8/8/15

Biển Đông” Hay “Biển Nam Trung Hoa

Hoàng Hữu Phước, MIB

Nhân đọc bài Biển Đông Hay Biển Nam Trung Hoa của Ông La Quang Trí trên Emotino
Bài viết Biển Đông Hay Biển Nam Trung Hoa đầy bức xúc của Ông La Quang Trí đăng ngày 21-7 vừa qua trên Emotino khiến tôi rất quan tâm và có nhiều điều muốn viết.
Thủa nhỏ, tôi thấy các bản đồ của Việt Nam Cộng Hòa trong các chương trình học của tôi từ tiểu học đến trung học ở đất Sài Gòn đều ghi là Biển Nam Hải, xuất phát từ cái tên South China Sea trên Atlas thế giới. Thật ra thì đã là tên thì vô nghĩa, tức là vượt qua tất cả các diễn giải mà tự điển có thể chú thích cho mỗi một từ, như tôi đã nói đến trong một bài viết trước đây khi liên hệ đến quốc gia Ivory Coast tức Cote d’Ivoire mà Việt Nam đã hoàn toàn sai khi dịch ra Bờ Biển Ngà, chẳng khác nào gọi nhà tỷ phú Mỹ Knickerbocker là Ngài Quần Đùi hay Ông Tà Lỏn vậy. Thế nên mặc cho các nhà trí thức của đám thực dân ngày xưa có đặt tên biển nọ là Indian Ocean cho vùng biển bao la từ Ấn Độ đến bờ biển Tây Úc và nếu có gọi là Ấn Độ Dương thì cũng không có việc Thái Lan, Myanmar, Pakistan, Indonesia, Úc, v.v, cùng mấy chục nước bờ phía Đông của lục địa Châu Phi sẽ bị Ấn Độ tuyên bố đường lưỡi khủng long chẳng hạn để chiếm đóng. Bọn chúng cũng đặt tên South China Sea cho vùng biển ta gọi là Biển Đông thì cũng chẳng sao, và ngay cả Philippines nếu sau này có thích gọi nó là Biển Tây vì nó ở phía Tây nước ấy cũng chẳng sao, vì South China Sea đã là tên gọi duy nhất từ xưa của giới xuất bản bản đồ.

Việt Nam Cộng Hòa cũng có khi gọi “Biển Nam Hải” là “Biển Đông Hải”, song ta hiện không thể dùng từ Hán Việt để gọi là Đông Hải vì nghĩa tiếng Anh của nó (East China Sea) đã được giới bản đồ dùng gọi vùng biển khác của Trung Quốc, phía dưới Biển Hoàng Hải (Yellow Sea) phía bờ Tây Hàn Quốc-Triều Tiên và thậm chí Biển Nhật Bản phía bờ Đông Hàn Quốc-Triều Tiên cũng có tên là East Sea tức Đông Hải nhưng không có chữ China. Vì vậy, ta cứ gọi là Biển Đông theo ý ta, và có thể bảo đó là cách gọi bằng tiếng Việt của cụm từ South China Sea, chứ đừng “tự ái dân tộc” rồi tự dịch sang tiếng Anh là East Sea vì sẽ “đụng hàng”. Không có bất kỳ một quy luật nào được con người đề ra để ấn định cách diễn nghĩa một tên riêng cả, thế nên chữ China có xuất hiện hay không cũng không vì thế mà phải dịch thành Trung Quốc, và South cũng không có nghĩa là phía Nam. South China Sea là South China Sea, hoặc South China Sea là Biển Đông. Phải chăng mấy đại gia Châu Âu thù ghét nước Nga của Sa Hoàng nên gọi thủ đô nước ấy tiếng Anh là Moscow và tiếng Pháp là Moscou trong khi danh chính ngôn thuận lẽ ra phải là Moskva cho đúng với phát âm của người Nga; song không vì vậy mà người Nga nổi nóng bảo sao lại gắn chữ cow là con bò cái vào tên thủ đô của họ, hoặc tại sao dân Pháp lại gọi là Mót Cu. Tất cả vì họ hiểu rằng đã là tên riêng thì ý nghĩa đen của từng thành tố không còn nữa.
Tương tự, các học giả thời thực dân đã gọi khu vực nước ta và các lân quốc là Indochina tức Bán Đảo Ấn-Trung, mà ta khéo léo gọi trong tiếng Việt là Đông Dương. Ngày nay ta không dùng từ Đông Dương, tức là vứt bỏ từ Indochina vì Indochina bao gồm 5 “nước”: Bắc Kỳ (Tonkin), Trung Kỳ (Annam), Nam Kỳ (Cochinchina), Campuchia, và Lào, tức vết hằn của một thời Việt Nam bị “chia để trị” cực kỳ thâm độc của thực dân Pháp. Điều này cho thấy Pháp khi gọi Đông Dương là Indochina còn Nam Kỳ là Cochinchina họ cũng đâu có màng đến việc từ China là Trung Quốc, mà chỉ đơn giản lấy Trung Quốc là một điểm mang tính mốc để định phương hướng cho các vùng khác mà thôi. Ta cũng nên nhường cho bọn Tàu nỗi sợ hãi với chứ, vì biết đâu rất nhiều người trong bọn chúng đang khóc thét lên rằng Việt Nam sẽ ngắm nghía nhòm ngó đất Tàu vì China là từ ngữ trước đây đã từng có trong tên gọi của “nước” Nam ta mà.
Nhưng kiểu gọi bãi biển ở Đà Nẳng là China Beach thì lại là vấn đề đáng bị lên án, không vì China có nghĩa là Trung Quốc mà vì một lý do khác. Thời chiến tranh, quân Mỹ và Úc gọi Bãi biển Mỹ Khê ở Đà Nẳng bằng một “nick name” là China Beach và cái tên này thành tựa đề một bộ phim truyền hình nhiều tập của đài ABC TV Hoa Kỳ phát sóng từ 1988 đến 1991. Nếu hiểu nickname chỉ là thứ tên đặt cho vui, hài hước, giễu cợt, hoặc để gọi với ác ý, thì người ta đã không khinh suất đến độ dùng China Beach để gọi bãi biển Đà Nẳng nghe rất đậm chất thất phu thất học thất nhân tâm xấu xa xấu xí xấu hoắc tầm bậy tầm bạ tầm phào đến như thế. Tôi chỉ đặt bút hiệu cho mình sao cho thật quý phái (Tannhauser Beowulf Thor), thật văn vẻ (Hải Thoại Lăng Tần), chứ ngay từ nhỏ đã thù ghét cái gọi là nickname cớt nhã của bọn nhóc Âu Mỹ, và tôi chỉ học tất tần tật các cái hay của Âu Mỹ trong văn chương, học thuật, tư cách và phong cách, còn với mấy trò nickname và sinh hoạt vớ vẩn (như halloween và “cá tháng tư”, v.v.) thì ném ban cho chúng cái nhếch mép cười khinh bỉ khinh miệt khinh khi. Ngay cả Ba tôi cũng đặt tên gọi ở nhà cho tôi là Hoàng Trọng rồi giải thích rằng Ông kỳ vọng tôi sẽ là người được trọng vọng, kính trọng, đồng thời đó cũng là một phần của tên Ông (Hoàng Trọng Cương). Và Hoàng Trọng tất nhiên không thể là một nickname mà chỉ là một “other name”. Tôi cũng dùng tên một vĩ nhân nước ngoài để làm tên gọi ở nhà cho con tôi; tất nhiên, đó không phải là một nickname.
Du lịch lữ hành là ngành cao cấp của văn hóa; do đó, nhất thiết phải do những con người trí hóa cao phục vụ. Tháng trước công tác tại một nước nọ, tôi thấy có hướng dẫn viên bô bô to họng nói tiếng Việt với đoàn du khách Việt về việc vùng đất ấy của người ta mà tổ tiên Việt chiếm đóng, và tôi chỉ muốn vung chiếc búa sấm sét của thần Thor kiêu dũng hay trường thương của anh hùng Beowulf dũng mãnh hoặc đóa hồng của hiệp sĩ Tannhauser tình tứ sẽ giáng vào đôi môi mọng đỏ của người nữ hướng dẫn viên du lịch mất dạy mất nết mất trí đó. Vì vậy, sự tức giận của Ông La Quang Trí rất chính đáng chính danh chính đạo, vì cái ngành du lịch lữ hành ấy đã dám giỡn mặt với Ông cùng những người đoan chính như Ông khi điềm nhiên gọi bãi biển Đà Nẵng là China Beach. China trong nickname không phải là Trung Quốc nên bọn Tàu nếu nói đó là bãi biển của chúng cũng không sao vì chúng điên dại điên rồ điên loạn. Nhưng người Việt “trí hóa” của ngành du lịch lữ hành Việt Nam mà lại dùng China Beach thì đúng là đại ngu si đại ngốc nghếch vậy. E rằng các công ty du lịch lữ hành phải hoặc xé bỏ hết brochure cùng poster và in cái mới, hoặc cứ “vũ như cẩn” nhưng chịu khó bỏ tiền mua nhiều chén chai lọ bình sứ chất đầy bãi biển Đà Nẳng để chữa thẹn rằng “ấy là bãi biển sành sứ mờ, vì china có nghĩa là đồ sứ đấy ông Phước ạ, ông hãy về học lại tiếng Anh đi nhé!”.
Bài Viết Thêm
(Post ngày 22-8-2012 tại http://www.emotino.com/bai-viet/19671/viet-them)
Cũng nhân đọc lại bài “Nhân đọc bài Biển Đông hay Biển Nam Trung Hoa của Ông La Quang Trí” tôi thấy cần chú thích thêm một nhận xét sau.
Trong bài trên, tôi ghi rằng ta không thể gọi Biển Đông của ta là Đông Hải trong tiếng Việt hay East Sea trong tiếng Anh vì Đông Hải là tên gọi của biển East China Sea còn East Sea là tên của Biển Nhật Bản mà các tên tiếng Anh này do giới địa lý Âu Tây đã áp đặt từ lâu cho toàn thế giới sử dụng. Điều tôi muốn nói ở đây là giới học thuật Việt Nam đã hoàn toàn sai khi gọi East China Sea là Biển Hoa Đông theo kiểu dịch thuật mà các bạn có thể thấy đang được dùng nhan nhản trên báo chí. Tôi bảo sai vì nếu thế phải gọi South China Sea là … Biển Hoa Nam, sao lại là Biển Đông? Cả East China Sea và South China Sea đều do bọn thực dân Âu Tây đặt ra cho toàn nhân loại sử dụng cho đến ngày tận thế, do đó đã “dịch thuật” thì phải dịch cả hai, không dịch chỉ riêng có East China Sea rồi né South China Sea. Như tôi đã nói: đã là tên riêng thì không được dịch. Đó là nguyên tắc cơ bản của dịch thuật. Chỉ được hoặc để nguyên hoặc đặt tên mới theo ngôn ngữ của mình (thí dụ: Russia = Nga, USA = Hoa Kỳ = Mỹ, Spain = Tây Ban Nha,   Afghanistan = Afghanistan, Pakistan = Pakistan). Vì vậy, ta có quyền gọi và nhất thiết phải gọi như sau:
1- South China Sea = Biển Đông (hoặc cứ gọi là Biển Việt Nam)
2- East China Sea = Biển Đông Hải
3- East Sea = Biển Nhật Bản
Hỡi các nhà học thuật Việt Nam, đừng trổ tài dịch Quốc gia Cote d’Ivoire hay Ivory Coast thành Nước Bờ Biển Ngà; đừng trổ tài dịch East China Sea thành Biển Hoa Đông, để rồi mắc nghẹn đối với South China Sea. Xin hãy nhớ: đã là học thuật hàn lâm thì phải xử sự thật học thuật hàn lâm. Và theo học thuật hàn lâm, China là vô nghĩa trong tất cả tên gọi tiếng Anh mang tính lai ghép của địa dư.
Tất cả các nhu cầu sử dụng từ ngữ học thuật hàn lâm tế nhị có liên quan đến an nguy của tổ quốc và dân tộc Việt Nam, xin vui lòng kiểm tra lại bằng cách gởi thư đến tôi để được nhận những lời khuyên miễn phí.
Hoàng Hữu Phước, Thạc-sĩ Kinh-doanh Quốc-tế, nguyên giảng viên Anh văn các môn Lexicology, Composition, British & American Literature, British Civilization, Translation & Interpretation, Grammar, Speaking & Debating, và Business Contracts các trường Cao Đẳng Sư Phạm Tp HCM, Đại Học Ngoại Ngữ Hà Nội, Trung Tâm Điều Phối Đại Học Michigan, Trung Tâm Nghiên Cứu & Dịch Thuật Thành phố Hồ Chí Minh, các Trường Ngoại Ngữ của Sở Giáo Dục Thành phố Hồ Chí Minh, v.v.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét