14/12/13

CHUYỆN ÍT BIẾT VỀ CÁC VỊ VUA NƯỚC VIỆT


Sưu tầm

Lịch sử Việt Nam trải hàng ngàn năm phát triển với hơn 100 đời vua nối nhau trị vì. Có nhiều câu chuyện kỳ thú, khó tin liên quan đến các vị vua nước Việt mà không mấy người biết được.
Trần Anh Tông bị ném vỡ đầu
Trần Anh Tông là vị vua thứ 4 của nhà Trần, ở ngôi 21 năm (1293 - 1314), được sử sách đánh giá là “khéo nối chí giữ nghiệp, cho nên đất nước được thái bình, chính trị tốt đẹp, văn vật, chế độ dần thịnh lên, cũng là bậc vua tốt của triều Trần” (Đại Việt sử ký toàn thư). Để tiếp cận với đời sống nhân dân, vua Trần Anh Tông thường đi vi hành và có lần ông đã bị ném vỡ đầu. Sử cho biết như sau: “Vua thích vi hành, cứ đêm đêm lại lên kiệu cùng với hơn chục thị vệ đi khắp trong kinh kỳ, gà gáy mới trở về cung. Có đêm ra đến quân phường bị bọn vô lại ném gạch trúng vào đầu vua. Người theo hầu thét lên: kiệu vua đấy; bọn chúng biết nhà vua mới tan chạy cả. Một hôm thượng hoàng thấy đầu vua có vết thương, vặn hỏi, vua cứ thú thực mà thưa. Thượng hoàng giận dữ hồi lâu” (Đại Việt sử ký toàn thư).

 Vua Tự Đức thi văn đỗ hạng... bét
Là người thông minh, giỏi văn, hay chữ nên hoàng đế thứ 4 của triều Nguyễn là Tự Đức rất tự cao tự đại mặc dù bề ngoài luôn tỏ ra khiêm tốn. Có lần vua nói: Trẫm không đi thi nhưng nếu đi thi nhất định trẫm sẽ đỗ Trạng nguyên. Thấy mọi người không có vẻ tán đồng, Tự Đức liền nghĩ ra một cách, ông cùng một số vị đại khoa làm một bài luận rồi rọc phách gửi sang nhờ vua Thanh lập ban giám khảo chấm giúp. Tự tin nghĩ thế nào mình cũng đỗ đầu nhưng hoá ra bài văn của Tự Đức xếp cuối; trong bài của ông có lời phê rằng: “Bài này tỏ ra tác giả là một người học rộng, khí phách, không phải là người thường nhưng là người không có tài mấy!”.
Nam Đế từng là một chú tiểu
Lý Nam Đế tên thật là Lý Bí (còn gọi là Lý Bôn) là người lãnh đạo cuộc khởi nghĩa năm Tân Dậu (541) lật đổ chính quyền đô hộ, xây dựng một chính quyền tự chủ của nhà nước Vạn Xuân, ông xưng đế và trở thành vị Hoàng đế đầu tiên trong lịch sử Việt Nam. Lý Bí xuất thân trong một gia đình “đời đời là hào hữu”, cha là Lý Toản, tù trưởng bộ lạc, mẹ là Lê Thị Oánh, người Ái Châu (nay là Thanh Hóa). Là con độc nhất trong gia đình, từ nhỏ đã tỏ rõ là người thông minh, hiểu biết, thế nhưng ông sớm phải sống trong cảnh mồ côi, khi lên 5 tuổi thì cha mất, 7 tuổi mẹ lâm bệnh qua đời; Lý Bí được người chú ruột đón về nuôi dưỡng. Một hôm có vị thiền sư đến làm lễ tại ngôi chùa trong làng, tình cờ nhìn thấy Lý Bí. Ngắm dung mạo cậu bé khôi ngô, thiền sư biết là người sau này có thể làm lên sự nghiệp. Biết hoàn cảnh đáng thương của Lý Bí, thiền sư liền đến gặp người chú xin đem cậu bé về làm “con nuôi cửa Phật”. Từ đó Lý Bí trở thành chú tiểu, theo Pháp tổ thiền sư về chùa Linh Bảo ở đất Giang Xá (nay thuộc xã Đức Giang, huyện Hoài Đức, Hà Nội). Được vị thiền sư hết lòng dạy bảo, lại thông minh chăm chỉ nên qua hơn 10 năm đèn sách, rèn luyện, Lý Bí trở thành nhân vật thiên tư lỗi lạc, văn võ toàn tài. Mọi người ai cũng quý mến, tin phục, sau đó đồng lòng suy tôn ông lên làm thủ lĩnh địa phương và sau này, chú tiểu năm nào đã phất cờ đại nghĩa, lật đổ ách đô hộ gần 500 năm của Bắc triều, đặt những nền móng đầu tiên cho sự ra đời quốc gia phong kiến độc lập.
Vua đầu tiên nhận lỗi với thần dân
 Vua Lý Cao Tông chính là người đầu tiên làm “thiên tử” thay trời hành đạo mà lại dũng cảm thừa nhận trước thần dân sai lầm của mình.
Dưới thời Lý Cao Tông, triều chính bắt đầu đi xuống, loạn lạc nổi lên khắp nơi. Sử chép: “Vua chơi bời không điều độ, hình chính không rõ ràng, giặc cướp như ong, đói kém liền năm, cơ nghiệp nhà Lý từ đấy suy kém… Kinh Thi có câu: Bên trong mê sắc đẹp, bên ngoài mê săn bắn, ham rượu, thích nhạc, nhà cao tường đẹp, người nào phạm một trong các điều ấy tất phải diệt vong, mà vua thì phạm đủ các điều ấy, còn làm gì được…” (Đại Việt sử ký toàn thư).
Đến mùa thu, tháng 8 năm Đinh Mão (1207), vua Lý Cao Tông thấy giặc cướp nổi lên như ong bèn hối lại lỗi xưa, nhân đó hạ chiếu nhận lỗi, bài chiếu viết rằng: “Trẫm còn bé mà phải gánh vác việc lớn, ở tận nơi cửu trùng, không biết được cảnh khó khăn của dân chúng, nghe lời bọn tiểu nhân mà gây nên oán với kẻ dưới. Dân đã oán thì trẫm còn biết dựa vào ai? Nay trẫm sẽ sửa lỗi, cùng dân đổi mới. Ai có ruộng đất, sản nghiệp bị sung công sẽ được hoàn lại” (Đại Việt sử lược).
Từ tù nhân trở thành hoàng đế
Câu chuyện lạ lùng này liên quan đến vua Lê Hiển Tông, vị hoàng đế thứ 26 của nhà Hậu Lê. Ông là con trai trưởng của Lê Thuần Tông, sinh năm Đinh Dậu (1717), mất năm Bính Ngọ (1786), thọ 69 tuổi. Lê Hiển Tông là một trong số những vị vua có tuổi thọ cao nhất và là vị vua thọ nhất triều Hậu Lê. Vị hoàng đế này cũng là một trong những người ở ngôi lâu nhất trong lịch sử Việt Nam và là người làm vua lâu nhất triều Hậu Lê. 
Chuyện lên ngôi của Lê Hiển Tông chứa đựng nhiều yếu tố may mắn. Khi còn là hoàng tử, vì có người chú là hoàng thân Lê Duy Mật nổi binh đánh lại họ Trịnh nhằm khôi phục quyền lực cho vua Lê, do đó ông bị chúa Trịnh Giang nghi ngờ đem giam cầm ở nhà viên quan nội thị Hồng quận công.
Năm Canh Thân (1740) Trịnh Doanh lên ngôi chúa mới chuyển hoàng tử đến giam ở nhà cậu mình là Vũ Tất Thận. Đêm trước đó, Vũ Tất Thận “mơ thấy thiên tử tới nhà, cờ quạt phấp phới, nhã nhạc vang lừng, rõ ra cảnh tượng của đời thái bình” (Hoàng Lê nhất thống chí). Sáng hôm sau thấy quân lính giải hoàng tử đến nhà, ông ta rất kinh ngạc cho là ứng vào giấc mộng của mình bèn kể lại với chúa. Trịnh Doanh thấy vậy cho là người có phúc lớn bèn đón hoàng tử về tôn lên làm vua, đặt niên hiệu là Cảnh Hưng.
Đôi mắt sáng như sao của vua Quang Trung
Vua Quang Trung sinh năm Quý Dậu (1753), hồi nhỏ có tên là Hồ Thơm, con thứ của ông Hồ Phi Phúc và bà Nguyễn Thị Đồng. Khi trưởng thành ông đổi họ Hồ sang họ Nguyễn và lấy tên là Nguyễn Văn Thơm, sau đó được thầy học đổi tên là Nguyễn Huệ, ngoài ra ông còn có các tên khác là Nguyễn Văn Bình, Nguyễn Văn Huệ, Nguyễn Quang Bình… Các sách sử đều mô tả Quang Trung là người cao lớn, tóc quăn, da sần, tiếng nói sang sảng như chuông, cặp mắt sáng như chớp, có thể nhìn rõ mọi vật trong đêm tối.
Đôi mắt lạ nhất của Quang Trung theo sách sử cho biết nó khiến nhiều người khi thấy thần sắc của ông “đều run sợ, hãi hùng… không một người nào dám nhìn thẳng vào mắt” (Hoàng Lê nhất thống chí). Đôi mắt này được mô tả như sau: “đôi mắt lập lòe như ánh điện” (Đại Nam chính biên liệt truyện), “con mắt nhỏ nhưng cái tròng rất lạ, ban đêm ngồi không có đèn, ánh sáng từ mắt soi sáng cả chiếu” (Tây Sơn thuật lược).
Vua Gia Long bị ngã lộn cổ xuống huyệt mộ
Cuộc đời vua Gia Long, vị hoàng đế khai sáng vương triều Nguyễn, có nhiều giai thoại kỳ lạ trong thời kỳ bôn ba gian khổ để mưu đồ phục quốc. Tuy nhiên một chuyện lạ có thật ít người biết, đó là chuyện vua đã bị ngã xuống huyệt mộ của mẹ mình là bà Hiếu Khang hoàng thái hậu vào tháng giêng năm Nhâm Thân (1812) và lạ hơn nữa là cách hành xử của quan lại trước cú ngã của vua. Sách Quốc sử di biên viết: “Trước đây sai Thị trung trực học sĩ Lê Quý Kiệt sửa sơn lăng; Quý Kiệt nói đào đến huyệt tất có đất ngũ sắc, rồi quả nhiên đúng, vua cho là lạ ngày càng khen thưởng. Đến lúc làm nhà bên mộ, mưa gió to, vua xảy chân ngã, quan lại đều sợ tản đi hết. Phò mã Trương Văn Minh đỡ vua dậy đưa ra khỏi huyệt”
Được làm vua nhờ... ăn vạ
 Lý Cao Tông  (còn có tên là Long Trát) sinh ngày 25 tháng 5 năm Quý Tị (1173) là người được truyền ngôi một cách may mắn nhất. Chuyện rằng ngôi Thái tử vốn thuộc về anh trai của Long Trát là Long Xưởng, nhưng do mắc nhiều khuyết điểm nên Long Xưởng bị phế làm dân và Lý Anh Tông chưa biết chọn ai thay vào ngôi vị thái tử. 
Một hôm Lý Anh Tông đùa chơi với người con trai thứ sáu là Long Trát. Cậu bé 2 tuổi thấy vua cha đội mũ liền khóc đòi. Vua chưa kịp tháo mũ ra thì cậu khóc thét lên, lúc cầm được mũ rồi thì cười thích thú. Hành động của cậu bé được Lý Anh Tông cho đó là điềm lạ nên mới lập Long Trát làm Thái tử. Đến tháng 4 năm Ất Mùi (1175) sau khi vua mất, Thái tử lên kế vị ngôi báu, trở thành vị vua thứ 7 của triều Lý. 
Vua đi chơi đêm bị cướp mất gươm, ấn
Vua bị cướp, mà vật bị cướp lại là biểu tượng của quyền lực tối cao là chuyện rất khó tin nhưng hoàn toàn có thật, được chính sử và nhiều tài liệu ghi lại. 
Trần Dụ Tông là vị vua thứ 7 của nhà Trần, tên thật là Trần Hạo , làm vua 28 năm (1341-1369). Thời kỳ đầu ông chăm lo chính sự nhưng về sau lại lao vào ăn chơi sa đọa, ham mê tửu sắc làm triều chính suy vi, dân tình đói khổ, giặc giã nổi lên khắp nơi… Vì là người ham chơi nên Trần Dụ Tông hay đi thăm thú, ngoạn cảnh nhiều nơi. Vào một đêm mùa hạ, tháng 6 năm Bính Ngọ (1366), vua đi chơi ở hương Mễ Sở (nay thuộc Hưng Yên) đến canh ba mới trở về kinh, khi đến sông Chử Gia thì bị kẻ cướp chặn đường lấy mất cả gươm báu lẫn ấn báu.
Sách Đại Việt sử ký toàn thư viết: “Tháng 6, vua ngự thuyền nhỏ đến chơi nhà Thiếu úy Trần Ngô Lang ở hương Mễ Sở, đến canh ba mới về. Khi tới sông Chử Gia bị cướp mất ấn báu, gươm báu”. Một số tài liệu khác cũng chép tương tự, như Việt sử địa dư viết: “Trần Dụ Tông, niên hiệu Đại Trị năm thứ 9 (1366), vua đi chơi hương Mễ Sở, khi trở về đến bãi Chử Gia bị cướp, mất cả ấn báu và gươm báu”… Sau khi bị cướp, Trần Dụ Tông cho đó là điềm chẳng lành, khó mà sống lâu nên càng thả sức chơi bời, cơ nghiệp nhà Trần ngày càng suy thoái. 
Được phong làm Thái tử khi cha chưa lên ngôi
Người được chọn vào ngôi vị Thái tử là người sẽ kế thừa ngôi báu sau này, nhưng trong lịch sử phong kiến Việt Nam có một trường hợp độc nhất vô nhị được cha phong làm Thái tử trong khi người cha đó chưa làm vua, đó là chuyện của Hồ Hán Thương. 
Hồ Hán Thương là vị vua thứ 2 và cũng là vua cuối cùng của nhà Hồ. Triều đại nhà Hồ được thành lập vào tháng 3 năm Canh Thìn (1400) sau khi Hồ Qúy Ly cướp ngôi của cháu ngoại là Trần An (Trần Thiếu Đế), thế nhưng trước đó, vào tháng giêng cùng năm, khi chưa làm vua nhưng Hồ Quý Ly đã lập Hồ Hán Thương làm thái tử với ý định chọn người con thứ này nối nghiệp mình. 
Vua đóng giả làm sư
Trong lịch sử Việt Nam có một số vị vua từ bỏ địa vị tôn quý để xuất gia tu hành, trở thành những vị sư như trường hợp của Trần Nhân Tông, Lý Huệ Tông…. Riêng vua Mạc Mậu Hợp cũng làm sư, nhưng không phải muốn “học đạo cứu đời” mà chỉ làm một ông sư giả để cứu mạng chính mình.
Năm Nhâm Thìn (1592) quân nhà Lê do Trịnh Tùng chỉ huy mở cuộc tổng phản công đánh ra bắc. Quân Mạc thua to. Vua Mạc Mậu Hợp kinh sợ bỏ chạy khỏi Thăng Long rồi trốn vào ngôi chùa Mô Khuê ở Phượng Nhãn (nay thuộc huyện Yên Dũng, Bắc Giang). Quân lính đi lùng bắt, được dân cho biết “ông sư giả” này đang ẩn trong chùa đã được 11 ngày rồi. Lính kéo vào chùa “thấy một ông sư ngồi xếp bằng gõ mõ liền hỏi, Mạc Mậu Hợp đáp: "Bần tăng tu hành từ hồi còn trẻ tuổi ở am mây này, chén muối đĩa rau hàng ngày trai dưỡng, thắp hương thờ Phật, công đức chuyên làm. Thấy nhà sư ăn nói hoạt bát khiêm tốn, quân lính biết ngay là Mạc Mậu Hợp liền bắt giữ” ( Đại Việt thông sử). 
Sau đó Mạc Mậu Hợp bị đưa về Thăng Long treo sống 3 ngày, sau đó bị chém đầu tại bãi Bồ Đề (nay thuộc quận Long Biên, Hà Nội), thủ cấp bị đưa vào Thanh Hóa, hai mắt bị đóng rồi bêu ở ngoài chợ. 
Lê Thần Tông phải lấy bác dâu làm vợ
Cuộc đời của Lê Thần Tông, ông vua thứ 17 của nhà Hậu Lê có rất nhiều điểm đặc biệt như hai lần làm vua, có nhiều con làm vua nhất, có vợ là người phương Tây, có con nuôi là người phương Tây… Trong số những chuyện lạ về vua, có chuyện ông phải lấy bác dâu làm vợ.
 Tháng 5 năm Canh Ngọ (1630) chúa Trịnh Tráng đem con gái là Trịnh Thị Ngọc Trúc gả cho Lê Thần Tông, ép lập làm Hoàng hậu. Điều đáng nói, đây lại là bác dâu của vua, bà là vợ Cường quận công Lê Trụ, bác họ của Lê Thần Tông và đã có 4 con với ông này. Sử chép: “Khi ấy, Lê Trụ bị giam trong ngục. Vương đem Ngọc Trúc gả cho vua, vua lấy vào cung” (Đại Việt sử ký toàn thư). Thấy trái với luân thường đạo lý, triều thần ra sức can ngăn nhưng ở thời xã hội đảo điên, vua chỉ là bù nhìn mà thôi nên Lê Thần Tông vẫn phải cam chịu mà nói rằng: “Xong việc thì thôi, lấy gượng vậy” (Đại Việt sử ký toàn thư).
Minh Mạng bỏ trống ngôi Hoàng hậu vì giận vợ
 Nhiều người lầm tưởng rằng vua Minh Mạng đặt ra lệ “Tứ bất” là không lập Hoàng hậu, không lập Thái tử, không phong lấy tể tướng, không lấy Trạng nguyên (có sách chép là không phong vương). Thế nhưng không hề có văn bản nào quy định về điều này.
Riêng về trường hợp không lập Hoàng hậu, không phải vì Minh Mạng lo ngại thế lực bên họ hàng của Hoàng hậu can thiệp vào chính sự, lũng loạn triều chính mà lý do là vì vua giận vợ. Sách Quốc sử di biên cho biết như sau: “Chính cung húy là Kiều, con gái Doanh tượng quan… Đệ nhị cung tên húy là Hinh, con gái Lê Tông Chất… Có lần vua hơi se mình, chính cung cùng đệ nhị cung cùng đi cầu đảo ở chùa Thiên Mạc. Nhị cung nói rằng: Nếu phải tội với trời thì không cầu đảo vào đâu được. Đến lúc vua khỏi, chính cung đem câu nói ấy tâu với vua. Vua giận lắm, cho nên ngôi hoàng hậu vẫn để trống, bàn mãi không quyết định được”.
Đinh Tiên Hoàng bị giết hại thế nào?
Sau khi dẹp được “loạn 12 sứ quân”, Đinh Tiên Hoàng, người động Hoa Lư, châu Đại Hoàng (nay là Hoa Lư, Ninh Bình), lên ngôi hoàng đế, lập ra nhà Đinh. 
Vào một đêm mùa đông của tháng 10 năm Kỷ Mão (979) Đinh Tiên Hoàng sau yến tiệc, say rượu nằm ngủ ngay giữa sân cung đình. Một viên quan hầu cận là Đỗ Thích vốn nuôi sẵn ý đồ thoán đoạt đã lẻn vào giết chết ông. Sử sách không cho biết rõ Đỗ Thích giết hại vua như thế nào mà chỉ chép ngắn gọn rằng: “Mùa đông, tháng 10, Chi hậu nội nhân là Đỗ Thích giết vua ở sân cung đình… Nhân vua ăn yến ban đêm, say nằm ở trong sân, Thích bèn giết, lại giết cả Nam Việt vương Liễn” (Đại Việt sử ký toàn thư).
Theo dã sử và giai thoại ở Hoa Lư thì Đinh Tiên Hoàng bị đầu độc, trước đây Đỗ Thích xuất thân thấp hèn nhưng vì có công cứu vua thoát nạn trong một trận đánh thời dẹp loạn 12 sứ quân nên sau khi nên ngôi, Đinh Tiên Hoàng đã cho Đỗ Thích làm Chi hậu nội nhân lo việc phục vụ ăn nghỉ của vua. Vì biết Đinh Tiên Hoàng sinh thời thích ăn lòng lợn nên khi cho rằng thời cơ cướp ngôi đã đến, Đỗ Thích dâng lên vua một đĩa lòng lợn rất ngon có tẩm thuốc độc cực mạnh, vua ăn xong trúng độc mà mất. Chính vì câu chuyện này mà từ đó đến ngày nay, tại Hoa Lư, vào ngày giỗ Đinh Tiên Hoàng, khi mổ trâu, bò, dê, lợn làm lễ cúng, tất cả lòng đều bỏ đi, không dùng làm cỗ. Đó là tục kị nhắc đến món lòng tẩm thuốc độc đã làm hại vua.
Tên tục của một số vị vua
Theo quan niệm dân gian, tên tục là tên do cha mẹ đặt lúc mới sinh, chỉ gọi lúc còn bé, thường dùng từ Nôm xấu xí, tuy nhiên cũng có tên không phải là quá xấu. Sử liệu, dã sử cũng cho biết tên tục của một số vị vua nước ta.
Ví như Mai Hắc Đế tên hồi nhỏ là Phượng (một loài chim), vua Trần Thái Tông xuất thân từ gia đình làm nghề chài lưới nên có tên tục là Lành Canh (một loài cá), Lê Chiêu Tông có tên tục là Huệ (một loài hoa).
Khi sinh vua Lê Hy Tông, mẹ ông bị ghẻ lạnh. Bà phải về quê ngoại sống như dân thường, phải mò cua, bắt ốc, hến để kiếm sống và đã đặt tên con là Cáp (nghĩa là con hến), khi lên làm vua, Lê Duy Cáp mới đổi tên là Lê Duy Hiệp. Vua Quang Trung hồi nhỏ tên là Thơm (nghĩa là mùi hương) còn đối thủ của ông sau này lập ra nhà Nguyễn là vua Gia Long có tên tục là Noãn (trứng). Hoàng tộc nhà Nguyễn có lệ gọi cả con trai, con gái đều là mụ (mệ) cho dễ nuôi vì thế các vua hồi nhỏ đều có tên tục, như vua Dục Đức lúc nhỏ được gọi là mệ Tríu, vua Hiệp Hòa là mệ Mến, vua Bảo Đại là mệ Vững…
Vua lấy nô tỳ làm vợ:
Những người được chọn làm vợ vua hầu hết đều xuất thân từ gia đình cao quý, con cháu quan lại, một số người từ tầng lớp dân thường do may mắn mà một bước lên bậc phi tần, vương hậu. Tuy nhiên vì những cơ duyên đặc biệt có phụ nữ ở thân phận nô tỳ, địa vị thấp hèn nhất trong xã hội nhưng lại trở thành vợ vua. Người thứ nhất là bà Nguyễn Thị Cẩn, vợ vua Lê Hiến Tông, bà quê ở Đông Ngàn (nay thuộc Bắc Ninh) vốn mồ côi, nghèo khổ phải đi làm người ở, sau bị bắt làm nô tỳ phục dịch trong cung, vì có sắc đẹp mà bà được vua Lê Hiến Tông lấy làm vợ, phong làm phi, bà chính là mẹ đẻ của vua Lê Uy Mục.
Người thứ hai là một bà phi họ Lê (không rõ tên), quê ở xã Sa Lung, châu Minh Linh (nay là huyện Vĩnh Linh, Quảng Trị) vì gia đình mắc tội, bị bắt làm nô tỳ nhưng xinh đẹp, rất thông minh nên được Lê Uy Mục đón vào cung phong làm phi. Sách Đại Việt thông sử cho biết bà “hầu như độc chiếm tình yêu của vua”.
Chuyện cha con vua Lê Hiến Tông, Lê Uy Mục đều lấy nô tỳ làm vợ thật là chuyện lạ hiếm thấy trong lịch sử Việt Nam.
Vua Minh Mạng hai lần bị người phương Tây ám sát
Là vị vua thứ 2 của nhà Nguyễn, khác với cha mình là vua Gia Long, Minh Mạng không mấy thiện cảm với người phương Tây do nghi ngại sự nhòm ngó với ý đồ xâm lược, bên cạnh đó những việc buôn bán thuốc phiện, truyền đạo Thiên chúa của người Tây càng khiến chính sách của vua với những người tóc vàng, mắt xanh gay gắt hơn.
Có lẽ vì thái độ này, đặc biệt là chủ trương cấm đạo của vua mà Minh Mạng trở thành đối tượng cần “loại trừ” của người phương Tây; không rõ có bao nhiêu âm mưu hãm hại vua, nhưng trong sách Quốc sử di biên cho biết một đại thần là Hà Tông Quyền đã 2 lần cứu ông thoát chết: “Lúc bấy giờ khách buôn Tây dương dâng áo gấm, giá đáng nghìn vàng. Quyền tâu nói rằng của lạ ngoại quốc không nên vội tin, xin cho tên tử tù hãy mặc thứ áo ấy. Khi tên tù mặc áo ấy, cài cúc vừa xong thì hỏa phát, áo cháy, tên tù bị chết cháy. Vua kinh hãi quá ban khen Quyền. Sau, lại có người nước Hoa Lang (Hà Lan) dâng một đôi cây sáp lớn vẽ tứ linh. Quyền tâu xin cắt ngang một cây ra, thấy có chứa đạn súng và thuốc hỏa mù. Vua càng lấy làm lạ về tài thực của Quyền”.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét