20/12/13

"CÁI LÝ" KÉO VỢ


Minh Huệ
Lâu nay, trên báo chí, người ta quen dùng từ “cướp vợ” khi viết về phong tục hôn nhân của người Mông. Thế nhưng, người Mông lại “cải chính” rằng “phải nói là kéo vợ” mới đúng. Cuộc trò chuyện của MH với anh Giàng Seo Gà, người dân tộc Mông ở Sa Pa, Lào Cai cung cấp những thông tin thú vị.
- Thưa anh, khi viết về phong tục hôn nhân của người Mông, tôi thấy có người viết là "cướp vợ", người lại bảo là " bắt vợ", rồi "kéo vợ", vậy cướp, hay bắt hay là kéo là chính xác ?
          - Tiếng phổ thông người ta gọi là cướp nhưng người Mông không gọi là "cướp”, người Mông gọi là" kéo". "Kéo" là đúng hơn, không dùng cái từ " cướp". Ngàn đời nay người Mông chỉ sử dụng từ "kéo", không sử dụng từ "cướp" cho nên chúng ta tăng lên nó lên thành từ "cướp" thì người Mông sẽ hiểu khác ngay. "Cướp" thì người Mông hiểu là đi cướp 1 cô vợ của anh khác cơ, chứ không phải đi kéo vợ. "Kéo vợ" là đi kéo 1 cô chưa có chồng chứ. Người Mông rất kiêng kỵ cái từ "cướp" bởi vì trong cuộc sống của đời người thì ai cũng lo sợ nhất cái chuyện bị cướp bóc. Người Mông không bao giờ dùng cái từ cướp đó.
          - Vậy thì bản chất của hành động kéo vợ theo phong tục của người Mông là gì, tại sao lại phải kéo về ?
- Tất cả người Mông đều có 1 cái giống nhau là anh có yêu bao nhiêu, nàng có yêu anh bấy nhiêu, đến 1 chừng mực nào đó, gần đến cửa là anh ta phải kéo. Phải kéo chứ không phải tự nhiên cô ta về nhà. Một cái lý do cụ thể là như thế này. Anh không kéo tôi thì có nghĩa là anh không yêu tôi. Cho nên không kéo thì dù cô ta có yêu anh chàng đến mấy cũng, không bao giờ cô ta tự bước vào nhà để lấy anh ta cả.
          - Anh ta có kéo mình thì mới chứng tỏ anh ta yêu mình, đó là cái tâm lý người con gái. Đó là quan niệm của người Mông về tình yêu, hạnh phúc ?   
- Đây là cái tâm lý của toàn bộ phái nữ dân tộc Mông. Phái nữ dân tộc Mông người ta khẳng định rằng 1 con người mà người ta không kéo tay vào nhà thì mình không còn phẩm chất giá trị gì của một cô gái nữa.

- Sẽ mang cái tiếng để đời là mình tự theo người đàn ông ấy về ?
- Vâng, mình sẽ bị mất phẩm giá, bị mang cái tiếng là tự theo chàng ta về nhà, coi như là tự nguyện làm hầu chứ không phải làm vợ. Nếu mình được kéo về thì mới được trân trọng, còn nếu mình tự theo về thì mình không được trân trọng. Và mình tự cảm giác là mình vai thấp hơn, tự nguyện về làm hầu hạ anh ta chứ không phải làm vợ anh ta, vì anh ta không thèm kéo mình. Ví dụ hai người sống với nhau nó thuận hoà, đầu bạc răng long thì không sao nhưng đến dở chừng mà anh chàng lại đi thế này thế khác thì cô vợ có cái cớ là: anh kéo tay tôi, tôi mới về làm vợ anh, nếu anh không kéo thì tôi có thằng khác kéo, tôi cũng là vợ của họ. Anh kéo tay tôi về thì anh phải kéo tay tôi ra để mà trả cho gia đình tôi. Mà trước khi anh kéo tay tôi ra để trả nhân phẩm của tôi về với gia đình tôi, tôi đẻ cho anh bao nhiêu đứa con thì anh phải nhét bằng được số con đó vào thân thể của tôi và phải sửa thân thể tôi như con gái ngày trước.
- Có thể là nhờ "cái lý" này mà người Mông ít khi ly hôn chăng! Nhưng mà kéo con gái nhà người ta về mà gia đình cô ta không được biết thì có vẻ nó cũng giống như là bắt cóc ấy ?
          - Một chàng trai tự đi kéo về nhưng mà về đến nhà là phải cho người đi báo tin ngay cho bên nhà gái.
          - NNgười Mông ở Thanh Hoá người ta kéo vợ nhất nhất là phải đi vào ban đêm, thế còn người Mông ở Lào Cai thì có nhất thiết là phải đi vào ban đêm hay ban ngày cũng được ?
          - Nguyên tắc chung của người Mông thì người ta chả quy định ban đêm hay ban ngày. Đi ban đêm hay ban ngày lại phụ thuộc vào từng đối tượng. Còn theo tôi biết ở Sa Pa, Lào Cai hay bên Hà Giang, kéo vợ thì kéo ban ngày tùy anh, kéo ban đêm tuỳ anh, không quan trọng. Nhưng mà riêng trường hợp đã có yêu rồi, hai người đã có ý tứ lập gia đình với nhau thì đi ban ngày người ta sợ hàng xóm hay bạn bè người thân người ta nhìn thấy, sau này nếu thành vợ thành chồng thì không sao, không thành vợ thành chồng người ta lại có cái dư luận xã hội không tốt. Cho nên là người ta phải đi ban đêm là chủ yếu. Gia đình nhà trai cảm thấy không phù hợp thì mang trả luôn.
          - Hiện nay, con trai Mông có còn kéo vợ như thế nữa không anh? Và chuyện hát giao duyên trong đám cưới có còn trong cộng đồng người Mông ở Sa Pa không ?
          - Hình thức kéo vợ thì bây giờ vẫn còn, nhưng mà hình thức tổ chức đám cưới theo cái thủ tục ngày xưa bây giờ giảm đi 75 đến 80% rồi. Hiện tại ở Sa Pa, người Mông 1 số xã tổ chức đám cưới y sì như người Kinh, không như là người Mông nữa, không có cái sự giao nhau bằng lời ca tiếng hát. Bây giờ người ta chẳng khác nào như tổ chức tại Hà Nội. Đến cứ chào nhau một câu, rồi lên mâm chén xong có tiền thì đưa tiền, không có tiền thì thôi, về!. Tôi nghĩ nó trở thành 1 cái gì đó..đó là rất mới nhưng lại không văn hoá tí nào.
          - Nhưng kéo vợ thì vẫn kéo từ trước rồi chứ ạ ?
          - Những nhà này người ta không kéo vợ nữa cơ, người ta chơi y sì hiện đại luôn. Khi đó cô dâu chú rể mặc quần áo như cô dâu chú rể Hà Nội rồi. Cải tiến dần, cải tiến dần như thế thì chúng ta hình như không còn một cái mấu chốt nào đó là của ta cả, khi đó người Mông không phải là người Mông nữa.

- Vâng, tôi cũng đồng ý với anh như vậy. Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét