18/12/13

Hồ Chí Minh: Nhà giáo dục đi trước thời đại


TRẦN VĂN NHUNG
Mặc dù không phải là nhà nghiên cứu về Hồ Chí Minh, nhưng chúng tôi cũng xin được góp một vài ý kiến. Bác Hồ của chúng ta không chỉ là một tấm gương đạo đức trong sáng mà còn là một nhà tư tưởng, một nhà văn hoá lớn.
Vì vậy, trong quá trình thực hiện cuộc vận động Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, chúng ta cũng cần phải tìm hiểu thêm để thấy Bác còn là một nhà tư tưởng lớn. Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Người đã để lại nhiều tư tưởng và câu nói bất hủ. Với vốn hiểu biết vừa sâu vừa rộng, từ đông sang tây, từ cổ chí kim, nói được gần mười thứ tiếng, Bác đã kế thừa, sử dụng và phát huy trí tuệ Việt Nam và nhân loại. Nhưng có những ý tưởng mà chính Bác là người đầu tiên sáng tạo ra, đi trước cả thời cuộc, mà chúng ta cần phải khẳng định và giữ “bản quyền” cùng bạn bè quốc tế.
Tôi xin nêu bốn ví dụ sau đây trong lĩnh vực văn hoá, giáo dục.
1. Bốn trụ cột giáo dục
Năm 1996, dựa trên Báo cáo của Hội đồng Delors, UNESCO đã khuyến nghị giáo dục toàn thế giới trong thế kỷ XXI được xây trên bốn trụ cột, đó là “học để biết, học để làm việc, học để chung sống với nhau và học để làm người”. Cả nhân loại đều thừa nhận chân lý này.
Tuy nhiên, nếu để ý chúng ta sẽ thấy về cơ bản tư tưởng và chân lý này đã được Bác Hồ kính yêu của dân tộc Việt Nam viết ra ngay từ tháng 9 năm 1949 trên trang đầu của cuốn sổ vàng khi Người đến thăm Trường Nguyễn Ái Quốc Trung ương, tiền thân của Học viện Chính trị Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh ngày nay: “Học để làm việc, làm người, làm cán bộ. Học để phụng sự Đoàn thể, “giai cấp và nhân dân, Tổ quốc và nhân loại”. Muốn đạt mục đích, thì phải cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư.”
Tôi đánh giá rất cao vai trò và đóng góp của UNESCO Việt Nam trong những năm qua, đặc biệt là dịp Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, đã chuẩn bị các hồ sơ để trình UNESCO xem xét và công nhận nhiều di sản vật thể và phi vật thể của nước ta. Vì lãnh tụ vĩ đại của bất cứ đất nước nào, dân tộc nào cũng đều hàm chứa nhiều di sản tư tưởng, văn hoá, đạo đức thiêng liêng và cao cả nhất của đất nước đó, dân tộc đó, do đó, tôi xin đề nghị Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam gửi (nếu chưa) nguyên bản bút tích nói trên năm 1949 của Bác kèm theo bản dịch tiếng Anh, tiếng Pháp đến UNESCO tại Paris, để thấy Hồ Chí Minh hơn nửa thế kỷ trước đã góp phần xây dựng nên bốn trụ cột giáo dục của toàn thế giới do UNESCO khuyến nghị năm 1996 như thế nào. Nhân đây, tôi cũng xin đề nghị thêm với Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, trong việc tiếp tục giới thiệu các di sản vật thể và phi vật thể của chúng ta với UNESCO để được công nhận, nên chú ý thêm đến các di sản tư tưởng và văn hoá của lãnh tụ Hồ Chí Minh, mà trên đây chỉ là một ví dụ cụ thể.

Khi tìm lại những đánh giá và ghi nhận của UNESCO đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh (xem Nghị quyết 18.65 của UNESCO, được thông qua tại kỳ họp thứ 24 của Đại Hội đồng tại Paris năm 1987 và bài phát biểu của Tiến sĩ Modagat Ahmed, Giám đốc UNESCO khu vực châu Á – Thái Bình Dương, đặc phái viên của Tổng giám đốc UNESCO, tại Hội thảo quốc tế kỷ niệm lần thứ 100 ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh được tổ chức tại Hà Nội năm 1990), tôi chưa thấy chỗ nào cụ thể chứng tỏ UNESCO đã ghi nhận đóng góp rất cơ bản của Người cho bốn trụ cột giáo dục của toàn thế giới trong thế kỷ XXI. Điều này có thể do hai lý do: UNESCO chưa biết đến điều tiên tri giáo dục của Bác hoặc do chúng ta cũng chưa chủ động giới thiệu với UNESCO.
2. Lời dạy thanh niên
Ngày 19 tháng 01 năm 1955 trong bài nói chuyện của Bác Hồ tại Lễ khai mạc Trường Đại học Nhân dân Việt Nam, Người căn dặn thanh niên, sinh viên: “Nhiệm vụ của thanh niên không phải là hỏi nước nhà đã cho mình những gì. Mà phải tự hỏi mình đã làm gì cho nước nhà? Mình phải làm thế nào cho ích lợi nước nhà nhiều hơn? Mình đã vì lợi ích nước nhà mà hy sinh phấn đấu chừng nào?” Tổng thống
Hoa Kỳ John F. Kennedy trong diễn văn nhậm chức vào ngày 20 tháng 01 năm 1961 có nói điều tương tự: “Đừng hỏi Tổ quốc có thể làm gì cho bạn, mà hãy hỏi bạn có thể làm gì cho Tổ quốc”. Những ý tưởng của hai câu nói nổi tiếng trên nay đã đi vào bài hát rất hay bằng tiếng Việt cho thanh niên (Khát vọng tuổi trẻ - Vũ Hoàng).
3. Gửi sinh viên đi du học
Trước đây khoảng gần 10 năm, tại một hội nghị Việt – Mỹ được tổ chức tại Hải Phòng để bàn việc triển khai chương trình học bổng của Quỹ Giáo dục Việt Nam (Vietnam Education Foundation, VEF) dành cho sinh viên Việt Nam, đã có một kỷ niệm đáng nhớ. Tổng số tiền mà Quỹ này có là 145 triệu USD. Đây là số tiền mà Chính phủ ta phải trả nợ thay cho Chính quyền Sài Gòn về các khoản vay phi quân sự mà Chính phủ Hoa Kỳ đã cho Chính quyền Sài Gòn vay trong thời gian chiến tranh. Trước khi hết nhiệm kỳ thứ hai, Tổng thống Bill Clinton đã ký sắc lệnh có nội dung thay vì CHXHCN Việt Nam phải trả trực tiếp cho Hoa Kỳ số tiền này thì CHXHCN Việt Nam có thể dùng số tiền này để cử sinh viên đại học và sau đại học sang học tập và nghiên cứu khoa học ở các trường đại học có uy tín cao ở Hoa Kỳ, trong những ngành khoa học, công nghệ tiên tiến, y học,... Khi đọc kết luận tại hội nghị nói trên, Trưởng đoàn đại biểu phía Hoa Kỳ nhấn mạnh: Đây là một cơ hội to lớn và hiếm hoi cho sinh viên Việt Nam có thể sang học tập tại Hoa Kỳ, các ông cần phải nắm lấy. Tôi đã thay mặt đoàn Việt Nam, cảm ơn Chính phủ Hoa Kỳ và phái đoàn và cũng xin nhấn mạnh: Không phải đợi cho đến đầu thế kỷ 21 chúng tôi mới mong muốn được gửi sinh viên đi đào tạo ở Hoa Kỳ mà ngay từ ngày 01 tháng 11 năm 1945, chỉ hai tháng sau khi giành được độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh của chúng tôi đã gửi thư cho Tổng thống Hoa Kỳ thông qua Ngoại trưởng James F. Byrnes:
“Thưa Ngài !
Nhân danh Hội văn hoá Việt Nam, tôi xin được bày tỏ nguyện vọng của Hội, được gửi một phái đoàn khoảng năm mươi thanh niên Việt Nam sang Mỹ với ý định một mặt thiết lập những mối quan hệ văn hoá thân thiết với thanh niên Mỹ, và mặt khác để xúc tiến việc tiếp tục nghiên cứu về kỹ thuật, nông nghiệp cũng như các lĩnh vực chuyên môn khác.
Nguyện vọng mà tôi đang chuyển tới Ngài là nguyện vọng của tất cả các kỹ sư, luật sư, giáo sư Việt Nam, cũng như những đại biểu trí thức khác của chúng tôi mà tôi đã gặp.
Trong suốt nhiều năm nay họ quan tâm sâu sắc đến các vấn đề của nước Mỹ và tha thiết mong muốn tạo được mối quan hệ với nhân dân Mỹ là những người mà lập trường cao quý đối với những ý tưởng cao thượng về công lý và nhân bản quốc tế, và những thành tựu kỹ thuật hiện đại của họ đã có sức hấp dẫn mạnh mẽ đối với giới trí thức Việt Nam.
Tôi thành thực hy vọng kế hoạch này sẽ được thuận lợi nhờ sự chấp thuận và giúp đỡ của Ngài, và nhân dịp này tôi xin gửi tới Ngài những lời chúc tốt đẹp nhất ”.
Tôi đã tìm thấy bức thư này của Bác tại Viện Bảo tàng Hồ Chí Minh tại Hà Nội và đã chụp sẵn mang đến hội nghị để đưa cho các đại biểu Hoa Kỳ. Bức thư này cũng có thể tìm thấy trong Hồ Chí Minh Toàn tập, Tập 4 (1945-1946), trang 80-81, và cũng được lưu trữ tại U.S. Government Printing Office, Washington, 1971, p.90, United States - Vietnam Relations 1945-1967. Rất tiếc bức thư đầy thiện chí này của Bác đã không được hồi âm. Như vậy phải hơn nửa thế kỷ sau, mong muốn gửi thanh niên Việt Nam đi du học ở Hoa Kỳ của Chủ tịch Hồ Chí Minh mới được thực hiện. Cuối cuộc họp nói trên tại Hải Phòng, các đại biểu và giáo sư Hoa Kỳ đã đến gặp tôi và rất xúc động nói cho đến nay mới được biết Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi bức thư này cho Hoa Kỳ và rất lấy làm tiếc là đã không có trả lời. Đây là bức thư về giáo dục. Và nếu các bức thư khác Bác gửi cho các Tổng thống Hoa Kỳ về nhiều vấn đề khác nhau mà được trả lời thiện chí thì tình hình quan hệ hai nước và quốc tế đã khác.
Khác với lần này, những lần sau, ngay từ đầu những năm năm mươi và sáu mươi của thế kỷ trước, khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ của nhân dân ta đang diễn ra vô cùng ác liệt, Bác và Nhà nước ta đã rất thành công khi gửi một số lượng lớn lưu học sinh Việt Nam đi du học ở Trung Quốc, Liên Xô (cũ) và các nước XHCN ở Đông Âu, CHDCND Triều Tiên, Cu Ba,... Như vậy, chính vào những thời điểm cam go nhất của vận mệnh dân tộc kể từ năm 1945, Bác luôn luôn chủ trương gửi lưu học sinh Việt Nam đi du học nước ngoài để chuẩn bị nguồn nhân lực cho tương lai. Như vậy ngay từ đầu, trong tư duy và hành động, Hồ Chí Minh luôn coi khoa học - công nghệ và giáo dục - đào tạo là quốc sách hàng đầu.
4. Tấm gương tự học, học suốt đời
Báo cáo của Hội đồng Delors lên UNESCO năm 1996, ngoài việc khuyến nghị  bốn trụ cột giáo dục của toàn thế giới trong thế kỷ XXI, còn đề cập đến khái niệm “Học suốt đời”. Có thể nói cuộc đời và hoạt động của nhà giáo Nguyễn Tất Thành chính là một ví dụ sinh động minh hoạ khái niệm học suốt đời, học mở, một cuốn sách mở, suốt đời ủng hộ và cổ súy cho việc học tập, chính quy và phi chính quy và thực sự luôn xem giáo dục là quốc sách hàng đầu. Cách học là phi chính quy, vì không có điều kiện học chính quy, và không vị bằng cấp, nhưng kiến thức và bài học thực tiễn thu được là rất chính quy và cơ bản. Ngược lại, ngày nay vẫn còn có người chưa thực sự xem giáo dục là quốc sách hàng đầu, có người được đi học theo hình thức chính quy, nhưng kiến thức thu nhận được lại phi chính quy.
Chỉ xin lấy vốn ngoại ngữ của Người làm ví dụ minh hoạ cho khả năng tự học của Người. Chúng ta đã biết Bác Hồ thành thạo những thứ tiếng quốc tế như tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Tây Ban Nha, tiếng Nga, tiếng Trung Quốc,... và dùng được cả tiếng Thái, tiếng các dân tộc ít người, vì Bác đã ở, làm việc, hoạt động cách mạng và tìm hiểu những tư tưởng tiến bộ của thời đại ở các nước, các địa phương nói thứ tiếng đó. Việc Bác biết cả tiếng Đức và để lại bút tích chuẩn mực bằng tiếng Đức ở Viện Bảo tàng Hồ Chí Minh khiến tôi ngạc nhiên vô cùng. Bác có thể đọc các tác phẩm kinh điển của Marx, Engels và Lenin bằng tiếng Pháp, Anh và Nga. Nhưng Người học thêm cả tiếng Đức có lẽ để đọc Tư bản luận (Kapital) của Marx trong nguyên tác bằng tiếng Đức? Đây là một đức tính mà các nhà khoa học hậu thế cần noi theo gương của Người để tìm hiểu trên nguyên tác của các công trình khoa học, chứ không chỉ thông qua bản dịch.
Một ví dụ khác nữa về khả năng ngoại ngữ đặc biệt của Bác. Năm 1924, khi hoạt động tại Quảng Châu, Trung Quốc, để chuẩn bị lực lượng cho cách mạng Việt Nam, Bác, lúc đó lấy tên là Lý Thụy, đóng vai trò là phiên dịch cho M. M. Borodin, Trưởng đoàn cố vấn của Chính phủ Liên Xô bên cạnh Chính phủ Trung Hoa Dân Quốc của Tôn Trung Sơn, tức là phiên dịch giữa tiếng Trung Quốc và tiếng Nga, cả hai đều không phải là tiếng Việt, tiếng mẹ đẻ!
Đến ngày 05 tháng 6 năm 2011 là vừa tròn 100 năm nhà giáo Nguyễn Tất Thành ra đi từ bến Nhà Rồng để tìm đường cứu nước. Từ cái tên Nguyễn Tất Thành của một nhà giáo cho đến cái tên cuối cùng Hồ Chí Minh của Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, Người đã phải đổi tên nhiều lần để hoạt động cách mạng. Nhưng cái tên Nguyễn Tất Thành và cái chất một nhà giáo vẫn xuyên suốt và đặc trưng cho cả cuộc đời của Người. Vì thế không lúc nào Người không nói đến giáo dục, không lúc nào Người không nghĩ đến giáo dục, không lúc nào Người không làm cho giáo dục và tự mình, không lúc nào Người lơi lỏng việc học, học trong sách vở và học trong cuộc sống, trong thực tiễn hoạt động cách mạng, tự học là chính.
Tháng 5 năm 2011
 Ghi chú: Phần cơ bản của bài này đã được trích đăng trên báo điện tử VietNamNet ngày 19/5/2010 với tiêu đề "Hồ Chí Minh "đi trước" UNESCO?" (do VietNamNet đặt) và cũng đã được Đài Tiếng nói Việt Nam phát sóng vào dịp đó. Tác giả có bổ sung thêm thông tin để thành bài như hiện nay.
Nguồn: Về giáo dục và đào tạo, đôi điều ghi lại; Nxb GDVN; Hn 2012


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét