23/1/14

Giáo sư Nguyễn Lân Dũng: Làm thầy - là một nghiệp đúng hơn là một nghề


PV: Thưa GS, mỗi độ xuân về, hẳn ông rất nhiều cảm xúc ?
Giáo sư Nguyễn Lân Dũng: Tôi bắt đầu tham gia giảng dạy từ năm 1956, đến nay đã hơn nửa thế kỷ. Mỗi độ Xuân về đều rất vui và cảm động. Nhiều thế hệ học sinh họ vẫn đến với tôi, gọi điện, đến thăm và chúc mừng. Cả 8 anh em tôi đều làm nghề thầy, hoặc thầy giáo hoặc thầy thuốc, làm thầy thuốc nhưng vẫn là thầy giáo vì họ giảng dạy ở trường Y. Sở dĩ chúng tôi có truyền thống đó là bắt nguồn từ bố tôi, GS-NGND Nguyễn Lân. Cụ là người cả đời gắn bó với nghề giáo. Đó là tấm gương đối với 8 anh em chúng tôi, không chỉ ở lòng yêu nghề mà còn ở trách nhiệm đối với nghề.
Ngay từ đầu cách mạng tháng 8, cụ đã được cử làm Giám đốc học chính Trung Bộ. Sau đó. lên Việt Bắc tham gia kháng chiến cụ được cử làm Giám đốc giáo dục liên khu 10, rồi làm Giám đốc giáo dục liên khu Việt Bắc. Những năm kháng chiến khó khăn như thế, không lương, chỉ có 53kg gạo, nhưng cụ vẫn phải dành 20 kg để đi kinh lý các trường. Tôi rất nhớ hình ảnh cụ trên chiếc xe đạp Sterling thường xuyên đạp tới các trường. Tôi cũng không thể hình dung nổi là Việt Bắc rộng lớn như thế, nhưng cụ vẫn rong ruổi để kiểm tra, đôn đốc sự nghiệp giáo dục. Tôi là thế hệ học sinh kháng chiến, mặc dù chỉ với ngọn đèn tự tạo tù mù (học bài vào buổi đêm, ban ngày không học vì có máy bay), nhưng thầy và trò đều nghiêm túc học hành. Thi cử vô cùng tự giác . Thời đó không có chuyện quay cóp, phao phiếc, vì thầy nghiêm túc thì trò sẽ nghiêm túc. Kỷ niệm đó đối với chúng tôi rất lớn, vì với 23 kg gạo còn lại, mẹ và chị chúng tôi đã rất vất vả làm thêm để nuôi cả đàn em nên người.

PV: Trong ký ức của mình, hẳn ông không thể quên những thầy cô của mình ?
Giáo sư Nguyễn Lân Dũng: Sau năm 1951, bố tôi được cử sang Khu học xá Trung ương (Nam Ninh,Trung Quốc), cả gia đình được sang theo. Đó là thời kỳ hạnh phúc với tôi về giáo dục. Bác Hồ nhìn xa trông rộng, nghĩ là phải đào tạo cán bộ cho tương lai nên đã tập trung tất cả các thầy giáo giỏi sang đó để đào tạo hàng ngàn thanh thiếu niên với sự hỗ trợ của Chính phủ và nhân dân Trung Quốc. Lớp 7E chúng tôi ngày đó, dù cách đây đã trên 60 năm nhưng bây giờ vẫn họp mặt thường xuyên – nhiều Giáo sư thành danh như Hồ Ngọc Đại, Tương Lai, Kiều Thu Hoạch, Quốc Hùng, Phúc Phong..., nhiều Hiệu trưởng, nhiều thầy giáo giỏi, có cả đạo diễn Long Vân, Phó chủ tịch Hội Phụ nữ VN Vương Thị Hanh... Tất cả đều thành đạt. Vì sao? Vì chúng tôi đã được học hành nghiêm chỉnh với những thầy giáo quá giỏi, quá mẫu mực. Ngau từ lớp 7 mà chúng tôi đã được học các thày Hoàng Tụy , thầy Hoàng Như Mai , thầy Lê Bá Thảo , thầy Trần Văn Khang, thầy Trần Văn Giáp.., họa sĩ Nguyễn Khang, nhạc sĩ Nguyễn Hữu Hiếu... Các thầy không chỉ giỏi mà còn rất nghiêm túc. Chính những tấm gương của các thầy đã khiến chúng tôi say mê học tập. Tất cả chúng tôi vươn lên bằng tinh thần tự học, noi gương của các thầy để học. 
Năm 1954, khi về nước, tôi không được đi dạy ngay vì ít tuổi quá. Tôi được học tiếp ĐH Sư phạm và tốt nghiệp năm 18 tuổi (cùng tuổi với bạn Nguyễn Văn Hiệu). Tôi tham gia dạy ở ĐH Tổng hợp từ Khóa I cho đến tận lúc về hưu. Bố tôi trong Hồi ký rất nhớ đến các thầy giáo cũ, bản thân tôi cũng thế, không bao giờ quên được các thầy cô giáo cũ của mình. Khi vào ĐH, chúng tôi đâu có được nhiều thày cô như các em bây giờ, chúng tôi chỉ được học có mấy thầy Dương Hữu Thời, Lê Khả Kế, Đào Văn Tiến, Nguyễn Văn Chiển, Lê Quang Long.. Các thầy khi đó không biết dạy bằng gì vì hòa bình mới lập lại. Nhưng các thày đã nêu tấm gương sáng bằng cách tự học cấp tốc tiếng Nga qua cuốn Le Russe bằng tiếng Pháp. Các thầy đã dùng sách giáo khoa Đại học của Nga để dạy cho chúng tôi. Tấm gương đó buộc chúng tôi phải lao vào học ngoại ngữ bên cạnh các môn chuyên ngành. Hồi đó học hành khó khăn lắm nhưng có lẽ chất lượng còn hơn bây giờ, chẳng hạn khi học môn Hóa học thầy Cát đưa cho mỗi đứa 1 bình tam giác chứa một dung dịch cùng một loạt thuốc thử. Chúng tôi phải tự làm các thí nghiệm để trả lời xem trong đó có những nguyên tố gì ? Hay như khi thi Thực vật học, thầy Thời để lên bàn cho mỗi đứa 10 cây có hoa và bắt trả lời đó là cây gì. Phải là bằng tên La tinh là gì, và chỉ rõ thuộc chi gì, họ gì, bộ gì, ngành gì (!). Đấy là chưa kể mỗi ngày phải đi bộ 4 lần từ Việt Nam học xá (khu vực ĐH Bách khoa bây giờ) lên trường ở tận 19 Lê Thánh Tông. Bây giờ đi bộ 1 lần chắc...cũng khó ! 
PV: Nghề giáo là nghề thiêng liêng, được cả xã hội trân trọng. Nhưng có vẻ như ngày xưa ông thầy được xã hội tôn kính hơn là bây giờ ?
Giáo sư Nguyễn Lân Dũng: Sự nghiệp giáo dục quan trọng ở ông thầy. Truyền thống tôn sư trọng đạo là truyền thống của cả dân tộc. Người thầy ngày xưa gắn bó với học trò, trò có nên người là do thầy. Thầy đâu chỉ dạy chữ mà còn rèn luyện nếp sống, tư cách, đạo đức cho từng học trò của mình. Truyền thống tôn sư trọng đạo là di sản rất quý của dân ta, ai cũng nhớ các câu Nhất tự vi sư, bán tự vi sư, Không thày đố mày làm nên. Tiên học lễ hậu học văn, Muốn sang thì bắc cầu Kiều, muốn con hay chữ phải yêu lấy thày...Cả xã hội tôn vinh kính trọng thày cô giáo. Bây giờ đã có hơn 1 triệu thày cô giáo. Hầu hết vẫn yêu nghề, yêu trẻ, nhưng một số đã tự đánh mất uy tín vì trình độ yếu kém và vì quá coi trọng đồng tiền nên mới xảy ra tình trạng dạy thêm tràn lan (dạy chính khóa là phụ, dạy thêm mới là chính !). Rồi đây đó còn hiện tượng Thày đánh trò (vi phạm Luật Giáo dục, Công ước về quyền trẻ em) thậm chí còn có cả hiện tượng Trò đánh Thày (!). Chuyện dạy thêm tràn lan, xin điểm, cho quay cóp trong thi cử ... làm cho học sinh và phụ huynh đã coi thường cả thầy cô lần nghề thầy.
Bởi thế cho nên người thầy phải được xã hội tôn trọng, mà muốn có được như vậy thì trước hết thày cô phải cố gắng nâng cao trình độ và kỹ năng giảng dạy, mặt khác trong tư cách , đạọ đức, tạo thành những tấm gương sáng cho các thế hệ học sinh.
PV: Đời sống của người giáo viên vẫn rất khó khăn. Đã có những câu chuyện tưởng như không hồi kết về việc này. Theo GS, Nhà nước phải chăm lo cho giáo viên như thế nào ?
Giáo sư Nguyễn Lân Dũng: Hiện nay đã có hơn 1 triệu thầy cô giáo. Phần lớn vẫn còn rất khó khăn trong cuộc sống nhất là các thày cô đang giảng dạy ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Ngay các thày đang dạy ở bậc Đại học cũng vẫn có đồng lương quá thấp. Nhà nước cũng đã có ưu tiên bằng phụ cấp đứng lớp, đâu phải ngành nào cũng có những phụ cấp tương tự. Chính vì vậy trừ một ít thầy cô giáo thực sự giỏi giang có thể đáp ứng nhu cầu dạy thêm cho các đối tượng thực sự có nhu cầu và tự giác xin học thêm (vì quá kém hoặc quá giỏi) còn thì cũng như mọi cán bộ ăn lương ngân sách khác, các thày cô phải làm thêm bằng mọi cách, không nhất thiết là dạy thêm. 
PV: Giáo viên về cơ bản chỉ có thể làm thêm bằng cách dạy thêm thôi. Mà xã hội lại đang hiểu khác nhau về việc này ?
Giáo sư Nguyễn Lân Dũng: Khó khăn là không phải ai cũng làm thêm được nhiều việc khác. Vì thế, giáo viên chỉ còn cách dạy thêm là dễ nhất. Vậy dạy thêm đúng hay sai ? Theo tôi, dạy thêm không sai, nhưng dạy thêm như hiện nay là sai. Dạy thêm phải có 2 điều kiện: thầy phải giỏi và trò cần học. Học sinh nào cần học ? Có 2 loại: học sinh kém (nếu không học thêm thì mất cơ bản) và học sinh giỏi (các em muốn thi vào các trường có điểm chuẩn quá cao). Dạy thêm sai là dạy thêm tràn lan, dạy cả lớp dù với hình thức bảo các phụ huynh viết đơn tự nguyện, dạy thêm cả những phần chính mà trong giờ chính khóa không dạy, dạy thêm cả những môn học sinh không có nhu cầu, dạy thêm với học phí quá sức đóng góp của nhiều gia đình, phân biệt đối xử với các em không muốn hay không có điều kiện kinh tế để học thêm... Đây là điều làm ảnh hưởng đến cái uy, cái đạo đức người thầy. Một khi ông thầy đã mấy đi cái uy, mất đi lòng tự trọng thì làm sao có được sự thương yêu kính trọng thật sự của các thế hệ học sinh ?
PV: Về phía xã hội, có thể chăm lo cho thầy cô giáo bằng cách nào ?
Giáo sư Nguyễn Lân Dũng: Tôi rất mong bố mẹ học sinh tôn trọng thầy giáo. Nếu có thể hãy giúp thầy cô giáo bằng cách khác, ví dụ tạo việc làm thêm ngoài giờ cho giáo viên. Đừng để thầy nhận tiền, vì nhận tiền thì giống như thầy đi dạy thuê vậy. Các thày cô giáo ở nông thôn nên tham gia vào việc đổi mới kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi để vừa cải thiện cho mình vừa làm mô hình cho gia đình các học sinh. Ở thành phố thì khó hơn nhưng không phải đành bó tay. Cần giáo dục con em mình phải kính trọng thầy cô như truyền thống lâu đời của cả dân tộc ta. Và phải cố gắng chăm chỉ học tập, giữ gìn kỷ cương và đạo đức, tư cách để làm thầy cô vui lòng và vượt qua những khó khăn về vật chất để chăm lo hết mình cho sự nghiệp "Trồng Người"
Về đời sống, mỗi người một cảnh. Không phải môn nào học sinh cũng có nguyện vọng học thêm. Quan trọng hơn, đã vào nghề này thì nên coi đây là một Nghiệp, chứ không chỉ là một Nghề. Chữ Nghề là việc làm để kiếm sống, còn chữ Nghiệp là chữ mang ý nghĩa rất thiêng liêng, đem lại vinh quang cho sự nghiệp làm thầy, dù nghèo nhưng rất đáng tự hào nếu mình hoàn thành tốt nhiệm vụ. Đó mới là nguồn động viên lớn lao đối với các thầy cô giáo.
Nhà nước cũng không thể ưu đãi quá mức. Tôi về quê tôi ở huyện Mỹ Hào, Hưng Yên, ông Bí thư huyện ủy kể một chuyện khiến tôi rất cảm động. Ông ấy bảo “Sắp Tết tôi lo lắm. Lo làm sao mỗi thầy cô giáo có một chút quà Tết”, tôi hỏi “Anh cần bao nhiêu”, ông ấy bảo: "Cố gắng để tặng mỗi thầy cô 100.000 ngàn đồng”. Có mỗi 100.000 đồng thì ăn Tết được gì, nhưng một huyện có 1000 giáo viên thì ông Bí thư phải lo cho có được 100 triệu đồng. Đối với một huyện nghèo đây cũng không hề là chuyện đơn giản. Có nhiều huyện còn có tới 2000 - 3000 giáo viên. Với 100.000 đồng tuy quá ít, nhưng đó là động viên rất lớn từ phía chính quyền. Tiền bạc không có ý nghĩa gì nhiều lắm, tấm lòng của chính quyền, của nhân dân, của phụ huynh và của tất cả học sinh mới là phần thưởng vô giá đối với công ơn của đội ngũ hơn 1 triệu thày cô giáo các cấp trong cả nước.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét