23/12/13

Một con sâu lớn đang tàn phá “Vườn tiếng Việt”


Nguyễn Thế Công
Tạp chí Văn nghệ số 50/2013

Những thành quả về kinh tế, khoa học, kỹ thuật do việc mở cửa đổi mới, hội nhập quốc tế đã mang lại cho đất nước những thành tựu, những thay đổi vô cùng to lớn trong đời sống, xã hội, không ai không công nhận, nhưng mặt trái của nó cũng đã gây ra những tổn hại nhiều mặt, làm hư tổn nhiều truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc, mà một trong số đó là nguy cơ từ sự xâm hại tiếng Việt đang diễn ra hàng ngày hàng giờ trên thông tin đại chúng.
Sự trong sáng của tiếng Việt đã được bàn luận nhiều, từ các nhà văn hóa, nhà văn, nhà báo trước Cách mạng Tháng Tám, rồi trong cả hai thời kỳ kháng chiến, các nhà lãnh đạo như Bác Hồ, thủ tướng Phạm Văn Đồng vẫn quan tâm việc giữ gìn tiếng Viêt; cho đến các trí thức văn nghệ như Gs. Đặng Thai Mai, nhà thơ Xuân Diệu và rất nhiều các nhà thơ, nhà văn, nhà ngôn ngữ học, nhà khoa học khác nữa. Gần đây nhất là hội thảo ở Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (21- 12- 2012), và hội thảo toàn quốc “Ngôn ngữ học Việt Nam trong bối cảnh đổi mới và hội nhập”  lần II do Viện Ngôn ngữ học thuộc Viện Hàn Lâm Khoa học Xã hội Việt Nam chủ trì (11-5-2013).

Ở hội thảo này, GS.TS. Nguyễn Văn Khang đã nêu một ý kiến đáng suy nghĩ : “Sự pha trộn của tiếng Anh vào trong tiếng Việt trên các phương tiện truyền thông đặt ra vấn đề là chuẩn ngôn ngữ tiếng Việt hiện nay ra sao? Tiếng Việt sẽ phát triển theo hướng nào để đảm bảo vẫn giữ gìn được sự trong sáng mà vẫn có thể hiện đại hóa”.
Thế nhưng, những ý kiến, những cuộc thảo luận như thế phải chăng không gây được tiếng vang cần thiết, hầu như chẳng tác động gì đến những người có trách nhiệm, từ các vị lãnh đạo đến những người đang hoạt động truyền thông? Chúng tôi xin nêu một thí dụ:
ở hầu hết tất cả các chương trình truyền hình từ trung ương đến các địa phương, ở tất cả các kênh, người ta buộc phải nghe đến nhàm tai cụm từ “đến từ” vừa vô duyên vừa sai nghĩa. Trong tiếng Việt, cũng như trong tiếng Pháp, và nhiều tiếng khác, “đến từ ” không có nghĩa là người đại diện cho địa phương nào đó, sinh ra ở địa phương ấy, hay cơ quan ấy... Nhóm từ này thông thường để trả lời câu hỏi “Anh (Ông, Bà…) từ đâu đến” khi người ta đón một đoàn khách lạ ở sân bay, và hiếm dùng trong những trường hợp khác. Và câu trả lời sẽ là, chẳng hạn, “Tôi đến từ Paris”; như vậy đến từ Paris không có nghĩa tôi là người Pháp, hay đại diện cho nước Pháp, mà có thể là người Pháp, người Mĩ, người Lào, lên máy bay từ Paris, Paris là nơi xuất phát của chuyến đi. Vậy mà những biên tập viên, phát thanh viên và người dẫn chương trình và rất nhiều bài  báo thường cứ dùng “…đến từ…” với nghĩa  “đại biểu, đại diện…”, gần như đã thành “mốt”.
Nguyên do, có lẽ vì: trong sách học vỡ lòng tiếng Anh, các tác giả đã đưa nhóm từ “I’m from.., she’s from…, I come from…” vào những bài mở đầu và được dịch là “đến từ”, cho học viên hỏi bạn mới quen; mà thực ra tần số sử dụng nhóm từ này trong tiếng Anh không nhiều. Để diễn đạt quốc tịch, người Anh cũng nói “I’m English”, “I’m American”, và nếu tra tự điển, ta cũng thấy nghĩa từ đâu đến chỉ là một trong rất nhiều nghĩa của “from”.
Trong tiếng Việt, đáng lẽ nói: “Anh Nguyễn Văn Y, đại học Bách khoa Hà Nội, thí sinh Trần Văn Minh, đại học Cần Thơ”, thì họ nói “…đến từ đại học Bách khoa Hà Nội,… đến từ đại học Cần Thơ…, sinh viên ĐHSPHN biến thành sinh viên đến từ ĐHSPHN”. Nực cười, trong một chương trình tại nhà hát lớn Hà Nội, người dẫn chương trình vẫn nói “đại biểu X đến từ Hà Nội”, còn tại nhà hát lớn Hải Phòng, vẫn “Người đẹp Y đến từ Hải Phòng”. Một lần trên truyền hình tôi ngỡ ngàng khi người dẫn chương trình hỏi hai em nữ sinh: “Các em đến từ trường nào” và hai nữ sinh trả lời ngay: “Chúng em đến từ trường trung học phổ thông X.”. Còn đây là những thí dụ khi tình cờ đọc trên mặt báo:
“HIPA - một trong những giải ảnh lớn nhất thế giới … vừa công bố danh sách những người thắng giải, trong đó có một nhiếp ảnh gia đến từ Việt Nam.”
“Trong danh sách những người thắng giải có một nhiếp ảnh gia đến từ Việt Nam, đó là Lê Duy Hoàng....”
Bức ảnh đoạt giải Đặc biệt tại cuộc thi năm nay là của nhiếp ảnh gia Osama Al Zubaidi đến từ Các Tiểu Vương quốc ả Rập
Giải Nhì thuộc về Oscar Bjarnason đến từ Iceland.
Giải Nhất thuộc về Helmut Wachtarczyk đến từ Đức.
 Người viết có ý thức, mong muốn giữ gìn cái đẹp truyền thống của tiếng Việt sẽ thay nhóm từ “nhiếp ảnh gia” bằng “nhà nhiếp ảnh Việt Nam Lê Hoàng” hay nhà nhiếp ảnh Lê Hoàng, Việt Nam, xóa bỏ không thương tiếc cụm từ vô nghĩa và chướng tai “đến từ”.
Chuyện “nhỏ” này là một trong những “con sâu” đã gây “bệnh dịch” xâm hại tiếng Việt lan tràn. May mắn, tôi luôn đọc báo Văn nghệ và nhiều tác phẩm văn học Việt Nam, hầu như không thấy nhà văn, nhà báo nào dùng cụm từ này. Và nếu tìm trong các tác phẩm văn học thời Pháp thuộc, cho tới trước thời kỳ mở cửa, chúng ta đều không thấy những hiện tượng sử dụng tiếng Việt bừa bãi như thế.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét