16/12/13

“Nô lệ” thời hiện đại ?


NGUYỄN HUỲNH MAI

Trên thế giới gần ba mươi triệu người được xem như nô lệ thời hiện đại, ước tính bởi tổ chức Walk Free Foundation tạm dịch là Tổ chức Đi tự do. Web site của tổ chức này ở đây:http://www.walkfreefoundation.org và bảng xếp hạng các quốc gia theo số người được xem như nô lệ:http://www.globalslaveryindex.org/

Định nghĩa người “nô lệ” của thế kỷ 21
. Nô lệ là hoàn toàn tùy thuộc vào người khác, cứ như là thuộc quyền sở hữu của người này – người bị lệ thuộc có thể được mua, mang đem bán, trao đổi như một món hàng và đôi khi bị bạo lực hay bị giết.
. Công nhân bị bóc lột và bị bó buộc phải làm việc như người tù khổ sai, không có tự do chọn lựa thay chỗ làm hay nghỉ việc, có khi bị đánh đập hành hạ (bị bóc lột kinh tế).
. Nạn nhân của tổ chức buôn người, bị lường gạt, bóc lột, ép buộc làm những việc trái với đạo đức luật lệ và phạm tới nhân phẩm của con người (bị bắt phải bán dâm là một thí dụ, cưỡng hôn là thí dụ thứ nhì – bị bóc lột giới tính).

Điểm chung của tất cả các trường hợp này, nạn nhân những nô lệ của thời hiện đại, là việc mất hoàn toàn những tự do căn bản nhất của con người : tự do chọn việc làm, tự do rời một việc khi việc làm không phù hợp với mình, tự do bảo vệ thân thể mình.
Cũng như chế độ nô lệ hiện hữu trước thế kỷ thứ XIX, trong hình thức nô lệ hiện thời có một phía bóc lột và một phía bị bóc lột – nghĩa là cuộc sống của người nô lệ hoàn toàn tùy thuộc vào người «chủ nô lệ».
Toàn cảnh tình hình «nô lệ» trên thế giới hiện thời:
Ấn độ là nước có đông dân «nô lệ» nhất, khoảng 13 tới 14 triệu. Sau đó là Trung Quốc (khoảng 3 triệu người, phần đông là bị bóc lột về kinh tế), tiếp đến là Pakistan (khoảng 2 triệu người, phần lớn là dân tị nạn từ Afghanistan, bị bóc lột dưới đủ mọi hình thức).
Nigeria, Ethiopiavà một số nước khác ở châu Phi (Congo, Bénin, …) cũng có nhiều người bị nô lệ hiện thời.
Nước Nga và nước Thái Lan cũng là hai quốc gia được xếp trong hàng top ten của các nước nhiều nô lệ (trên dưới nửa triệu người ở Nga cũng như ở Thái Lan).
Tại các nước Âu Mỹ cũng còn một số người bị xem như nô lệ theo định nghĩa nói trên, nhưng rõ ràng là rất ít. Toàn nước New Zealand chẳng hạn, số nô lệ ước định chỉ khoảng 450 người.
 Việt Nam, cũng theo định nghĩa trên và theo Tổ chức Walk Free Foundation, có khoảng 240.000 – 260.000 «nô lệ», Việt Nam đứng hạng 15 trên thế giới tính trên số người nô lệ hay hạng 64 nếu tính theo bình quân số nô lệ so với dân số – trên tổng số 162 quốc gia của nghiên cứu -.
Các nước ít «nô lệ» nhất là Iceland, Ireland, Anh Quốc, các nước Bắc Âu, Úc và New Zealand. Tiếp theo đó là Luxembourg, Thụy sĩ, Bỉ.
Thế có nghĩa là Walk Free Foundation ước tính số người bị nô lệ trong từng quốc gia. Sau đó tính trên dân số của các quốc gia để cho ra tỉ lệ bình quân số nô lệ trên toàn dân số của mỗi quốc gia.
Chỉ số nô lệ đầu tiên mà Walk Free Foundation báo cáo
Tổng chỉ số nô lệ 2013 cho ta kết quả xếp hạng của 162 quốc gia trên thế giới. Tổng chỉ số này dựa trên ba số cấu thành
. Tỉ lệ của số người được xem như nô lệ trên số dân
. Số tảo hôn
. Số trường hợp buôn người
Phương pháp tiến hành để cho ra và xếp hạng các nước theo chỉ số nô lệ
Tổng chỉ số nô lệ là một xếp hạng bao gồm số đo của ba biến số:
- Số ước định tỉ lệ nô lệ trong mỗi nước (có giá trị cho 95% tổng chỉ số)
- Lượng mức buôn người ở và từ mỗi nước (cho 2.5% tổng chỉ số)
- Lượng mức tảo hôn, đám cưới của trẻ con ở mỗi nước (cho 2.5%)
Số ước định tỉ lệ nô lệ (biến số quan trọng nhất vì có giá trị cho 95% tổng chỉ số) được tính từ hai nguồn tài liệu nghiên cứu:
- Phân tích và đối chiếu các dữ kiện từ nhiều nguồn khác nhau với những phương pháp phân tích thích hợp. Các dữ kiện này gồm những báo cáo, thống kê của các chính phủ, các nghiên cứu của các tổ chức quốc tế và của các tổ chức phi chính phủ và cả những con số đưa ra bởi các báo chí.
- Dựa trên các dữ kiện đi từ các nghiên cứu trên các mẫu có tính đại diện tại các nước mà loại nghiên cứu này đã được thực hiện về chỉ số nô lệ, từ đó dùng phương thức thống kê ngoại suy – extrapoler – để, với nhiều thận trọng, tìm ra được một chỉ số có thể tín cậy được để áp dụng cho các nước chưa có nghiên cứu về đề tài nô lệ này.
Những con số về buôn người được rút ra từ Báo cáo của Mỹ về tình trạng buôn người.
Còn các con số về hôn nhân của trẻ con đi từ dữ kiện của UNICEF.
Walk Free Foundation ?
Là một tổ chức Úc, Walk Free Foundation được sự giúp đở của nhiều chuyên viên các tổ chức quốc tế và của các trường Đại học. Nhiều thân hào nhân sĩ thế giới như Hillary Clinton, Tony Abbott, Gordon Brown, Gareth Evans, Julia Gillard, Bill Gates, … đã nhận đở đầu và cổ động công trình của Tổ chức này.
Chủ đích của Walk Free Foundation là tìm cách chấm dứt tình trạng nô lệ hiện đại bằng cách huy động những tài năng và khả năng cao nhất trong lĩnh vực nghiên cứu và hành động để :
. Nêu lên thực trạng những nước và những kỷ nghệ gây nô lệ thời hiện đại,
. Tìm ra những đối tác và những phương thức hành động có khả năng loại trừ tình trạng nô lệ ấy nhất là đối thoại với những chính trị gia và giới quản trị kinh tế để họ ý thức được vai trò mà họ có thể thực hiện để chấm dứt nô lệ.
. Có cái nhìn sáng suốt về phương thức hành động của Tổ chức, phê bình đánh giá tác động của chính Tổ chức.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét