2/10/15

THIÊN NHIÊN, CON NGƯỜI, MỘT THẾ GIỚI


TRẦN ĐĂNG KHOA
Một trong những sự kiện văn hóa thu hút sự chú ý của đông đảo nhân dân và bạn bè quốc tế trong tuần qua là chuyến thăm Việt Nam của Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa. Đức Pháp Vương là bậc lãnh đạo Truyền thừa Phật giáo Đại thừa – Kim cương thừa Drukpa. Ông cũng là nhà hoạt động xã hội thiện hạnh tích cực với các dự án, chương trình bảo vệ môi trường, di sản văn hóa trên phạm vi toàn cầu. Ông đã được nhiều quốc gia và tổ chức quốc tế vinh danh qua các giải thưởng cao quý: “Vì Mục Tiêu Phát Triển Thiên Niên Kỷ” của Liên Hiệp Quốc, cúp “Anh Hùng Xanh” của Tổng thống Ấn độ.
Đây là lần thứ 7 Đức Pháp Vương đến Việt Nam. Ông được nhiều người trên thế giới coi như vị Phật sống. Ông là một vị Phật tái thế. Sự “luân hồi” của vị Phật này xem ra cũng rất huyền bí và ly kỳ. Trước lúc viên tịch, vị Phật này đã báo trước ngày mình tái thế vào ngày nào, khoảnh khắc nào, ở địa điểm nào, và bậc sinh thành là ai. Và khi thông báo thế, bậc sinh thành còn chưa ra đời, có khi phải mãi nửa thế kỷ sau. Và đặc biệt, trước ngày Đức Phật giáng thế, 5 vị phó của dòng Truyền thừa phải cùng được báo mộng để tới đón. Và khi “cậu bé” – vị Phật ấy vừa tròn 5 tuổi, nghĩa là cái tuổi còn chưa biết chữ, một cuốn Kinh của Ngài đã được tháo ra, xếp lộn xộn giữa các trang để “cậu bé” xếp lại, nếu xếp đúng, rất chuẩn xác, Ngài mới được công nhận và được làm lễ đăng quang.

Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa là một người đặc biệt như thế. Ông đến Việt Nam lần này là lần thứ 7. Vào lúc 15:30 ngày 22 tháng 9 vừa qua, tại sân Văn Miếu Quốc Tử Giám đã diễn ra cuộc tọa đàm mang tên : THIÊN NHIÊN, CON NGƯỜI: MỘT THẾ GIỚI. Cuộc tọa đàm này do Hội Nhà văn Việt Nam và Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa cùng Tăng đoàn Truyền thừa Phật giáo Đại thừa - Kim cương thừa Drukpa tiến hành. Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đã có ba lần tiếp xúc và trợ duyên cho ông. Nội dung tọa đàm tại Văn Miếu Quốc Tử Giám lần này là về việc bảo vệ môi trường thiên nhiên và môi trường văn hóa, như thông điệp của Đức Pháp Vương: “ Chúng ta không chỉ cần thu nhặt rác thải, làm sạch môi trường mà còn cần thanh lọc, loại bỏ những ô nhiễm trong TÂM mình...”.
Còn nhớ chuyến thăm đầu tiên của Đức Pháp vương, cũng tại sân Văn Miếu Quốc Tử Giám này, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cũng đã hỏi ông một câu khá ấn tượng: “Thưa Đức Pháp Vương, tôi đang ngồi trước Ngài đây, tôi là một hiện hữu trước Ngài. Trong con người tôi có những phần tăm tối và những phần ánh sáng của đời sống này. Tôi cảm thấy có một con quỷ dục vọng nằm trong thân xác mình. Nó luôn luôn đi theo tôi, rủ rê tôi, thúc giục tôi, tìm cách làm cho tôi tăm tối để thực hiện những khát muốn của nó. Có lúc tôi đã đuổi được nó ra khỏi mình. Nhưng ngay sau đó nó lại trở về và lại tìm cách lôi kéo tôi. Và tôi nhận ra nếu một khi thân xác tôi còn hiện hữu trong đời sống này thì tôi luôn luôn phải đấu tranh chống lại con quỷ dục vọng đó. Tôi có một câu hỏi mà có thể mắc lỗi trước Ngài, rằng Ngài cũng có một thân xác như tôi, và trong thân xác ấy cũng có một con quỷ dục vọng, mặc dù trí tuệ, tâm hồn và lòng từ bi bên trong thân xác Ngài là mênh mông vô bờ bến. Vì thế, chắc chắn con quỷ dục vọng cũng làm những gì với Ngài như đã, đang và sẽ làm đối với tôi. Vậy Ngài tìm cách nào để trừ diệt hay cầm giữ nó? Câu trả lời của Ngài sẽ là nguồn sáng cho tôi, và cả những người khác nữa, những người đang ngày ngày phải kìm hãm và chạy trốn con quỷ dục vọng đó nhiều lúc đến tuyệt vọng?”.

Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa cũng đã có câu trả lời khá thú vị: “Tôi luôn tin rằng tôi giống như các bạn, chúng ta đều là anh chị em trong thế giới loài người. Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng tôi ở cấp độ cao cấp hơn các bạn. Chỉ có điều, tôi biết phương pháp để thực hành, chiến đấu với những tình cảm sâu ẩn trong lòng. Con người thế gian đều bị “con quỷ dục vọng” chi phối, kêu gọi, và rất khổ sở với nó. Dường như những con quỷ ấy hiện hình trong lòng tham lam, tật đố, ganh ghét, kiêu căng, chiến tranh, con quỷ ấy cuốn mình đi. Điểm khác biệt giữa tôi với các bạn chỉ là tôi đã có cách và tôi đang thực sự có phương tiện để chuyển hóa những tình cảm, dục vọng xấu thành thiện hơn, tốt hơn. Trong kiếp sống loài người, nếu không có dục vọng, tình cảm, thì con người không tồn tại được, không lớn lên được. Dục vọng và tình cảm không phải là xấu, mà vấn đề là làm thể nào để chuyển hóa, tự chủ được, chuyển hướng đi xấu, thành hướng đi lợi ích. Chúng ta không phải hủy diệt, đánh đuổi nó, chỉ cần chuyển hóa nó. Chúng tôi dùng những phương tiện thiện xảo để chuyển dục vọng thành đại ái, ước muốn đem đến tình thương cho mọi loài, ham muốn cá nhân thành ham muốn nhân loại. Người Việt Nam các bạn có tôn giáo nguyên thủy là đạo Phật, tôi khuyên các bạn hãy quay trở lại học tôn giáo gốc của mình, đưa vào thực hành chuyển hóa những giận hờn, tham lam, tật đố, ganh ghét, kiêu căng, oán hờn, gây khổ đau cho mình và cho mọi người, thành yêu thương, từ bi, để làm cuộc đời này an bình hơn, hạnh phúc hơn…”
Trong cuộc tọa đàm lần này tại Sân Văn Miếu Quốc Tử Giám với chủ đề bảo vệ môi trường, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cũng có một câu hỏi khá thú vị: “Con người từ một giây phút nào đó đã vứt rác ra môi trường, xả rác vào môi trường cho đến lúc cúi xuống nhặt rác có khi phải mất cả một thế kỷ. Bởi đó là một tiến trình của văn hóa. Ngài bình luận thế nào về vấn đề này?”

Thay cho lời bình luận, Đức Pháp Vương đã kể về những chuyến hành hương cùng Tăng đoàn của mình. Và cùng với mọi người trong tăng đoàn, ông đã tham gia nhặt rác ở rất nhiều quốc gia. Việc làm của ông có thể xem như một bài học trực quan, nhắc nhở mọi người đừng vứt rác làm ô nhiễm môi trường, “nhất là những loại rác thải như vỏ chai nhựa, túi ni lông phải hàng mấy trăm năm sau mới bị phân hủy”. Việc làm ấy cũng rất đẹp. Tuy nhiên, thay cho việc cụ thể thu nhặt rác thải như một anh cán bộ môi trường ở cấp phường, xã, và dù cố gắng thế nào cũng không thể nhặt xuể, bằng vai trò và uy tín đặc biệt của Ngài, chúng ta mong Đức Pháp Vương hãy giáo hóa để con người không xả rác ra môi trường. Hàng tấn tấn rác thải cũng rất bé nhỏ so với việc người ta còn xả rác lên cả vũ trụ. Cuộc chạy đua kinh tế trong phát triển nóng là hiệu ứng nhà kính, là khói bụi công nghiệp đã phá vỡ tầng ozon. Băng ở Bắc cực đang tan. Nhiều quốc gia sẽ bị dìm xuống biển. Gần đây Trung Quốc còn hút cát, phá hủy các thềm san hô để xây đảo nhân tạo, làm căn cứ quân sự ở Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam, có phải là tàn phá môi trường một cách tàn bạo nhất không? Ấy là chưa kể cuộc chay đua vũ trang ở nhiều quốc gia với vũ khí hạt nhân, một loại rác thải nguy hiểm nhất có đủ sức tàn phá hủy diệt gấp hàng ngàn lần cái hành tinh mỏng manh như hạt bụi vũ trụ này. Trong cuộc chiến tranh ấy sẽ không có người thắng trận. Chính con người đang tàn sát mình, hủy diệt đồng loại trên phạm vi toàn cầu mà không tự biết. Ngày tận thế sẽ đến bất cứ lúc nào bởi cả trái đất của chúng ta đã thành thùng thuốc nổ. Thứ rác thải ấy bao giờ mới bị phân hủy đây? Điều ấy mới kinh khủng nhất. Tôi có bài thơ viết ở Matsxcova những năm chín mươi, trong những ngày biến động kinh hoảng. Đã một phần tư thế kỷ qua rồi, nhưng nó vẫn nóng hổi bởi những vấn đề thời sự, những vấn đề mà Đức Pháp Vương đang quan tâm hôm nay.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét