14/1/14

Khế ước, bổn phận, triết lý và đạo đức


 HUỲNH MAI
Văn hóa Nghệ An, Chủ nhật, 12 tháng 1 năm 20149
Trong luật, có những bổn phận phải đạt đến kết quả - obligation de résultats - và những bổn phận chỉ giới hạn giúp phương tiện chứ không bảo đảm kết quả nào hết - obligation de moyens .
Sự phân biệt hai loại bổn phận này vô cùng quan trọng cho các khế ước.
Khái niệm khế ước ?
Giữa hai người liên hệ trong xã hội, đại đa số là có một khế ước hay giao kèo với nhau.
Khế ước đó không cần phải thành văn. Khế ước ngầm, khế ước mặc định là đủ.
Có khế ước thì có vấn đề trách nhiệm phải hoàn tất những bổn phận của mình theo khế ước nếu không thì người đối diện có thể đi ... kiện ra tòa.
Thí dụ ?
. cha mẹ có giao kèo ngầm là phải nuôi con cho tới lúc trưởng thành. Con cái, sau đó có bổn phận hiếu thảo với hai bậc song thành và cưu mang hai bậc này khi họ già.
. thầy giáo có khế ước với trò là đưa chúng từ chỗ «dốt», «vô học» tới chỗ có «tri thức và nên người». Trong khế  ước này trò cũng có những bổn phận với thầy như kính nễ, nghe lời.
. tài xế xe bus có giao kèo với khách hàng là đưa họ từ điểm A tới điểm B bình an.
. bác sĩ có bổn phận chữa lành cho bệnh nhân.
. người bán hàng có khế ước giao cho người mua một món hàng nhất định với giá đã thỏa thuận.
Có những khế ước song phương – như những thí dụ ta vừa kể trên.
Có những khế ước đa phương – với nhiều người liên cang đến trong khế ước đó. Người quản lý hành chánh một làng một quận là đã «ký» khế ước với cấp bộ cao hơn để mang an bình trật tự cho dân ở địa hạt mình một cách tốt nhất – khái niệm công bộc -
Cũng có những khế ước đơn phương. Một người đứng ra nhận bổn phận cam kết mà không cần đối diện «sòng phẳng» thực hiện các bổn phận có thể đối với mình. Một bà nữ tu lo cho trẻ mồ côi là người ký giao kèo đơn phương lo lắng cho trẻ mà không cần đền bù chẳng hạn. Dĩ nhiên, ngay đến trong trường hợp này, bà cũng được một vài đền bù vì đền bù tinh thần cũng là đền bù.
Trong các xã hội công nghiệp, hệ thống luật lệ chặt chẽ, phần đông các khế ước là những khế ước thành văn.
Trên xe bus có dán «Điều kiện vận hành của giao kèo chuyên chở». Ở trường học thì có «Nội qui» mà giáo viên và cha mẹ học sinh đều phải ký nhận mỗi đầu năm học. Trong các nhà thương, khác một chút, vì khi một bệnh nhân nhập viện để được khẩn cứu thì ai có thì giờ ở đó mà lo đọc với ký khế ước. Nhưng nhà thương nào cũng đã có những giao kèo thuê việc hay bổ nhiệm với nhân viên, trong đó nhân viên phải tuân thủ thực thi bổn phận mà bệnh viện tự lảnh trách nhiệm với bệnh nhân,...
Giữa cha mẹ với con cái thì khế ước là những khế ước ngầm – nhưng không có ngầm hoàn toàn đâu vì có luật dân sự ấn định quyền lợi và bổn phận của các thành viên trong gia đình...
Khế ước là một khái niệm quan trọng. Đã là thành viên trong xã hội, ta có những bổn phận và quyền lợi. Jean-Jacques Rousseau đã viết về Khế ước xã hội - Le Contrat social – Rousseau thừa nhận là có người đi trị và có người bị trị nhưng cũng có một khế ước xã hội giữa hai tầng lớp này và dân đen cũng có ...quyền về chính trị. 
Trong các xã hội truyền thống, chữ «tín» là một chữ ai cũng nằm lòng, ta không cần giao kèo khế ước nhưng vua ra vua, dân ra dân và mọi người cố gắng làm tròn «đạo» của mình – Đó cũng là một loại khế ước rồi – khế ước ngầm, khế ước mặc định.
Nhiều khi ở nước  ta, giữa chủ và thợ không ký giao kèo nhưng ai cũng biết «của nào thì công nấy» nên sự «công bằng» trên thực tế vẫn được bảo vệ. Mỗi bên cố gắng làm tròn bổn phận của mình – thợ thì làm việc, chủ thì trả lương đàng hoàng, tương xứng với công việc của thợ. Cộng thêm vào chữ «tín» có chữ «tâm» và chữ «tình» nữa: tín cậy, yêu thương và đoàn kết với nhau.
Trong nhiều thập niên, trong xã hội Nhật bản, giữa chủ và thợ, tình trạng là như thế và nhờ đó kinh tế Nhật bản đã vùng dậy sau đổ nát của thế chiến thứ II dù đã bị những hậu quả cùng cực  của hai bom nguyên tử trên Hiroshima và Nagazaki.
Nhưng cuộc sống không lý tưởng, thần tiên, lãng mạng hay đạo đức đến như vậy. Càng ngày càng cần giao kèo minh bạch là như thế, ghi rõ bổn phận và quyền lợi của mọi bên để không ai đánh lừa hay bóc lột người đối diện trong khế ước.
Triết lý và đạo đức vẫn cần thiết.
Vì bổn phận của mỗi bên là bổn phận chỉ đưa ra phương tiện hay bổn phận đi đến kết quả ?
Một cách quá đáng nhưng cụ thể, bổn phận-phương tiện là loại :
. Tôi là bác sĩ, tôi đem hết cái «tài» của tôi ra giúp bệnh nhân, mà bệnh nhân chết thì tôi làm gì được ?
. Tôi là người quản lý, tôi quản lý thật nhưng ai không no cơm ấm áo thì  tôi không trách nhiệm. «Muôn sự tại nhân thành sự tại thiên» mà.
. Tôi đi dạy, nhưng học trò không giỏi là lỗi ở học trò.
. Tôi lái xe bus đưa khách, xe xuống vực, khách chết là vì tai nạn đấy thôi. 
. Tôi nuôi con, lo cho nó được ăn no mặc ấm, nhưng nếu nó thành côn đồ du đảng thì đâu phải vì tôi !
Theo luật ở phương Tây, một số trách nhiệm vừa kể một cách quá đáng ở trên nằm trong trách nhiệm hay bổn phận phải đi đến kết quả:
. Người quản lý mà không mưu cầu được no cơm ấm áo cho dân là không làm tròn bỗn phận của mình, lần sau, dân sẽ không bầu cho họ nữa.
. Cha mẹ mà không giáo dục con thành người mà lại thành du đảng khi còn vị thành niên, cha mẹ sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
. Thầy giáo không làm tốt việc dạy dỗ học trò sẽ bị chế tài.
. Dù là do tai nạn, xe bus lao xuống vực, tài xế vẫn phải chịu trách nhiệm – vì khi mua vé, hành khách trả tiền để đi tới chỗ đến bình an. Các hãng bus phải mua bảo hiễm để đền bù cho nạn nhân, khi gặp tai nạn là thế.
. Bổn phận của bác sĩ thì tế nhị hơn. Nếu thất bại trong quá trình chữa bệnh cho «khách hàng», bác sĩ đã mang hết tài sức của mình và đã không phạm lỗi nặng thì đồng ý, không phải chịu trách nhiệm. Nhưng phải chứng minh là đã hoàn tất hai điều kiện vừa nêu. Mỗi bác sĩ cũng phải mua bảo hiểm trách nhiệm cũng là vì thế !   
Những rõ ràng minh bạch như thế làm cho các liên hệ xã hội yên ổn hơn và để cho dân tình được bảo vệ nếu có  rủi ro nào đó xảy ra.
Xã hội nào cũng cần định nghĩa các bổn phận phải đi đến kết quả cho một số công việc có liên quan đến hạnh phúc và an bình xã hội./.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét