5/1/14

Chính quyền đô thị và những câu hỏi khó



Theo Văn hóa Nghệ An, ngày Thứ bảy, 04 Tháng 01 năm 2014

Các đô thị cổ đại có từ cách đây hàng ngàn năm; nhưng, cách tổ chức đô thị với những nguyên tắc không thể thay đổi thực sự bắt đầu hình thành từ thế kỷ XI, XII – với sự ra đời của các thành thị Tây Âu thời Trung đại...
Những nguyên tắc không thể dễ... cho qua !
Nói đến quy hoạch (hay “bộ mặt” tổng thể) của một đô thị, chúng ta đều nghĩ ngay đến cái bàn cờ. “Quy tắc bàn cờ” là cái nền, trục của mọi đô thị mà xoay quanh nó là những điều dễ dàng khẳng định: Các ô vuông (khu dân cư, công nghiệp...) được tổ chức, xây dựng trên những con đường thẳng, phản ánh tính hiệu quả, tiết kiệm, sự mạch lạc, rõ ràng của một đô thị hiện đại.
Quy tắc tiếp theo là sự đồng bộ. Không phải ngẫu nhiên mà Hà Nội từ thuở xa xưa đã có phố Hàng Thùng, Hàng Trống, Hàng Khay... 36 phố phường của thủ đô xưa đã chứng minh rất rõ rằng cha ông ta đã lĩnh hội được sự đồng bộ của quy hoạch – thậm chí có quyền nói là không thua kém bất kỳ một đô thị xa xưa nào! Ai dám nói cái văn minh nông nghiệp lúa nước luôn chỉ có tiểu nông, tủn mủn, chắp vá? Chính cái kém cỏi, thiếu tầm nhìn, học không đến nơi đến chốn của không ít cán bộ thời nay đã bị hội chứng của văn hóa đổ lỗi, đổ thừa cho...truyền thống!
Tiết kiệm (thời gian và của cải) là một trong những ưu tiên của mọi chính quyền đô thị. Đồng ý là sống ở trên đời ai cũng phải tiết kiệm nhưng ở các đô thị, tiết kiệm nhiều khi liên quan đến cả chuyện sống còn. Ví dụ, nếu không biết cách tiết kiệm sử dụng năng lượng thì thành phố sẽ nóng bức hơn, ô nhiễm nhiều hơn, môi trường sống trở nên ngột ngạt hơn, đau ốm, nhiều, tuổi thọ giảm...
Trình độ - ở đây muốn nói đến cả trình độ quản lý, tổ chức lẫn trình độ sống hay nói cụ thể hơn là văn hóa đô thị. Các nhà quản lý kém đưa ra những sai lầm tưởng chừng như chuyện nhỏ nhưng hàng ngàn cái sai sót ấy, tích tụ qua thời gian sẽ hủy hoại cả văn hóa sống, làm cho cảnh quan, cấu trúc đô thị bị phá vỡ...
Nguyên tắc quan trọng cuối cùng của một đô thị tiên tiến chính là mối liên quan chặt chẽ giữa chính quyền đô thị (địa phương) với chính quyền trung ương. Ở đây muốn nhấn mạnh rằng một đô thị dù có năng lực tổ chức tốt đến đâu đi nữa nhưng nếu không có đủ quyền hạn, thiếu tự chủ, luôn phụ thuộc vào các chính sách chắp vá thì không thể hoạt động tốt được.

Không thể bình mới mà rượu chẳng mới
Khi quan sát những dấu ấn, thành tựu của một nền văn minh, kiến trúc luôn là tiêu chí đầu tiên để làm nên cái hồn, cái cốt cách văn hóa của nó. Chẳng hạn như kiến trúc La Mã, kiến trúc Hy Lạp; hay cụ thể hơn, công viên kiểu Pháp hay kiểu Anh... Theo cách hiểu này, chúng ta buộc phải nhận chân một sự thật là quy hoạch đô thị của ta, thiếu đồng bộ, lôm nhôm, thiếu hẳn tầm nhìn xa nên nó chẳng giống ai. Chẳng lẽ phải định nghĩa tư tưởng kiến trúc của ta là “tư tưởng kiến trúc XHCN thời bao cấp”? Đừng nghĩ rằng chuyện xây dựng nhà cửa, cầu cống, cốt nền... ít liên quan đến chính quyền đô thị mà thật ra là ngược lại. Sự luộm thuộm của xây dựng, kiến trúc sẽ dẫn đến sự phá hỏng cái tư duy đô thị hóa.
Đồng bộ cũng đồng nghĩa với một bộ máy quản lý thống nhất, dưới quyền của một thị trưởng có quyền lực thực sự cùng một đội ngũ tham mưu hội đủ những năng lực cần thiết. Làm sao có thể có sự đồng bộ nếu cứ ban hành văn bản theo cung cách cộng điểm cho mẹ VN anh hùng hay phạt hai triệu đồng nếu vợ chồng chì chiết nhau?...
Nguyên tắc bàn cờ (như đã nói ở trên) gắn liền với tính có hiệu quả và không lãng phí. Có một câu chuyện thực như đùa, cười ra nước mắt. Trên đường đi công tác từ Hậu Giang về Sóc Trăng cách đây mấy năm, lúc chờ xe ở Ngã Ba Cái Tắt, tôi thấy công nhân đang lấp đường sau khi lấp cái gì đó. Một tuần sau, trong chuyến đi ngược lại, tôi lại đứng chờ xe về Hậu Giang và thấy công nhân đang đào dây điện lên. Tôi hỏi, vì sao mới lấp đó đã đào lên rồi? Bác công nhân tưởng tôi là người sao Hỏa, thủng thẳng: “Anh là trí thức phải không? Chẳng trách gì anh hổng biết. Nếu không làm thế chúng tôi lấy gì để ăn”?
Câu chuyện trên chỉ là hạt bụi nhỏ trên cả 2000km đường Bắc – Nam đầy bụi bặm của sự tắc trách, lãng phí mà báo chí đã tốn vô số giấy mực.
Trình độ năng lực của cán bộ ta hiện nay là một nan đề, khiến cho mọi ý tưởng cải cách vẫn chỉ là trị sâu đục thân từ ngọn. Làm sao có thể có một chính quyền đô thị khi có đến 30% cán bộ dù có hay không, mọi chuyện vẫn bình thường? Câu chuyện mới đây ở Quảng Bình thật đáng xa xót: Đích thân Bí thư Tỉnh ủy đến các quán café để xem trong giờ làm việc có bao nhiêu cán bộ rong chơi(!) Những cuộc tranh cãi chính quy – tại chức, tiêu chuẩn của tài năng vẫn chỉ là hỏa mù bởi không có một bộ máy nào có thể tạo nên sản phẩm tốt nếu 30% cấu tạo của nó là những vít ốc thừa.
Quan hệ, quyền hạn, trách nhiệm giữa trung ương và địa phương là điều nên (và phải) đi trước. Làm sao có thể có chính quyền đô thị khi một cán bộ ở thác Datanla (Đà Lạt, ngày 6.6.2013) phàn nàn rằng bãi giữ xe chật quá, nhưng nếu muốn chặt mấy cây thông để có đất mở rộng, thì phải chờ... ý kiến của Trung ương(?)
Nói như thế để thấy rằng việc Chính phủ khai phóng, mở đường về chính sách cụ thể quan trọng hơn, thiết thực hơn nhiều so với sự định hướng hay dự án thí điểm.
Chính quyền đô thị không chỉ là sự mở đường, tạo động lực, tạo kích thích cho công cuộc phát triển mà đây là đòi hỏi bức thiết của yêu cầu công nghiệp hóa. Làm sao năm 2020-2030 có thể trở thành một nước công nghiệp nếu cho đến tận bây giờ mọi sự thay đổi đồng bộ, triệt để vẫn chỉ nằm ở giới hạn của sự thí điểm dè dặt?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét