2/10/15

7 BÀI HỌC LÀM NGƯỜI


 Theo Blog Nguyễn Lân Dũng
Đại sư Tinh Vân sinh ngày 22/7/1927 tại Giang Đô, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc. Năm lên 5 tuổi ngài bắt đầu ăn chay, đến năm 12 tuổi ngài xuất gia. Với tư chất thông minh lại thâm tín Phật pháp, chẳng bao lâu sau ngài tốt nghiệp Học viện Phật giáo Tiêu Sơn năm 1947. Đến năm 1967, Phật Quang Sơn (Đài Loan) ra đời dưới sự lãnh đạo của ngài. Từ đó đến nay Phật Quang Sơn ngày một phát triển về mọi mặt văn hóa, giáo dục, từ thiện…
Ngài đã thuyết giảng khắp nơi từ Đài Loan, đến các nước Đông Nam Á, qua châu Âu, châu Mỹ, từ chùa đến trường học, từ nhà tù đến trung tâm quân sự… Ngài đã và đang gắn kết hàng triệu trái tim của mọi giai tầng trong xã hội lại với nhau thông qua lời dạy của đức Phật. Ngài thành lập, xây dựng các trung tâm học viện Phật giáo, thư viện, nhà xuất bản… Ngài đã rất vĩ đại khi mang tinh hoa Phật giáo đến với cuộc đời bằng chính công trình xây dựng và hoằng dương chánh pháp. Thiết lập tông chỉ lấy văn hóa hoằng dương Phật pháp, lấy giáo dục bồi dưỡng nhân tài, lấy từ thiện để làm phúc lợi xã hội, lấy sự công tu để tịnh hóa nhân tâm.Danh dự và đạo đức của ngài đã được khẳng định trên toàn thế giới. Ngài lần lượt nhận được học vị tiến sĩ danh dự từ các trường: ĐH Đông Phương (Mỹ), ĐH St. Thomas (Chile), ĐH Chulalongkorn và Magude (Thái Lan), ĐH Dongguk (Hàn Quốc), ĐH Griffith (Úc), ĐH Whittier (Mỹ), ĐH Trung Sơn (Cao Hùng, Đài Loan)…

Đại sư Tinh Vân có một người đệ tử, sau khi tốt nghiệp đại học liền học thạc sĩ, rồi lại học tiến sĩ, sau nhiều năm đèn sách cuối cùng cũng đã hoàn thành luận án tiến sĩ nên vô cùng mừng vui.
Một hôm người đệ tử này trở về, thưa với Đại sư. Thưa thầy nay con đã có học vị tiến sĩ rồi, sau này con phải học những gì nữa? Ngài Tinh Vân bảo: Học làm người, học làm người là việc học suốt đời chẳng thể nào tốt nghiệp được.
Thứ nhất, “học nhận lỗi“
Con người thường không chịu nhận lỗi lầm về mình, tất cả mọi lỗi lầm đều đổ cho người khác, cho rằng bản thân mình mới đúng, thật ra không biết nhận lỗi chính là một lỗi lầm lớn.
Thứ hai, “học nhu hòa“
Răng người ta rất cứng, lưỡi người ta rất mềm, đi hết cuộc đời răng người ta lại rụng hết, nhưng lưỡi thì vẫn còn nguyên, cho nên cần phải học mềm mỏng, nhu hòa thì đời con người ta mới có thể tồn tại lâu dài được. Tâm nhu hòa là một tiến bộ lớn trong việc tu tập.
Thứ ba, “học nhẫn nhục“.
Thế gian này nếu nhẫn được một chút thì sóng yên bể lặng, lùi một bước biển rộng trời cao. Nhẫn, vạn sự được tiêu trừ. Nhẫn chính là biết xử sự, biết hóa giải, dùng trí tuệ và năng lực làm cho chuyện lớn hóa thành nhỏ, chuyện nhỏ hóa thành không.
Thứ tư, “học thấu hiểu“
Thiếu thấu hiểu nhau sẽ nảy sinh những thị phi, tranh chấp, hiểu lầm. Mọi người nên thấu hiểu thông cảm lẫn nhau, để giúp đỡ lẫn nhau. Không thông cảm lẫn nhau làm sao có thể hòa bình được?
Thứ năm, “học buông bỏ“
Cuộc đời như một chiếc vali, lúc cần thì xách lên, không cần dùng nữa thì đặt nó xuống, lúc cần đặt xuống thì lại không đặt xuống, giống như kéo một túi hành lý nặng nề không tự tại chút nào cả. Năm tháng cuộc đời có hạn, nhận lỗi, tôn trọng, bao dung, mới làm cho người ta chấp nhận mình, biết buông bỏ thì mới tự tại được!
Thứ sáu, “học cảm động”
Nhìn thấy ưu điểm của người khác chúng ta nên hoan hỷ, nhìn thấy điều không may của người khác nên cảm động. Cảm động là tâm thương yêu, tâm Bồ tát, tâm Bồ đề; trong cuộc đời mấy mươi năm của tôi, có rất nhiều câu chuyện, nhiều lời nói làm tôi cảm động, cho nên tôi cũng rất nỗ lực tìm cách làm cho người khác cảm động.
Thứ bảy, “học sinh tồn”

Để sinh tồn, chúng ta phải duy trì bảo vệ thân thể khỏe mạnh; thân thể khỏe mạnh không những có lợi cho bản thân, mà còn làm cho gia đình, bạn bè yên tâm, cho nên đó cũng là hành vi hiếu đễ với người thân.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét