11/12/13

Tam giáo và nỗi băn khoăn


LE MINH KHAI

Tôi thường đọc và nghe người ta nói rằng sự giao hòa, và được kính ngưỡng như nhau của “tam giáo” là cái đã định hình xã hội Việt Nam trong quá khứ. Và khi người ta nói về điều này, người ta hay dùng những khái niệm như “ba giáo cùng một nguồn” cứ như thể đây là một từ ngữ mà người Việt Nam đã biết và tin tưởng vào nó suốt nhiều thế kỉ vậy.
Thực tế không phải thế. Và tôi đang cố chỉ ra nguyên nhân vì sao  ngày nay niềm tin này lại phổ biến đến vậy.
Trong thực tế, với tư cách “người quan sát từ bên ngoài”, chúng ta có thể nhìn vào quá khứ và nhận dạng những nhân tố của tam giáo trong cuộc sống của con người thời đó, thì điều này không có nghĩa là họ nghĩ rằng họ kính ngưỡng ba giáo như nhau.
Thay vào đó, cho đến thế kỉ XX, ba tôn giáo luôn tồn tại trên một cấp độ nào đó của mối quan hệ có tính tôn ti giữa chúng. Trong cuộc sống thường nhật, người ta có thể “sử dụng” những nhân tố của tam giáo bằng những cách thức xem ra đối với chúng ta là “bình đẳng”, nhưng khi họ viết về tam giáo, họ luôn để lộ ra một kiểu băn khoăn.

Bạn có thể thấy rất rõ điều đó trong các sách thiện thư phổ biến ở thế kỉ XIX. Những bình luận sau đây trong lời tựa của một cuốn sách có tên Tạo phúc bảo thư [xuất bản] năm 1884 minh họa rõ điều này:
“Các sách Nho nói về ý nghĩa và nguyên tắc (nghĩa lí). Nếu người nào không thông minh và sáng suốt thì người đó không thể hiểu nghĩa lí được. Đạo [tức Đạo giáo] và Thích [tức Phật giáo] nói về họa và phúc (hoạ phúc). Họa và phúc có thể được hiểu bởi ngay cả những kẻ ngu muội, thô lỗ. Trong những kẻ đi học, người thông minh và sáng suốt thì ít, trong khi kẻ ngu muội, thô lỗ thì nhiều. Dạy họ về nghĩa lí thì nghĩa lí sẽ chui qua tai ngay, và họ sẽ hành động thiếu kiềm chế. Vì vậy sẽ tốt hơn nếu cung cấp cho họ những ví dụ về họa và phúc, vì sau đó họ sẽ hiểu rõ cái gì phải sợ”.
Tác giả này đang bộc lộ một cảm giác băn khoăn. Ông tự nhận mình là một nhà Nho và biết rằng với tư cách như vậy, ông không nên liên can đến những thứ thuộc Đạo hay Thích. Vì vậy ông cố gắng thanh minh cho điều ông đang làm bằng cách chỉ ra rằng những ý tưởng của Đạo và Thích tốt cho việc giáo dục “kẻ ngu muội và thô lỗ”.
Một mặt, chúng ta có thể thấy rằng đây là một ví dụ về một người tin rằng “tam giáo đồng nguyên” bởi ông tin rằng Đạo và Thích cũng có thể khiến cho con người trở nên tốt hơn.
Tuy nhiên, rõ ràng ông không thực sự đề cao Đạo và Thích. Và trong các ghi chép lịch sử, người ta có thể tìm thấy nhiều ví dụ giống như thế này. Thực vậy, trước thế kỉ XX, những ý tưởng như thế này là chuẩn phạm.
Vậy nó đã thay đổi thế nào?
Tôi nghĩ đạo Cao Đài đã đóng một vai trò lớn. Ý tưởng mà đạo Cao Đài đang xây dựng dựa trên một truyền thống lâu dài về sự kính ngưỡng như nhau đối với Tam giáo là tâm điểm của tôn giáo này.
Ở đây một lần nữa, tôi ngờ rằng ban đầu có lẽ có một cảm giác băn khoăn nằm đằng sau sự cổ vũ cho ý tưởng này. Với tư cách một tôn giáo mới, đạo Cao Đài cần hợp thức hóa bản thân nó, vì vậy bằng cách cổ vũ cái ý tưởng cho rằng nó là di duệ thừa kế một truyền thống lâu dài của “sự hỗn dung và khoan dung tôn giáo”, nó giành lấy tính hợp thức cho bản thân, cái nó không nhất thiết phải có khi mới sinh thành.
Xa hơn, thực tế là Nho giáo đã đánh mất vị thế nhà nước của mình ở thế kỉ 20, cũng có nghĩa là những tiếng nói giống như một tiếng nói ở bài tựa ở trên trở nên ngày càng ít ỏi, và điều đó cũng cho phép đạo Cao Đài nhìn nhận vai trò lịch sử của tam giáo để giành được nhiều sự chấp nhận hơn [của công chúng với bản thân nó].
Rồi rốt cuộc có vai trò của chủ nghĩa dân tộc. Tam giáo cũng đồng thời tồn tại ở nước lớn nằm ở phía Bắc của Việt Nam, và chủ nghĩa dân tộc Việt Nam hiện đại cần phải tìm kiếm những “đặc trưng Việt Nam” riêng biệt trong những di sản mà nó chia sẻ với láng giềng phương Bắc.
Một cách để làm như vậy là phải nói rằng xã hội “người Việt” được điển hình hóa bởi ý tưởng rằng “ba giáo có cùng nguồn”, và để ngụ ý rằng trong lĩnh vực đó ở phương Bắc, “Nho giáo” chi phối.
Một lần nữa, sự bốc đồng ẩn đằng sau việc nói như vậy đến từ một cảm giác bối rối.
Sự bối rối đóng một vai trò rất lớn trong cuộc sống của chúng ta, và nó luôn có vai trò như vậy. Tuy nhiên, nó là một trong số những hiện tượng mà tôi nghĩ nhiều sử gia đã cảm thấy “lúng túng” và đã chọn cách tránh nói về nó. Song le, khi bạn nhìn vào quá khứ, dễ dàng nhận thấy [sự lúng túng đó].
Người dịch: Hoa Quốc Văn


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét