái gốc văn hóa, cái gốc dân tộc trong bản sắc văn hóa, rất cần một nhận thức thấu đáo và quan tâm đặc biệt của bộ máy chính quyền, thông qua các thể chế, chính sách, và các nguồn bảo trợ đến từ nhà nước hoặc các tổ chức tư nhân. Đồng thời cũng rất cần một bầu không khí tinh thần lành mạnh, không bị ô nhiễm bởi mặt trái của kinh tế thị trường, được tạo  nên bởi hoạt động của mọi tầng lớp, trong đó đóng vai trò quan trọng là hoạt động của các giới trí thức văn hóa, văn học- nghệ thuật, khoa học, kỹ thuật, khoa học nhân văn, khoa học xã hội.
Sáng tạo văn hóa, đó là kết quả tổng hợp hoạt động của mọi tầng lớp làm nên cộng đồng dân tộc, trong hàng ngàn năm lịch sử. Từ khi được tiếp xúc với chủ nghĩa Mác, ta đã quen với nguyên lý: quần chúng nhân dân làm nên lịch sử. Xét đến cùng đúng là như thế. Nhưng nhân dân là một khái niệm rộng, phải xác định người đại diện. Từ sau 1945, đó là công- nông- binh. Trong xây dựng chủ nghĩa xã hội – đó là giai cấp công nhân... Xã hội thay đổi theo chiều hướng văn minh, với vai trò hàng đầu của cách mạng khoa học- kỹ thuật làm thay đổi cấu trúc xã hội, làm rạn vỡ, thậm chí đảo ngược các trật tự cũ. Việc xây dựng một nền kinh tế tri thức, buộc phải sắp xếp lại các thang bậc giá trị, khiến cho tầng lớp trí thức dần dần được coi trọng. Từ nay trí thức là trí thức. Họ không còn phải bám víu vào ai đó, để được xem là trí thức công nông, hoặc trí thức tiểu tư sản. Càng không phải là trí thức tư sản. Mà là một thành phần cơ bản trong các bộ phận cư dân làm nên xã hội hiện đại. Những ngộ nhận này cùng với việc coi nhẹ hoặc coi rẻ giới trí thức một thời là có nguyên cớ của nó; đưa đến những căng thẳng và phân rã trong cộng đồng dân tộc, và làm chậm bước đi của lịch sử. Riêng trong các lĩnh vực văn hóa, tinh thần thì đương nhiên trí thức là lớp người có vai trò sáng tạo lớn nhất và đứng ở vị trí trung tâm.
PV: Chúng ta cần có những điều kiện có vai trò tiên quyết nào để có thể thực hành có hiệu quả việc xây dựng một nền văn học trong tổng thể nền tảng một nền văn hóa tiến tiến đậm đà bản sắc dân tộc không, thưa ông ?
Gs Phong Lê: Với người trí thức, điều cần nhất là tự do tư tưởng, là tự do trong sáng tạo các ý tưởng, nhưng phải là những ý tưởng mới mẻ, không chỉ là khác người mà còn là hơn người. Đó là điều cực khó – chắc chắn thế; nhưng nếu mọi thứ đều dễ, thì đâu còn là tư cách người trí thức!
Trân trọng cảm ơn giáo sư về cuộc trao đổi hôm nay. Hy vọng chúng ta sẽ có dịp trao đổi thêm về nhiều vấn đề khác.

                        Mồng 8 Tết Quý Tỵ (17-2-2013)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét